Quyết định 1720/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020
Số hiệu: 1720/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Lý Thái Hải
Ngày ban hành: 24/10/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1720/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 24 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM KINH PHÍ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số: 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án bảo đảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

ĐỀ ÁN

BẢO ĐẢM KINH PHÍ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1720/QĐ-UBND ngày 24/10/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người năm 2006;

Quyết định số: 608/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số: 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020”;

Quyết định số: 1125/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020.

II. CƠ SỞ THỰC TIỄN

HIV/AIDS được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1981 và nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, trở thành một đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Trong 36 năm qua, HIV/AIDS đã khiến hơn 60 triệu người trên thế giới bị lây nhiễm và trở thành nguyên nhân gây tử vong cho hơn 30 triệu người. Đến thời điểm này, đại dịch HIV/AIDS trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Theo ước tính của UNAIDS, trung bình mỗi ngày thế giới có thêm khoảng 7.000 người nhiễm HIV.

Ở Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, đến ngày 30 tháng 5 năm 2017, đã có 209.754 trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện còn sống, số chuyển giai đoạn AIDS 89.986 trường hợp và có 90.882 trường hợp tử vong do AIDS.

Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại tỉnh Bắc Kạn được phát hiện vào năm 1998. Đến ngày 20 tháng 9 năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV tích lũy được rà soát và báo cáo trên toàn tỉnh là 1.913 người (gồm cả người tỉnh khác), trong đó có 1.681 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 1.046 bệnh nhân đã tử vong do AIDS, số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hiện đang được quản lý, chăm sóc tại các huyện, thành phố là 893 bệnh nhân. Riêng trong tháng 9 năm 2017, đã phát hiện 30 trường hợp nhiễm HIV mới, số chuyển AIDS là 40 trường hợp và số tử vong do AIDS là 27 trường hợp.

Tất cả 08/08 huyện, thành phố và 110/122 xã, phường, thị trấn đã phát hiện các trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay đang điều trị 552 bệnh nhân AIDS và 703 bệnh nhân nghiện chích ma túy bằng Methadone, mỗi năm ước tính sẽ giúp cho người nghiện chích ma túy và gia đình không phải chi trên 12 tỷ đồng mua ma túy để sử dụng; góp phần giảm tội phạm; giảm lây nhiễm HIV/AIDS cho người nghiện chích ma túy và cho cộng đồng.

Để khống chế với đại dịch HIV/AIDS, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là được sự hỗ trợ của các Dự án Quốc tế, đảm bảo vật tư, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, Bắc Kạn đã khống chế được tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở mức 0,45% trong cộng đồng dân cư (tỷ lệ chung của toàn quốc là 0,3%) và đạt được mục tiêu “ba giảm” đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.

Qua thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, các tỉnh có công nghiệp phát triển, số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đều trên 4.000 trường hợp (Hải Dương 4.100 trường hợp, Đồng Nai 5.500 trường hợp, Nghệ An 5.600 trường hợp). Dự báo Bắc Kạn trong thời gian tới với sự phát triển mạnh về dịch vụ du lịch và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, nếu công tác phòng, chống HIV/AIDS không được tập trung đẩy mạnh thì nguy cơ bùng phát HIV/AIDS sẽ ở mức cao, để lại gánh nặng lớn cho bản thân, gia đình người nhiễm HIV/AIDS và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Phần II

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS 2010 - 2016 VÀ NGUY CƠ DỊCH

I. KẾT QUẢ HUY ĐỘNG KINH PHÍ

Giai đoạn 2010 - 2016, tổng kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS tại Bắc Kạn là 53.560.967.000 đồng (trung bình mỗi năm 7.600.000.000 đồng); cụ thể theo biểu kèm theo.

Biểu tổng kinh phí huy động được giai đoạn 2010 - 2016

Đơn vị tính: 1000 đồng

Nguồn kinh phí

Năm

Tổng cộng

(2010 - 2016)

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

NSNN thông qua CTMTQG

1.740.000

2.100.000

7.411.000

5.686.000

745.000

750.000

200.000

18.632.000

Dự án HAARP

2.900.000

6.794.596

7.350.000

4.968.082

3.255.104

0

0

25.267.782

Dự án Quỹ toàn cầu

0

3.507.180

2.786.706

626.600

477.099

0

0

7.397.585

Ngân sách tỉnh

0

230.000

452.600

369.000

350.000

672.000

190.000

2.263.600

Bảo hiểm Y tế

0

0

0

0

 

 

0

0

Thu phí dịch vụ

0

0

0

0

 

 

0

0

Tổng cộng

4.640.000

12.631.776

18.000.306

11.649.682

4.827.203

1.422.000

390.000

53.560.967

1. Nguồn từ ngân sách Trung ương

Tổng ngân sách Trung ương đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2010 - 2016 là 18.632.000.000 đồng (kinh phí cho xây dựng cơ bản và trang thiết bị 8.000.000.000 đồng, kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS 10.600.000.000 đồng). Nguồn kinh phí của Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trước năm 2012 được phân bổ tăng dần theo từng năm; tuy nhiên, kinh phí hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS bắt đầu giảm (kinh phí năm 2013 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm > 15%, năm 2014 giảm > 60% và Dự án quỹ toàn cầu giảm > 70% so với năm 2012).

2. Nguồn từ ngân sách địa phương

Giai đoạn 2010 - 2016, tổng ngân sách tỉnh bố trí là 2.263.600.000 đồng, chủ yếu tập trung vào năm 2012 - 2014 cho hoạt động triển khai các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chương trình Bơm kim tiêm, chương trình giám sát ở huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn.

3. Nguồn viện trợ nước ngoài thông qua các dự án Quốc tế

Tổng ngân sách từ các dự án Quốc tế đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2010 - 2016 là 32.665.369.000 đồng, bao gồm nguồn kinh phí từ các dự án: Dự án phòng, chống HIV/AIDS khu vực Châu Á ở Việt Nam do Chính phủ Ốt -Xtrây lia, Chính phủ Hoàng Gia Hà Lan tài trợ và Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

II. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG KINH PHÍ

1. Kết quả sử dụng kinh phí tác động đến tình hình HIV/AIDS

Ngay từ khi phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên, Bắc Kạn đã nhận được sự quan tâm và đầu tư kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, các dự án Quốc tế, cùng với việc triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, can thiệp dự phòng, điều trị đã có tác động khống chế, không để cho HIV/AIDS lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2010 - 2016, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh và các Dự án Quốc tế cho một số chương trình can thiệp, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả nhất định:

- Đã xây dựng 1.600 m2 bao gồm: Cơ sở làm việc cho Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; hệ thống phòng xét nghiệm đạt chuẩn Quốc gia; 01 cơ sở điều trị AIDS tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; 04 cơ sở điều trị các chất gây nghiện bằng Methadone ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế các huyện: Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn.

- Triển khai có hiệu quả mô hình can thiệp giảm thiểu tác hại ở 41 xã thuộc hai huyện Chợ Mới, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn; các điểm nóng về hoạt động ma túy, mại dâm, đồng thời triển khai kịp thời các cơ sở điều trị, từ đó khống chế được số trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và số tử vong do AIDS. Số người mới được phát hiện nhiễm HIV giảm từ 227 trường hợp năm 2009 xuống còn 67 trường hợp năm 2014 (giảm 71%). Trong khi số mẫu xét nghiệm HIV hàng năm dao động từ 9.000 đến 12.000 mẫu. Việc triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS rộng khắp và đồng bộ trong toàn tỉnh.

2. Tác động của việc sử dụng kinh phí đến thực hiện các Đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

Thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS đồng thời với việc tăng dần mức đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đã có tác động rõ rệt đến tất cả các chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với các chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; Chương trình chăm sóc điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc mở rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại đã làm cho tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm đối tượng nguy cơ cao (nhóm người nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm) về cơ bản đã được khống chế qua các năm.

Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Bắc Kạn cũng đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Mặc dù mới được triển khai từ tháng 9 năm 2012 nhưng đến năm 2016, đã tiếp nhận và điều trị cho 567 bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ đạt hơn 95%. Sau hơn 06 tháng điều trị, 90% bệnh nhân đã ngừng sử dụng Heroin; đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, kinh tế, các mối quan hệ gia đình và xã hội; một số bệnh nhân đã xin được việc làm ổn định; trung bình mỗi ngày một bệnh nhân tiết kiệm được khoảng 300.000 - 500.000 đồng cho việc sử dụng ma túy. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương có bệnh nhân đang tham gia điều trị được cải thiện đáng kể.

Với việc mở rộng chương trình điều trị bệnh nhân AIDS từ tháng 5 năm 2005 bằng thuốc ARV, số bệnh nhân tử vong do AIDS đã giảm rõ rệt, từ 51 trường hợp năm 2010 xuống 28 bệnh nhân năm 2014.

III. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ

1. Về huy động kinh phí

- Giai đoạn 2010 - 2016, nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chỉ chiếm 4,4% tổng kinh phí;

- Một số năm nhận được kinh phí của Trung ương và của Dự án quá chậm nên bị động và không triển khai kịp thời các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

- Năm 2014, kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm 67% so với năm 2013, kinh phí các Dự án Quốc tế cũng giảm mạnh vào năm 2014 và sau năm 2015 các Dự án Quốc tế đã chính thức không còn đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.

2. Về quản lý kinh phí

Hệ thống thông tin, báo cáo và cơ sở dữ liệu về các nguồn kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS chưa thực sự phục vụ kịp thời cho công tác lập kế hoạch, điều phối và nâng cao hiệu quả của các hoạt động, đặc biệt tại các huyện không có dự án nước ngoài trước đây.

IV. NGUY CƠ DỊCH

Trong thời gian tới, du lịch thương mại, công nghiệp nhẹ, các loại hình kinh doanh mới được hình thành ở Bắc Kạn phát triển mạnh do đó sẽ gia tăng các đối tượng nguy cơ cao như: Nghiện chích ma túy, hoạt động mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới nam và nhóm di biến động, vì vậy nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng cao. Hàng năm sẽ có một số bệnh nhân nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS nên số bệnh nhân cần điều trị AIDS tăng dần qua các năm. Trong khi đó, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS không được duy trì do nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm không được đầu tư bền vững.

Phần III

MỤC TIÊU, KINH PHÍ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của “Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” tại Bắc Kạn nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở mức thấp hơn tỉ lệ nhiễm trong toàn quốc và các tỉnh Đông Bắc Bộ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh phí

- Bảo đảm ngân sách của tỉnh cho các nhu cầu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tăng dần qua các năm đến năm 2020;

- Sử dụng có hiệu quả kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

- Bảo đảm 20% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp vào năm 2018 và 50% vào năm 2020;

- Bảo đảm 100% số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định vào năm 2018 và đạt và duy trì 100% vào năm 2020.

b) Về các chỉ tiêu chuyên môn

- Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,36% vào năm 2018 và 0,3% vào năm 2020;

- 100% bệnh nhân AIDS là phụ nữ có thai nhiễm HIV được điều trị nhằm xóa bỏ hoàn toàn lây truyền HIV từ mẹ sang con;

- 90% bệnh nhân AIDS được điều trị thuốc ARV vào năm 2018 và 95% vào năm 2020; giảm 70% các ca tử vong do đồng nhiễm HIV/Lao vào năm 2018 và 90% vào năm 2020;

- 100% chiến sĩ công an, nhân viên y tế và những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được điều trị phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp;

- 100% thanh niên khám nghĩa vụ quân sự hàng năm được xét nghiệm HIV;

- 100% đối tượng nghiện chích ma túy được xét nghiệm HIV theo kế hoạch giám sát phát hiện của trung ương giao;

- Xóa bỏ tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS vào năm 2020.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020 là 39.766.000.000 đồng, trong đó chi cho dự phòng lây nhiễm HIV chiếm 40,5%; điều trị 48,9%, giám sát, đánh giá và nâng cao năng lực là 10,6%; cụ thể theo biểu sau:

Đơn vị tính: 1000 đồng

TT

Nội dung hoạt động và nguồn kinh phí đảm bảo

Năm

Tổng giai đoạn 2018 - 2020

2018

2019

2020

Tổng nhu cầu cho các hoạt động

12.742.000

13.250.000

13.774.000

39.766.000

1

Dự phòng lây nhiễm HIV

5.173.000

5.373.000

5.573.000

16.119.000

2

Điều trị HIV/AIDS

6.164.000

6.472.000

6.796.000

19.432.000

3

Giám sát, đánh giá

707.000

707.000

707.000

2.121.000

4

Nâng cao năng lực

698.000

698.000

698.000

2.094.000

- Kinh phí có khả năng huy động được là 33.766.000.000 đồng, trong đó:

+ Ngân sách từ CTMT Y tế - Dân số: 600.000.000 đồng.

+ Ngân sách dự kiến thu từ bảo hiểm: 17.762.000.000 đồng.

+ Kinh phí do người dân tự đóng góp: 12.842.000.000 đồng.

+ Huy động từ nguồn khác: 2.562.000.000 đồng.

- Nhu cầu kinh phí ngân sách tỉnh bổ sung là 6.000.000.000 đồng.

Tổng kinh phí có thể huy động được từ các nguồn dự kiến là 33.766.000.000 đồng mới chỉ đáp ứng được khoảng 85% tổng nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn này. Nguồn kinh phí này chủ yếu chi cho hoạt động điều trị HIV/AIDS thông qua nguồn bảo hiểm y tế (gồm thuốc kháng vi rút, thuốc nhiễm trùng cơ hội và các xét nghiệm cho người bệnh) chiếm 52%; nguồn do người dân đóng góp chỉ chi riêng cho hoạt động điều trị Methadone tại 08 cơ sở điều trị (bao gồm chi phí hành chính; vật tư tiêu hao; thuốc; lương cho cán bộ; bảo dưỡng trang thiết bị) chiếm 38%. Thêm vào đó, các nguồn kinh phí này đều chưa ổn định, trong đó nguồn kinh phí nhà nước còn phải phụ thuộc vào cân đối thu chi của Trung ương cũng như địa phương, các nguồn viện trợ cũng bị cắt giảm hàng năm.

Nguồn kinh phí cần hỗ trợ từ ngân sách địa phương 6.000.000.000 đồng (chiếm 15%) bao gồm các chi phí cho hoạt động can thiệp giảm hại; chi phí giám sát xét nghiệm HIV; chi phí mua thẻ bảo hiểm cho người nhiễm HIV nghèo còn thiếu; chi phí làm xét nghiệm cho bệnh nhân nghèo điều trị Methadone.

Biểu tổng hợp ước tính kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020.

Đơn vị tính: 1000 đồng

TT

Nguồn kinh phí

Năm

Tổng giai đoạn 2018-2020

2018

2019

2020

I

Khả năng huy động được

10.745.787,5

11.253.787,5

11.766.425

33.766.000

1

Nguồn BHYT

5.634.000

5.916.000

6.212.000

17.762.000

2

Người dân tự chi trả

4.254.000

4.280.000

4.308.000

12.842.000

3

Ngân sách TW

200.000

200.000

200.000

600.000

4

Huy động khác (bao gồm doanh nghiệp, cơ quan, địa phương..)

657.787,5

857.787,5

1.046.425

2.562.000

II

Nguồn ngân sách địa phương

1.996.212,5

1.996.212,5

2.007.575

6.000.000

1

Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV

1.235.932,5

1.235.932,5

1.235.932,5

3.707.797,5

1.1

Hỗ trợ hoạt động truyền thông thay đổi hành vi nhiễm HIV tại 08 huyện thành phố

160.000

160.000

160.000

480.000

1.2

In ấn tài liệu truyền thông

50.000

50.000

50.000

150.000

1.3

Kiểm tra giám sát của Ban Chỉ đạo

20.000

20.000

20.000

60.000

1.4

Can thiệp giảm tác hại

1.005.932,5

1.005.932,5

1.005.932,5

3.017.797,5

1.4.1.

Chương trình Bơm kim tiêm

602.252,5

602.252,5

602.252,5

1.806.757,5

-

Chi trả phụ cấp cho tuyên truyền viên đồng đẳng

300.000

300.000

300.000

900.000

-

Mua bơm kim tiêm

132.312,5

132.312,5

132.312,5

396.937,5

-

Thu gom bơm kim tiêm bẩn

102.740

102.740

102.740

308.220

-

Vận chuyển và tiêu hủy bơm kim tiêm bẩn

67.200

67.200

67.200

201.600

1.4.2.

Chương trình điều trị Methadone

403.680

403.680

403.680

1.211.040

-

Hỗ trợ chi phí khám bệnh cho bệnh nhân nghèo theo TT 73 BTC

379.680

379.680

379.680

1.139.040

-

Chi phí mua sinh phẩm XN Heroin

24.000

24.000

24.000

72.000

2

Chương trình điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

376.130

376.130

376.130

1.128.390

2.1

Mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV

105.300

105.300

105.300

315.900

2.2

Sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai

250.830

250.830

250.830

752.490

2.3

Kiểm tra giám sát chuyên môn

20.000

20.000

20.000

60.000

3

Tăng cường năng lực cho hệ thống PC HIV/AIDS (bảo dưỡng hệ thống Xét nghiệm khẳng định HIV)

100.000

100.000

111.362,5

311.362,5

4

Chi phí dịch vụ xét nghiệm phát hiện và xét nghiệm khẳng định: Sinh phẩm, hóa chất, VTTH, công xét nghiệm

284.150

284.150

284.150

852.450

Tổng nhu cầu cho các

hoạt động (I + II)

12.742.000

13.250.000

13.774.000

39.766.000

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhóm giải pháp về huy động kinh phí

- Tăng cường đầu tư ngân sách địa phương cho các hoạt động thiết yếu, có hiệu quả để bảo đảm tính bền vững của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; giai đoạn 2018 - 2020, trung bình ngân sách tỉnh cần cấp bổ sung 02 tỷ/năm.

- Huy động sự tham gia đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp, các địa phương, đơn vị cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

- Tăng cường chi trả các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS.

- Hướng dẫn nhằm cụ thể hóa chính sách của Trung ương bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của người nhiễm HIV khi tham gia bảo hiểm y tế.

- Thực hiện công tác xã hội hóa Chương trình điều trị Methadone theo Nghị định số: 90/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ.

2. Nhóm giải pháp về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí

a) Hoàn thiện cơ chế điều phối, phân bổ nhằm kiểm soát hiệu quả nguồn kinh phí huy động được

- Phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và các nguồn kinh phí huy động khác phù hợp với các đặc điểm về mức độ tình hình dịch, địa lý, tình hình kinh tế - xã hội, khả năng tự bảo đảm kinh phí của tỉnh. Tập trung ưu tiên kinh phí phân bổ cho các nhiệm vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS;

- Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS, các Sở, Ban, Ngành, các doanh nghiệp và liên tục cập nhật về các lĩnh vực, địa bàn và đối tượng cần ưu tiên can thiệp nhằm chủ động bố trí và điều phối nguồn lực;

- Kiểm tra, giám sát việc phân bổ kinh phí các địa phương, đơn vị nhằm bảo đảm cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, đơn vị.

b) Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí

- Tăng cường công tác giám sát đối với việc thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS;

- Theo định kỳ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Y tế tiến hành kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính của các chương trình, dự án và của các cơ quan, đơn vị tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

c) Thực hiện các giải pháp quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực

- Củng cố, kiện toàn bộ máy phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến nhằm tăng cường điều phối tập trung và có hiệu quả các nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị;

- Định kỳ nghiên cứu xác định các ưu tiên trong phòng, chống HIV/AIDS (địa bàn, lĩnh vực, hoạt động, đối tượng) để có sự phân bổ kinh phí hợp lý;

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm chi tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS tại các địa phương, đơn vị;

- Đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các đoàn thể và được thực hiện bởi các nguồn kinh phí thường xuyên của các địa phương, đơn vị;

- Thiết lập và mở rộng các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với các dịch vụ này, đặc biệt là người nhiễm HIV có thể tiếp cận sớm với các dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS;

- Thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, sinh phẩm, vật tư cần thiết cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đúng quy định hiện hành;

- Huy động các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí tự huy động được;

- Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các hệ thống, thiết chế kinh tế - xã hội hiện có, đặc biệt là hệ thống y tế và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào, các cuộc vận động quần chúng của các địa phương, đơn vị.

3. Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí

- Tăng cường cử cán bộ đầu mối tại các tuyến tham gia hội thảo, tập huấn về nâng cao năng lực quản lý Chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

- Tăng cường tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và giám sát việc triển khai thực hiện Đề án; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, Ban, Ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động tài chính cụ thể cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm cả việc huy động các nguồn viện trợ mới.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và thực hiện Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh tổ chức triển khai các nội dung của Đề án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch huy động nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương trên cơ sở Đề án này.

- Theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch của các Sở, Ngành, đoàn thể và các địa phương.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế bố trí kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo Đề án; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Y tế tăng cường công tác điều phối, quản lý các khoản tài trợ quốc tế theo đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn chi tiết thực hiện Điều 19 Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các Sở, Ban, Ngành liên quan và các địa phương xây dựng cơ chế, giải pháp cụ thể huy động tài chính cho công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin tuyên truyền ở cơ sở theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện thông tin, truyền thông về HIV/AIDS như một hoạt động thường xuyên, liên tục của cơ quan, đơn vị.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch huy động nguồn kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trường học và sử dụng có hiệu quả kinh phí phòng, chống HIV/AIDS huy động được.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tài chính, chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS trong các nhà trường bằng nguồn kinh phí thường xuyên của các nhà trường theo thẩm quyền.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay vốn, tổ chức tạo việc làm đối với người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người đang tham gia điều trị Methadone, tạo điều kiện cho họ có thể tự chi trả một phần chi phí dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận được các chính sách xã hội hiện hành dành cho những người nghiện chích ma túy và những người dễ bị tổn thương.

7. Công an tỉnh

- Chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp với Sở Y tế chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV tại trại giam và trại tạm giam. Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ chiến sĩ của ngành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các Sở, Ngành liên quan tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS cho các tầng lớp nhân dân.

8. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan trực thuộc ở các địa phương thực hiện chi trả một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống bảo hiểm y tế.

- Đẩy mạnh và mở rộng việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đối với người nhiễm HIV/AIDS thông qua hệ thống bảo hiểm y tế.

9. Các Sở, Ban, Ngành có liên quan

- Chủ động huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để bổ sung nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Báo cáo mức huy động kinh phí bổ sung về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Có cơ chế, chính sách, quy định đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) vào kế hoạch công tác, bao gồm kế hoạch kinh phí thường xuyên của sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

- Chủ động tham gia triển khai thực hiện Đề án này theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mình.

- Phối hợp với Ngành Y tế và các ngành có liên quan khác cùng cấp tăng cường huy động các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí tự huy động được.

- Triển khai rộng khắp Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các phong trào, các cuộc vận động quần chúng, các sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở.

11. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Các doanh nghiệp trong tỉnh hằng năm ký cam kết với Sở Y tế, có kế hoạch thực hiện và có trách nhiệm trích kinh phí phối hợp với Sở Y tế thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tiến tới đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xây dựng và phê duyệt Kế hoạch “Bảo đảm nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020” trên địa bàn phù hợp tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của địa phương.

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê tất cả điểm triển khai các mô hình can thiệp giảm thiểu tác hại trên địa bàn; chủ động đề nghị nhân rộng các hoạt động hiệu quả; tập trung, ưu tiên đầu tư cho các hoạt động dự phòng, điều trị HIV/AIDS nhằm duy trì, bảo đảm tính bền vững của chương trình.

- Chỉ đạo lồng ghép, phối hợp và điều hành thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Đề án này với các chương trình, dự án khác trên địa bàn do địa phương trực tiếp quản lý.

- Chủ động đầu tư, bố trí ngân sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định tại Đề án này, đồng thời chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí hiệu quả, không để thất thoát, thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành.

Trên đây là Đề án bảo đảm kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020 tỉnh Bắc Kạn./.