Quyết định số 1693/QĐ-UBND năm 2013 về phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2013 đến năm 2016
Số hiệu: 1693/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Hứa Ngọc Thuận
Ngày ban hành: 05/04/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/04/2013 Số công báo: Số 18
Lĩnh vực: Lao động, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1693/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2016

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến năm 2012; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI);

Căn cứ Công văn số 113/LĐTBXH-PC ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai Đề án 31 giai đoạn II;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố tại Tờ trình số 3239/TTr-SLĐTBXH ngày 19 tháng 3 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2013 đến năm 2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam Thành phố, Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1693 /QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Thực hiện Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến năm 2012; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI); Công văn số 113/LĐTBXH-PC ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai Đề án 31 giai đoạn II; Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố từ năm 2013 đến năm 2016 với các nội dung cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cụ thể là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 6 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI);

2. Khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn thành phố. Đảm bảo kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được trong công tác này, đồng thời đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để tạo hiệu quả tốt hơn.

3. Đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đồng bộ giữa các nội dung, hoạt động tuyên truyền và tận dụng tối đa các nguồn lực để xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tránh lãng phí. Nội dung hoạt động của Kế hoạch phải phong phú, tạo điều kiện thuận lợi thu hút sự tham gia của các sở ngành, đoàn thể, đặc biệt khuyến khích sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại doanh nghiệp. Nâng cao ý thức tôn trọng, tinh thần trách nhiệm tiếp thu, tự giác thực hiện pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo công tác thực thi pháp luật được hiệu quả và bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng đối với người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân;

2. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn thành phố; đổi mới và nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

3. Hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu theo Đề án, Kế hoạch của Trung ương về người lao động và người sử dụng lao động được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ và pháp luật khác có liên quan đến hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong từng năm và giai đoạn năm 2013 đến năm 2016.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Hoạt động của Ban Điều hành:

a) Xây dựng văn bản:

- Văn bản hướng dẫn các sở, ngành, quận - huyện, thực hiện Kế hoạch;

- Kiện toàn Ban Điều hành, Tổ thư ký;

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện;

- Dự toán kinh phí triển khai, thực hiện Kế hoạch.

b) Tổ chức các cuộc họp của Ban Điều hành Kế hoạch và Tổ thư ký:

- Đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2010 - 2012, trong từng năm tiếp theo và cả giai đoạn 2013 - 2016;

- Thảo luận, thông qua Kế hoạch thực hiện từng năm trong giai đoạn 2013 - 2016.

2. Nội dung thực hiện:

a) Rà soát, củng cố, kiện toàn nguồn nhân lực của công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại quận - huyện, các loại hình doanh nghiệp:

- Rà soát nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại sở, ngành, quận - huyện, các loại hình doanh nghiệp;

- Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng mẫu thực hiện thống kê, rà soát;

- Các sở, ngành, tổ chức, quận - huyện thực hiện thống kê, rà soát;

- Xây dựng báo cáo tổng hợp về kết quả thực hiện thống kê, rà soát nguồn nhân lực của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

b) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật định kỳ trong 6 tháng, 1 năm cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các sở, ngành, quận - huyện;

- Tập huấn nâng cao năng lực báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp.

c) Xây dựng chương trình, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật:

- Xây dựng chương trình khung, chương trình chi tiết bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật lao động, nghiệp vụ hòa giải lao động ở cơ sở;

- Biên soạn và cấp phát miễn phí một số tài liệu pháp luật đối với từng đối tượng của sở, ngành. In ấn cẩm nang, sổ tay, tờ rơi, áp phích tuyên truyền pháp luật lao động; Luật Công đoàn và pháp luật khác liên quan để cấp phát cho người lao động và người sử dụng lao động.

d) Các hoạt động tổ chức bồi dưỡng chuyên môn pháp lý, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật:

- Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan chuyên môn thuộc các sở, ngành, đơn vị, quận - huyện. Tập trung bồi dưỡng về kỹ năng thuyết trình, kỹ năng biên soạn tài liệu và tư vấn giải quyết các tình huống pháp luật thực tế;

- Tổ chức lớp tập huấn kiến thức pháp luật và phương pháp tuyên truyền pháp luật cho các hòa giải viên và tuyên truyền viên cơ sở tại 24 quận - huyện;

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Tổ chức Hội thi, cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật lao động và các pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động;

- Tổ chức tư vấn, giải đáp thắc mắc về pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân;

- Tổ chức giám sát, đánh giá tác động, hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Các giải pháp thực hiện:

a) Giải pháp về chính sách:

Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể:

- Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại doanh nghiệp;

- Chế độ hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền phổ biến tại doanh nghiệp;

- Khuyến khích việc lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động.

b) Giải pháp về cơ chế:

b.1) Cơ chế huy động nguồn lực tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật:

- Tăng cường đầu tư của Nhà nước cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân tại doanh nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động;

- Sở Tư pháp Thành phố tiếp tục thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước”;

- Khuyến khích sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp cho các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại doanh nghiệp;

- Huy động các nguồn lực hỗ trợ khác.

b.2) Cơ chế phân công và phối hợp:

Các hoạt động của Ban Điều hành và Tổ Thư ký được phân thành các nhóm hoạt động và được giao cho từng cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện, có phân định trách nhiệm giữa các cơ quan để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung hoạt động của Kế hoạch.

b.3) Cơ chế giám sát, đánh giá:

- Tăng cường hiệu lực công tác giám sát của các sở, ngành liên quan;

- Phát huy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực hiện Kế hoạch;

- Huy động sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động vào việc thực hiện và giám sát các hoạt động thực hiện của Kế hoạch.

b.4) Các giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ:

- Bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cơ quan tham gia thực hiện đề án và các cơ quan có liên quan;

- Tập trung tuyên truyền phổ biến những nội dung có trọng tâm, trọng điểm theo từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh và theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố;

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp phổ biến tuyên truyền; kết hợp các hình thực tuyên truyền truyền thống với các hình thức truyền thông hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung và từng đối tượng tuyên truyền;

- Xây dựng mô hình điểm, kết hợp với việc biểu dương điển hình tiên tiến, xử phạt nghiêm minh và tạo dư luận phê phán các hành vi vi phạm pháp luật.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ năm 2013 đến năm 2016 là 8.847.740.000 (Tám tỷ, tám trăm bốn mươi bảy triệu, bảy trăm bốn mươi ngàn) đồng. (Phụ lục kèm theo), bao gồm các nội dung:

- Rà soát tình hình hoạt động, thực trạng sử dụng lao động và quan hệ lao động trong tất cả các loại hình doanh nghiệp;

- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho báo cáo viên, tuyên truyền viên sở, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- In ấn sách cẩm nang, sổ tay, tờ rơi, áp phích;

- Tổ chức Hội thi, cuộc thi viết tìm hiểu về pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác cho người lao động và người sử dụng lao động;

- Tổ chức giám sát và đánh giá tác động, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

- Sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện Kế hoạch.

2. Nguồn kinh phí:

a) Từ nguồn ngân sách của thành phố được phân bổ hàng năm theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực chủ trì, điều phối Kế hoạch có trách nhiệm lập dự toán kinh phí chi tiết hàng năm trên cơ sở kế hoạch nội dung các hoạt động của Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt và chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí thực tế thực hiện với Sở Tài chính theo quy định.

b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp được sử dụng nguồn kinh phí ngân sách, nguồn huy động xã hội hóa hoặc nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phạm vi về thời gian và đối tượng thực hiện:

a) Thời gian thực hiện: Kế hoạch được triển khai thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2016.

b) Đối tượng thực hiện:

- Các cơ quan, tổ chức tham gia tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật;

- Công chức, viên chức làm công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật;

- Người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố.

2. Tổ chức điều hành Kế hoạch:

a) Kiện toàn Ban Điều hành điều hành thực hiện Kế hoạch do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng Ban, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố làm Phó Trưởng Ban Thường trực và đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã, Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên Ban Điều hành;

b) Tổ thư ký giúp việc cho Ban Điều hành là cán bộ, công chức các sở, ngành tham gia thực hiện Kế hoạch. Phân công công chức Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Điều hành;

c) Các cơ quan, tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động của mình theo sự chỉ đạo, điều hành của Ban Điều hành thực hiện Kế hoạch.

3. Phân công trách nhiệm thực hiện:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch, đồng thời phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động sau:

- Tổ chức rà soát, tình hình hoạt động và thực trạng sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật lao động trong doanh nghiệp;

- Xây dựng nguồn tài liệu, in ấn sách cẩm nang, sổ tay, tờ rơi để cấp phát cho người lao động và người sử dụng lao động;

- Tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động, Hội thi, cuộc thi tìm hiểu chủ yếu trong các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp lớn của thành phố;

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề và các văn bản pháp luật liên quan;

- Tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá hiệu quả tác động của hoạt động thực hiện Kế hoạch.

b) Sở Tư pháp:

Cơ quan tư vấn về phương pháp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham gia Kế hoạch thực hiện:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tiếp tục thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” trong đó có đội ngũ nhân lực thực hiện Kế hoạch này theo Quyết định số 6408/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Phối hợp với các sở, ngành biên soạn tài liệu về pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động;

- Phối hợp tổ chức Hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật về lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động;

c) Liên đoàn Lao động Thành phố:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham gia thực hiện Kế hoạch này đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người lao động tập trung trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Tổ chức tư vấn, giải đáp thắc mắc về pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân;

- Tổ chức hội thi tuyên truyền viên về pháp luật và các quy định pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động và người sử dụng lao động;

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên cơ sở;

- Phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân của người lao động để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng;

d) Liên minh Hợp tác xã:

Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan, Ủy ban nhân dân quận - huyện theo quy chế phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động, Luật Hợp tác xã và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong các hợp tác xã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

đ) Phòng Thương mại Công nghiệp chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh:

- Thực hiện tập huấn, tọa đàm, in ấn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và một số nội dung pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp cho người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Phối hợp các sở, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về lao động, công đoàn và pháp luật khác có liên quan trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

e) Sở Tài chính:

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí hàng năm phục vụ các hoạt động theo nội dung Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

g) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, định hướng thông tin tuyên truyền cho các cơ quan Báo, Đài thành phố về nội dung thực hiện Kế hoạch từ năm 2013 - 2016 và từng giai đoạn cụ thể;

- Phối hợp với các thành viên Ban điều hành Kế hoạch thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

h) Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật lao động ở các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp quản lý;

- Phối hợp tham gia các Hội thi, cuộc thi viết tìm hiểu về pháp luật lao động và pháp luật khác có liên quan do các sở, ngành tổ chức;

- Huy động các nguồn lực và kiến nghị các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại doanh nghiệp.

i) Các cơ quan khác tham gia thực hiện Kế hoạch:

Các Sở - ngành, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của sở ngành, cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm thực hiện theo sự phân công, phối hợp của Ban Điều hành.

k) Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

Trên cơ sở Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai tại địa phương; chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Tư pháp và các cơ quan có liên quan, các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp trên địa bàn quận - huyện triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo theo quy định.

VI. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Các sở, ngành chức năng có liên quan của thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, có trách nhiệm thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định: báo cáo quý (trước ngày 15 tháng cuối quý); 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6); báo cáo năm (trước ngày 15 tháng 12) gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Pháp chế) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn vướng mắc các sở - ngành, quận - huyện có báo cáo cho Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để chỉ đạo giải quyết./.