Quyết định 18/2006/QĐ-UBND về Quy định quản lý thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Số hiệu: | 18/2006/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Cà Mau | Người ký: | Trịnh Minh Thành |
Ngày ban hành: | 23/03/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khoa học, công nghệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2006/QĐ-UBND |
Cà Mau, ngày 23 tháng 3 năm 2006 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI, DỰ ÁN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP , ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau tại Tờ trình số 32/TT.KHCN ngày 25 tháng 01 năm 2006 và Báo cáo thẩm định số 08/BC-STP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai, tổ chức thực hiện và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này thay thế cho Quyết định số 79 - QĐ/UB ngày 28/10/1997 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc ban hành Quy định về quản lý đề tài dự án khoa học.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ QUẢN LÝ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI, DỰ ÁN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18 /2006/QĐ-UBND Ngày 23/3/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau).
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1. Quyết định này quy định việc quản lý thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
2. Tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ; tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án ứng dụng khoa học, công nghệ đều phải thực hiện theo quy định này.
Điều 2. Xác định nhiệm vụ khoa học, công nghệ thuộc đề tài, dự án cấp tỉnh:
1.Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực Hội đồng Khoa học, công nghệ của tỉnh, hàng năm dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ thực tiễn sản xuất, thông báo rộng rãi đến các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, xây dựng danh mục đề tài, dự án cấp tỉnh.
2. Danh mục đề tài, dự án cấp tỉnh được xây dựng từ các nguồn sau:
a) Đề tài, dự án khoa học, công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ định thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất để giải quyết những nhiệm vụ bức xúc của tỉnh.
b) Đề tài, dự án khoa học, công nghệ được đề xuất từ các Sở, Ngành; huyện, thành phố, các Tổ chức nghiên cứu và hoạt động khoa học, công nghệ trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân các nhà khoa học, từ hoạt động hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống, góp phần phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của tỉnh.
c) Chuyển giao công nghệ từ các kết quả nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài tỉnh để triển khai áp dụng tại tỉnh Cà Mau.
d) Các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống có giá trị từ 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng) trở xuống đã được UBND tỉnh phân cấp phê duyệt. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước, chủ nhiệm dự án và cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư.
e) Các đề tài, dự án khi đề xuất phải đảm bảo có giá trị khoa học, có vấn đề mới, sáng tạo và khả thi. Mục tiêu của đề tài, dự án giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp thiết của tỉnh có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Điều 3. Xác định danh mục các đề tài, dự án:
1. Trên cơ sở danh mục đề tài, dự án do Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp từ các ý kiến, đề xuất của các đơn vị trong và ngoài tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ trình Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh xem xét tuyển chọn để tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt danh mục đề tài, dự án triển khai hàng năm.
2. Danh mục đề tài, dự án khoa học, công nghệ sau khi được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở pháp lý để Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các Hội đồng xét duyệt đề cương chi tiết cho từng đề tài, dự án cụ thể để triển khai thực hiện.
1. Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ vào danh mục đề tài, dự án đã được phê duyệt thực hiện trong năm, có trách nhiệm xem xét tuyển chọn các cơ quan, đơn vị, cá nhân để chủ trì và làm chủ nhiệm đề tài, dự án.
2. Cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, dự án trước khi tiến hành xây dựng đề cương thuyết minh chi tiết trình hội đồng xét duyệt phải có đủ các điều kiện sau:
a) Cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, dự án phải có nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối để đảm bảo thực hiện các nội dung công việc của đề tài, dự án đặt ra. Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài được phép liên kết với các đối tác có tiềm lực khoa học, công nghệ, các cá nhân là nhà khoa học có uy tín để thực hiện các nội dung khoa học, công nghệ.
b) Tổ chức, cá nhân không được tuyển chọn khi chưa hoàn thành đúng hạn việc quyết toán, hoặc chưa hoàn trả kinh phí thu hồi của đề tài, dự án khoa học, công nghệ đã thực hiện trước đó.
c) Đối với đề tài, dự án cấp tỉnh, chủ nhiệm đề tài phải có trình độ tốt nghiệp từ cao đẳng, đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực đề tài, dự án thực hiện, có đủ khả năng làm chủ nhiệm đề tài và phải bảo đảm đủ thời gian để chủ trì thực hiện công việc nghiên cứu của đề tài, dự án.
d) Chủ nhiệm đăng ký chủ trì thực hiện đề tài phải có văn bản xác nhận của cơ quan chủ trì.
e) Chủ nhiệm không được tham gia tuyển chọn khi thực hiện các đề tài, dự án trước đó hiệu quả kém, không đạt kết quả theo hợp đồng, phải ngưng để xử lý mà lỗi do chủ quan cá nhân chủ nhiệm đề tài gây ra.
f) Mỗi cá nhân chỉ chủ nhiệm 01 đề tài hoặc 01 dự án, nhưng có thể đồng thời tham gia làm thành viên nghiên cứu nhiều đề tài, dự án. Mỗi đề tài, dự án có 01 chủ nhiệm và 01 cơ quan chủ trì và chủ nhiệm phải là cán bộ đang công tác tại đơn vị của cơ quan chủ trì. Trừ trường hợp đặc biệt, Hội đồng xét duyệt có thể quyết định đồng chủ nhiệm hay đồng chủ trì đề tài, dự án.
g) Cá nhân chủ nhiệm thực hiện đề tài, dự án độc lập với tư cách cá nhân nhà khoa học, không mang tư cách đại diện tổ chức đơn vị công tác. Khuyến khích các doanh nghiệp, cán bộ khoa học có đủ tiêu chuẩn và năng lực đăng ký thực hiện đề tài, dự án khoa học, công nghệ kể cả những người làm việc trong ngành khoa học và công nghệ.
h) Cá nhân được chọn chủ trì thực hiện các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phải có kinh nghiệm và năng lực quản lý, đảm bảo đủ khả năng tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của dự án và cam kết nộp kinh phí thu hồi đúng theo quy định của dự án.
1. Trên cơ sở danh mục đề tài, dự án được UBND tỉnh phê duyệt, các tổ chức và cá nhân đăng ký triển khai thực hiện đề tài, dự án khoa học, công nghệ đều phải xây dựng đề cương thuyết minh nội dung khoa học, mục tiêu và phương pháp nghiên cứu theo mẫu thống nhất nộp cho Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức Hội đồng xét duyệt đề cương.
2. Sau 15 ngày kể từ ngày nhận được đề cương thuyết minh Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức Hội đồng xét duyệt. Hội đồng xét duyệt đề cương thuyết minh thực hiện theo Nghị định số: 81/2002/NĐ-CP , thành phần Hội đồng gồm các chuyên gia khoa học, công nghệ được mời từ các ngành trong tỉnh (hoặc ngoài tỉnh) thuộc lĩnh vực đề tài, dự án nghiên cứu triển khai, số lượng các ủy viên hội đồng tùy thuộc vào tính phức tạp của đề tài, dự án. Hội đồng có trách nhiệm xem xét nội dung, mục tiêu, phương pháp nghiên cứu và kinh phí của đề tài, dự án để đánh giá theo hình thức bỏ phiếu kín và lấy đa số phiếu để quyết định, trường hợp có số phiếu bằng nhau thì do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
3. Sau khi đề cương thuyết minh được Hội đồng xét duyệt chấp thuận cho triển khai thực hiện, hoặc chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm kiểm tra nội dung chỉnh sửa của đề cương thuyết minh và làm việc với cơ quan tài chính để thống nhất mức kinh phí cấp cho đề tài, dự án đồng thời tiến hành ký kết hợp đồng Khoa học, công nghệ để thực hiện với cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài. Hợp đồng Khoa học, công nghệ được sử dụng thống nhất theo mẫu do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
1. Quyền lợi:
a) Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm, đơn vị và cá nhân phối hợp thực hiện đề tài, dự án được hưởng các quyền lợi về vật chất và tinh thần theo pháp luật quy định và phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật về các vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như: quyền tác giả, quyền sáng chế phát minh ...
b) Được phép thông tin về nội dung và các kết quả đạt được của đề tài, dự án với các tạp chí chuyên ngành, báo, đài và đăng tải trên Tập san thông tin Khoa học công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau và được hưởng nhuận bút theo quy định.
c) Được đề xuất khen thưởng nếu công trình nghiên cứu đạt loại xuất sắc và kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế xã hội.
2. Nghĩa vụ:
a) Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài, dự án có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và đúng các nội dung đề cương thuyết minh đã được duyệt, đúng tiến độ nhằm đạt được kết quả với hàm lượng khoa học và hiệu quả cao.
b) Các hoạt động thực hiện không đúng nội dung và tiến độ đã nêu trong đề cương thuyết minh và hợp đồng khoa học, công nghệ đã ký không được xem là công việc thực hiện của đề tài, dự án.
c) Khi cơ quan chủ trì và chủ nhiệm xét thấy không thể thực hiện được các nội dung theo đề cương thuyết minh và Hợp đồng khoa học, công nghệ đã ký kết thì cơ quan chủ trì và chủ nhiệm phải:
- Có ý kiến chính thức bằng văn bản đối với đề tài, dự án mới; gửi về Sở Khoa học và Công nghệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đề cương được xét duyệt chính thức.
- Chủ nhiệm đề tài phải báo cáo cho cơ quan chủ trì đề tài, dự án tiến hành lập biên bản ngưng ngay các nội dung thực hiện tiếp theo đối với các đề tài, dự án đã và đang thực hiện.
- Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm lập báo cáo nêu rõ lý do, các yếu tố ảnh hưởng đến nội dung thực hiện của đề tài, dự án và đề xuất phương án giải quyết gửi về Sở Khoa học và Công nghệ trong vòng 07 ngày kể từ ngày ngưng các hoạt động của đề tài, dự án (theo dấu bưu điện đóng trên phong bì). Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có ý kiến giải quyết cụ thể.
- Chủ nhiệm đề tài, dự án do yêu cầu thay đổi đơn vị công tác hoặc lý do không thể tiếp tục làm chủ nhiệm, thì cơ quan chủ trì và chủ nhiệm thực hiện đề tài, dự án phải báo cáo bằng văn bản đến Sở Khoa học và Công nghệ. Trong thời gian chờ ý kiến trả lời của cơ quan chủ quản, cơ quan chủ trì tạm thời cử cán bộ thay thế chủ nhiệm và đảm bảo các điều kiện không làm ảnh hưởng đến tiến độ và nội dung thực hiện của đề tài, dự án.
- Cơ quan chủ trì đề tài, dự án do yêu cầu phải giải thể, sáp nhập vào cơ quan mới thì phải báo cáo bằng văn bản đến Sở Khoa học và Công nghệ, đồng thời báo cáo nêu rõ việc đảm bảo các điều kiện không làm ảnh hưởng đến tiến độ và nội dung thực hiện của đề tài, dự án và phương án bàn giao cho đơn vị mới quản lý để Sở Khoa học và Công nghệ xem xét quyết định.
Điều 7. Chế độ báo cáo định kỳ và kiểm tra thực tế đề tài, dự án:
1. Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án phải thực hiện tốt chế độ báo cáo tiến độ thực hiện, nội dung công việc, tình hình sử dụng kinh phí đã ghi trong hợp đồng khoa học công nghệ (theo mẫu báo cáo) gửi về Sở Khoa học và Công nghệ theo đúng thời gian quy định.
2. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng, 09 tháng hoặc bất thường Sở Khoa học và Công nghệ theo thẩm quyền tiến hành kiểm tra định kỳ hay đột xuất để đánh giá quá trình triển khai thực hiện các đề tài, dự án, kiểm tra về nội dung khoa học, tiến độ thực hiện, kiểm tra việc sử dụng kinh phí. Trong trường hợp cần thiết Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ triệu tập Hội đồng để điều chỉnh nội dung nghiên cứu cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hoặc quyết định chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ đó.
3. Mọi thay đổi nội dung của đề cương thuyết minh được duyệt và Hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký, các sự cố, rủi ro xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện, chủ nhiệm đề tài, dự án phải kịp thời thông báo và báo cáo bằng văn bản gởi Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.
4. Căn cứ vào báo cáo, đề nghị của chủ nhiệm và cơ quan chủ trì đề tài, dự án biên bản kiểm tra và ý kiến đề xuất của cán bộ quản lý đề tài, dự án, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét thanh toán kinh phí đợt trước và duyệt cấp kinh phí đợt tiếp theo.
5. Kinh phí thực hiện các nội dung không đúng với đề cương thuyết minh của đề tài, dự án đã được duyệt theo Hợp đồng khoa học và công nghệ sẽ không được thanh quyết toán. Cơ quan chủ trì, chủ nhiệm phải tổ chức thực hiện lại các nội dung không đúng với đề cương, kinh phí thực hiện lại do cơ quan chủ trì và chủ nhiệm tự giải quyết. Trường hợp không thể thực hiện lại các nội dung đã thực hiện sai thì Sở Khoa học và Công nghệ cho ngưng thực hiện đề tài, dự án và thanh lý hợp đồng. Mọi vi phạm hợp đồng được xét xử theo pháp luật quy định.
6. Chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện đề tài, dự án do cơ quan chủ trì và chủ nhiệm tự chịu trách nhiệm. Trừ trường hợp chi phí phát sinh do trượt giá, biến động của giá cả thị trường, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm trình Sở Khoa học và Công nghệ để bàn bạc với cơ quan tài chính quyết định.
Điều 8. Sử dụng kinh phí đề tài, dự án :
1. Kinh phí cấp cho đề tài, dự án là tổng kinh phí đã được ghi trong hợp đồng khoa học và công nghệ và chỉ để phục vụ cho đề tài, dự án đó. Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm mở sổ sách kế toán theo dõi tình hình sử dụng kinh phí thực hiện đề tài, dự án theo quy định của cơ quan tài chính. Các khoản mục chi phải thể hiện rõ ràng đầy đủ các chứng từ, hoá đơn theo quy định. Chủ nhiệm phải thanh toán khối lượng công việc và kinh phí thực hiện đã tạm ứng đợt trước thì mới được tạm ứng kinh phí đợt tiếp theo.
2. Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm không được sử dụng kinh phí được cấp để thực hiện đề tài, dự án vào mục đích khác. Nếu cố tình vi phạm thì thủ trưởng cơ quan chủ trì thực hiện phải bồi thường kinh phí sử dụng sai mục đích đó cho Nhà nước. Tùy theo mức độ sai phạm Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 9. Nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện đề tài, dự án khoa học, công nghệ:
1. Các đề tài, dự án khoa học công nghệ được thực hiện từ ngân sách Nhà nước trên cơ sở đề cương thuyết minh được duyệt và hợp đồng khoa học công nghệ đã được ký kết, khi kết thúc đều phải được đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện theo quy định của Nhà nước. Thời hạn nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện của đề tài, dự án là thời gian được ghi trong hợp đồng khoa học công nghệ. Đến thời hạn nghiệm thu cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài phải tiến hành nghiệm thu cấp cơ sở trước khi trình hội đồng nghiệm thu chính thức. Báo cáo khoa học phải được thể hiện theo đúng mẫu quy định và phải được lãnh đạo cơ quan chủ trì ký tên đóng dấu kèm theo biên bản họp hội đồng nghiệm thu cơ sở. Trường hợp thực hiện không đúng tiến độ, chủ nhiệm đề tài được phép xin gia hạn nộp báo cáo nghiệm thu bằng văn bản gởi Sở Khoa học và Công nghệ để được xem xét, thời gian xin gia hạn không vượt quá 06 tháng.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thực hiện Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, dự án theo quy định hiện hành. Nội dung và trình tự nghiệm thu phải tuân thủ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học & công nghệ.
Điều 10. Giao nộp sản phẩm khoa học, công nghệ, quyết toán và nộp kinh phí thu hồi:
1. Sau 10 ngày nhận được biên bản họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu chính thức, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án phải tiến hành chỉnh sửa báo cáo khoa học theo các ý kiến đóng góp của Hội đồng khoa học, công nghệ. Chủ nhiệm đề tài phải bàn giao các kết quả, danh mục tài liệu có liên quan và giao nộp báo cáo chính thức của công trình nghiên cứu theo đúng số lượng đã ghi trong hợp đồng khoa học và công nghệ, đồng thời phải quyết toán kinh phí trong vòng 30 ngày. Biên bản giao nộp sản phẩm khoa học, công nghệ là cơ sở để xem xét quyết toán kinh phí của đề tài, dự án và thanh lý hợp đồng.
2. Đối với các đề tài, dự án phải nộp lại một phần kinh phí thu hồi theo đúng Hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết thì cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm nộp đầy đủ các khoản thu hồi về Sở Khoa học và Công nghệ theo quy định. Thời gian nộp thu hồi kinh phí chậm nhất trong vòng 01 tháng kể từ ngày thanh lý hợp đồng. Từ tháng thứ 2 trở đi nếu chủ nhiệm đề tài không nộp phần kinh phí thu hồi theo quy định, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tính lãi suất theo lãi suất quy định của Ngân hàng. Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm không được nộp kinh phí thu hồi chậm hơn 03 tháng.
3. Trường hợp cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài không nộp kinh phí thu hồi theo quy định Sở Khoa học & Công nghệ sẽ đề nghị cơ quan tài chính trừ vào kinh phí hoạt động của cơ quan chủ trì đề tài, dự án.
4. Đối với chủ nhiệm là các cá nhân độc lập không nộp kinh phí thu hồi theo quy định Sở Khoa học và Công nghệ sẽ nhờ cơ quan pháp luật giải quyết.
Điều 11. Thời gian và hồ sơ thanh lý Hợp đồng Khoa học và công nghệ:
1. Sau 07 ngày nhận bàn giao thành quả khoa học, công nghệ, giao nộp sản phẩm khoa học, danh mục tài liệu và kinh phí thu hồi, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành lập biên bản thanh lý hợp đồng khoa học, công nghệ theo quy định.
2. Hồ sơ thanh lý Hợp đồng khoa học, công nghệ gồm có:
a) Hợp đồng khoa học, công nghệ.
b) Biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, dự án.
c) Biên bản bàn giao thành quả khoa học, công nghệ.
d) Biên bản đánh giá và giao nhận các vật tư, tài sản do đề tài, dự án mua sắm.
e) Biên bản thanh toán, quyết toán kinh phí.
f) Phiếu thu các khoản kinh phí thu hồi (nếu có).
Điều 12. Sử dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ:
1. Trên cơ sở kết quả của Hội đồng đánh giá nghiệm thu, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận kết quả.
2. Định kỳ 02 năm một lần các kết quả nghiên cứu được tuyển chọn công bố trên Tập san thông tin khoa học, công nghệ của tỉnh để phổ biến ứng dụng. Những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ do Nhà nước đầu tư phục vụ công ích phải được công bố công khai rộng rãi để tổ chức, cá nhân ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án có trách nhiệm thực hiện chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài, dự án chuyển giao kết quả cho đối tác khác phải được sự đồng ý của Sở Khoa học và Công nghệ.
3. Đối với các dự án chuyển giao công nghệ, dựa vào kết quả của Hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện dự án chuyển giao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ được UBND tỉnh ủy quyền thông tin và chuyển giao kết quả dự án để phổ biến nhân rộng ở địa phương.
Điều 13. Thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về Khoa học, công nghệ:
1. Ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ xác định danh mục đề tài, dự án trước khi trình Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh. Xét tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án Khoa học và Công nghệ; xét duyệt đề cương chi tiết đề tài, dự án Khoa học và Công nghệ.
2. Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, dự án Khoa học và Công nghệ. Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ xử lý các đề tài, dự án ngưng thực hiện do kém hiệu quả, có sự cố, rủi ro; Hội đồng xem xét miễn, giảm kinh phí thu hồi đối với các đề tài, dự án bị thiên tai, rủi ro khách quan và trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
3. Định kỳ hằng quý báo cáo tình hình thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ cho Thường trực UBND tỉnh bằng văn bản.
Điều 14. Các đề tài, dự án khoa học, công nghệ cấp huyện và thành phố trực thuộc tỉnh.
1. Các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và cấp cô sôû được phép vận dụng quy định này trong quá trình tổ chức thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ của địa phương mình.
2. Định kỳ hằng quý Hội đồng khoa học, công nghệ các huyện và thành phố trực thuộc tỉnh, Hội đồng cấp cơ sở báo cáo tình hình thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ cấp mình quản lý về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Điều 15. Khen thưởng và kỷ luật:
1. Tập thể và cá nhân chủ trì thực hiện tốt đề tài, dự án khoa học, công nghệ cấp tỉnh được xem xét khen thưởng với các mức thưởng như sau:
a) Đề tài, dự án nghiệm thu đạt loại xuất sắc, có kết quả ứng dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, được địa phương nơi triển khai ứng dụng kết quả công nhận, được Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra đánh giá về hiệu quả thực tế sẽ được đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen và thưởng 20 triệu đồng.
b) Đề tài, dự án nghiệm thu đạt loại khá, có kết quả ứng dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, được địa phương nơi triển khai ứng dụng kết quả công nhận, được Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra đánh giá về hiệu quả thực tế sẽ được đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen và thưởng 10 triệu đồng.
c) Kinh phí khen thưởng được lấy từ kinh phí hoạt động khoa học, công nghệ hàng năm.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm việc quản lý, thực hiện đề tài, dự án khoa học, công nghệ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của phát luật. Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phổ biến và thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện quy định này. Kịp thời đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp.
Nghị định 81/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khoa học và công nghệ Ban hành: 17/10/2002 | Cập nhật: 06/12/2012