Quyết định 17/2007/QĐ-UBND về Quy chế Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
Số hiệu: 17/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Lữ Ngọc Cư
Ngày ban hành: 29/05/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UBND TỈNH ĐẮKLẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 17/2007/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 29 tháng 05 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮKLẮK

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg ngày 28/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 210/1999/QĐ-BTP ngày 09/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế báo cáo viên pháp luật;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 19/TTr-STP ngày 19 tháng 4 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật”.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành, thay thế Quyết định số 1603/1998/QĐ-UB ngày 08/8/1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế báo cáo viên pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2 (thực hiện);
- Bộ Tư pháp (để báo cáo);
- TT. Tỉnh ủy (nt);
- TT. HĐND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- CT, các P.CT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Báo ĐắkLắk;
- Lưu VP: LdVP; các PBP ng.c
VT, NC. (95b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

QUY CHẾ

BÁO CÁO VIÊN, TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh ĐắkLắk)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo Quy chế này là những người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp công nhận để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ở địa phương.

Báo cáo viên pháp luật có ở cấp tỉnh và cấp huyện. Tuyên truyền viên pháp luật có ở cấp xã.

Điều 2. Mục đích hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

1. Phổ biến kiến thức pháp luật cơ bản và quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân;

2. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nâng cao dân trí pháp lý, văn hóa pháp luật; góp phần giữ nghiêm trật tự kỷ cương, ngăn ngừa có hiệu quả sự vi phạm pháp luật;

3. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành, các cấp và toàn xã hội để đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên, có nề nếp;

4. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 3. Phạm vi hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật

Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện phổ biến các văn bản pháp luật của trung ương và địa phương đến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình và truyền đạt, phổ biến pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương khác trong tỉnh khi được yêu cầu.

Tuyên truyền viên pháp luật phổ biến các văn bản pháp luật của trung ương và địa phương đến cán bộ, nhân dân tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cơ sở nơi mình cư trú.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

1. Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính chính xác, phổ thông, dễ hiểu, thuyết phục trong khi tuyên truyền pháp luật;

2. Chịu sự phân công của lãnh đạo cơ quan chủ quản về việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở đơn vị báo cáo viên pháp luật công tác và ở những nơi khác khi có yêu cầu;

3. Chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và cán bộ tư pháp – hộ tịch ở xã, phường, thị trấn.

Điều 5. Quản lý báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quản lý, điều hành hoạt động; bồi dưỡng nghiệp vụ; cung cấp đề cương giới thiệu văn bản pháp luật, tài liệu pháp luật cần thiết và Bản tin Tư pháp ĐắkLắk cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật.

2. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức quản lý, điều hành hoạt động; bồi dưỡng nghiệp vụ; cung cấp, nhân bản đề cương giới thiệu văn bản pháp luật, tài liệu pháp luật cần thiết cho báo cáo viên pháp luật cấp huyện thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật.

3. Cán bộ tư pháp – hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở; cung cấp, nhân bản tài liệu pháp luật cần thiết cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại các thôn, buôn, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật.

4. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

- Quản lý, phân công nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ quan, đơn vị, tổ chức mình;

- Cung cấp sách, báo pháp luật cần thiết; tạo điều kiện cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật khai thác tài liệu của Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương;

- Bố trí kinh phí chi cho việc mua tài liệu, sách báo pháp luật, in ấn đề cương… cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại đơn vị, địa phương; Chi bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật khi phân công họ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc khi mời báo cáo viên pháp luật của các đơn vị khác thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị, địa phương mình.

Chương 2.

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN VÀ TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT

Điều 6. Nguồn lựa chọn báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

1. Báo cáo viên pháp luật:

a. Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh được lựa chọn từ lãnh đạo, cán bộ pháp chế, công chức, viên chức đang công tác tại các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể… ở tỉnh và một số cán bộ chủ chốt của huyện.

b. Báo cáo viên pháp luật cấp huyện được lựa chọn từ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các phòng, ban, tổ chức, đoàn thể của huyện, thành phố; một số cán bộ chủ chốt và cán bộ tư pháp – hộ tịch ở xã, phường, thị trấn.

2. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở được lựa chọn từ các già làng, trưởng thôn, buôn, tổ dân phố; hòa giải viên; cán bộ tư vấn, cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn; sinh viên đã tốt nghiệp các trường luật; Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, buôn, tổ dân phố; những người có uy tín trong nhân dân… đã được bồi dưỡng kiến thức pháp luật hoặc nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; các cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở.

Điều 7. Tiêu chuẩn báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

1. Tiêu chuẩn chung của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật:

- Là công dân Việt Nam;

- Có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và khả năng hoàn thành công việc được giao;

- Có kiến thức pháp luật, có khả năng tuyên truyền pháp luật trước công chúng;

- Có uy tín trong công tác, trong sinh hoạt.

2. Ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, báo cáo viên pháp luật còn phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn sau:

- Là cán bộ, công chức, viên chức;

- Có trình độ từ cử nhân (đối với báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh), trung cấp (đối với báo cáo viên pháp luật cấp huyện) hoặc tương đương trở lên về ngành luật hoặc các ngành khác.

3. Ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, tuyên truyền viên pháp luật phải là người tự nguyện, nhiệt tình, có đủ điều kiển về sức khỏe và thời gian để hoàn thành nhiệm vụ phổ biến pháp luật. Tuyên truyền viên pháp luật công tác, sinh sống ở đơn vị, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần biết về ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Điều 8. Thẩm quyền công nhận báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

1. Đối với Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh: Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức cùng cấp và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Buôn Ma Thuột lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận báo cáo viên cấp tỉnh.

2. Đối với Báo cáo viên pháp luật cấp huyện: Phòng Tư pháp các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với các cơ quan, tổ chức cùng cấp và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật cấp huyện.

3. Đối với Tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở: cán bộ tư pháp – hộ tịch ở xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, thôn, buôn, tổ dân phố lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định công nhận tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở.

4. Hàng năm, Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; cán bộ tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thay đổi, bổ sung đối với các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật không có điều kiện hoạt động, bị kỷ luật hoặc đã chuyển công tác đến cơ quan khác.

Điều 9. Thẻ Báo cáo viên pháp luật

1. Thẻ báo cáo viên pháp luật được cấp theo mẫu thống nhất của Bộ Tư pháp.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp cấp Thẻ cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; tùy điều kiện của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố được ủy quyền cho Trưởng Phòng Tư pháp cấp Thẻ cho báo cáo viên pháp luật cấp huyện.

Thẻ báo cáo viên pháp luật bị thu hồi khi người được cấp thẻ bị xóa tên trong danh sách báo cáo viên pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có trách nhiệm:

1. Nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; các văn bản pháp luật của Nhà nước và gương mẫu thực hiện;

2. Không ngừng rèn luyện, giữ gìn tư cách, phẩm chất đạo đức của người báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật;

3. Thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình công tác. Ngoài ra, còn có thể thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật ở các cơ quan, đơn vị khác khi được cơ quan, đơn vị đó mời;

4. Chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh); của Phòng Tư pháp huyện, thành phố (đối với báo cáo viên pháp luật cấp huyện) và của cán bộ tư pháp – hộ tịch ở xã, phường, thị trấn (đối với đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật);

5. Chịu trách nhiệm về nội dung liên quan đến việc phổ biến, giáo dục pháp luật do mình đảm nhiệm;

6. Không được dùng Thẻ báo cáo viên pháp luật hoặc lấy danh nghĩa báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để thực hiện các hoạt động khác;

7. Nộp lại Thẻ báo cáo viên pháp luật cho cơ quan cấp thẻ khi không còn làm nhiệm vụ báo cáo viên pháp luật;

8. Thực hiện nghiêm chỉnh những quy định trong Quy chế này;

9. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tình hình nhận thức pháp luật của nhân dân, các ngành, các cấp và việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ quan, đơn vị mình cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thông qua Sở Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh); Ủy ban nhân dân cấp huyện, thông qua Phòng Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật cấp huyện) và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thông qua cán bộ tư pháp – hộ tịch (đối với đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật).

Điều 11. Quyền lợi của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

1. Được bồi dưỡng kiến thức chính trị, pháp lý, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;

2. Được mời dự các hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

3. Được thông tin thường xuyên các văn bản pháp luật, văn bản về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở trung ương và địa phương; Được cung cấp các đề cương, tài liệu pháp luật cần thiết; ngoài ra, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện được cung cấp báo Pháp luật Việt Nam, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh được cung cấp Bản tin Tư pháp ĐắkLắk;

4. Được tạo điều kiện về phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền pháp luật;

5. Được cấp Thẻ báo cáo viên pháp luật;

6. Được hưởng chế độ bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo quy định của Nhà nước.

Chương 3.

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Khen thưởng

Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 13. Xử lý vi phạm

Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có những hành vi vi phạm pháp luật bị áp dụng hình thức kỷ luật; vi phạm những quy định tại Quy chế này, không còn đủ tư cách báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; không thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền viên pháp luật trong thời gian 01 năm liên tục mà không có lý do chính đáng thì tùy theo mức độ có thể bị tạm đình chỉ hoạt động tuyên truyền pháp luật hoặc bị xóa tên trong danh sách báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và thu hồi Thẻ báo cáo viên pháp luật./.