Quyết định 1716/QĐ-UBND năm 2012 về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2020
Số hiệu: 1716/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Trần Thanh Nam
Ngày ban hành: 16/08/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1716/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 16 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 70/2012/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011- 2020 tại kỳ họp thứ năm, khóa VIII;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 147/TTr-SNN-LN ngày 03/8/2012 về việc xin phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 – 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2020. Với nội dung như sau:

I. Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp năm 2010

Tổng diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Kiên Giang là: 85.941,3ha.

Trong đó:

- Đất lâm nghiệp có rừng: 67.328,5ha.

+ Rừng tự nhiên: 41.416,1ha.

+ Rừng trồng: 25.912,4ha.

- Đất lâm nghiệp chưa có rừng: 18.612,8ha.

II. Quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2011 - 2020

1. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp

- Diện tích đất lâm nghiệp đưa ra ngoài quy hoạch là 3.360,7ha (trong đó: thị xã Hà Tiên 110ha, huyện Hòn Đất 2.560,1ha, huyện Kiên Lương 162,8ha, huyện Giồng Riềng 131ha và huyện Kiên Hải 396,8ha).

- Diện tích đất lâm nghiệp đưa vào quy hoạch là 3.145,3ha (trong đó: thị xã Hà Tiên 227,6 ha, huyện Hòn Đất 363,8ha, huyện Kiên Lương 72,2ha, huyện Giang Thành 182,4 ha, huyện An Biên 565,1ha, huyện An Minh 1.071,1ha, huyện Phú Quốc 267,7ha).

2. Quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2011 - 2020

Tổng diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011- 2020 là 85.725,9ha, trong đó:

- Rừng đặc dụng: 38.598,7ha.

- Rừng phòng hộ: 33.699,8ha.

- Rừng sản xuất: 13.427,4ha.

III. Nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

Mục tiêu, nhiệm vụ

1.1. Mục tiêu

- Thiết lập hệ thống quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Tập trung xây dựng, bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ ven biển nhằm góp phần phòng chống và giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Quản lý bảo vệ tốt các khu rừng đặc dụng hiện có.

- Bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái rừng đặc trưng, tăng cường tính đa dạng sinh học của tài nguyên rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và vùng hải đảo.

1.2. Nhiệm vụ

- Quy hoạch hợp lý, quản lý và sử dụng có hiệu quả hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Nâng cao nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua cơ chế phát triển sạch, du lịch sinh thái, phòng chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước...

- Tạo thêm nhiều việc làm mới trong lâm nghiệp. Tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo trong các vùng lâm nghiệp trọng điểm. Chú trọng đồng bào dân tộc ít người, hộ nghèo và phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa.

- Nâng độ che phủ rừng lên 14% vào năm 2015 và 14,5% vào năm 2020 (tính cả diện tích trồng cây phân tán).

Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020

- Bảo vệ rừng: 75.000ha, trong đó giao khoán bảo vệ rừng bình quân mỗi năm là 15.000 ha.

- Khoanh nuôi tái sinh rừng: 2.589,6ha (trong đó: rừng đặc dụng 789,6ha, rừng phòng hộ 1.800ha).

- Trồng rừng mới và trồng lại rừng: 17.818ha (trong đó: Trồng mới 9.994ha, trồng lại rừng sau khai thác 7.824ha).

- Khai thác rừng: Hàng năm, tiến hành khai thác 30% trên tổng diện tích rừng sản xuất đến tuổi khai thác và 10% trên tổng diện tích rừng phòng hộ đến tuổi khai thác.

- Trồng cây phân tán: 20 triệu cây.

- Xây dựng 07 vườn ươm với tổng diện tích là 31ha.

- Sửa chữa 12 trạm bảo vệ rừng và 02 nhà làm việc.

- Xây dựng mới 21 trạm bảo vệ rừng.

- Xây dựng đường lâm nghiệp: 122,5km.

- Xây dựng chòi canh lửa: 31 cái.

- Hệ thống đường băng cản lửa: 258,3km.

- Sửa chữa nâng cấp hệ thống đê bao: 80km.

IV. Vốn đầu tư và nguồn vốn

Tổng vốn đầu tư cho Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2020 là 566.244.402.000 đồng, trong đó:

Ngân sách Trung ương: 258.368.110.000 đồng.

Vốn nước ngoài tài trợ: 139.495.800.000 đồng.

Vốn doanh nghiệp: 59.059.784.000 đồng.

Vốn liên doanh liên kết: 36.152.826.000 đồng.

Vốn hộ gia đình và vốn khác: 73.167.882.000 đồng.

Điều 2. Căn cứ vào Điều 1 của Quyết định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có rừng triển khai thực hiện:

- Công bố công khai Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2020 theo đúng Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

- Thực hiện giao đất, cho thuê đất, thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và sử dụng rừng theo đúng Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2020 đã được phê duyệt;

- Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có rừng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Nam