Quyết định 17/2009/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020
Số hiệu: 17/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Nguyễn Như Lâm
Ngày ban hành: 26/05/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2009/QĐ-UBND

Phủ Lý, ngày 26 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công chứng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Như Lâm

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

Thực hiện Luật Công chứng năm 2006, Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, để phát triển lành mạnh các quan hệ giao dịch dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 như sau:

I. Mục tiêu:

- Thể chế hoá chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động công chứng, thực hiện hiệu quả Luật Công chứng năm 2006, Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công chứng và các văn bản pháp luật liên quan, gắn cải cách tư pháp với cải cách hành chính.

- Từng bước xã hội hoá hoạt động công chứng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tham gia vào hoạt động công chứng; từng bước giảm bớt chi tiêu ngân sách cho các Phòng Công chứng.

- Xây dựng mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng đạt yêu cầu, phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng nhằm ngày càng nâng cao hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của các tổ chức, công dân, làm lành mạnh hoá các các quan hệ giao dịch, kinh tế trên địa bàn.

II. Phương án phát triển tổ chức hành nghề công chứng:

1. Từng bước xây dựng mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng:

- Củng cố, kiện toàn tổ chức Phòng Công chứng số I; chuyển đổi theo mô hình đơn vị sự nghiệp theo quy định. Tiếp tục tăng cường đội ngũ cán bộ, đề nghị bổ nhiệm công chứng viên để đáp ứng tốt yêu cầu của nhiệm vụ.

- Căn cứ quy định pháp luật, điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Công chứng số II, khuyến khích mở các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh.

Phát triển Văn phòng công chứng tại các khu vực có yêu cầu công chứng cao và có điều kiện thuận lợi để thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, đồng thời có các biện pháp khuyến khích phát triển Văn phòng công chứng tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Phát triển của Văn phòng công chứng theo quy hoạch và lộ trình của tỉnh, xây dựng một mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng gắn với địa bàn dân cư để phục vụ dân một cách tiện lợi, kịp thời.

Để thực hiện được các mục tiêu và nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã nêu ở trên, quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng được xây dựng trên các cơ sở: diện tích và phân bố dân cư, phân bố các ngành nghề kinh doanh có yêu cầu công chứng cao (tài chính - ngân hàng, bất động sản, …), dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của từng khu vực.

UBND tỉnh định hướng lộ trình thời gian như sau:

+ Từ 2009 đến 2011: Củng cố, kiện toàn Phòng Công chứng số I;

+ Năm 2012: Căn cứ tình hình thực tế xem xét việc thành lập Phòng Công chứng số II tại thị trấn Đồng Văn - huyện Duy Tiên;

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các công chứng viên có đủ điều kiện thành lập các văn phòng công chứng. Xem xét, cấp giấy phép thành lập văn phòng công chứng tại các huyện, thành phố.

+ Từ 2012 đến 2016: Khuyến khích thành lập văn phòng Công chứng tại các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Phủ Lý;

+ Từ 2016 đến 2020: Khuyến khích thành lập văn phòng Công chứng tại các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm.

2. Tổ chức cán bộ:

- Năm 2009, 2010 tăng cường biên chế Phòng Công chứng số I, đảm bảo biên chế của phòng có 04 công chứng viên và 02 cán bộ giúp việc.

- Năm 2011 chuẩn bị đủ cán bộ để thành lập Phòng Công chứng số II tại thị trấn Đồng Văn - huyện Duy Tiên.

- Cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo nghề công chứng của Bộ Tư pháp. Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức Phòng Công chứng số I, tạo nguồn cán bộ để đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm đủ số lượng công chứng viên.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:

- Đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh những biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng, hỗ trợ đào tạo để nâng cao nghiệp vụ công chứng;

- Chuẩn bị điều kiện cần thiết, xây dựng đề án trình UBND tỉnh thành lập Phòng Công chứng số II.

- Bố trí cán bộ, đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên đáp ứng yêu cầu cán bộ của Phòng Công chứng số I, Phòng Công chứng số II. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của công dân theo quy định;

- Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập các văn phòng công chứng theo đúng quy định của pháp luật, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập;

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công chứng, xây dựng mạng lưới tin học chia sẻ thông tin giữa các phòng công chứng, giữa các phòng công chứng với các văn phòng công chứng, đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng;

- Yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động theo quy định;

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

+ Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, các ngành các cấp phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện:

- Sở Nội vụ: trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Phòng Công chứng số II theo lộ trình.

- Sở Tài chính: xây dựng dự toán và cấp phát kinh phí thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh: tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

- Các Sở, ngành khác và UBND các huyện, thành phố: triển khai thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng và hướng dẫn, hỗ trợ theo thẩm quyền đối với hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

+ Tổ chức hành nghề công chứng: thực hiện việc đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, đăng ký thuế, làm thủ tục khắc dấu, lập các loại sổ sách, hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật và Đề án này;

Giao Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi việc thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tìm biện pháp tháo gỡ./





Nghị định 02/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Công chứng Ban hành: 04/01/2008 | Cập nhật: 09/01/2008