Quyết định 18/2007/QĐ-UBND về Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hoà Bình
Số hiệu: 18/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình Người ký: Bùi Văn Tỉnh
Ngày ban hành: 14/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2007/QĐ-UBND

Hoà Bình, ngày 14 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HOÀ BÌNH.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03-12-2004;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29-11-2005; Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 03-4-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thẩm quyền quản lý cán bộ các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các Ban quản lý có tên gọi khác thuộc Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Thực hiện Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 07-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hoà Bình;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 481/SNV-TCCB ngày 25-6-2007; ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại báo cáo số 739/BC-STP ngày 11 tháng 7 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hoà Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hoà Bình căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- TT Tin học và Công báo;
- Lưu: VT, NC, KT1 (B. 95b).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Tỉnh

 

QUY ĐỊNH

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HOÀ BÌNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-UBND ngày 14-9-2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình)

I. Vị trí, chức năng:

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình, trực tiếp quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; chịu sự quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình, kế hoạch công tác của Uỷ ban nhân dân tỉnh; kinh phí hoạt động của Ban Quản lý do ngân sách nhà nước cấp.

II. Nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Tham gia ý kiến với các Sở, Ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Xây dựng Điều lệ Quản lý các khu công nghiệp, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp trên cơ sở quy định của Chính phủ, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Tổ chức xây dựng và quản lý quy hoạch chi tiết, tiến độ xây dựng, phát triển khu công nghiệp bao gồm: quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; tham gia phát triển công trình kết cấu hạ tầng ngoài khu công nghiệp liên quan và khu dân cư phục vụ cho công nhân lao động tại khu công nghiệp .

4. Đôn đốc kiểm tra chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, các đơn vị thi công ngoài hàng rào khu công nghiệp có liên quan để đảm bảo xây dựng và đưa vào hoạt động đồng bộ đúng quy hoạch và tiến độ được duyệt. Thực hiện xúc tiến, kêu gọi, vận động các nhà đầu tư vào khu công nghiệp.

5. Tiếp nhận Hồ sơ đăng ký đầu tư, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm tra và cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, bổ sung cho các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Thực hiện việc điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khi có đủ căn cứ do pháp luật quy định.

6. Kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, tiền lương, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái đối với các dự án trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

7. Giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong khu công nghiệp và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

8. Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện Giấy chứng nhận đầu tư, Đăng ký kinh doanh, hợp đồng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

9. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đào tạo nghề cho người lao động.

10. Quản lý, kiểm tra giám sát các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

11. Thỏa thuận với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp định giá thuê lại đất gắn liền với công trình kết cấu hạ tầng đã xây dựng, các loại phí dịch vụ theo đúng chế độ chính sách và pháp luật hiện hành.

12. Quản lý các hoạt động dịch vụ trong khu công nghiệp.

13. Được tham dự các phiên họp của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc hình thành xây dựng phát triển, quản lý khu công nghiệp và những công việc khác có liên quan.

14. Đánh giá hiệu quả đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo kết quả hoạt động đầu tư trong khu công nghiệp với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

15. Thực hiện các công việc khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

III. Tổ chức bộ máy và biên chế:

1. Ban quản lý có Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ giúp việc và các Tổ chức giúp việc.

1.1. Trưởng Ban do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm. Trưởng Ban chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chỉ đạo công tác phát triển các khu công nghiệp, tổ chức xúc tiến đầu tư, đảm bảo an ninh xây dựng và xử lý các mối quan hệ với các cấp, các ngành và lĩnh vực quản lý các khu công nghiệp.

1.2. Các Phó trưởng Ban do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng Ban và Giám đốc Sở Nội vụ. Các Phó trưởng Ban chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng Ban về lĩnh vực được phân công phụ trách;

2. Tổ chức giúp việc gồm có:

- Văn phòng;

- Phòng Xúc tiến đầu tư;

- Phòng Quản lý Quy hoạch - Môi trường và đất đai.

Các phòng có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ giúp việc; chức năng, nhiệm vụ các phòng do Trưởng Ban Quản lý quy định cụ thể.

3. Biên chế của Ban Quản lý do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định trong tổng chỉ tiêu biên chế hành chính - sự nghiệp theo quy định của pháp luật./.





Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư Ban hành: 22/09/2006 | Cập nhật: 20/12/2006