Quyết định 1702/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2006 - 2010
Số hiệu: 1702/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nguyễn Hồng Quân
Ngày ban hành: 19/06/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1702/2006/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 19 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

“V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;

- Căn cứ Quyết định số 09/2005/QĐ-TTG ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010”;

- Căn cứ Nghị quyết số 05/NQ- CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;

- Căn cứ Thông báo số 97-TB/TU ngày 6/3/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh về “Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2006 - 2010” của tỉnh;

- Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 795/TTr/GD-KHTC ngày 6/6/2006,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Quảng Ninh giai đoạn 2006 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

I/ MỤC TIÊU:

1. Phấn đấu đến năm 2010, đảm bảo đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (NG&CBQLGD) các ngành, bậc học; cân đối về cơ cấu, phù hợp với đặc điểm vùng miền và đặc thù loại hình trường, lớp của tỉnh.

2. Phấn đấu 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) đạt trình độ chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; một bộ phận (29% trở lên so với tổng số cán bộ, giáo viên các cấp) đạt trình độ trên chuẩn về chuyên môn. Đồng thời, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý giáo dục, tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên theo yêu cầu phát triển giáo dục.

3. Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, chế độ chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương và yêu cầu phát triển giáo dục - đào tạo để đội ngũ NG&CBQLGD phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp, phấn đấu vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

II/ NHIỆM VỤ:

1. Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của các ngành, bậc học đủ về số lượng, đảm bảo chuẩn đào tạo và nâng cao về chất lượng, trên cơ sở quy hoạch đến năm 2010.

2. Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQLGD trong tỉnh.

3. Giải quyết hợp lý các tồn tại về tình trạng thừa thiếu cục bộ, cơ cấu đội ngũ chưa cân đối, sử dụng không đúng chuyên môn đào tạo và một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ở tất cả các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, đổi mới công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và CBQLGD.

5. Thực hiện các chế độ chính sách đối với NG&CBQLGD.

6. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục nhằm xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ NG&CBQLGD.

7. Đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí để thực hiện xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ NG&CBQLGD.

8. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD.

III/ GIẢI PHÁP:

Giải pháp 1. Tổ chức đánh giá, xếp loại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành theo quyết định số 06/2006/QĐ-BNV ngày 21/3/2006 của Bộ Nội vụ.

- Xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện Đề án.

- Xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện việc đánh giá, phân loại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đưa hoạt động này vào nề nếp, thường xuyên.

Giải pháp 2. Ban hành chính sách hỗ trợ giải quyết chế độ cho số cán bộ, giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, điều chuyển số giáo viên thừa thiếu cục bộ trên địa bàn toàn tỉnh.

- Thực hiện chính sách đối với giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (1434 người); không giải quyết chính sách cho đối tượng cán bộ, giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức kém.

- Sắp xếp lại số giáo viên thừa, thiếu cục bộ ở các cấp học:

+ Mầm non thừa 202 người, thiếu 236 người, cân đối thiếu là 34 người.

+ Tiểu học thừa 371 người, thiếu 161 người, cân đối thừa 210 người, chỉ điều chuyển được 161 người tới vùng còn thiếu.

+ Trung học cơ sở thừa 286 người, điều chuyển 26 người sang vùng thiếu, còn lại bố trí việc khác.

+ Trung học phổ thông chủ yếu thiếu 138 người ở các trường công lập.

- Thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm và luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục theo quy định của Chính phủ và của tỉnh.

Dự kiến kinh phí của tỉnh và của Chính phủ hỗ trợ cần để giải quyết một số chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là: 12,2 tỷ đồng tập trung trong 2 năm (2006 và 2007).

Giải pháp 3. Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo và tuyển dụng bổ sung giáo viên đến năm 2010 đủ về số lượng và loại hình, đảm bảo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn; bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý giáo dục, tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên theo yêu cầu.

a/ Đào tạo và tuyển dụng bổ sung loại hình giáo viên các cấp học còn thiếu từ năm 2006 đến năm 2010. Cụ thể:

- Đào tạo 1595 giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (Trường Cao đẳng Sư phạm; Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long).

- Có kế hoạch đào tạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc bố trí và sử dụng giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Tuyển dụng, hợp đồng mới 1272 giáo viên đạt chuẩn ở những bộ môn còn thiếu cho trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên (116 giáo viên trung học phổ thông, 31 giáo viên dạy nghề phổ thông).

- Đào tạo, tuyển dụng đủ số lượng giáo viên, giảng viên cho trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (cao đẳng 455 người, trung học chuyên nghiệp 130 người, trường dạy nghề 250 người).

b/ Xây dựng chính sách đào tạo theo địa chỉ, chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, chính sách thu hút tuyển dụng nhân tài (theo Quyết định số 2871/2004/QĐ-UB ngày 19/8/2005 của UBND tỉnh).

c/ Đào tạo giáo viên đạt trình độ chuẩn về chuyên môn: 221 giáo viên cho tất cả các cấp học, ngành học; lựa chọn hình thức học tập thích hợp, đẩy mạnh xã hội hoá để tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.

d/ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn: 703 cốt cán chuyên môn; bồi dưỡng trình độ quản lý ngành cho 900 cán bộ, giáo viên; bồi dưỡng trình độ quản lý nhà nước cho 181 cán bộ, giáo viên; bồi dưỡng lý luận chính trị cho 858 đảng viên; bồi dưỡng tin học cho 6024 cán bộ, giáo viên; bồi dưỡng ngoại ngữ cho 5064 cán bộ, giáo viên;

Kinh phí đào tạo chuyên môn cho cán bộ, giáo viên trên chuẩn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên các cấp học chi bằng ngân sách giáo dục - đào tạo tỉnh bố trí hàng năm: Từ năm 2006 đến năm 2010 tổng số kinh phí là 24,9 tỷ đồng. Kinh phí đào tạo giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn do cá nhân tự túc và một phần được ngân sách chương trình mục tiêu của Bộ Giáo dục & Đào tạo hỗ trợ.

Giải pháp 4.

- Đẩy mạnh phát triển mạng lưới trường lớp ngoài công lập.

- Phát triển một số cơ sở giáo dục công lập hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.

Giải pháp 5. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động dạy và học, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Điều 2: Tổ chức thực hiện:

1. Đối với các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ Đề án đã được phê duyệt, các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng chương trình và kế hoạch thực hiện cụ thể.

2. Sở Giáo dục & Đào tạo: Chủ trì cùng các ngành liên quan tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh xây dựng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên; kiểm tra, giám sát cơ sở, tổng hợp tình hình báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, xử lý kịp thời.

3. Các Sở: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch - Đầu tư và các ngành có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc triển khai nội dung và kế hoạch của Đề án.

4. Đối với các trường học và các cơ sở giáo dục: Chủ động rà soát thực trạng, tổ chức phân loại giáo viên nghiêm túc, dân chủ, công bằng, khách quan; xây dựng kế hoạch triển khai đề án cụ thể; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3: Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục & Đào tạo (báo cáo).
- TT TU, TT HĐND tỉnh (báo cáo).
- CT, các PCT UBND tỉnh.
 - Như điều 3 (thực hiện).
 - V0, V1, VX1, TH1.
 - Lưu: VX1, VP/UB.
 80bản, H-QĐ23

T/M UBND TỈNH QUẢNG NINH
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Quân