Quyết định 174/2007/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế
Số hiệu: | 174/2007/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 19/11/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 27/11/2007 | Số công báo: | Từ số 791 đến số 792 |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 174/2007/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN ỦY BAN QUỐC GIA VỀ HỢP TÁC KINH TẾ QUỐC TẾ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 03 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Kiện toàn Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế là tổ chức phối hợp liên ngành, do Thủ tướng Chính phủ thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều 2. Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (dưới đây gọi là Ủy ban) có các nhiệm vụ sau đây:
1. Giúp Thủ tướng Chính phủ phối hợp, chỉ đạo các Bộ, ngành trong việc xây dựng phương án đàm phán kinh tế và thương mại quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEAN và các nước đối thoại, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức kinh tế - thương mại đa phương khác, các hiệp định thương mại tự do song phương và các thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam.
2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các hoạt động hội nhập kinh tế với các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức đa phương.
3. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam trong các tổ chức kinh tế thương mại đa phương.
5. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác vận động, đàm phán về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
6. Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong việc thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, phổ biến các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO và các hiệp định song phương và đa phương về mở cửa thị trường.
7. Thực hiện các công việc khác liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế do Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều 3. Các thành viên của Ủy ban gồm:
1. Phó Thủ tướng Chính phủ: Chủ tịch.
2. Bộ trưởng Bộ Công thương: Phó Chủ tịch.
3. Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế: Tổng Thư ký.
4. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Ủy viên.
5. Thứ trưởng Bộ Tài chính: Ủy viên.
6. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Ủy viên.
7. Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Ủy viên.
8. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ủy viên.
9. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Ủy viên.
10. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ủy viên.
11. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ủy viên.
12. Phó Chánh Văn phòng Trung ương: Ủy viên.
13. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Ủy viên.
14. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Ủy viên.
Điều 4. Chế độ làm việc:
1. Ủy ban hoạt động theo quy chế do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chủ tịch Ủy ban sử dụng con dấu của Chính phủ. Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký sử dụng con dấu của Bộ Công thương.
2. Bộ máy giúp việc của Ủy ban là Văn phòng của Ủy ban, do Bộ trưởng Bộ Công thương tổ chức, là một đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, có biên chế và con dấu riêng (không mang hình quốc huy). Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Ủy ban do Bộ trưởng Bộ Công thương kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban quyết định và báo cáo Chủ tịch Ủy ban.
3. Kinh phí hoạt động của Ủy ban được ngân sách nhà nước cấp thông qua tài khoản cấp 2 do Bộ Công thương quản lý.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 70/2002/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
Quyết định 34/2007/QĐ-TTg về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành Ban hành: 12/03/2007 | Cập nhật: 17/03/2007
Quyết định 70/2002/QĐ-TTg kiện toàn Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế Ban hành: 06/06/2002 | Cập nhật: 24/12/2009