Quyết định 1700/2008/QĐ-UBND về Quy định quản lý gấu nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu: 1700/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nguyễn Quang Hưng
Ngày ban hành: 03/06/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:1700/2008/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 03 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ GẤU NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 / 11/ 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 / 12 / 2004;

Căn cứ Nghị định số: 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;

Căn cứ Quyết định số: 02/2005/QĐ-BNN ngày 05/01/2005 và Quyết định số: 47/2006/QĐ-BNN ngày 06/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về việc ban hành Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt và Quy chế về quản lý gấu nuôi;

Theo đề nghị của Chi cục Kiểm lâm tại Tờ trình số: 211 /TTr-KL ngày 22/4/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý gấu nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ngành có liên quan và các chủ nuôi gấu trên địa bàn tỉnh căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp &PTNT (báo cáo);
- TT T uỷ, HĐND tỉnh (báo cáo);
- Như điều 3 (thực hiện);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- V0, NLN1, NC;
- Lưu: VT, NLN2.
30 bản QĐ 108

TM.UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quang Hưng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ GẤU NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1700/2008/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc nuôi gấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là chủ nuôi gấu).

Điều 2. Nguyên tắc quản lý:

1- Chỉ những cá nhân, tổ chức có những cá thể gấu đã lập hồ sơ quản lý, gắn chíp điện tử theo quy định tại Quyết định số: 02/2005/QĐ-BNN ngày 05/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Về việc ban hành Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt” và những cá thể gấu thuộc diện xử lý theo Văn bản số: 478/TTg-NN ngày 31/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ “V/v xử lý nuôi nhốt trái phép đối với động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm” có đủ điều kiện nuôi gấu theo quy định tại Quyết định này mới được tiếp tục nuôi những cá thể gấu đó.

2- Chủ nuôi gấu có trách nhiệm nuôi các cá thể gấu đến hết đời của chúng theo các điều kiện tại Quyết định này và quy định hiện hành của Nhà nước.

3- Chỉ những chủ nuôi gấu đảm bảo đầy đủ các điều kiện về trại nuôi gấu theo quy định tại quyết định này mới được nuôi gấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

4- Mọi cá thể gấu nuôi trái với quy định tại Quyết định này đều bị tịch thu. Chủ nuôi cá thể gấu đó phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN CHUỒNG, TRẠI, CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC ĐỐI VỚI TRẠI NUÔI GẤU

Điều 3. Điều kiện trại nuôi gấu:

1- Chuồng nuôi gấu phải được xây dựng rộng rãi, thoáng mát. Mái chuồng lợp bằng các vật liệu như: lá cọ, rơm, hoặc ngói; không được dùng các vật liệu như: tôn, prôximăng. Chuồng nuôi gấu tốt nhất là để dưới tán cây râm mát, nơi thoáng gió, sạch sẽ. Nền chuồng được láng xi măng, đánh bóng, dốc về một phía để tiện cho việc dọn chất thải ra được thuận lợi.

2- Trại nuôi gấu phải được bố trí cách xa khu dân cư tối thiểu là 100 m và cách xa đường quốc lộ tối thiểu là 150 m.

3- Mỗi trại nuôi gấu tối đa không vượt quá 30 cá thể gấu.

4- Cũi sắt để nhốt gấu (đặt trong chuồng nuôi gấu) được hàn bằng sắt vuông (2cm x 2cm); khoảng cách giữa các song sắt không vượt quá 10cm. Khung cũi, các thanh nẹp gia cường dọc và ngang bằng sắt xoắn cây đường kính tối thiểu 2cm. Quy cách này được áp dụng đều cho các mặt thành của cũi (Mặt trước, mặt sau, mặt trên, mặt thành 02 bên); riêng mặt sàn phải được hàn đan hai chiều (song kép dạng lưới). Mặt sàn đặt cách mặt đất từ 10 cm đến 20 cm.

Cũi có quy cách tối thiểu chiều dài 1,5m x rộng 1,5m x cao 2m. Tại cửa của cũi sắt phải được hàn ít nhất 02 bản lề và có chốt để khoá. Trong quá trình nhốt gấu, cửa chuồng phải luôn được khoá; 01 cũi sắt chỉ được nuôi 01 cá thể gấu.

5- Ngăn cách giữa cũi sắt nhốt gấu với lối đi phải được xây dựng hàng rào sắt để đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Khoảng cách từ cũi sắt đến hàng rào ngăn cách tối thiểu là 1,5 m; chiều cao hàng rào là 1,3 m.

6- Bao quanh trại nuôi gấu phải được xây tường rào cao tối thiểu 2 mét, có xây dựng cổng ra, vào.

Điều 4. Điều kiện về vệ sinh môi trường, thú y và xử lý chất thải:

1- Phải có các hệ thống cống, rãnh ngầm để thu gom chất thải ra từ gấu. Chất thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn TCVN 5945-2005. Mỗi ngày rửa sạch nền chuồng 2 - 3 lần sau khi gấu bài tiết. Phun thuốc khử trùng định kỳ 1 - 2 tháng/ lần bằng các loại thuốc khử trùng mới, an toàn, hiệu quả diệt khuẩn cao như: Benkocid; Oxidan - Tca; Virkon...

2- Chủ nuôi gấu phải xây dựng hầm BIOGAS để xử lý chất thải ra từ gấu. Tùy số lượng gấu nuôi mà thiết kế thể tích bể chứa cho phù hợp để xử lý; dung tích bể chứa tối thiểu 2m3/ 1con.

3- Chủ nuôi gấu phải có Bác sỹ thú y hoặc hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với Bác sĩ thú y về động vật hoang dã để khám bệnh định kỳ 1tháng/ lần và chữa bệnh đột xuất cho gấu khi nhiễm bệnh.

4- Chủ nuôi gấu phải mở sổ ghi chép, theo dõi tình hình bệnh tật và các biện pháp chăm sóc, điều trị đối với từng cá thể gấu.

Điều 5. Về chế độ ăn uống, chăm sóc cho gấu:

Để cho gấu khoẻ mạnh cần cho gấu ăn thức ăn tổng hợp. Thức ăn phải sạch, không bị dịch bệnh. Thức ăn bao gồm: thức ăn động vật, thực vật, thức ăn khoáng, vitamin bổ sung... Có thể nấu chín thành cháo, súp hoặc cho ăn tươi sống kết hợp. Thức ăn bổ sung B.complex của các hãng thuốc thú y lớn có uy tín như: Bio, Thú y xanh Việt Nam, Nafa...

Lượng thức ăn thừa hàng ngày cho gấu cần loại bỏ. Cho gấu uống đủ nước sạch, thường xuyên thay nước ngày 2 - 3 lần, cọ rửa phơi nắng máng nước 1 lần/ngày.

Chủ nuôi gấu nếu phải thuê lao động thì phải hợp đồng lao động với người có đủ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý, có hiểu biết về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và ngăn ngừa các dịch bệnh đối với gấu.

Điều 6. Về kinh phí xây dựng chuồng trại, nuôi dưỡng gấu:

Chủ nuôi gấu phải đảm bảo kinh phí để đầu tư cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng gấu, kinh phí để xây dựng chuồng, trại nuôi gấu. Nếu chủ nuôi gấu không có khả năng về tài chính để đầu tư xây dựng chuồng trại, chăm sóc gấu theo các quy định tại điều 3, 4, 5 chương II của Quyết định này thì các cá thể gấu nuôi đó phải được giao nộp lại cho Nhà nước để xử lý theo Quy định này và pháp luật hiện hành.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ TRẠI NUÔI GẤU

Điều 7. Điều kiện để các chủ nuôi gấu đăng ký trại nuôi gấu:

1. Các chủ nuôi gấu đã đầu tư xây dựng chuồng trại, chăm sóc gấu phù hợp với quy định tại Điều 3, 4, 5 Chương II của quy định này.

2. Chủ nuôi có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận trại nuôi gấu có đủ điều kiện và có văn bản thẩm định điều kiện trại nuôi của Chi cục Kiểm lâm.

Điều 8. Trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trại nuôi gấu:

Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận trại nuôi gấu được nộp tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh. Sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và xem xét để cấp giấy chứng nhận trại nuôi gấu theo đúng quy định tại chương III, Nghị định Số: 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ.

Chương IV

QUY ĐỊNH VIỆC DI CHUYỂN GẤU

Điều 9. Điều kiện di chuyển địa điểm nuôi gấu:

1. Chủ nuôi gấu phải có đơn đề nghị di chuyển địa điểm nuôi gấu gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh.

2. Cá thể gấu nuôi đã được lập hồ sơ quản lý, gắn chíp điện tử theo quy định tại Quyết định số: 02/2005/QĐ-BNN ngày 05/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Về việc ban hành Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt” và cá thể gấu được xử lý theo Văn bản số: 478/TTg-NN ngày 31/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Chủ nuôi gấu phải chịu các chi phí cho việc kiểm tra chíp điện tử để lập hồ sơ di chuyển gấu đến và đi.

Điều 10. Quy định trường hợp di chuyển gấu trong địa bàn tỉnh:

Hồ sơ di chuyển gồm: Chủ nuôi gấu có đề nghị di chuyển gấu nuôi (theo mẫu di chuyển gấu nuôi tại Quyết định số: 47/2006/QĐ-BNN ngày 06/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Bản sao Biên bản gắn chíp gấu nuôi nhốt theo Quy định về quản lý gấu nuôi nhốt ban hành kèm theo Quyết định số: 02/2005/QĐ-BNN ngày 05/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chủ nuôi gấu đã đầu tư xây dựng chuồng trại đủ các điều kiện quy định tại điều 3, 4 chương II của quy định này.

Sau 7 (bẩy) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hạt Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản cụ thể về số lượng gấu di chuyển, nguồn gốc, điều kiện nuôi nhốt tại địa điểm cũ. Sau khi có kết quả kiểm tra của Hạt Kiểm lâm sở tại, chủ nuôi gấu có trách nhiệm mang toàn bộ hồ sơ xuất trình với Chi cục Kiểm lâm. Sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi cục Kiểm lâm phải xem xét và xác nhận cho phép di chuyển gấu.

Điều 11. Quy định đối với trường hợp di chuyển gấu ra ngoài địa bàn tỉnh Quảng Ninh:

Hồ sơ di chuyển gồm: Biên bản kiểm tra và văn bản đồng ý của Chi cục Kiểm lâm nơi tiếp nhận cá thể gấu về các điều kiện nuôi gấu; Chủ nuôi gấu có đề nghị di chuyển gấu nuôi và bản sao Biên bản gắn chíp gấu nuôi nhốt kèm theo.

Sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra, xem xét và cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt cho việc di chuyển gấu.

Điều 12. Quy định đối với trường hợp di chuyển gấu đến địa bàn tỉnh Quảng Ninh:

Hồ sơ di chuyển gồm: Chủ nuôi gấu có đề nghị di chuyển gấu nuôi; Bản sao Biên bản gắn chíp gấu nuôi nhốt kèm theo; Giấy phép vận chuyển đặc biệt của Chi cục Kiểm lâm (hoặc cơ quan có thẩm quyền) nơi vận chuyển gấu đi.

Chủ nuôi gấu đã đầu tư xây dựng chuồng trại đủ các điều kiện quy định tại Điều 3, 4 Chương II của quy định này.

Sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vệ sinh và an toàn chuồng trại, khả năng quản lý của chủ cơ sở. Sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, chủ nuôi gấu mới được phép làm các thủ tục để di chuyển gấu đến.

Trong quá trình di chuyển gấu, chủ nuôi gấu phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người, cho gấu và không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Chương V

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XỬ LÝ ĐỐI VỚI GẤU CHẾT, CHỦ NUÔI GẤU VI PHẠM

Điều 13. Những hành vi bị cấm đối với các chủ nuôi gấu:

1- Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khẩu gấu và sản phẩm từ gấu trái với quy định của pháp luật.

2- Giết mổ, hút mật, khai thác, vận chuyển, kinh doanh mật và các bộ phận cơ thể của gấu.

3- Di chuyển gấu tới địa điểm khác không đúng quy định tại Chương IV của Quy định này.

Điều 14. Xử lý đối với gấu chết, gấu ốm yếu:

1- Khi phát hiện gấu chết, chủ nuôi gấu có trách nhiệm báo cáo bằng phương tiện thông tin nhanh nhất đến Hạt Kiểm lâm sở tại hoặc Chi cục Kiểm lâm để kiểm tra và lập biên bản cụ thể trước khi được đem đi tiêu huỷ. Trường hợp chủ nuôi gấu và Hạt Kiểm lâm không xác định được mã số chíp của cá thể gấu chết thì Chi cục Kiểm lâm phải dùng thiết bị soi chíp để xác định chính xác mã số chíp của cá thể gấu chết trước khi được đem đi tiêu huỷ.

2- Đối với những cá thể gấu ốm, yếu, bệnh tật đã chữa trị nhưng không khỏi và có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc không có khả năng nuôi lâu dài thì phải được tiêu hủy để đảm bảo không lây lan dịch bệnh.

3- Cá thể gấu phải được tiêu huỷ bằng phương pháp đốt ngay sau khi đã làm rõ nguyên nhân chết và xác định được mã số chíp của gấu. Trong quá trình tiêu huỷ phải đảm bảo các yêu cầu về khử trùng, vệ sinh môi trường và không để lây lan dịch bệnh. Chủ nuôi gấu phải chịu toàn bộ các chi phí cho việc tiêu huỷ gấu.

Điều 15. Xử lý đối với chủ nuôi gấu có vi phạm:

Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý gấu nuôi nhốt quy định tại quyết định này và quy định của pháp luật; căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.

Đối với các cá thể gấu nuôi mới trái phép, chủ nuôi gấu đã bị lập biên bản vi phạm các quy định tại quyết định này mà tái phạm, thì các cá thể gấu đó phải bị tịch thu.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Thời gian để các chủ nuôi gấu hoàn thành việc xây dựng chuồng trại nuôi gấu theo quy định này là 01 tháng kể từ ngày Quy định có hiệu lực (Trường hợp cụ thể nếu chưa hoàn chỉnh thì chủ nuôi gấu phải có đơn đề nghị được kéo dài nhưng tối đa là 02 tháng). Đối với các cá thể gấu được xử lý theo Văn bản số: 478/TTg-NN ngày 31/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì thời gian chủ nuôi gấu hoàn thành trại nuôi gấu được tính từ ngày Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với chủ nuôi gấu đó có hiệu lực thi hành. Nếu quá thời hạn trên mà chủ nuôi gấu không đảm bảo các điều kiện về chuồng trại theo quy định, hoặc không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian pháp luật quy định thì các cá thể gấu đó bị tịch thu và chủ nuôi gấu bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền và ký cam kết thực hiện quy định đối với các chủ nuôi gấu trên địa bàn.

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nuôi, nhốt gấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh căn cứ quy định thi hành. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có gì vướng mắc được phản ảnh về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh bổ sung./.

 

PHỤ LỤC

THIẾT KẾ MẶT TRƯỚC CŨI SẮT DÙNG ĐỂ NHỐT GẤU

Ghi chú:

- Vị trí 1, 5 là các thanh sắt soắn làm khung cũi sắt, O 3cm.

- Vị trí 3, 4 là các thanh gia cường làm nẹp dọc và nẹp ngang cũi sắt, O 3cm.

- Vị trí 2 là thanh sắt vuông 2cm x 2cm làm chấn song dọc của cũi sắt.

- Các điểm A, B, C, D là vị trí đặt cửa của cũi sắt, rộng 0,8m x 1m.

- Khoảng cách giữa các chấn song dọc tối đa là 10 cm.

- Khoảng cách giữa các thanh gia cường nẹp dọc, nẹp ngang tối đa là 50 cm