Quyết định 17/2007/QĐ-UBND về đặt tên đường nội ô thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc
Số hiệu: 17/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Bùi Ngọc Sương
Ngày ban hành: 26/03/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2007/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 26 tháng 03 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG NỘI Ô THỊ TRẤN DƯƠNG ĐÔNG VÀ THỊ TRẤN AN THỚI, HUYỆN PHÚ QUỐC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 07 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 10/2007/NQ-HĐND ngày 11 tháng 01 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đặt tên đường nội ô thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc;

Xét Tờ trình số 193/TTr-SVHTT ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Sở Văn hóa-Thông tin về việc ban hành Quyết định đặt tên đường nội ô thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay đặt tên đường nội ô thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc; bao gồm:

1. Phụ lục I: tóm tắt vị trí, đặc điểm, tiểu sử danh nhân và các địa danh áp dụng đặt tên đường trong nội ô thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc.

2. Phụ lục II: tóm tắt vị trí, đặc điểm, tiểu sử danh nhân và các địa danh áp dụng đặt tên đường trong nội ô thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc.

Điều 2. Giao cho Sở Văn hóa-Thông tin chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan, UBND huyện Phú Quốc hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cùng Thủ trưởng các ngành chức năng có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH KIÊN GIANG
CHỦ TỊCH




Bùi Ngọc Sương

 

PHỤ LỤC SỐ I:

TÓM TẮT VỊ TRÍ, ĐẶC ĐIỂM, TIỂU SỬ DANH NHÂN VÀ CÁC ĐỊA DANH ÁP DỤNG ĐẶT TÊN ĐƯỜNG TRONG NỘI Ô THỊ TRẤN DƯƠNG ĐÔNG, HUYỆN PHÚ QUỐC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND  ngày 26 tháng 03 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Số TT

TÊN ĐƯỜNG

VỊ TRÍ, ĐẶC ĐIỂM

TÓM TẮT TIỂU SỬ

1

HOÀNG VĂN THỤ

Đầu giáp đường Nguyễn Trung Trực đi thẳng vòng qua giáp đường Nguyễn Trung Trực (ngã tư vòng xuyến Dương Đông - Bắc Đảo).

Đoạn này có chiều dài: Lđường =1000m; lộ giới: Rđường = 17m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m; chiều rộng vỉa hè: Rvỉa hè = 5m x 2.

HOÀNG VĂN THỤ (1906 - 1944): Là nhà cách mạng vô sản có tên là Hoàng Đinh Hưng, người xã Nhân Lý, Châu Điềm He, Lạng Sơn (Châu Uyên - Lạng Sơn), thuộc dân tộc Tày, năm 1939 là Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ, tháng 12/1940, ông được cử sang gặp Nguyễn Ái Quốc ở tỉnh Tây, Quảng Tây (Trung Quốc), để đón Người về nước. Tháng 5/1941, ông được cử vào Ban chấp hành lâm thời Tổng bộ Việt Minh. Sau đó ông về Hà Nội hoạt động, tháng 8/1943 ông bị thực dân Pháp bắt và xử bắn tại trường bắn Bạch Mai-Hà Nội, ngày 25/5/1944.

2

MẠC THIÊN TÍCH

Đầu giáp đường Hoàng Văn Thụ đi thẳng đến giáp đường Hùng Vương.

Đoạn này có chiều dài: Lđường =220m; lộ giới: Rđường = 17m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m; chiều rộng vỉa hè: Rvỉa hè = 5m x 2.

MẠC THIÊN TÍCH (1706-1780): Còn gọi là Mạc Thiên Tứ, hiệu là Sĩ Lân, tước Hầu, con của Tổng binh Mạc Cửu. Là người yêu văn thơ, ông là người sáng lập Tao Đàn Chiêu Anh Các. Khi cha mất, ông nối nghiệp mở mang trấn Hà Tiên và được Chúa Nguyễn phong chức Tổng binh Đại Đô Đốc. Ông là người có công rất lớn trong việc mở mang Trấn Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh. Mạc Thiên Tích là danh tướng và là danh sĩ nổi tiếng cả khu vực Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XVIII.

3

CHU VĂN AN

Đầu giáp đường Hoàng Văn Thụ đi thẳng đến giáp đường Hùng Vương.

Đoạn này có chiều dài: Lđường = 200m; lộ giới: Rđường = 17m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m; chiều rộng vỉa hè: Rvỉa hè = 5m x 2.

CHU VĂN AN (1292 -1370): Người làng Văn Thôn - huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì Hà Nội). Đương thời nổi tiếng là một nhà giáo tài đức, có nhiều học trò thành đạt. Đời vua Trần Minh Tông, ông được mời làm Tư nghiệp Quốc tử giám để dạy Thái Tử học. Đến đời Trần Dụ Tông, triều chính suy vi, bị bọn gian thần lũng đoạn, ông dâng sớ Thất trảm (xin chém 7 kẻ gian thần). Vua không nghe, ông bỏ quan về ở ẩn. Với tài năng, đức độ và tính cương trực, ông được coi là tấm gương tiêu biểu cho nhà giáo Việt Nam.

4

MINH MẠNG

Đầu giáp đường Hoàng Văn Thụ đi thẳng đến giáp đường Hùng Vương.

Đoạn này có chiều dài: Lđường =180m; lộ giới: Rđường = 17m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m; chiều rộng vĩa hè: Rvỉa hè = 5m x 2.

MINH MẠNG (1791-1840): Tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, năm 1820 lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng. Là một vị vua thông minh, hiếu học, siêng năng, mẫn cán, chăm lo việc triều chính. Trong suốt 21 năm trị vì, Minh Mạng là người được xem là có công nhất đối với triều đình nhà Nguyễn trong công cuộc xây dựng và mở mang đất nước. Ông kiện toàn bộ máy cai trị từ triều đình Trung ương đến làng xã, đặt Cơ mật Viện để cùng vua bàn những việc quan trọng trong nước, chú trọng đến việc học hành, thi cử, trọng dụng nhân tài, tổ chức quân đội chặt chẽ, khá chính quy. Minh Mạng là một vị vua tài giỏi, góp phần làm cho nước Việt Nam cường thịnh.

5

HÀM NGHI

 

Đầu giáp đường Nguyễn Chí Thanh đi thẳng đến giáp đường Ngô Quyền giai đoạn 2 (dự kiến đường mới mở).

Đoạn này có chiều dài: Lđường = 300m; lộ giới: Rđường = 21m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 9m; chiều rộng vỉa hè: Rvỉa hè = 6m x 2.

HÀM NGHI (1872-1943): Tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch. Là một nhà vua yêu nước, lên ngôi khi mới 12 tuổi, triều đình tấn phong Vua Hàm Nghi lên ngôi không cho thực dân Pháp biết, làm tên Khâm sứ Rheinart bất bình, từ đó mâu thuẫn giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn càng trầm trọng. Ngày 4/7/1885 quân ta tấn công Tòa Khâm và Đồn Mang Cá, rạng sáng 23/5/1885 quân Pháp chiếm kinh thành, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, tại đây vua ban Hịch Cần Vương. Sau 3 năm nằm gai, nếm mật ở căn cứ Ấu Sơn, thực dân Pháp bắt ông đưa về Huế và thuyết phục về triều đình để làm vua bù nhìn nhưng không được, nên đem ông an trí ở đồi El Biar Algérie. Vua Hàm Nghi mất năm 1943, thọ 72 tuổi.

6

NGUYỄN VĂN NHỊ

Đầu giáp đường Nguyễn Trung Trực đi thẳng đến giáp trước cổng sau của huyện đội Phú Quốc.

Đoạn này có chiều dài: Lđường = 240m; lộ giới: Rđường = 17m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m; chiều rộng vỉa hè: Rvỉa hè = 5m x 2.

NGUYỄN VĂN NHỊ (1938-1961): Tên thường gọi là Tám Nhị, Tám Tiến. Sinh tại xã Cửa Dương, Phú Quốc. Hoạt động cách mạng từ nhỏ, được kết nạp Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Miền Nam Việt Nam lúc 17 tuổi, tham gia lực lượng vũ trang tại Phú Quốc. Tháng 11/1961, là huyện ủy viên, huyện đội phó Phú Quốc, đồng chí được phân công chỉ huy và trực tiếp tham gia trận đánh diệt toán lính Bảo an trên đường đi Giếng Tiên. Trận đánh diễn ra ác liệt và không cân sức, đ/c Nhị quyết định ở lại cản địch để rút sau, đ/c bị thương và bị địch bắt. Chúng dụ dỗ đ/c đọc lời chiêu hồi do chúng viết sẵn để phát trên loa truyền thanh. Nhưng thật bất ngờ cho chúng, đ/c đã hô lớn: “Mỹ Diệm là kẻ thù không đội trời chung. Hãy đoàn kết tiêu diệt chúng!”, “Mặt trận Dân tộc giải phóng muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”… Rạng sáng ngày 9/11/1961, địch lén lút đưa đ/c đi xử bắn tại Bà Kèo, Dương Đông, Phú Quốc.

7

NGUYỄN THỊ ĐỊNH

Đầu giáp đường Nguyễn Thái Bình đi thẳng đến giáp đường Nguyễn Thái Bình (đường vòng cung).

Đoạn này có chiều dài: Lđường = 140m; lộ giới: Rđường = 17m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m; chiều rộng vỉa hè: Rvỉa hè = 5m x 2.

NGUYỄN THỊ ĐỊNH (1920-1992): Sinh tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre. Bà tham gia phong trào Đông Dương Đại hội năm 1936. Năm 1938, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, bị bắt giam tại ngục Bà Rá, trong tù Bà luôn giữ khí tiết của người Cộng sản. Năm 1943, mãn án tù Bà trở về Bến Tre vận động chị em phụ nữ cướp chính quyền vào cuối tháng 8 năm 1945, lãnh đạo phong trào Đồng Khởi Bến Tre. Bà từng giữ chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, phụ trách Phong trào chiến tranh du kích. Năm 1974, bà được phong Thiếu Tướng, sau đó giữ các chức vụ: Thứ Trưởng Bộ Thương binh- Xã hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Bà mất ngày 26/3/1992.

8

PHAN NHUNG

Đầu giáp đường 30/04 đi thẳng đến giáp đường Bạch Đằng giai đoạn 2 (dự kiến đường mới mở).

Đoạn này có chiều dài: Lđường = 325m; lộ giới: Rđường = 21m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 9m; chiều rộng vỉa hè: Rvỉa hè = 6m x 2.

PHAN NHUNG (1916-1946): Sinh tại Quảng Nam, là một cán bộ Đảng viên rất kiên cường. Từng giảng dạy ở trường công nghệ do thực dân Pháp lập ra ở Sài Gòn, phong cách giản dị, tính cách nhân hậu, thường bênh vực cho học sinh ở trường khi bị người Pháp ức hiếp. Năm 1940, là năm có sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa, bọn mật thám đến tận trường bắt đ/c Phan Nhung rồi đày đi Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám thành công, đ/c được giao nhiệm vụ sang gặp các đồng chí đang hoạt động bên Xiêm (Thái Lan), khi đến Phú Quốc thì bị kẹt phương tiện, trong thời gian chờ đợi đ/c đã hoà mình với quần chúng nhân dân lao động địa phương, bắt liên lạc với các đ/c đảng viên hoạt động tại Phú Quốc và tổ chức vào dinh quận, diệt tên quận trưởng Arriguit người Pháp. Việc thực hiện gặp sự cố bất trắc không thành, đ/c anh dũng hy sinh vào ngày mùng 5 tháng 6 âm lịch năm 1946. Hành động của đ/c đã gây chấn động trong hàng ngũ địch, có tiếng vang lớn thời bấy giờ, nhân dân Phú Quốc vô cùng ngưỡng mộ và thương tiếc.

 

PHỤ LỤC SỐ II:

TÓM TẮT VỊ TRÍ, ĐẶC ĐIỂM, TIỂU SỬ DANH NHÂN VÀ CÁC ĐỊA DANH ÁP DỤNG ĐẶT TÊN ĐƯỜNG TRONG NỘI Ô THỊ TRẤN AN THỚI, HUYỆN PHÚ QUỐC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 26 tháng 03 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

SỐ TT

TÊN ĐƯỜNG

VỊ TRÍ, ĐẶC ĐIỂM

TÓM TẮT TIỂU SỬ

1

NGUYỄN VĂN CỪ

Đầu giáp ngã ba (An Thới - Cầu Sấu) đến ngã ba Công binh vòng qua UBND đi thẳng hướng đi ra Bãi Xếp lớn đến giáp đường Hồ Thị Nghiêm.

Đoạn này có chiều dài: Lđường = 4.390m; lộ giới: Rđường = 17m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 9m; chiều rộng vỉa hè: Rvỉa hè = 4m x 2. Đường láng nhựa.

NGUYỄN VĂN CỪ (1912-1941): Sinh ngày 09/7/1912, tại Bắc Ninh. Là một trong những Đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), sau ngày thành lập Đảng Cộng sản VN, đ/c được bầu làm Bí thư Đặc ủy Hòn Gai-Uông Bí, bị thực dân Pháp kết án khổ sai chung thân và đày ra Côn Đảo. Đ/c Nguyễn Văn Cừ là Tổng Bí thư Đảng từ tháng 03/1938 đến tháng 01/1940 . Ngày 28/8/1941 đ/c bị thực dân Pháp xử bắn tại Bà Điểm. Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy vì Đảng, vì nhân dân, vì Tổ quốc và là một người Cộng sản kiên trung, một lãnh tựu xuất sắc, đã có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng VN.

2

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Đầu giáp đường Hồ Thị Nghiêm vòng qua khu tái định cư thẳng đến xí nghiệp nước đá (cũ) đến bến tàu. Đoạn này có chiều dài Lđường = 3.200m; lộ giới: Rđường = 12m ; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 9m . Đường láng nhựa.

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (1828 - 1871): Sinh tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 27 tuổi ông sang Pháp học, tiếp thu được nhiều tri thức tiên tiến của Châu Âu thời đó. Ông hiểu biết nhiều về khoa học kỹ thuật, về chính trị, kinh tế, pháp luật… Ông đã viết hàng loạt bản điều trần, luận văn nêu ra những cải cách chiến lược về kinh tế, văn hoá, ngoại giao, quân sự nhằm tạo thế vươn lên cho dân tộc. Rất tiếc, tư tưởng đi trước thời đại của ông không được triều đình Huế coi trọng, khiến cho những đề nghị cải cách đúng đắn của ông bị lãng quên.

3

TRẦN QUỐC TOẢN

Đầu giáp đường Nguyễn Văn Cừ đi thẳng đến Mũi Đèn (bến tàu An Thới).

Đoạn này có chiều dài Lđường = 800m; lộ giới: Rđường = 9m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m. Đường láng nhựa.

TRẦN QUỐC TOẢN (1267-1285): Trong chiến tranh chống Nguyên Mông lần thứ hai (1825), Trần Quốc Toản 15 tuổi đã tổ chức một đội quân dân binh đông hàng ngàn người tham gia đánh đuổi giặc ngoại xâm. Vì mới 16 tuổi không được tham dự họp bàn việc nước, ông tức giận bóp nát quả cam cầm trên tay. Ông cùng nhóm thiếu niên thân thuộc sắm sửa vũ khí và may lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân”, rồi ra binh đánh giặc. Ông từng dự nhiều trận đánh lớn, góp phần chiến thắng Chương Dương vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm. Ông mất năm 1285, mới 18 tuổi. Vua Trần Nhân Tông đã truy tặng tước Hoài Văn Hầu cho ông.

4

PHẠM NGỌC THẠCH

Đầu giáp đường Nguyễn Văn Cừ đi đến thẳng vòng qua nhà thờ đến giáp đường Nguyễn Trường Tộ.

Đoạn này có chiều dài Lđường = 1.300m; lộ giới: Rđường = 12m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m . Đường sỏi đỏ.

PHẠM NGỌC THẠCH (1908 - 1968): Là bác sĩ chuyên khoa lao và bệnh phổi Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) và sau này (1958 - 1968), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn-Chợ Lớn (1950 -1953), Viện trưởng Viện chống lao Trung ương (1957 -1968). Ông có 2 công trình y khoa là: Thuốc phòng lao BCC và Subtillis. Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).

5

HỒ THỊ NGHIÊM

Đầu giáp đường Nguyễn Trường Tộ đi thẳng vòng qua Bãi Xếp lớn đến khu tái định cư, đi thẳng giáp đường Trần Quốc Toản.

Đoạn này có chiều dài Lđường = 4.200m; lộ giới: Rđường = 9m ; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m . Đường sỏi đỏ.

HỒ THỊ NGHIÊM : Sinh tại làng Dương Đông - Phú Quốc (nhà gia đình ngày nay ở khu lầu phía sau Nhà Văn hoá huyện Phú Quốc, khu phố 2, thị trấn Dương Đông). Hồ Thị Nghiêm hoạt động cách mạng trong thời kỳ chế độ Mỹ Diệm. Đ/c là đảng viên Chi bộ xã Dương Tơ, bị địch bắt ngày 08/06/1959, chúng đánh đập, tra tấn dã man, cho lột hết quần áo, dùng sắt nướng đỏ châm vào người làm cho da thịt cháy khét, tuy vậy đ/c không hề khai báo. Địch không khuất phục được, ngày 20/6/1959 chúng đưa đ/c cùng 3 người khác xuống bãi cồn Dương, xã An Thới xử bắn. Hồ Thị Nghiêm ngã xuống nhưng vẫn nêu cao tấm gương kiên cường của một Đảng viên Cộng sản, tấm lòng kiên trung, anh hùng, bất khuất.

6

PHÙNG HƯNG

Đầu giáp đường Nguyễn Văn Cừ đi đến thẳng giáp đường Hồ Thị Nghiêm.

Đoạn này có chiều dài Lđường = 850m; lộ giới: Rđường = 9m ; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m. Đường sỏi đỏ.

PHÙNG HƯNG: Quê ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Tây) thuộc dòng dõi quan Lang. Vào khoảng năm 767, anh em họ Phùng phất cờ khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ tham lam, tàn bạo của nhà Đường. Phùng Hưng xưng Đô Quân, đặt bản doanh tại Đường Lâm, anh hùng hào kiệt theo ông rất đông, làm chủ cả miền trung du, miền núi Bắc bộ. Vài năm sau lực lượng của ông rất hùng mạnh, đánh và chiếm được thành Tống Bình, ông cai trị đất nước trong bảy năm thì mất. Dân chúng vô cùng thương tiếc tôn danh hiệu là Bố Cái Đại Vương và lập đền thờ ngay tại xã Đường Lâm.

7

LÊ QUÝ ĐÔN

Đầu giáp đường Nguyễn Văn Cừ đi đến thẳng giáp đường Phạm Ngọc Thạch.

Đoạn này có chiều dài Lđường = 500m; lộ giới: Rđường = 9m; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m. Đường láng nhựa.

LÊ QUÝ ĐÔN (1726 - 1784): Quê tại Diên Hà, thị trấn Nam Hạ (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, 22 tuổi đỗ Đình Nguyên, làm tới chức Bồi Tụng. Ông được coi là nhà Bác học lớn nhất của Việt Nam trong lịch sử Trung đại, là tác giả của 40 bộ sách gồm hàng trăm quyển viết nhiều lĩnh vực khác nhau.

8

CHƯƠNG DƯƠNG

Đầu giáp đường Nguyễn Văn Cừ đi đến thẳng cổng vùng năm hải quân.

Đoạn này có chiều dài Lđường = 150m; lộ giới: Rđường = 9m ; chiều rộng mặt đường: Rmặt đường = 7m. Đường láng nhựa.

CHƯƠNG DƯƠNG: Còn gọi là bến Chương Dương, là một địa danh gắn với 3 chiến công dưới thời vua Trần Nhân Tông là: Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương. Năm 1285, quân Nguyên mang 50 vạn quân sang xâm lược nước ta, dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn, các vị tướng tài như Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão tiến đánh Thoát Hoan, Toa Đô và Ô Mã Nhi ở Bến Chương Dương. Vòng vây Thăng Long được khép lại, quân ta tiếp tục đánh, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để lính khiêng chạy mới thoát khỏi chết. Làng Chương Dương nằm bên bờ phải sông Hồng (đối diện với làng Hàm Tử) nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.