Quyết định 1771/QĐ-TTg năm 2008 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025
Số hiệu: | 1771/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 05/12/2008 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 19/12/2008 | Số công báo: | Từ số 657 đến số 658 |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1771/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ CHÂN MÂY - LĂNG CÔ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại tờ trình số 93 /TTr-BXD ngày 10 tháng 11 năm 2008 và của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tại tờ trình số 4786/TTr-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2008 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 với những nội dung chính như sau:
1. Phạm vi nghiên cứu
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bao gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, với quy mô 27.108 ha.
2. Tính chất
- Là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hoá trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.
3. Dự báo phát triển dân số và đất xây dựng
a) Dân số
- Đến năm 2015 quy mô dân số đạt khoảng 90.000 người (trong đó dân số chính thức của Khu kinh tế là 80.000 người, thành phần dân số khác là 10.000 người);
- Đến năm 2025 quy mô dân số đạt khoảng 170.000 người (trong đó dân số chính thức của Khu kinh tế là 140.000 người, thành phần dân số khác là 30.000 người).
b) Đất xây dựng
- Đến năm 2015: khoảng 3.810 ha (trong đó đất đô thị là 1.363 ha, chỉ tiêu đất đô thị là 170 m2/người).
4. Định hướng phát triển không gian
a) Các định hướng phát triển không gian:
- Phía Nam: khai thác tối đa diện tích đất thuận lợi cho xây dựng đô thị đến sát chân núi Bạch Mã Hải Vân, tăng cường các mối liên kết với thành phố Đà Nẵng. Việc phát triển quỹ đất không được làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.
- Phía Bắc: phát triển các khu dân cư dịch vụ đô thị kết hợp du lịch sinh thái gắn liền với cửa biển Tư Hiền và vùng đầm phá Cầu Hai. Khu vực mũi Chân Mây Đông kéo dài lên núi Phú Gia và sông Bu Lu dành để phát triển cảng, dịch vụ hậu cảng và công nghiệp sạch.
- Phía Đông: khu vực mũi Chân Mây Đông và vùng Lăng Cô - đầm Lập An - đèo Hải Vân khai thác phát triển du lịch sinh thái gắn liền cảnh quan môi trường.
- Phía Tây: phát triển các khu dân cư thấp tầng, kết hợp du lịch và dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Toàn bộ khu vực các núi Giòn, núi Phú Gia, núi Phước Tượng, Hòn Voi, Hải Vân và hệ sinh thái dọc các sông Bu Lu, sông Thừa Lưu, Mỹ Vân, đầm Lập An trong Khu kinh tế được xác định là khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nghiêm ngặt.
Toàn bộ không gian Khu kinh tế được quy hoạch thành các khu chức năng đô thị và phân loại theo quy chế quản lý không gian khác nhau, bao gồm các khu vực bắt buộc tuân thủ quy hoạch và các khu vực được phép sử dụng đất linh hoạt. Cụ thể như sau:
- Các khu vực bắt buộc tuân thủ quy hoạch:
+ Khu cảng Chân Mây bố trí tại mũi Chân Mây Đông có quy mô 370 ha bao gồm cảng tổng hợp và cảng riêng dành cho khu phi thuế quan.
+ Trung tâm tiếp vận hàng hoá và thương mại dịch vụ đầu mối: quy mô 120 ha phân bố tại khu vực giao cắt giữa quốc lộ 1A và đường ra cảng Chân Mây.
+ Đô thị Chân Mây và các trung tâm chủ yếu: quy mô khoảng 1.545 ha, phân bố tại khu vực dọc sông Bu Lu, sông Thừa Lưu và chân núi Phước Tượng bao gồm:
. Các khu đô thị: dân số dự kiến 120.000 - 130.000 người, bao gồm các khu đô thị mới và hiện trạng cải tạo có quy mô khoảng 1.022 ha.
. Các trung tâm cấp đô thị và khu ở: quy mô khoảng 66 ha, trong đó gồm trung tâm hành chính quy mô 10 - 12 ha, trung tâm tổng hợp: bao gồm các trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ thông tin.., quy mô 25 - 30 ha được xây dựng thành quần thể kiến trúc cao tầng hình thức hiện đại; trung tâm y tế: quy mô khoảng 5 ha bao gồm bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế quy mô 300 - 500 giường, các trung tâm khu ở quy mô khoảng 19 ha.
. Trung tâm đào tạo: quy mô 65 - 70 ha, bố trí giáp khu phi thuế quan, là nơi đào tạo nghề phục vụ phát triển cảng và khu công nghiệp.
. Khu công viên cây xanh: quy mô diện tích 198 ha bao gồm hệ thống các công viên và hành lang cây xanh dọc các sông và xen kẽ trong các khu đô thị, khu trung tâm văn hoá, thể dục thể thao: quy mô 25 - 30 ha bố trí tại cù lao giữa sông Bu Lu, bao gồm các công trình như sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi và các sân bãi thể dục thể thao.
. Giao thông chính đô thị: quy mô diện tích khoảng 190 ha.
+ Khu phát triển du lịch và dịch vụ du lịch sinh thái cao cấp: phân bố từ cửa Cảnh Dương, Cù Dù đến Cầu Tư Hiền, khu vực Lăng Cô ven núi Hải Vân và hòn Sơn Chà. Quy mô dự kiến khoảng 1.950 ha. Trong đó khu du lịch Lăng Cô 950 ha, khu du lịch Bãi Chuối 120 ha, khu du lịch đảo Sơn Chà 150 ha, khu du lịch Cù Dù 360 ha, khu du lịch Cảnh Dương 270 ha, các khu du lịch còn lại 100 ha.
+ Khu du lịch kết hợp với nhà ở đô thị: phân bố tại thị trấn Lăng Cô và khu vực phía Tây đầm Lập An, Hói Mít, Hói Dừa quy mô khoảng 485 ha, bao gồm: khu vực thị trấn Lăng Cô diện tích 135 ha, khu tái định cư đầm Lập An 30 ha, khu vực Hói Mít, Hói Dừa 320 ha.
+ Khu vực cây xanh sinh thái, vùng bảo vệ cảnh quan, rừng phòng hộ, đất cây xanh cách ly đường giao thông quốc gia, đường điện cao thế: phân bố trên các khu vực núi như Hòn Voi, Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, núi Giòn…quy mô khoảng 2190 ha.
+ Đất giao thông đối ngoại, đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: quy mô 280 ha. Trong đó đất giao thông đối ngoại đường bộ quy mô 120 ha gồm trung tâm tiếp vận và ga đường sắt, bến xe đối ngoại; các công trình đầu mối hạ tầng như bãi xử lý rác, trạm xử lý nước quy mô 30 ha.
- Các khu vực được phép sử dụng đất linh hoạt:
+ Khu phi thuế quan - công nghiệp - dịch vụ hậu cảng: phân bố tại khu vực từ mũi Chân Mây Đông đến sông Bu Lu, quy mô khoảng 1540 ha. Trong đó quy mô khu phi thuế quan là 1000 ha, các khu công nghiệp và dịch vụ hậu cảng quy mô khoảng 540 ha.
+ Dịch vụ đô thị công nghiệp - công nghiệp kỹ thuật cao; dịch vụ du lịch; khu vui chơi giải trí: quy mô khoảng 1.500 ha, phân bố tại khu vực từ quốc lộ 1A đến chân núi Hòn Voi. Khu vực này dành ưu tiên phát triển công nghiệp sạch kỹ thuật cao hoặc đô thị dịch vụ, các khu vui chơi giải trí…
5. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
a) Định hướng qui hoạch giao thông
- Giao thông đối ngoại
+ Đường bộ:
. Quốc lộ 1A: đoạn tuyến qua Khu du lịch Lăng Cô được xây dựng chỉnh tuyến về phía tây đầm Lập An (theo hướng tuyến đường du lịch ven đầm Lập An), đến chân cầu mới Lăng Cô nhập vào tuyến quốc lộ 1A hiện nay để qua hầm Hải Vân. Quốc lộ 1A được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp I, lộ giới rộng 54 m; xây dựng hầm đường bộ qua đèo Phú Gia và Phước Tượng.
. Đường cao tốc Bắc - Nam: đoạn qua Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đi trùng với tuyến đường Hồ Chí Minh cách đô thị Chân Mây khoảng 20 km về phía Nam dãy núi Bạch Mã, quy mô 4 - 6 làn xe. Xây dựng một tuyến đường nối Khu kinh tế với đường cao tốc Bắc - Nam song song với đường sắt Bắc - Nam, mặt cắt ngang rộng 52 m.
+ Đường sắt: giữ hướng tuyến như hiện nay, đảm bảo hành lang toàn tuyến rộng 16 m. Xây dựng tuyến đường sắt nhánh nối vào cảng Chân Mây. Xây dựng mới nhà ga Chân Mây kết hợp với Trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối.
+ Đường thủy:
. Cảng Chân Mây là cảng tổng hợp gồm: cảng trung chuyển container; cảng phục vụ du lịch và phục vụ giao thương hàng hoá.
. Giai đoạn đến năm 2025 xây dựng các bến cảng dọc mũi Chân Mây Đông sử dụng chung cảng tổng hợp và cảng khu phi thuế quan, quy mô khoảng 150 ha. Giai đoạn ngoài năm 2025 tiếp tục xây dựng các bến cảng từ đường Cảnh Dương tới mép bờ biển; tách riêng chức năng cảng tổng hợp Chân Mây và cảng khu phi thuế quan.
- Giao thông đối nội
+ Khu Chân Mây:
. Đường ven biển Cảnh Dương giữ nguyên lộ giới 52 m. Đoạn đi qua cảng Chân Mây xây dựng thành 2 cốt. Phần đường đi trên cao, dành cho giao thông đô thị và du lịch rộng 18 m, phần đi dưới thấp dành cho giao thông vận chuyển hàng từ cảng Chân Mây tới khu phi thuế quan rộng 65 m.
. Các tuyến giao thông chính lộ giới từ 30 - 44 m. Đường nội bộ lộ giới từ 18 - 24 m. Hệ thống giao thông trong khu trung chuyển hàng hóa rộng 15 - 30 m.
+ Khu Lăng cô:
. Đường trục chính: Tận dụng tuyến quốc lộ 1A hiện nay chạy dọc khu du lịch từ đèo Phú Gia đến cửa hầm Hải Vân lộ giới 36 m. Đường giáp núi Phú Gia rộng 30 m. Đường khu vực rộng 22,5 m. Đường nội bộ rộng từ 13 - 16 m.
. Xây dựng các tuyến xe chạy bằng điện phục vụ khách du lịch: tuyến xe điện một ray (monorail) chạy xung quanh khu du lịch Lăng Cô, có từ 2 đến 3 nhà ga trung tâm gần các đầu mối giao thông và khoảng 300 m bố trí một trạm dừng đón trả khách. Tuyến đường tham quan bằng xe cáp treo (Cable - Car) dài khoảng trên 10 km xuất phát từ nhà ga tại triền núi phía Tây Nam đầm Lập An, chạy theo hướng Bắc đến đỉnh đèo Phú Gia, lên đỉnh núi Phú Gia theo đường ra núi Giòn.
- Các công trình phục vụ giao thông
+ Bãi đỗ xe: rộng khoảng 25 ha (năm 2025), 55 ha (giai đoạn ngoài năm 2025); khuyến kích xây dựng các bãi đỗ xe ngầm dưới các tòa nhà cao tầng và các khu công viên cây xanh.
+ Nút giao thông: xây dựng 3 nút giao khác cốt để kết nối hệ thống giao thông đối ngoại đường bộ với các tuyến đường chính Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nút giao với tuyến đường chính Chân Mây - Cảnh Dương vào đô thị mới Chân Mây; nút nối với đường ra cảng Chân Mây và nút trước khi vào hầm đèo Hải Vân. Ngoài ra xây dựng nút giao khác cốt đấu nối từ đường cao tốc Bắc - Nam tới Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
b) San nền thoát nước
- Khu vực Chân Mây:
+ Khu công nghiệp Chân Mây và khu phi thuế quan cao độ nền xây dựng ³ + 3,3 m. Khu vực công viên cây xanh tuỳ theo từng vị trí có cao độ nền thích hợp với các công trình gắn kết xung quanh. Khu đô thị Chân Mây cao độ nền xây dựng ³ + 3,0 m. Khu công nghiệp Chân Mây phía Nam quốc lộ 1A, ga mới và trung tâm tiếp nhận cao độ xây dựng > + 4,0 m ¸ + 20,0 m.
+ Khu vực này có 3 lưu vực chính theo các sông. Lưu vực 1: khu phi thuế quan, khu công nghiệp số 1 thoát theo hệ thống kênh đào và sông Bu Lu và ra vịnh Chân Mây Tây qua cửa Cảnh Dương. Lưu vực 2: khu đô thị Chân Mây, khu công nghiệp số 3 và 4 thoát ra sông Thừa Lưu, sông Bu Lu và ra cửa Cảnh Dương. Lưu vực 3: khu công nghiệp số 2 và khu vực giáp chân núi Phú Gia, núi Đá Kẹp, núi Giòn theo sông Chu Mới, kênh đào thoát ra vịnh Chân Mây Đông.
- Khu vực Lăng Cô:
+ Cao độ nền xây dựng > 2,7 m (lớn hơn mực nước đỉnh triều). Thực hiện san lấp cục bộ từng doi cát để phục vụ cho từng công trình, cân bằng đào đắp tại chỗ, không san mặt bằng quá lớn làm huỷ hoại dải cây xanh ven biển đã được trồng xanh tốt. Khu dân cư được san tạo để bảo đảm độ dốc thoát nước tự chảy, tận dụng đất và khuyến khích dân trồng nhiều cây xanh để tạo cảnh quan và chống cát trôi.
+ Thoát nước khu vực Lăng Cô theo từng lưu vực nhỏ thoát ra đầm Lập An và biển Đông.
c) Cấp nước:
- Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt 180 lít/người/ngày đêm; nhu cầu cấp nước: 117.000 m3/ ngày đêm.
- Nguồn cấp nước: đợt đầu đến năm 2015: với nhu cầu 60.000 m3/ngày đêm, tiếp tục sử dụng nhà máy nước Bo Ghe công suất 6.000 m3/ngày đêm và xây dựng mới nhà máy nước Lộc Thuỷ, công suất 55.000 m3/ngày đêm. Trong đó 25.000 m3/ngày đêm nguồn nước hồ Thuỷ Yên, Thuỷ Cam và 30.000 m3/ngày đêm nguồn nước thô hồ Truồi. Dài hạn đến năm 2025: nâng công suất nhà máy nước Lộc Thuỷ lên thành 110.000 m3/ngày đêm; nguồn nước từ hồ Thuỷ Yên, Thuỷ Cam.
d) Cấp điện:
- Tiêu chuẩn cấp điện: cho sinh hoạt: 300 - 500 w/người; cho công nghiệp: 100 - 400 kw/ha; cho công cộng dịch vụ: 50 - 150 kw/ha; nhu cầu điện: giai đoạn đợt đầu là 258 MW, giai đoạn dài hạn 629 MW.
- Nguồn điện: cấp điện cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là lưới điện quốc gia khu vực miền Trung qua các công trình đầu mối: trạm 500 KV Huế (Cầu Hai) dự kiến theo tổng sơ đồ 6. Trạm 220 kV Chân Mây xây dựng trong giai đoạn từ 2010 - 2015, công suất đặt máy đợt đầu: 250 mVA, đến 2025 nâng công suất thành 2 x 250 mVA. Trạm 220 kV Cầu Hai: 220/110 kV - 2 x 250 mVA nằm ngoài ranh giới thiết kế sẽ hỗ trợ công suất cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô bằng lưới điện 110 kV.
- Lưới điện cao thế 500 kV và 220 kV: Tuyến 500 kV, 220 kV quốc gia giữ nguyên hướng và vị trí các cột, tạo hành lang cách ly và vận hành phù hợp. Các tuyến 110 kV xây mới đi theo hành lang cách ly đã quy hoạch dành cho đường điện. Cải tạo hướng tuyến một số đoạn của đường dây 110 kV hiện có để dành đất cho xây dựng.
- Lưới điện trung thế: Khu du lịch Lăng Cô, khu phi thuế quan và khu cây xanh công viên ven biển sử dụng toàn bộ mạng điện trung thế là cáp ngầm chống thấm dọc. Khu thuế quan và các vùng khác: có thể sử dụng mạng điện trung thế đi nổi.
đ) Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị
- Quy hoạch thoát nước thải
+ Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn. Nước thải công nghiệp và nước thải đô thị được thu gom và xử lý riêng.
+ Mạng lưới thoát nước bao gồm hệ thống đường cống tự chảy từ D300 đến D600; trạm bơm chuyển tiếp bố trí kiểu trạm xây chìm với bơm nước thải kiểu ướt.
+ Xây dựng 6 trạm xử lý nước thải gồm: trạm xử lý nước thải số 1 công suất 25.000 m3/ngày đêm, quy mô 5,0 ha và trạm xử lý nước thải số 2 công suất 10.000 m3/ngày đêm, quy mô 2,0 ha (phục vụ khu công nghiệp). Trạm xử lý nước thải số 3 công suất 15.000 m3/ngày đêm, quy mô 3 ha (phục vụ khu du lịch). Trạm xử lý số 4 công suất 5.000 m3/ngày đêm, quy mô 1,0 ha và trạm xử lý số 5 công suất 15.000 m3/ngày đêm, quy mô khoảng 3,0 ha (phục vụ khu đô thị Chân Mây). Trạm xử lý nước thải số 6 công suất trạm xử lý là 5.000 m3/ngày đêm, quy mô 1,0 ha.
- Thu gom và xử lý chất thải rắn
Xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại phía Đông đèo Phước Tượng thuộc xã Lộc Thuỷ (hiện đã lập dự án khả thi). Trong đó bố trí một khu riêng để xử lý chất thải độc hại, diện tích khoảng 10 - 20 ha. Giai đoạn dài hạn chất thải rắn sẽ đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn liên vùng tỉnh (dự kiến đặt tại huyện Hương Trà - theo Quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung)
- Nghĩa trang: xây dựng nghĩa trang Chân Mây tại chân núi Phước Tượng, quy mô 30 ha, nghĩa trang Trường Đồng tại chân đèo Phú Gia quy mô 3,5 ha. Các khu dân cư độc lập như: khu vực Hói Dừa, Hói Mít sẽ sử dụng nghĩa trang riêng.
e) Thông tin liên lạc:
- Hệ thống chuyển mạch: phát triển dự án ODA HOST tại khu vực Chân Mây phục vụ nhu cầu về thông tin viễn thông của Khu kinh tế; nâng cấp 2 tổng đài thành loại ALCATEL 1000E10MM trong giai đoạn đầu.
- Truyền dẫn: hệ thống trung kế thiết kế theo dạng mạch vòng đảm bảo an toàn truyền dẫn. Giai đoạn đầu triển khai các tuyến dọc Lăng Cô, Cảnh Dương, Tư Hiền, Vinh Giang nối với cáp dọc quốc lộ 1A. Kết hợp cung cấp các loại hình dịch vụ như truyền hình, internet băng thông rộng, videophone…
6. Quy hoạch đợt đầu - giai đoạn đến 2015:
a) Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật:
- Đầu tư xây dựng các khu tái định cư: khu tái định cư Lộc Vĩnh quy mô 35 ha, khu tái định cư Lộc Thuỷ và Lộc Tiến quy mô 19 ha, khu tái định cư đầm Lập An quy mô 30 ha;
- Xây dựng các khu công nghiệp - phi thuế quan: xây dựng khu công nghiệp số 1, số 2 và số 3 quy mô khoảng 560 ha, khu phi thuế quan quy mô 1000 ha;
- Phát triển các khu du lịch, vui chơi giải trí: Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô quy mô 200 ha, khu du lịch Cù Dù quy mô 300 ha, khu du lịch Bãi Chuối quy mô 100 ha;
- Xây dựng các trung tâm chức năng: Trung tâm y tế quy mô khoảng 5 - 6 ha, trung tâm đào tạo 25 - 70 ha, trung tâm thương mại, tài chính, viễn thông và thể dục thể thao qui mô khoảng 100 ha;
- Phát triển các khu dân cư đô thị: xây dựng các khu nhà ở số 1, số 2 cùng các trung tâm hành chính và thương mại tổng hợp;
- Phát triển hệ thống hạ tầng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đợt đầu.
b) Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư:
- Các dự án tái định cư Lập An, Lộc Vĩnh, Lộc Thuỷ và Lộc Tiến;
- Các dự án xây dựng các trung tâm và hạ tầng đô thị khu vực Chân Mây;
- Dự án xây dựng khu phi thuế quan;
- Các khu công nghiệp số 1, số 2 và số 3;
- Dự án nhà máy nước Lộc Thuỷ công suất 55.000 m3/ngày đêm từ hồ Thuỷ Yên, Thuỷ Cam cùng hệ thống mạng truyền dẫn chính;
- Dự án xây dựng bến số 2, số 3 và đê chắn sóng cảng Chân Mây;
- Xây dựng các trạm điện 220 KV và 110 KV phục vụ các khu công nghiệp số 1, số 2, số 3 và khu phi thuế quan, khu du lịch Laguna Huế. Nâng công suất các trạm 110 KV Cầu Hai và Lăng Cô lên 2 x 25 MVA;
- Xây dựng các trạm xử lý nước thải số 1,2,4,5, trạm xử lý thu gom rác, xây dựng nghĩa trang Chân Mây;
- Xây dựng ga Chân Mây mới và bến xe đối ngoại tại Chân Mây;
- Dự án tuyến đường nối Chân Mây - Lăng Cô với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn trong ranh giới Khu kinh tế).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và triển khai thực hiện quy hoạch theo nội dung Quyết định này.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế:
a) Công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2025 để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện; tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.
b) Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch xây dựng cho khu vực Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
c) Triển khai lập, xét duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các đồ án đã duyệt phù hợp với đồ án Quy hoạch chung được duyệt.
d) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xác định vị trí hướng tuyến và quy mô các công trình giao thông đối ngoại trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối bố trí vốn hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung quy hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |