Quyết định 174/2008/QĐ-UBND thực hiện cơ chế một cửa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh
Số hiệu: 174/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Trần Văn Túy
Ngày ban hành: 24/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/2008/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 24 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA TẠI SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH BẮC NINH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ vào Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ vào Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thực hiện áp dụng cơ chế “một cửa” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh trên các lĩnh vực công việc: “Thẩm định dự án đầu tư có nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thẩm định kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu; Thẩm tra, trình cấp giấy chứng nhận đầu tư; cụ thể như sau:

1. Tổ chức, công dân có yêu cầu được giải quyết những công việc thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 1 của văn bản này, nộp hồ sơ trực tiếp cho “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh để được giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan theo qui định của pháp luật.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm hướng dẫn, nhận hồ sơ, trả kết quả theo quy định của pháp luật.

2. Những hồ sơ của tổ chức, công dân không thuộc lĩnh vực công việc thực hiện theo cơ chế “một cửa” quy định tại Điều 1 của văn bản này, nhưng thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tiếp cho cán bộ, công chức hoặc phòng chuyên môn có liên quan của Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 2. Thời gian giải quyết đối với các lĩnh vực công việc thực hiện áp dụng theo cơ chế “một cửa” theo quy định tại Điều 1 của văn bản này chỉ tính những ngày làm việc, không tính những ngày được nghỉ theo quy định của pháp luật (gồm các ngày lễ, ngày tết và ngày thứ bẩy và chủ nhật). Thời gian giải quyết được tính từ ngày “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” nhận hồ sơ hợp lệ và viết giấy biên nhận hồ sơ đối với tổ chức, công dân, cụ thể như sau:

1. Thời gian thẩm định dự án đầu tư có nguồn vốn ngân sách nhà nước:

- Đối với dự án nhóm B, tối đa không quá 12 ngày;

- Đối với dự án nhóm C, tối đa không quá 10 ngày;

- Đối với việc bổ sung, điều chỉnh dự án, tối đa không quá 10 ngày;

- Đối với việc bổ sung, điều chỉnh gói thầu, tối đa không quá 8 ngày.

2. Thời gian thẩm định kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu:

- Thẩm định kế hoạch đấu thầu, tối đa không quá 7 ngày;

- Thẩm định kết quả đấu thầu, tối đa không quá 10 ngày.

3. Thời gian thẩm tra, trình cấp giấy chứng nhận đầu tư:

- Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tối đa không quá 5 ngày;

- Thẩm tra, trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tối đa không quá 10 ngày.

Điều 3. Phí và lệ phí

Việc thu phí và lệ phí được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 4. Mọi tổ chức, công dân khi đến liên hệ giải quyết những công việc thực hiện theo cơ chế “một cửa” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những quy định tại văn bản này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

1. Bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

2. Căn cứ vào các qui định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, ban hành qui chế quy định quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại “bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”; trách nhiệm của các bộ phận, cơ quan liên quan trong thực hiện cơ chế “một cửa”; trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc ở “bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”.

3. Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết các loại công việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

4. Tập huấn về nghiệp vụ và cách giao tiếp với tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

5. Thông tin, tuyên truyền để tổ chức, cá nhân biết về hoạt động của cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan liên quan.

Điều 6. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa” theo qui định tại quyết định này và quy định của pháp luật, đạt kết quả cao; tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kịp thời báo cáo Sở Nội vụ để xem xét, giải quyết, hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 100/2004/QĐ-UB ngày 29 tháng 6 năm 2004 về việc áp dụng cơ chế một cửa đối với các lĩnh vực công việc ở Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 8. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuý

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.