Quyết định 1696/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 - 2012 trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Số hiệu: 1696/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Trương Tấn Thiệu
Ngày ban hành: 19/06/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1696/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 19 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TỪ NĂM 2009 -2012 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 442/TTr-LĐTBXH ngày 15/6/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 - 2012 trên địa bàn tỉnh (có Đề án kèm theo).

a) Mục tiêu:

Mục tiêu chung:

Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã, nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ hơn trong các doanh nghiệp, các hợp tác xã. Đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định trật tự xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Mục tiêu cụ thể:

- Đến hết năm 2012, phấn đấu đạt 95% người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và 75% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, 100% lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nhiệp như:Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các Luật Thuế… và các quy định khác của pháp luật có liên quan tới quyền và nghĩa vụ công dân của người lao động;

- Hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc đình công hoặc tranh chấp lao động tập thể, đặc biệt là các cuộc đình công trái pháp luật;

- Nâng cao năng lực công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức đoàn thể có liên quan về nội dung, phương pháp.

b) Kinh phí thực hiện:

- Kinh phí: 1.235.000.000 đồng;

- Nguồn kinh phí: Từ nguồn sự nghiệp đào tạo khác được phân bổ hàng năm

Điều 2.

1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện hàng năm, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chuyên viên giúp việc và tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

2. Giao Sở Tài chính cấp phát kinh phí để thực hiện Đề án.

3. Giao các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo nội dung Đề án.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

ĐỀ ÁN

TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2009 - 2012
(Kèm theo Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 19/6/2009 của UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN.

1. Cơ sở pháp lý:

Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân;

Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân;

Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012;

Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012;

2. Thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong thời gian qua ở tỉnh Bình Phước:

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp trong thời gian qua đã được các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức đoàn thể các cấp tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, từng bước làm chuyển biến nhận thức về pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thực hiện Bộ Luật Lao động (giai đoạn 1997-2007) và các đợt khảo sát tình hình thực hiện pháp luật lao động ở các doanh nghiệp hàng năm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động các cấp, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số tồn tại, khó khăn nhất định như:

- Đối với người lao động: nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao và không đồng đều do trình độ hạn chế, khả năng tiếp thu nắm bắt chậm, ý thức trách nhiệm thấp, chưa tập trung, quan tâm khi được học tập hướng dẫn; người sử dụng lao động chưa quan tâm, tạo điều kiện về mặt thời gian, vật chất cũng như trách nhiệm cung cấp các tài liệu tìm hiểu; nội dung được giáo dục, tuyên tuyền chưa sâu, chưa đầy đủ, đơn thuần chỉ tập trung vào một số chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong quan hệ lao động; vai trò của Công đoàn cơ sở đối với việc hướng dẫn, tuyên truyền cũng như bảo vệ quyền lợi đối với người lao động còn rất hạn chế.

- Đối với người sử dụng lao động: chưa thật sự quan tâm và có trách nhiệm, thường hay phó mặc cho cán bộ nhân sự, trong khi đó lực lượng người làm công tác nhân sự chưa được quan tâm đúng mức: thường xuyên thay đổi, chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp, thiếu kinh nghiệm, năng lực quản lý hạn chế; tài liệu chưa được cung cấp đầy đủ. Thiếu đầu tư kinh phí, vật chất cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp.

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, lại liên tục thay đổi, bổ sung nên công tác tuyên truyền, phổ biến chưa được kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa thật sự phù hợp với tính chất công việc, điều kiện làm việc của người lao động và người sử dụng lao động. Hoạt động tuyền truyền, giáo dục pháp luật vẫn còn nặng tính hình thức, về phía người lao động và người sử dụng lao động thiếu sự chủ động khi tham gia.

- Đội ngũ cán bộ là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp còn ít về số lượng, phần lớn là kiêm nhiệm và chưa được bồi dưỡng đào tạo về kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền đạt, do đó chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa cao.

- Nguồn kinh phí ngân sách phân bổ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn ít, thiếu tập trung.

- Sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể có liên quan chưa thật sự đồng bộ và chặt chẽ.

3. Xu hướng và nhu cầu được tuyên truyền, phổ biến pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động:

Theo số liệu thống kê, đến tháng 12/2008, toàn tỉnh có 2.354 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 60.840 lao động, gồm: doanh nghiệp Nhà nước: 42 đơn vị, với khoảng 22.850 lao động; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 58 đơn vị, với khoảng 5.930 lao động; doanh nghiệp dân doanh: 2.254 đơn vị, với khoảng 32.060 lao động.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 16 hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp có quan hệ lao động với 2.402 thành viên, 808 lao động và hàng năm có gần 200 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng cần được tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Dự báo đến năm 2012, toàn tỉnh sẽ có trên 2.500 doanh nghiệp hoạt động và sử dụng khoảng 80.000 lao động làm công ăn lương và khoảng 33 hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp có quan hệ lao động với 5.000 thành viên, 1.700 lao động.

Như vậy, với thực trạng và dự báo tình hình sử dụng lao động trong thời gian tới. Với mục tiêu xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì nhu cầu cần được tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy định khác có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp là một yêu cầu khách quan và cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO:

- Việc xây dựng đề án phải thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cụ thể là: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động, hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

- Việc xây dựng đề án phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009. Đồng thời, các nội dung hoạt động của đề án phải có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tính chất công việc, điều kiện làm việc của người lao động và người sử dụng lao động.

- Đề án phải khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời, phải đảm bảo tính kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến và nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến.

- Đề án phải đảm bảo tính khoa học, thực tế và đồng bộ giữa các nội dung, họat động tuyền truyền và tận dụng tối đa các nguồn lực, tránh lãng phí. Các nội dung hoạt động của đề án phải phong phú, tạo điều kiện thuận lợi thu hút sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt khuyến khích sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp và ý thức tôn trọng, tinh thần trách nhiệm tiếp thu, tự giác thực hiện của người lao động để đảm bảo hiệu quả và bền vững.

III. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN:

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã, nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ hơn trong các doanh nghiệp, các hợp tác xã. Đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định trật tự xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến hết năm 2012, phấn đấu đạt 95% người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và 75% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, 100% lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nhiệp như: Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các Luật Thuế… và các quy định khác của pháp luật có liên quan tới quyền và nghĩa vụ công dân của người lao động;

- Hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc đình công hoặc tranh chấp lao động tập thể, đặc biệt là các cuộc đình công trái pháp luật;

- Nâng cao năng lực công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức đoàn thể có liên quan về nội dung, phương pháp.

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nội dung hoạt động:

1.1. Rà soát tình hình hoạt động và thực trạng sử dụng lao động trong tất cả các loại hình doanh nghiệp.

1.2. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (tuyên truyền viên pháp luật); doanh nghiệp và hợp tác xã về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.

1.3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng .

1.4. In ấn sách cẩm nang, sổ tay lao động, tờ rơi... về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động để cấp phát cho người lao động và người sử dụng lao động.

1.5. Tổ chức các ngày tư vấn, giải đáp pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp.

1.6. Tổ chức hội thi tuyên truyền viên pháp luật, thi viết tìm hiểu về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động.

1.7. Tổ chức giám sát và đánh giá tác động, hiệu quả các hoạt động tuyền tuyền, phổ biến pháp luật.

1.8. Tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan tham gia tuyên truyền.

1.9. Sơ kết, tổng kết đánh giá thực hiện đề án.

2. Các giải pháp thực hiện:

2.1. Giải pháp về chính sách:

Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động, gồm:

- Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp;

- Chế độ hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền phổ biến tại doanh nghiệp;

- Khuyến khích đưa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động.

2.2. Giải pháp về cơ chế:

- Cơ chế huy động nguồn lực tuyên truyền phổ biến pháp luật:

+ Tăng cường đầu tư của Nhà nước cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động.

+ Khuyến khích sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại doanh nghiệp;

+ Huy động các nguồn lực hỗ trợ khác.

- Cơ chế phân cấp và phối hợp:

Các hoạt động của đề án được phân thành các nhóm hoạt động và được giao cho từng cơ quan tổ chức chủ trì thực hiện, có phân định trách nhiệm giữa các cơ quan để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện từng nội dung hoạt động của đề án.

- Cơ chế giám sát đánh giá:

+ Tăng cường hiệu lực công tác giám sát của các sở, ngành liên quan;

+ Phát huy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện đề án;

+ Huy động sự tham gia của ngưòi lao động và người sử dụng lao động vào việc thực hiện và giám sát các hoạt động thực hiện của đề án.

2.3. Các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ:

- Bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên của các cơ quan tham gia thực hiện đề án và các cơ quan có liên quan;

- Tập trung tuyên truyền phổ biến những nội dung có trọng tâm, trọng điểm theo từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến tuyên truyền: kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung và từng đối tượng;

- Kết hợp việc xây dựng mô hình điểm, kết hợp với việc biểu dương điển hình tiên tiến với việc xử phạt nghiêm minh và gây dư luận phê phán các hành vi vi phạm pháp luật.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

1. Kinh phí thực hiện đề án:

a) Rà soát tình hình hoạt động, thực trạng sử dụng lao động và quan hệ lao động trong tất cả các loại hình doanh nghiệp: 20.000.000 đồng.

b) Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ tuyên truyền viên, doanh nghiệp, hợp tác xã. ..: 200.000.000 đồng.

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác trên các phương tiện thông tin đại chúng: 90.000.000 đồng.

d) In ấn sách cẩm nang, sổ tay lao động, tờ rơi: 563.000.000 đồng.

e) Tổ chức các ngày tư vấn, giải đáp pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp: 72.000.000 đồng.

f) Tổ chức hội thi tuyên truyền viên, thi viết tìm hiểu về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác cho người lao động và người sử dụng lao động: 200.000.000 đồng.

g) Tổ chức giám sát và đánh giá tác động, hiệu quả các hoạt động tuyền truyền, phổ biến pháp luật: 30.000.000 đồng..

i) Tổ chức hội nghị đối thoại: 20.000.000 đồng.

h) Sơ kết, tổng kết đánh giá thực hiện đề án 40.000.000 đồng.

* Tổng kinh phí thực hiện Đề án 1.235.000.000 đồng

(Bằng chữ: Một tỷ, hai trăm ba mươi lăm triệu đồng).

2. Nguồn kinh phí:

Từ nguồn sự nghiệp đào tạo khác được phân bổ hàng năm theo Công văn số 745/STC.HCSN ngày 04/6/2009 của Sở Tài chính. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực chủ trì, điều phối đề án có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi tiết hàng năm trên cơ sở nội dung các hoạt động của đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí thực hiện với cơ quan tài chính theo quy định

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Phạm vi về thời gian và đối tượng thực hiện:

- Thời gian thực hiện: Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2009 đến hết năm 2012, chia thành 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1, năm 2009: xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án; tổ chức rà soát doanh nghiệp; tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên.

+ Giai đoạn 2, từ năm 2010 - 2012: triển khai đồng loạt các hoạt động của đề án đến các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã theo mô hình doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động đánh giá, tổng kết.

- Đối tượng thực hiện:

+ Các cơ quan, tổ chức tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

+ Cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

+ Người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, các hợp tác xã;

+ Người lao động đang có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;

2. Tổ chức điều hành đề án:

- Thành lập Ban chỉ đạo điều hành thực hiện đề án do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực và đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Tư pháp, Tài chính, Liên minh Hợp tác xã, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp làm thành viên Ban chỉ đạo. Mời lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh làm thành viên Ban chỉ đạo.

- Thành lập tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo là cán bộ, công chức các sở, ngành tham gia đề án. Trong đó, phân công cán bộ công chức Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm Thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo.

- Các cơ quan, tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động của mình theo sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo thực hiện đề án.

3. Phân công trách nhiệm:

3.1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì thực hiện đề án. Đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động sau:

- Tổ chức rà soát tình hình hoạt động và thực trạng sử dụng lao động trong tất cả các loại hình doanh nghiệp;

- In ấn sách cẩm nang, sổ tay lao động, tờ rơi cấp phát cho người lao động và người sử dụng lao động;

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài . . . cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp.

- Các hoạt động giám sát, đánh giá hiệu quả tác động; tổng kết đề án...

3.2. Sở Tư pháp:

 Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham gia đề án thực hiện:

- Xây dựng nguồn tài liệu (biên soạn tài liệu) về pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động;

- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền viên pháp luật; tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Phối hợp tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp.

3.3. Liên đoàn Lao động tỉnh:

 Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham gia đề án thực hiện:

- Tổ chức các ngày tư vấn, giải đáp pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp;

- Tổ chức hội thi tuyên truyền viên về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền Luật Công đoàn và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động các doanh nghiệp.

3.4. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì định hướng cho các cơ quan: Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Phước, Tạp chí Khoa học - Thời đại và các cơ quan có hoạt động bản tin, có trang thông tin điện tử phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng .

3.5. Liên minh các Hợp tác xã:

Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền Luật Hợp tác xã và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong các hợp tác xã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

3.6. Sở Công Thương:

Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công thương, các quy định về an toàn, sử dụng tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp.

3.7. Sở Tài chính:

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm phục vụ các hoạt động theo Đề án đã được UBND phê duyệt.

3.8. Các cơ quan tham gia thực hiện Đề án:

Các cơ quan tham gia Đề án, theo chức năng nhiệm vụ của ngành mình có trách nhiệm thực hiện theo sự phân công, điều hành của Ban chỉ đạo.

VII. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ:

- Góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, trước hết là pháp luật lao động và các quy định có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; thực hiện tốt hơn chính sách và pháp luật của Nhà nước; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định tại doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án nhằm tăng cường và xây dựng lực lượng cán bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở, tại doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích sự chủ động và trách nhiệm tham gia của doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Điều đó sẽ tạo điều kiện để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các doanh nghiệp.

- Góp phần tăng cường hơn nữa sự phối hợp và trách nhiệm ba bên giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động.

- Góp phần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh./.