Quyết định 1702/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt “Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg
Số hiệu: 1702/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Đặng Viết Thuần
Ngày ban hành: 30/08/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1702/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 30 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 22/2013/QĐ-TTG NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Căn cứ Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Căn cứ Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24/7/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Căn cứ Công văn số 1382/BXD-QLN ngày 10/7/2013 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 793/TTr-SXD ngày 30/8/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt “Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đề án: Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Quan điểm, mục tiêu thực hiện đề án:

a. Quan điểm: Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện về nhà ở là trách nhiệm của toàn xã hội, ngoài ngân sách của Nhà nước, kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện về nhà ở còn được huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí huy động khác

b. Mục tiêu: Tập trung phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng nhà ở dột nát và nhà ở hư hỏng cho hộ gia đình chính sách trên địa bàn toàn tỉnh trong 2 năm 2013 - 2014. Đến năm 2015, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu 100% (8.308 hộ) gia đình chính sách có công với cách mạng có nhà ở ổn định và chắc chắn, được chăm lo về đời sống tinh thần và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản.

3. Nguyên tắc hỗ trợ:

+ Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây mà nay nhà ở đã bị hư hỏng, dột nát) để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao điều kiện nhà ở của người có công với cách mạng.

+ Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

+ Việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách.

4. Quy mô của đề án:

Tổng số hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành là: 8.308 hộ.

+ Năm 2013 tổng số hộ được hỗ trợ về nhà ở là: 1.017 hộ.

Trong đó:

- Tổng số hộ xây mới nhà ở là: 606 hộ.

- Tổng số hộ sửa chữa nhà ở là: 411 hộ.

+ Năm 2014 tổng số hộ dự kiến được hỗ trợ về nhà ở là: 7.291 hộ.

Trong đó:

- Tổng số hộ xây mới nhà ở là: 2.435 hộ.

- Tổng số hộ sửa chữa nhà ở là: 4.856 hộ.

5. Tổng số vốn để thực hiện đề án: 226,980 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Năm 2013 số vốn thực hiện đề án là: 32,460 tỷ đổng.

+ Năm 2014 số vốn dự kiến thực hiện đề án là: 194,520 tỷ đồng.

6. Nguồn vốn thực hiện đề án: Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác.

7. Tiến độ thực hiện Đề án:

+ Năm 2013: Hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho 1.017 hộ gia đình người có công với cách mạng.

+ Năm 2014: Dự kiến hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho 7.291 hộ gia đình người có công với cách mạng.

(Chi tiết xem Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên kèm theo Quyết định này)

Điều 2. Sở Xây dựng (cơ quan thường trực) và các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể; hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp huyện và các đơn vị tổ chức thực hiện “Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” để đạt được các mục tiêu đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Viết Thuần

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VỀ NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1702/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. CĂN CỨ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Căn cứ lập Đề án

- Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

- Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

- Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

- Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng;

- Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24/7/2013 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

- Công văn số 1382/BXD-QLN ngày 10/7/2013 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

2. Sự cần thiết phải lập Đề án

Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện về nhà ở là trách nhiệm của toàn xã hội, ngoài ngân sách của Nhà nước, kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện về nhà ở còn được huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí huy động khác.

Trong những năm vừa qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm sâu sắc và chỉ đạo thực hiện tốt việc thực hiện các Chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Là một địa phương có truyền thống cách mạng, nên tỉnh Thái Nguyên có số lượng đối tượng người có công được hưởng theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là: 85.787 người (số liệu theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đến thời điểm hiện nay).

Trong đó:

- Số người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (Lão thành cách mạng) là: 42 người;

- Số người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 (tiền khởi nghĩa) là: 172 người;

- Thân nhân liệt sỹ là: 3.898 người;

- Mẹ Việt Nam anh hùng là: 8 người;

- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong kháng chiến là: 5 người;

- Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh là: 5.164 người;

- Bệnh binh là: 1.517 người;

- Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là: 9.801 người;

- Người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày là: 180 người;

- Người có công giúp đỡ cách mạng là: 54 người.

- Một trong những nội dung của chính sách ưu đãi người có công là hỗ trợ nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng để đảm bảo cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng được giải quyết về nhà ở.

Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động mọi nguồn lực, và có cách làm sáng tạo với các giải pháp, chính sách phù hợp từ đó nâng cao hiệu quả tối ưu của chính sách.

II. THỰC TRẠNG VỀ NHÀ Ở

1. Thực trạng nhà ở của đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh

Tổng số hộ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở là: 8.470 hộ.

- Chất lượng nhà ở: Hầu hết các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đều ở nhà tạm, dột nát;

- Điều kiện nơi ở: Đa số hộ gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở đều sống ở vùng nông thôn, thu nhập thấp, cuộc sống hết sức khó khăn.

2. Các Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở trên địa bàn tỉnh

Trong những năm vừa qua tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể như sau:

2.1. Kết quả thực hiện:

* Đề án 134 của tỉnh trong lĩnh vực hỗ trợ hộ nghèo là dân tộc thiểu số về nhà ở:

+ Số hộ được hỗ trợ: 4201 hộ;

+ Số kinh phí hỗ trợ: 26,6 tỷ đồng.

Trong đó:

- Ngân sách trung ương: 22,2 tỷ đồng;

- Ngân sách địa phương: 4,4 tỷ đồng.

* Quyết định 118/2006/QĐ-TTg ngày 27/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

- Toàn tỉnh đã huy động được số tiền đóng góp vào “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cụ thể như sau:

+ Tổng số tiền từ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” đến năm 2008 là: 15 tỷ đồng.

+ Xây dựng “Nhà tình nghĩa” được 561 nhà.

* Quyết định 20/2000/QĐ-TTg và Quyết định 117/QĐ-TTg cụ thể như sau:

- Tổng số cán bộ “Lão thành cách mạng” 328 người được hỗ trợ số tiền hỗ trợ 16,31 tỷ đồng..

- Kết quả thực hiện hỗ trợ cải thiện nhà ở diện cán bộ tiền khởi nghĩa, cụ thể hỗ trợ cho 336 người, số tiền hỗ trợ là: 8,4 tỷ đồng.

* Kết quả thực hiện Quyết định 998/QĐ-UB về phê duyệt Đề án vận động xóa nhà dột nát cho hộ nghèo 2005 - 2007 cụ thể như sau: Vận động được: 27,7 tỷ đồng, hỗ trợ làm được 4389 nhà cho hộ nghèo. Trong đó làm mới 4077 nhà, sửa chữa 312 nhà.

* Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cụ thể như sau:

- Từ năm 2009 đến năm 2011 tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được 13.298 hộ, với tổng số kinh là 505,1 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Vốn ngân sách Trung ương: 105,3 tỷ đồng;

+ Vốn ngân sách địa phương: 4,6 tỷ đồng;

+ Vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội: 104,6 tỷ đồng;

+ Vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ, gia đình: 290,6 tỷ đồng.

- Về chất lượng nhà ở: Diện tích bình quân cho một căn nhà 46 m2, đảm bảo 03 cứng móng, tường, mái, chất lượng nhà đảm bảo đủ tiêu chuẩn nhà cấp 4, kinh phí bình quân xây dựng một ngôi nhà gần 40 triệu đồng.

2.2. Đánh giá chung về quá trình thực hiện các chính sách:

a. Về ưu điểm:

Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện được chú trọng. Quá trình triển khai được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và được cụ thể hóa bằng các Chỉ thị, bằng sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, các quyết định và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, kế hoạch cụ thể của các Ban chỉ đạo. Các ngành là thành viên trong BCĐ tỉnh được UBND tỉnh phân công, giao nhiệm vụ đã luôn có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, từ khâu triển khai, bình xét ở cơ sở đến khi hoàn thành công trình, nghiệm thu, thanh quyết toán. Các chương trình, chính sách luôn được lồng ghép với nhau.

b. Về các hạn chế tồn tại:

- Việc điều tra thống kê lập danh sách còn một số ít xóm, bản chưa thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định nên còn bỏ sót một số ít đối tượng;

- Việc bình xét hỗ trợ làm nhà, tuy đã có hướng dẫn về tiêu chí nhưng khi tiến hành ở các địa phương cũng còn có cách xác định khác nhau, có nơi làm chặt chẽ cũng có nơi còn có biểu hiện nể nang;

- Việc vận động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng đối với người nghèo còn hạn chế, chủ yếu chỉ giúp đỡ được một phần vật liệu sẵn có và ngày công lao động;

- Có một số ít hộ quá khó khăn nên khi được giao kế hoạch mà không thực hiện được phải điều chỉnh.

* Nguyên nhân của những tồn tại:

- Đối tượng được thụ hưởng chính sách là những hộ nghèo, là dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế và thường ở xa đường giao thông, thời gian triển khai gấp lại tập trung ở các xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao;

-  Về chính sách: Mức độ hỗ trợ còn thấp so với điều kiện vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, khả năng giúp đỡ của cộng đồng hạn chế trong khi đó giá vật liệu tăng cao;

- Về cán bộ thực hiện: Còn một số cán bộ ở một số nơi chưa nhiệt tình, ngại khó, thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát;

- Về đối tượng thụ hưởng: Một số chưa nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của chính sách, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu tính tự lực vươn lên.

III. NỘI DUNG, LỘ TRÌNH VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Quan điểm hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở

- Quan tâm đến việc hỗ trợ các hộ gia đình có công với cách mạng xóa nhà tạm bợ, dột nát nhằm cải thiện điều kiện sống và đảm bảo xóa đói giảm nghèo bền vững là thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” và “Đền ơn đáp nghĩa”;

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền và tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội phải có trách nhiệm tham gia vào việc thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

- Thực hiện cơ chế kích cầu nhằm tập trung huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; tranh thủ các khả năng huy động nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh;

- Thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực và hỗ trợ (bằng tiền, bằng vật tư nguyên liệu, công lao động...) để giải quyết theo hướng: Bản thân hộ gia đình tự lo, đóng góp giúp đỡ của cộng đồng dân cư, các cơ quan đơn vị doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước các cấp. Với phương châm: Cân đối nguồn lực (Kinh phí, vật tư, nguyên liệu, công lao động...) ngay tại từng địa bàn xã, phường, thị trấn và huyện, thành, thị. Ngân sách tỉnh và Quỹ vì “đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh chủ yếu ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương, miền núi có khó khăn về kinh tế mà còn nhiều hộ cần hỗ trợ về nhà ở;

- Gắn xã hội hóa với công việc khai hóa chính sách, nguồn lực, đối tượng được hỗ trợ. Tổ chức tốt việc rà soát bình xét dân chủ sát thực từ cơ sở, đảm bảo đúng đối tượng và sự công bằng đoàn kết trong từng địa bàn dân cư, làng xã; thực hiện ưu tiên theo thứ tự và đúng quy định. Phối hợp tổ chức quản lý chặt chẽ các nguồn kinh phí hỗ trợ theo hướng: Vận động nguồn lực và giám sát việc hỗ trợ qua Mặt trận Tổ quốc, cấp phát và quản lý qua chính quyền Nhà nước các cấp.

2. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ:

Tập trung phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng nhà ở dột nát và nhà ở hư hỏng cho hộ gia đình chính sách trên địa bàn toàn tỉnh trong 2 năm 2013 - 2014. Trong đó, năm 2013 ưu tiên thực hiện đối với các hộ gia đình có công với cách mạng thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 của Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng; năm 2014 tiếp tục thực hiện hỗ trợ các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ còn lại.

3. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà xây dựng:

a. Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (nếu là những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2);

b. Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung - tường cứng, mái cứng).

4. Mức hỗ trợ để làm nhà ở:

a. Từ nguồn ngân sách trung ương và đối ứng của tỉnh:

- Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở;

- Hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

b. Từ nguồn ngân sách tỉnh hàng năm, nguồn vận động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các nguồn đóng góp khác từ cộng đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách.

5. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở:

a. Đối tượng:

Là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

- Thân nhân liệt sỹ;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

- Bệnh binh;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

- Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

b. Điều kiện:

Hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức độ như sau:

- Phải phá dỡ để xây mới nhà ở;

- Phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

6. Phạm vi áp dụng:

Áp dụng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh.

7. Xác định số lượng hộ gia đình có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh:

- Tổng số hộ gia đình có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp trên toàn tỉnh đến nay là: 85.787 người;

- Tổng số hộ gia đình có công với cách mạng có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh là: 8.470 hộ.

Trong đó:

+ Tổng số hộ xây mới là: 3.084 hộ.

+ Tổng số hộ sửa chữa là: 5.386 hộ.

8. Nguồn vốn thực hiện:

- Nguồn vốn quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg .

- Ngoài ra tỉnh còn huy động các nguồn vốn sau:

+ Vốn hỗ trợ thêm từ một số quỹ như quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Xây dựng nhà tình nghĩa” cho hộ gia đình có công với cách mạng làm nhà ở;

+ Vốn huy động từ cộng đồng dân cư, dòng họ, và chính bản thân gia đình được hỗ trợ.

9. Tổng số vốn và phân khai nguồn vốn thực hiện:

Tổng số vốn là: 231,080 tỷ đồng.

Trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 219,526 tỷ đồng;

- Vốn ngân sách địa phương: 11,554 tỷ đồng;

Ngoài ra còn có các nguồn vốn hỗ trợ thêm từ một số quỹ và từ các doanh nghiệp vận động; vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và chính gia đình được hỗ trợ.

10. Cách thức thực hiện:

- Bình xét và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở;

- Cấp vốn làm nhà ở;

- Thực hiện xây dựng nhà ở.

11. Tiến độ thực hiện:

- Năm 2013: Hoàn thành các công tác chuẩn bị và thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 2.791 hộ = 34,5% của tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ;

Trong đó:

+ Tổng số hộ xây mới nhà ở là: 1.082 hộ.

+ Tổng số hộ sửa chữa nhà ở là: 1.709 hộ.

- Năm 2014: Thực hiện hỗ trợ nhà cho 5.679 hộ gia đình còn lại.

Trong đó:

+ Tổng số hộ xây mới nhà ở là: 2.002 hộ.

+ Tổng số hộ sửa chữa nhà ở là: 3.677 hộ.

12. Tiến độ huy động vốn hàng năm:

a. Năm 2013 tổng số vốn là: 77,460 tỷ đồng.

Trong đó:

- Vốn xây mới nhà là: 43,280 tỷ đồng;

+ Ngân sách Trung ương: 41,116 tỷ đồng;

+ Ngân sách địa phương: 2,164 tỷ đồng.

- Vốn sửa chữa nhà là: 34,180 tỷ đồng.

+ Ngân sách Trung ương: 32,471 tỷ đồng;

+ Ngân sách địa phương: 1,709 tỷ đồng.

b. Năm 2014 tổng số vốn là: 153,620 tỷ đồng.

Trong đó:

- Vốn xây mới nhà là: 80,080 tỷ đồng;

+ Ngân sách Trung ương: 76,076 tỷ đồng;

+ Ngân sách địa phương: 4,004 tỷ đồng.

- Vốn sửa chữa nhà là: 73,540 tỷ đồng.

+ Ngân sách Trung ương: 69,863 tỷ đồng;

+ Ngân sách địa phương: 3,677 tỷ đồng.

13. Tổ chức thực hiện:

a. Trên cơ sở Ban chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh phân giao, bổ sung nhiệm vụ cụ thể cho một số thành viên Ban chỉ đạo và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị để triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ ở hai cấp: Tỉnh và huyện.

+ Đối với BCĐ cấp tỉnh:

Thành phần Ban chỉ đạo là Lãnh đạo các Sở, ngành: Xây dựng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh; UBMT Tổ quốc tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; UBND các huyện, thành, thị. Các huyện, thành, thị cử lãnh đạo tham gia là thành viên Ban chỉ đạo và cử chuyên viên tham gia Tổ chuyên viên giúp việc để triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

+ Đối với BCĐ cấp huyện:

Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở cấp huyện gồm: Lãnh đạo UBND huyện làm Trưởng ban, Trưởng phòng Lao động, TB và XH làm Phó ban, các thành viên khác của BCĐ giống như thành phần đối với cấp tỉnh.

* Ban chỉ đạo các cấp có nhiệm vụ:

- Giúp cấp Ủy, Chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời xây dựng quy chế, nội dung chương trình hoạt động cụ thể; phân công cho từng thành viên trực tiếp phụ trách các địa bàn dân cư để phối hợp chỉ đạo, tăng cường công tác vận động đóng góp quỹ hỗ trợ cho gia đình có công với cách mạng làm nhà ở để triển khai thực hiện Đề án;

- Tổ chức khảo sát tình hình hoạt động, năng lực của các cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giao chỉ tiêu đảm nhận việc giúp đỡ xây dựng, nhà ở cho người có công với cách mạng trên từng địa bàn;

- Có biện pháp đôn đốc thường xuyên việc tổ chức thực hiện Đề án ở từng cấp, định kỳ hàng tháng, quý có báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo và UBND cấp trên, triển khai thực hiện tổ chức sơ kết và tổng kết đánh giá quá trình thực hiện chương trình;

- Chỉ đạo thực hiện việc rà soát, bình xét, lập danh sách, phân loại đối tượng ưu tiên theo quy định;

- Lập và phê duyệt “Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh” gửi Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan;

- Củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện các mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở cấp thôn, bản;

- Giao các cơ quan chức năng thiết kế mẫu nhà ở phù hợp và giới thiệu rộng rãi để nhân dân lựa chọn.

b. Cụ thể hóa các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg .

Tiến hành triển khai thực hiện Quyết định số 22/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

+ Đối với cấp tỉnh: Trên cơ sở Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh phân giao, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho một số thành viên Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện;

+ Đối với cấp huyện: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ;

+ Đối với cấp xã: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 22/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ;

+ Xây dựng Đề án thực hiện Quyết định số 22/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với cả cấp tỉnh và cấp huyện;

+ Lập kế hoạch về vốn và phương án xây dựng nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng;

+ Bình xét đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

c. Phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành liên quan và các địa phương của tỉnh.

+ Đối với các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh:

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBMT Tổ quốc và các Sở, ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường động viên, huy động nguồn lực cộng đồng và thông qua tổ chức đoàn thể để chỉ đạo thực hiện Đề án; lập kế hoạch và chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các cơ sở theo yêu cầu và kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo;

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở, tổng hợp danh sách, thẩm định đối tượng được hưởng hỗ trợ nhà ở báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định;

- Sở Tài chính thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24/7/2013 của Bộ Tài chính; hướng dẫn việc sử dụng và thanh, quyết toán vốn hỗ trợ cho việc xây dựng nhà ở;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối vốn, bố trí vốn từ ngân sách địa phương;

- Các cơ quan thông tin: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Thái Nguyên chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có công với cách mạng của tỉnh, thông tin thường xuyên về kết quả thực hiện chính sách;

- Trên cơ sở nội dung của Đề án UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh có Nghị quyết về “Chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng năm 2013-2014” và giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành, các đơn vị có hưởng ngân sách và các doanh nghiệp có trách nhiệm đảm nhận giúp một số xã, huyện xây dựng nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng từ kinh phí của đơn vị.

+ Đối với cấp huyện:

- Chỉ đạo cấp xã thực hiện các nội dung công việc phân định như trên;

- Lập, phê duyệt Đề án cấp huyện, xây dựng kế hoạch chung toàn huyện, báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh về phê duyệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch; Cân đối nguồn lực trên địa bàn huyện và tiếp nhận phân phối nguồn hỗ trợ từ ngân sách và các nguồn quỹ từ cấp tỉnh cho cấp xã;

- Báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo tỉnh theo định kỳ hàng tháng;

- Kiểm tra, giám sát, điều chỉnh kế hoạch, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện trên địa bàn huyện.

+ Đối với cấp xã:

- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở tại địa phương để dân hiểu, dân bàn, dân bình xét đúng đối tượng và dân ủng hộ thực hiện đúng chính sách;

- Thẩm định, xét duyệt, danh sách do các xóm, thôn, làng, bản gửi lên;

- Lập kế hoạch cụ thể của xã (số hộ cần hỗ trợ, nguồn vốn hỗ trợ, vốn gia đình tự lo, thời gian thực hiện, hoàn thành, cơ quan ban ngành, cán bộ chịu trách nhiệm phụ trách);

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch khi được huyện phê duyệt (Bao gồm huy động các nguồn lực và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đã được duyệt).

+ Đối với cơ sở thôn, xóm, làng, bản:

Thôn xóm, làng, bản là địa bàn cơ sở trực tiếp triển khai thực hiện việc hỗ trợ hộ gia đình có công với cách mạng về nhà ở có trách nhiệm:

- Phải tổ chức phổ biến đến từng hộ dân cư trên địa bàn các chủ trương, chính sách của tỉnh về hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng để mỗi hộ gia đình hiểu và ý thức đầy đủ quy định về chính sách, đối tượng và phương châm, nguyên tắc tổ chức hỗ trợ xây dựng nhà ở. Động viên sự cố gắng vươn lên của bản thân các hộ gia đình có công với cách mạng kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, của thôn xóm, làng bản và người thân để tổ chức xây dựng nhà ở.

- Hướng dẫn các hộ làm đơn xin hỗ trợ xây dựng nhà ở; tổ chức sinh hoạt dân cư khối, xóm bình xét cụ thể công khai điều kiện nhà ở của các hộ gia đình, lập danh sách và kế hoạch tổ chức hỗ trợ các hộ gia đình trên địa bàn, báo cáo cho UBND cấp xã để tổng hợp lập phương án chung của xã.

- Tổ chức tiếp nhận kinh phí hỗ trợ và triển khai tổ chức thực hiện việc giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở theo kế hoạch và theo sự chỉ đạo của UBND cấp xã. Thường xuyên báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho Ban chỉ đạo và UBND xã.

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách lớn của Nhà nước về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Thực hiện tốt những nội dung trong Quyết định thể hiện sự thống nhất quản lý của các cấp, các ngành, sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Sau khi Đề án được phê duyệt, việc thực hiện hỗ trợ về nhà ở phải thực hiện công khai, dân chủ đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách và có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể nhằm ổn định đời sống của nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

2. Kiến nghị

Để động viên các tầng lớp nhân dân và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ gia đình có công với cách mạng, UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị để quán triệt và Lãnh đạo nội dung công tác trên.

Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cấp kinh phí đầy đủ, đúng tiến độ để thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trong thời gian thực hiện năm 2013 - 2014./.

 

TỔNG HỢP KINH PHÍ THỰC HIỆN HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN

Số TT

Tên huyện, thành, thị

Tổng số người có công với CM thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở (hộ)

Trong đó

Tổng ngân sách hỗ trợ

Trong đó

Ghi chú

Tổng số hộ xây dựng mới nhà ở (hộ)

Tổng số hộ sửa chữa nhà ở (hộ)

Hộ xây mới

Hộ sửa chữa

Tổng cộng

Trung ương hỗ trợ và hỗ trợ đối ứng (95%*40tr)

Đối ứng của tỉnh (5*40tr)

Tổng cộng

Trung ương hỗ trợ và hỗ trợ đối ứng (95%*20tr)

Đối ứng của tỉnh (5*20tr)

1

TP Thái Nguyên

675

147

528

16.440.000.000

5.880.000.000

5.586.000.000

294.000.000

10.560.000.000

10.032.000.000

528.000.000

 

2

TX Sông Công

83

22

61

2.100.000.000

880.000.000

836.000.000

44.000.000

1.220.000.000

1.159.000.000

61.000.000.000

 

3

Huyện Phú Bình

894

397

497

25.820.000.000

15.880.000.000

15.086.000.000

794.000.000

9.940.000.000

9.443.000.000

497.000.000

 

4

Huyện Phổ Yên

528

228

300

15.120.000.000

9.120.000.000

8.664.000.000

456.000.000

6.000.000.000

5.700.000.000

300.000.000

 

5

Huyện Đồng Hỷ

1.077

268

89

26.900.000.000

10.720.000.000

10.184.000.000

536.000.000

16.180.000.000

15.371.000.000

809.000.000

 

6

Huyện Võ Nhai

494

181

313

13.500.000.000

7.240.000.000

6.878.000.000

362.000.000

6.260.000.000

5.947.000.000

313.000.000

 

7

Huyện Phú Lương

632

271

361

18.060.000.000

10.840.000.000

10.298.000.000

542.000.000

7.220.000.000

6.859.000.000

361.000.000

 

8

Huyện Đại Từ

2.590

709

1.881

65.980.000.000

28.360.000.000

26.942.000.000

1.418.000.000

37.620.000.000

35.739.000.000

1.881.000.000

 

9

Huyện Định Hóa

1.335

818

517

43.060.000.000

32.720.000.000

31.084.000.000

1.636.000.000

10.340.000.000

9.823.000.000

517.000.000

 

 

Tổng cộng

8.308

3.041

5.267

226.980.000.000

121.640.000.000

115.558.000.000

6.082.000.000

105.340.000.000

100.073.000.000

5.267.000.000

 

1. Tổng số hộ được hỗ trợ: Tám nghìn ba trăm linh tám hộ.

2. Tổng số tiền để xây dựng mới nhà ở: Một trăm hai mươi mốt tỷ, sáu trăm bốn mươi tỷ đồng chẵn.

3. Tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở: Một trăm linh năm tỷ, ba trăm bốn mươi triệu đồng chẵn.

 

TỔNG HỢP DANH SÁCH HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG ĐƯỢC HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở NĂM 2013 CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN

Số TT

Tên huyện, thành, thị

Tổng số người có công với CM thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở (hộ)

Trong đó

Tổng số tiền hỗ trợ

Trong đó

Ghi chú

Tổng số hộ xây dựng mới nhà ở (hộ)

Tổng số hộ sửa chữa nhà ở (hộ)

Tổng số tiền hỗ trợ để các hộ xây mới nhà ở (40 triệu đồng/hộ)

Tổng số tiền hỗ trợ để các hộ sửa chữa nhà ở (20 triệu đồng/hộ

1

TP Thái Nguyên

25

14

11

780.000.000

560.000.000

220.000.000

 

2

TX Sông Công

5

2

3

140.000.000

80.000.000

60.000.000

 

3

Huyện Phú Bình

85

25

60

2.200.000.000

1.000.00.000

1.200.000.000

 

4

Huyện Phổ Yên

33

10

23

860.000.000

400.000.000

460.000.000

 

5

Huyện Đồng Hỷ

28

14

14

840.000.000

560.000.000

280.000.000

 

6

Huyện Võ Nhai

114

41

73

3.100.000.000

1.640.000.000

1.460.000.000

 

7

Huyện Phú Lương

129

65

64

3.880.000.000

2.600.000.000

1.280.000.000

 

8

Huyện Đại Từ

168

113

55

5.620.000.000

4.520.000.000

1.100.000.000

 

9

Huyện Định Hóa

430

322

108

15.040.000.000

12.880.000.00

2.160.000.000

 

 

Tổng cộng

1.017

606

411

32.460.000.000

24.240.000.000

8.220.000.000

 

1. Tổng số hộ được hỗ trợ: Một nghìn không trăm mười bảy hộ

2. Tổng số tiền để xây dựng mới nhà ở: hai mươi tư tỷ, hai trăm bốn mươi triệu đồng chẵn.

3. Tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở: Tám tỷ, hai trăm hai mươi triệu đồng chẵn.

 

TỔNG HỢP DANH SÁCH HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG ĐƯỢC HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở NĂM 2014 CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN

Số TT

Tên huyện, thành, thị

Tổng số người có công với CM thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở (hộ)

Trong đó

Tổng số tiền hỗ trợ

Trong đó

Ghi chú

Tổng số hộ xây dựng mới nhà ở (hộ)

Tổng số hộ sửa chữa nhà ở (hộ)

Tổng số tiền hỗ trợ để các hộ xây mới nhà ở (40 triệu đồng/hộ)

Tổng số tiền hỗ trợ để các hộ sửa chữa nhà ở (20 triệu đồng/hộ

1

TP Thái Nguyên

650

133

517

15.660.000.000

5.320.000.000

10.340.000.000

 

2

TX Sông Công

78

20

58

1.960.000.000

800.000.000

1.160.000.000

 

3

Huyện Phú Bình

809

372

437

23.620.000.000

14.880.000.000

8.740.000.000

 

4

Huyện Phổ Yên

495

218

277

14.260.000.000

8.720.000.000

5.540.000.000

 

5

Huyện Đồng Hỷ

1.049

254

795

26.060.000.000

10.160.000.000

15.900.000.000

 

6

Huyện Võ Nhai

380

140

240

10.400.000.000

5.600.000.000

4.800.000.000

 

7

Huyện Phú Lương

503

206

297

14.180.000.000

8.240.000.000

5.940.000.000

 

8

Huyện Đại Từ

2.422

596

1.826

60.360.000.000

23.840.000.000

36.520.000.000

 

9

Huyện Định Hóa

905

496

409

28.020.000.000

19.840.000.000

8.180.000.000

 

 

Tổng cộng

7.291

2.435

4.856

194.520.000.000

97.400.000.000

97.120.000.000

 

1. Tổng số hộ được hỗ trợ: Bảy nghìn, hai trăm chín mươi mốt hộ

2. Tổng số tiền để xây dựng mới nhà ở: Chín mươi bảy tỷ, bốn trăm triệu đồng chẵn.

3. Tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở: Chín mươi bảy tỷ, một trăm hai mươi triệu đồng chẵn.