Quyết định 1700/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2020
Số hiệu: | 1700/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hà Nam | Người ký: | Mai Tiến Dũng |
Ngày ban hành: | 26/12/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bưu chính, viễn thông, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1700/QĐ-UBND |
Hà Nam, ngày 26 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂNCÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;
Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/NĐ-CP, Nghị định 04/NĐ-CP ;
Theo Quyết định số 457/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Đề cương và dự toán xây dựng Quy hoạch Ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2020;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 441/TTr-STTTT ngày 26/12/2011, đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1219/SKHĐT-CNGT ngày 23/12/2011 và hồ sơ Quy hoạch Ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2020, với nội dung chính như sau:
1. Quan điểm phát triển
- Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Ứng dụng và phát triển CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển KTXH, là phương tiện chủ lực để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển. Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Hà Nam phải phù hợp, gắn kết với chiến lược phát triển CNTT quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của tỉnh, đồng bộ với quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực.
- Trọng tâm ứng dụng CNTT của tỉnh Hà Nam tập trung vào cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Ứng dụng CNTT góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
- Cơ sở hạ tầng CNTT là hạ tầng kinh tế xã hội được ưu tiên phát triển. Cần kết hợp khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có với việc xây dựng mới phù hợp với nhu cầu và khả năng, đảm bảo công nghệ hiện đại, quản lý hiệu quả nhằm tạo cơ sở cho ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh.
- Xây dựng công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh.
- Đẩy mạnh đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực CNTT tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT được xem là một trọng tâm của quy hoạch.
- Quá trình thiết kế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin (HTTT) phải hướng tới việc tích hợp và thống nhất các HTTT trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng và Nhà nước. Việc đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT phải hợp lý, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; đảm bảo đồng bộ, tận dụng tối đa sự đầu tư đã có. Lấy việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và chất lượng quản lý điều hành làm thước đo đánh giá kết quả cuối cùng của việc ứng dụng và phát triển CNTT.
- Ứng dụng CNTT phải đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật thông tin dữ liệu.
- Xã hội hoá việc ứng dụng và phát triển CNTT.
2. Mục tiêu:
- Phát triển mạnh mẽ và toàn diện CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và góp phần đưa kinh tế tỉnh Hà Nam tăng trưởng và phát triển mạnh hơn.
- CNTT được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh, làm cho CNTT trở thành phương tiện chủ lực để nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện đại hoá với chi phí thấp trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
- Xây dựng hoàn chỉnh về cơ bản cơ sở vật chất và kỹ thuật, kết cấu hạ tầng CNTT và truyền thông và Internet của tỉnh. Xây dựng, hoàn thiện và thống nhất áp dụng các HTTT, chương trình ứng dụng dùng chung trong toàn tỉnh. Hoàn thành việc xây dựng một số cơ sở dữ liệu chung của tỉnh, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp CNTT trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng GDP của tỉnh.
- Phát triển và thu hút nguồn nhân lực đáp ứng cơ bản yêu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh.
- Đến 2020 về cơ bản ứng dụng và phát triển CNTT của Hà Nam đạt cao hơn mức trung bình của cả nước, trong đó lĩnh vực ứng dụng CNTT trong khu vực quản lý nhà nước đạt mức khá.
3. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu đến năm 2020:
- 100% các trao đổi thông tin, gửi/nhận văn bản giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước từ cấp xã/phường trở lên trong tỉnh với nhau, với các cơ quan Trung ương được thực hiện trên môi trường mạng và được vận hành tích hợp trong khuôn khổ HTTT quản lý văn bản và điều hành.
- 100% các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước từ cấp xã/phường trở lên áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.
- 100% các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan tỉnh uỷ, sở/ngành, huyện/thành uỷ, UBND huyện/thành, các cơ quan tổ chức đoàn thể cấp tỉnh được tin học hoá, thực hiện trên môi trường mạng máy tính.
- 100% các văn bản, hồ sơ, dữ liệu, số liệu tại các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp xã/phường trở lên được số hoá và quản lý trên mạng máy tính.
- 60-70% các doanh nghiệp vừa và nhỏ có website riêng, tham gia thương mại điện tử, có hệ thống thư điện tử để thực hiện các giao dịch kinh doanh.
- 100% các các nhà văn hoá cấp thôn, xóm được kết nối Internet.
- 100% các THCS có các phòng máy tính với số lượng từ 25 đến 40 máy tính mỗi phòng. 80% các trường tiểu học có phòng máy tính; 90-100% các trường PTTH, THCS có website riêng.
- 80% các bệnh viện có hệ thống quản lý bệnh viện và hệ thống khám chữa bệnh. Bệnh án điện tử được sử dụng trong các bệnh viện lớn; 100% bệnh viện cấp tỉnh có website riêng cung cấp mọi thông tin về hoạt động của bệnh viện.
- 100% Đảng uỷ, UBND xã/phường có mạng LAN kết nối mạng diện rộng và Internet, mỗi mạng LAN có ít nhất 1 máy chủ và 5 máy trạm, phục vụ hiệu quả tin học hoá QLHCNN và hỗ trợ tiếp nhận và giải quyết các dịch vụ công đối với người dân.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hệ thống chính trị của tỉnh được đào tạo phổ cập kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, biết sử dụng máy tính và truy cập Internet, được đào tạo về ứng dụng CNTT trong công việc của mình.
- 100% giáo viên biết sử dụng máy tính và truy cập Internet; 100% giáo viên các cấp sử dụng các ứng dụng tin học hỗ trợ cho việc giảng dạy.
4. Các giải pháp thực hiện:
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách: Xây dựng chính sách thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT. Có cơ chế ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho ứng dụng và phát triển CNTT tại các cơ quan trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực miền núi và nông thôn.
- Tăng cường quản lý nhà nước về CNTT: Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý CNTT của tỉnh, trong đó chú ý đến việc củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo CNTT tỉnh Hà Nam. Củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý CNTT tại các sở, ngành, huyện, thành uỷ, UBND huyện, thành phố, từng bước hình thành hệ thống giám đốc CNTT để triển khai thực hiện kế hoạch.
- Phát triển nguồn nhân lực CNTT: Nâng cao nhận thức về CNTT; đào tạo nguồn nhân lực về CNTT; rà soát, hoàn thiện các chính sách phát triển nguồn nhân lực đã có, xây dựng mới các chính sách có hiệu lực hỗ trợ tốt việc đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực CNTT.
- Phát triển hạ tầng kỹ thuật: Tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT đi trước một bước để có thể đáp ứng phù hợp việc triển khai các nội dung phát triển và ứng dụng CNTT khác một cách hiệu quả.
- Phát triển khoa học công nghệ: Các nội dung quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT phải luôn tuân theo và cập nhật các công nghệ tiên tiến, phải đảm bảo theo các chuẩn quốc gia và quốc tế, phải đảm bảo tính mở để có thể phát triển và mở rộng.
- Đẩy mạnh phát triển thị trường CNTT: Xây dựng khung pháp lý đồng bộ với chính sách tự do hoá đầu tư ở mức cao, kích thích cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh; có chính sách thu hút lao động công nghệ cao, đặc biệt là chuyên gia CNTT từ các tỉnh, thành khác về làm việc tại Hà Nam; mở rộng thị trường các sản phẩm CNTT ra các tỉnh, thành trong nước và ngoài nước; nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của TMĐT trong việc phát triển thị trường.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên doanh liên kết.
- Tổ chức tuyên truyền vận động thực hiện quy hoạch.
- Huy động vốn đầu tư: Ban hành các chính sách để huy động các nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT.Để đảm bảo nhu cầu vốn cho ứng dụng và phát triển CNTT cần huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Huy động các nguồn vốn xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hợp tác quốc tế và huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn trong dân thông qua xã hội hoá, .. để thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển CNTT.
5. Tổng hợp vốn đầu tư và nguồn vốn:
a) Vốn đầu tư: Tổng số vốn đầu tư: 460.000 triệu đồng, trong đó:
- Ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng và nhà nước: 110.000 triệu đồng.
- Ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất kinh doanh: 11.000 triệu đồng.
- Ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội: 30.000 triệu đồng.
- Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT: 39.000 triệu đồng.
- Phát triển công nghiệp CNTT: 250.000 triệu đồng.
- Phát triển nguồn nhân lực CNTT: 18.000 triệu đồng.
- Ban hành chính sách về CNTT: 2.000 triệu đồng.
b) Nguồn vốn:
- Ngân sách trung ương: 31.000 triệu đồng
- Ngân sách tỉnh: 144.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn từ hoạt động hợp tác, liên doanh, liên kết, nhận tài trợ, vay tín dụng: 211.500 triệu đồng.
- Nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế: 73.500 triệu đồng.
Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quy hoạch; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch và kịp thời đề xuất với UBND tỉnh để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu tránh nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Nghị định 04/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên thuộc tỉnh Hưng Yên Ban hành: 19/01/2009 | Cập nhật: 28/02/2009
Nghị định 04/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Than Uyên để thành lập huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu Ban hành: 30/10/2008 | Cập nhật: 20/11/2008
Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 17/01/2008
Nghị định 04/NĐ-CP về việc phê chuẩn số lượng, danh sách các đơn vị bầu cử bổ sung và số đại biểu được bầu bổ sung ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2004 - 2009 Ban hành: 02/04/2007 | Cập nhật: 06/10/2007
Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 07/09/2006 | Cập nhật: 16/09/2006