Quyết định 1768/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang
Số hiệu: 1768/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang Người ký: Nguyễn Văn Sơn
Ngày ban hành: 26/08/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1768/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 26 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN: QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG KHU VỰC HỢP KHỐI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH TẠI THÀNH PHỐ HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 4611/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã (thành phố) Hà Giang, tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2007 - 2025;

Căn cứ Công văn số 1372/UBND-CNGTXD ngày 29/5/2012 của UBND tỉnh Hà Giang V/v Lập Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang.

Căn cứ Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang.

Căn cứ Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Hợp khối trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang.

Căn cứ Quyết định số 1725/QĐ-UBND, ngày 20/8/2013 của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt Đề án "Hợp khối trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang tại thành phố Hà Giang".

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại báo cáo số 109/BC-SXD ngày 26 tháng 8 năm 2013 về kết quả thẩm định Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang với các nội dung sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan  hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang.

2. Loại quy hoạch: Quy hoạch chi tiết xây dựng.

3. Chủ đầu tư: Sở Xây dựng Hà Giang.

4. Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách nhà nước.

5. Địa điểm xây dựng: Khu đất tại trung tâm thành phố Hà Giang thuộc tổ 07 phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

6. Quy mô, phạm vi nghiên cứu quy hoạch:

- Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là: 6,0 ha.

- Ranh giới sử dụng đất được xác định và được giới hạn như sau:

+ Phía Bắc giáp: Đường Yết Kiêu, đường Trần Hưng Đạo.

+ Phía Nam giáp: Đường Đội Cấn.

+ Phía Tây giáp: Đường Lê Quý Đôn.

+ Phía Đông giáp: Đường Nguyễn Trãi (Quốc lộ 2).

7. Tổ chức tư vấn lập quy hoạch: Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng Hà Giang.

8. Lý do, sự cần thiết lập quy hoạch: Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang tạo thành khu làm việc tập trung của các cơ quan hành chính Sở, Ban, Ngành và các đoàn thể của tỉnh (phù hợp với Chỉ thị số 1073/CT-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và hiện đại hóa công sở của cơ quan hành chính ở địa phương theo hướng tập trung), nhằm đáp ứng được các yêu cầu về trụ sở làm việc, đồng thời tạo nên một quần thể công trình kiến trúc đẹp, tạo nên diện mạo cảnh quan đô thị hiện đại có tính biểu tượng cho tỉnh Hà Giang. Mặt khác tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên hệ, phối hợp, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát công tác giữa các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính và đoàn thể của Tỉnh, tiết kiệm diện tích đất xây dựng các trụ sở cơ quan, tiết kiệm chi phí đầu tư, cải tạo, xây dựng mới các công trình. Vì vậy Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang là cần thiết.

9. Mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch:

- Mục tiêu:

+ Đáp ứng yêu cầu về trụ sở làm việc, đồng thời tạo nên một quần thể công trình có kiến trúc đẹp mang tính biểu tượng cho tỉnh Hà Giang.

+ Tiết kiệm diện tích đất xây dựng các trụ sở cơ quan, tiết kiệm chi phí đầu tư, cải tạo, xây dựng mới các công trình.

+ Tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên hệ, phối hợp, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát công tác giữa các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính và đoàn thể của tỉnh.

+ Xác định cơ sở pháp lý cho việc quản lý và đầu tư xây dựng.

- Nhiệm vụ:

+ Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang với quy mô 6,0 ha.

+ Khối lượng công việc: Thuyết minh tổng hợp, Hệ thống bản đồ.

+ Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất, môi trường, quỹ đất công cộng, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan. Xác định các quỹ đất trung tâm hành chính và đảm bảo sự phát triển ổn định cho khu vực.

+ Đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan có tính thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quan khu vực.

+ Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và quy hoạch chung, khớp nối đồng bộ giữa khu vực quy hoạch xây dựng với các dự án đã và đang triển khai trong khu vực.

10. Nội dung lập quy hoạch:

- Tính chất: Là khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh mới.

- Nội dung yêu cầu: Điều tra tổng hợp hiện trạng trong khu đất nghiên cứu quy hoạch. Phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, thực trạng xây dựng, xác định khả năng sử dụng đất hiện có, quỹ đất dự kiến phát triển, đề xuất giải pháp Quy hoạch hợp lý, phù hợp với cơ cấu sử dụng đất chung khu vực.

- Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất: Đề xuất quy hoạch sử dụng đất trong khu vực nghiên cứu sắp xếp, tổ chức, bố cục các khu chức năng trong khu quy hoạch đảm bảo yếu tố linh hoạt, phù hợp hiện trạng sử dụng đất, đảm bảo phù hợp Tiêu chuẩn hiện hành. Cân đối quỹ đất chung, đề xuất vị trí quy mô xây dựng các công trình Hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu khu vực.

- Quy hoạch phát triển không gian: Đưa ra giải pháp quy hoạch khoa học, hợp lý, phù hợp với khả năng đầu tư, mang tính bền vững và tạo điểm nhấn chính trong tổng thể kiến trúc khu vực.

- Các phân khu chức năng chính: Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang được phân thành các khu có chức năng sử dụng đất riêng biệt, được liên kết chặt chẽ với nhau về không gian kiến trúc cảnh quan và trục liên kết giao thông hợp lý. Các khu chức năng được phân định chi tiết về sử dụng đất như sau:

+ Đất công trình cơ quan hành chính.

+ Đất công trình công cộng kết hợp thương mại dịch vụ.

+ Đất giao thông.

+ Đất khác.

- Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: Đồng bộ, phù hợp với quy mô quy hoạch và có sự kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh.

11. Đặc điểm hiện trạng tự nhiên và xây dựng:

11.1 Điều kiện tự nhiên:

- Địa hình khu vực nghiên cứu quy hoạch nằm tại khu vực một số các cơ quan hành chính của tỉnh hiện nay và một phần là khu dân cư gồm 11 hộ, có đường giao thông thuận lợi.

- Giới hạn khu đất như sau:

+ Phía Bắc giáp đường Yết Kiêu;

+ Phía Nam giáp đường Đội Cấn;

+ Phía Tây giáp đường Lê Quý Đôn;

+ Phía Đông giáp đường Nguyễn Trãi (đường QL 2);

- Đặc điểm địa chất công trình: Tại khu vực nghiên cứu, mực nước ngầm ở độ sâu tương đối lớn, cần phải khảo sát địa chất trước khi xây dựng công trình.

11.2 Thực trạng đất xây dựng:

Trong khu vực lập quy hoạch chủ yếu là các cơ quan hành chính của tỉnh hiện nay, nằm trên địa bàn phường Nguyễn Trãi thành phố Hà Giang, ở vị trí thuận lợi trong đô thị nhưng lại đan xen lẫn với cả khu dân cư, không tập trung theo ngành, khối, không tạo được điểm nhấn đô thị, dẫn đến chưa thực sự phù hợp với chức năng và yêu cầu sử dụng, điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức đến giao dịch cũng như cải tạo, nâng cấp. Do ở riêng lẻ nên quỹ đất xây dựng được khai thác, sử dụng không hiệu quả, phá vỡ cảnh quan đô thị, gây khó khăn cho công tác quy hoạch. Mặt khác, ảnh hưởng đến định hướng phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, cản trở tốc độ đô thị hóa và ảnh hưởng đến tốc độ tăng tỷ lệ phi nông nghiệp. Về tổng thể các công trình kiến trúc các cơ quan hành chính của tỉnh đã được xây dựng từ lâu, không đồng nhất và có những công trình được xây dựng từ những thập kỷ 90 nay cũng đã bị xuống cấp và hư hỏng nhiều không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay.

11.3 Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật:

- Hệ thống giao thông:

Bao gồm các tuyến đường sau: Đường 20/8 (đường QL2 thành phố Hà Giang đi cửa khẩu Thanh Thủy) mặt đường 11,5 m là đường nhựa; Đường Lê Quý Đôn, mặt đường 7,5 m là đường nhựa; Đường Yết Kiêu, mặt đường 7,5 m là đường nhựa.

- Hệ thống cấp điện: Toàn bộ các cơ quan hành chính của tỉnh trong phạm vi quy hoạch đang sử dụng lưới điện 35-10/0.4KV lưới điện thành phố nên tương đối ổn định.

- Hệ thống cấp nước: Khu vực quy hoạch đã có hệ thống cấp nước theo hệ thống cấp nước chung cho cả thành phố Hà Giang.

- Hệ thống thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường: Hiện trạng khu đất quy hoạch đã có hệ thống thoát nước theo hệ thống cống thoát nước chung của thành phố. Vệ sinh môi trường đã được chú trọng tại khu vực.

- Hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh và truyền hình: Hệ thống thông tin liên lạc, internet, phát thanh, truyền hình, truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số hiện nay vẫn đáp ứng tốt cho khu vực quy hoạch.

12. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án:

* Chỉ tiêu cây xanh: 4m2/người

* Chỉ tiêu đất giao thông: 15-20%

* Chỉ tiêu Cấp nước: 80L/người/ngày đêm

* Cấp điện:

- Nguồn điện: Điện lưới Quốc gia

- Chỉ tiêu cấp điện: 400kWh/ng.năm.

* Thoát nước bẩn vệ sinh môi trường:

- Chỉ tiêu nước thải lấy bằng chỉ tiêu cấp nước

- Rác thải: 0,8 kg/người/ngày, Thu gom = 85%.

13. Phương án quy hoạch:

13.1 Quy hoạch phát triển không gian:

13.1.1 Quan điểm quy hoạch: Việc tổ chức bố cục không gian Quy hoạch chi tiết xây dựng hợp khối các cơ quan hành chính tập trung tỉnh Hà Giang tại thành phố Hà Giang được tổ chức theo nguyên tắc: Đảm bảo mô hình phát triển không gian theo yêu cầu của Quy hoạch chi tiết xây dựng hợp khối các cơ quan hành chính tập trung tỉnh Hà Giang tại thành phố Hà Giang. Tôn trọng cảnh quan trong khu vực, có quy định chặt chẽ về tầng cao cũng như kiểu dáng kiến trúc phải phù hợp với cảnh quan thiên nhiên mang đậm nét đặc trưng của khu vực vùng cao biên giới.

13.1.2 Phương án quy hoạch kiến trúc:

- Quy hoạch gồm các khu chức năng chính sau:

01. Khu hợp khối các cơ quan hành chính.

02. Trung tâm hội nghị.

03. UBND tỉnh.

- Phân khu vực như sau:

+ Khu vực phía Bắc: 04 tòa nhà hợp khối (A, B, C, D).

+ Khu vực phía Nam: Gồm: Trung tâm hội nghị và UBND tỉnh.

* Căn cứ đặc điểm hiện trạng khu vực quy hoạch và các yêu cầu quy hoạch. Các khối chức năng được quy hoạch cụ thể như sau:

STT

Công trình

Chức năng

Quy mô

A

Khu vực phía Bắc

1

Khối nhà A

Khối nhà A gồm: Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Hội chữ thập đỏ, Ban dân tộc

6 tầng

2

Khối nhà B

Khối nhà B gồm: Sở Tài chính, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương

10 tầng

3

Khối nhà C

Khối nhà C gồm: Sở NN và PTNT, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBMT Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên minh Hợp tác xã, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh.

10 tầng

4

Khối nhà D

Khối nhà D gồm: Sở Lao động TB-XH, Sở Văn hóa thể thao và du lịch, Hội văn học N.thuật, Hội cựu chiến binh, Sở Tư pháp + Phòng công chứng số 1, Báo Hà Giang + TT xã Việt Nam, Liên đoàn lao động tỉnh

6 tầng

B

Khu vực phía Nam

5

Khối nhà Trung tâm hội nghị tỉnh

Trung tâm hội nghị của Tỉnh

3 tầng

6

UBND tỉnh Hà Giang

Nhà làm việc UBND tỉnh Hà Giang

7 tầng

13.2 Quy hoạch sử dụng đất:

13.2.1 Quy hoạch sử dụng đất:

STT

Loại đất

Diện tích (m2)

Tỷ lệ %

1

Đất giao thông

7.318,5

12,20%

2

Đất cơ quan

40.300

67,20%

3

Đất công cộng

12.381,5

20,60%

 

Cộng

60.000

100,00%

- Khoảng lùi công trình: Khoảng lùi công trình đối với từng lô đất và trục đường phải tuân thủ các quy định về chỉ giới xây dựng đã được quy định cụ thể trên từng tuyến đường như:

* Đối với tổ hợp công trình bao gồm phần đế công trình và tháp cao phía trên thì các quy định về khoảng lùi công trình được áp dụng riêng đối với phần để công trình và đối với phần tháp cao phía trên theo tầng cao xây dựng tương ứng với mỗi phần tính từ mặt đất (cốt vỉa hè). Khoảng lùi của các công trình so với lộ giới đường quy hoạch được quy định tùy thuộc vào tổ chức quy hoạch không gian kiến trúc, chiều cao công trình và chiều rộng của lộ giới, ngoài các quy định trên, khoảng lùi tối thiểu phải thỏa mãn theo quy định Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng.

14. Thiết kế kiến trúc công trình:

14.1 Bố cục không gian kiến trúc:

Bố cục không gian kiến trúc tổng thể mang đặc trưng kiến trúc công trình công sở cao tầng, các công trình liên kết với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc nhất quán; phong cách kiến trúc hiện đại, mang bản sắc văn hóa vùng miền, công năng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Không gian kiến trúc phù hợp với cảnh quan chung đô thị.

14.2 Các yêu cầu quản lý quy hoạch xây dựng:

Yêu cầu về quản lý quy hoạch xây dựng các chức năng trong khu hợp khối các cơ quan hành chính tập trung của tỉnh được quy định như sau:

a. Kiến trúc công trình:

+ Yêu cầu phải có không gian kiến trúc lớn phù hợp với quy mô công trình, mặt bằng tổng thể phù hợp với đặc thù riêng.

+ Kiến trúc hiện đại đơn giản, khúc triết, đường nét mạch lạc phù hợp với yêu cầu hoạt động của công trình.

+ Tổ hợp tầng cao từ 3-10 tầng tạo điểm nhấn cho không gian.

+ Màu sắc công trình: chủ yếu sử dụng các màu trung tính, có tông độ như màu ghi đá, màu trắng ngà, màu vàng kem, màu xanh dương tạo sự trang nhã.

+ Khoảng lùi so với chỉ giới đường đỏ: Theo bản vẽ quy hoạch.

b. Kiến trúc cảnh quan cây xanh mặt nước:

+ Quy hoạch cây xanh hai bên trục đường, sử dụng các loại cây có bóng mát hoa đẹp và thường xanh tránh cây có lá rụng nhiều gây ô nhiễm môi trường đường phố. Mỗi đoạn trục phố trồng một số cây hoa đặc trưng cho phù hợp với tính chất chức năng hoạt động của từng cụm công trình và sự hài hòa giữa không gian kiến trúc và cây xanh.

+ Tổ chức cây xanh trong vườn hoa chủ yêu kết hợp giữa cây hoa, cây bụi trang trí và thảm cỏ.

+ Đài phun nước được quy hoạch tạo điểm nhấn và vi khí hậu cho khu vực.

15. Quy hoạch hệ thống Hạ tầng kỹ thuật:

15.1 Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật:

a) Giải pháp sàn:

- Khu vực có mặt bằng phẳng và thuận lợi cho việc quy hoạch và xây dựng công trình. Có xây dựng xác định theo tính chất từng công trình và phù hợp với đặc điểm hiện trạng khu vực.

b) Giải phép thoát nước mưa:

Hệ thống thoát nước cho khu quy hoạch là hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa, nước thải sinh hoạt và dịch vụ bao gồm các rãnh xây gạch có nắp đan BTCT chạy dọc theo các tuyến giao thông khu vực và đấu nối hệ thống thoát nước chung của thành phố.

15.2. Quy hoạch giao thông:

a) Giao thông đối ngoại:

Trục đường giao thông đối ngoại chính được xác định là trục đường: Quốc lộ 2, trục đường đôi có chiều rộng nền đường là 31,0 m (mặt đường 2x10,5m, giải phân cách 4m, lề đường 2x3,0m); trục đường (nối giữa đường Yết Kiêu và đường Nguyễn Trãi) có chiều rộng nền đường là 11,5m (mặt đường 7,5m, lề đường 2x2,0m) dài 73,0m.

b) Giao thông khu vực:

Thiết kế phù hợp với phương án quy hoạch và tổ chức không gian trong khu vực hợp khối, tạo cảnh quan hài hòa trong khu vực.

15.3 Quy hoạch cấp nước:

Nguồn nước cấp cho khu vực quy hoạch lấy từ hệ thống cấp nước có sẵn từ đường cấp nước của thành phố Æ 250 trên tuyến Quốc lộ 2 và hệ thống giao thông khu vực quy hoạch.

Mạng ống cấp nước phân phối tới công trình là mạng nhánh cụt. Đối với công trình cao tầng nước được cấp thông qua trạm bơm, bể chứa cục bộ tập trung hoặc phân tán cho ô đất hoặc từng công trình. Phương án thiết kế sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng cụ thể.

15.4. Quy hoạch cấp điện: Quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống cấp điện đáp ứng nhu cầu phụ tải theo quy hoạch theo các giai đoạn phát triển.

15.5 Quy hoạch thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:

- Xử lý nước thải: Nước sinh hoạt được xử lý cục bộ bằng hệ thống xử lý tại các công trình sau đó dẫn ra cống thoát nước chung của khu vực.

- Vệ sinh môi trường:

+ Quá trình đầu tư xây dựng các công trình khi vận chuyển vật liệu phải có bạt che phủ, tập kết hợp lý vào các vị trí thuộc phạm vi xây dựng và thuận tiện cho công tác thi công, không làm ô nhiễm môi trường.

+ Thu gom chất thải rắn: bố trí các điểm thu gom rác ở những khu vực thích hợp, rác được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến khu vực tập kết chung và xử lý theo quy trình xử lý chất thải của thành phố.

16. Đánh giá môi trường chiến lược:

- Đảm bảo các hoạt động chức năng trong khu đô thị phải phù hợp với các tiêu chuẩn và pháp luật về môi trường của Việt Nam.

- Dự báo, đánh giá tác động xấu đối với môi trường của đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang làm cơ sở lựa chọn phương án quy hoạch tối ưu. Các vấn đề môi trường đã và chưa được giải quyết trong đồ án quy hoạch. Đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường còn tồn tại trong đồ án quy hoạch. Đề xuất biện pháp quản lý, giám sát môi trường khu vực.

17. Thiết kế đô thị:

17.1 Xác định các công trình điểm nhấn trong khu vực quy hoạch theo các hướng tầm nhìn: Được xác định nằm trung tâm khu quy hoạch với thiết kế kiến trúc loại công trình trụ sở cao tầng, quy mô từ 6 đến 10 tầng.

17.2 Xác định chiều cao xây dựng công trình:

Tổ chức không gian và chiều cao cho toàn khu vực nghiên cứu:

Khu công trình các tòa nhà hợp khối: 6 - 10 tầng.

Khu trung tâm hội nghị: 3 tầng.

17.3 Xác định khoảng lùi công trình trên từng đường phố, nút giao thông: Khoảng lùi đối với các công trình kiến trúc trên từng tuyến đường, nút giao thông trong khu quy hoạch chỉ giới đường đo với 6,0m; chỉ giới xây dựng với 3,0m đảm bảo tốt các giải pháp trồng cây, xây hàng rào hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật khác. Thực hiện khoảng lùi theo quy hoạch đảm bảo giải pháp không gian kiến trúc cảnh quan, đảm bảo tiện lợi trong khai thác sử dụng. Đồng thời khoảng lùi của các công trình phải tuân thủ quy hoạch, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.

17.4 Xác định hình khối, màu sắc, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc:

- Hình khối kiến trúc: Khối tích các công trình bằng giải pháp hợp khối đảm bảo không gian cũng như tổng thể khu quy hoạch.

- Hình thức kiến trúc chủ đạo là kiến trúc trụ sở hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa.

- Màu sắc chủ đạo của Công trình nhà ở phải trang nhã và hài hòa với cảnh quan chung.

Điều 2. Sở Xây dựng phối hợp cùng Ban quản lý Dự án công trình xây dựng Hà Giang có trách nhiệm:

- Tổ chức công khai đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực hợp khối các cơ quan hành chính cấp tỉnh tại thành phố Hà Giang để các tổ chức và nhân dân biết, tham gia kiểm tra và thực hiện quy hoạch.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng liên quan đề xuất các giải pháp quản lý triển khai thực hiện quy hoạch; tập trung huy động vốn đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

- Quản lý, bàn giao hồ sơ cho các cơ quan chức năng liên quan và nghiệm thu, thanh quyết toán, kinh phí điều tra, khảo sát và lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung theo đúng trình tự hiện hành.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Giang, Ban Quản lý Dự án công trình xây dựng Hà Giang và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- T.Tr Tỉnh ủy (thay b/c);
- T.Tr HĐND tỉnh (thay b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh (thay b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Cổng thông tin điện tử tỉnh);
- CV CNGTXD, NNTNMT, KTTH
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn