Quyết định 1683/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia y tế dự phòng đến 2010 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Hưng Yên do UBND Tỉnh Hưng Yên ban hành
Số hiệu: | 1683/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hưng Yên | Người ký: | Nguyễn Văn Cường |
Ngày ban hành: | 24/09/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1683/QĐ-UBND |
Hưng Yên, ngày 24 tháng 09 năm 2007 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 554/TTr-YT ngày 10/09/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia y tế dự phòng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 - tỉnh Hưng Yên với các nội dung chủ yếu sau:
1.1- Mục tiêu:
Giảm tỷ lệ mắc và chết của các bệnh truyền nhiễm gây dịch, tăng cường phòng chống các bệnh không nhiễm trùng; củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế dự phòng. Tăng cường đầu tư trang thiết bị và các nguồn lực, làm tốt công tác xã hội hoá y tế dự phòng.
Hạn chế, tiến tới kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến dinh dưỡng, sức khoẻ môi trường, bệnh tật học đường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, các bệnh không lây nhiễm, các bệnh do hành vi, lối sống ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ.
1.2- Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu cơ bản đến năm 2010:
1.2.1- Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch và HIV/AIDS:
Khống chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết của các bệnh tả, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B, viêm gan B,... duy trì kết quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và khống chế bệnh sởi. Hạn chế, ngăn chặn, từng bước giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS. Tích cực phòng chống và từng bước đưa phương pháp dịch tễ học vào việc quản lý các bệnh không nhiễm trùng như bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn thương tích, đái tháo đường, bệnh nghề nghiệp, tâm thần,...và các bệnh do lối sống không lành mạnh như nghiện hút, béo phì,...
Các chỉ tiêu:
- 100% các bệnh dịch mới phát sinh được phát hiện sớm và xử lý kịp thời
+ Bệnh tả, bệnh dịch hạch: khống chế không để dịch xảy ra;
+ Bệnh dại: không để mắc ca bệnh do lây truyền từ vật nuôi sang người;
+ Bệnh thương hàn: hạn chế tỷ lệ mắc ở mức dưới 0,8/100.000 dân;
+ Bệnh sốt xuất huyết: khống chế tỷ lệ mắc dưới 0,3/100.000 dân, không để tử vong;
+ Bệnh viêm não Nhật bản B: Hạn chế tỷ lệ mắc ở mức dưới 1/100.000 dân;
+ Bệnh sốt rét: không có sốt rét ngoại lai;
- Đảm bảo tỷ lệ trên 99% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vác xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, loại trừ bệnh sởi vào năm 2010, duy trì thanh toán bệnh bại liệt và uốn ván sơ sinh;
- Khống chế tỷ lệ HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,15%;
- Duy trì thành quả thanh toán bệnh phong; bệnh mắt hột gây mù loà cơ bản thanh toán vào năm 2010.
1.2.2- Quản lý các bệnh không nhiễm trùng:
- Từng bước đưa phương pháp dịch tễ học vào việc quản lý một số bệnh không nhiễm trùng như tim mạch, tâm thần, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, bệnh đái tháo đường,...
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống các bệnh không nhiễm trùng, bệnh có liên quan đến lối sống.
1.2.3- Chỉ tiêu về dinh dưỡng:
- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 18%;
- Thanh toán cơ bản các rối loạn do thiếu I ốt, giảm tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 -10 tuổi xuống còn dưới 6%.
1.2.4- Chỉ tiêu về sức khoẻ môi trường và sức khoẻ nghề nghiệp:
- Trên 75% gia đình có hố xí hợp vệ sinh và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân;
- 100% Trạm y tế có đủ 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn;
- 80% số gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư được công nhận đạt các tiêu chí về sức khoẻ trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá;
- 100% trường học có tổ chức các hoạt động về y tế trường học và 100% học sinh được khám sức khoẻ định kỳ hàng năm ;
- Quản lý được 100% cơ sở có các yếu tố độc hại; 100% cơ sở sản xuất có yếu tố độc hại và 70% cơ sở sản xuất nhỏ và vừa có y tế phục vụ; tổ chức khám định kỳ và lập hồ sơ quản lý sức khoẻ; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 70% các đối tượng có nguy cơ.
1.2.5- Chỉ tiêu về dự phòng các bệnh liên quan tới lối sống:
- Khống chế các bệnh do hút thuốc lá thông qua việc giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc lá xuống còn dưới 20%; giảm tỷ lệ thanh thiếu niên (từ 15-24 tuổi) hút thuốc lá xuống dưới 7%;
- Khống chế tốc độ gia tăng tỷ lệ người béo phì, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân;
- Giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến các bệnh tim mạch, tai biến mạch não, tăng huyết áp, đái tháo đường trong cộng đồng.
1.3- Một số định hướng đến năm 2020:
- Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm khống chế chủ động, loại trừ tiến tới thanh toán một số dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch.
- Duy trì thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh, loại trừ bệnh sởi, loại trừ phong.
- Hạn chế thấp nhất các bệnh không lây nhiễm.
- Nâng cao năng lực mạng lưới y tế dự phòng các tuyến đáp ứng đòi hỏi thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
2.1- Tuyên truyền giáo dục vệ sinh phòng bệnh:
- Đa dạng hoá các loại hình truyền thông, sử dụng các kênh truyền thông giáo dục sức khoẻ, duy trì chuyên mục “Sức khoẻ cho mọi người” trên Đài phát thanh truyền hình và Báo Hưng Yên, Bản tin y tế Hưng Yên với nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với trình độ dân trí nhằm đạt được trên 90% người dân thành thị và trên 70% người dân vùng nông thôn nắm được kiến thức y học thường thức về công tác vệ sinh phòng bệnh.
- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị, tổ chức hội thi theo từng chủ đề.
- Mở rộng các hình thức tư vấn sức khoẻ: Tổ chức tư vấn tại các cơ sở Y tế, tư vấn qua điện thoại, qua hộp thư điện tử, thư tín.
2.2- Kiện toàn Ban chỉ đạo, tăng cường phối hợp liên ngành và củng cố hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực y tế dự phòng:
- Bổ sung và kiện toàn kịp thời Ban chỉ đạo phòng chống dịch, bệnh các cấp; duy trì chế độ giao ban, hội họp nhằm nắm bắt kịp thời các yếu tố phát sinh liên quan đến công tác phòng chống dịch.
- Phát huy vai trò phối hợp và chỉ đạo liên ngành trong lĩnh vực y tế dự phòng của Ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp. Nâng cao hiệu quả trong hoạt động phối hợp liên ngành nhằm huy động mọi nguồn lực và các thành phần xã hội cùng tham gia thực hiện việc phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức các khoa phòng của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.
- Năm 2007, thành lập Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện theo Nghị định 171/2005/NĐ-CP nhằm nâng cao năng lực công tác quản lý, giám sát dịch bệnh tuyến cơ sở; nghiên cứu thành lập Trung tâm phòng chống HIV/AIDS.
- Bổ sung đủ cán bộ theo định biên; đến năm 2010, đạt 30% cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh và lãnh đạo Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện có trình độ trên đại học, 60% các cán bộ được đào tạo chuyên khoa về vệ sinh dịch tễ hoặc y tế công cộng.
- Hằng năm, tổ chức đào tạo lại và cập nhật kiến thức cho 50% số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở.
2.3- Phát triển khoa học công nghệ dự phòng:
* Tuyến tỉnh:
- Nâng cấp Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, xây dựng hệ thống xét nghiệm tiên tiến phù hợp với nhu cầu phòng bệnh. Năm 2009, đạt tiêu chuẩn phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III, triển khai nuôi cấy vi sinh, chẩn đoán huyết thanh miễn dịch, khẳng định kết quả xét nghiệm HIV/AIDS,...
- Thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo sớm dịch bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát dịch, bệnh; xây dựng được bản đồ dịch tễ các bệnh nhiễm trùng và không nhiễm trùng.
- Xét nghiệm định lượng được chất độc và các chất tồn dư trong thực phẩm, trong cơ thể người và môi trường sống.
- Triển khai các hoạt động giám sát môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp ở 100% các doanh nghiệp, nhà máy. Ưu tiên giám sát và đề xuất các biện pháp xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho sức khoẻ người dân như chất thải bệnh viện, chất thải công nghiệp, hoá chất bảo vệ thực vật, v.v...
* Tuyến huyện:
- Đầu tư mua sắm và sử dụng có hiệu quả một số trang thiết bị y tế, đến năm 2009, phòng xét nghiệm Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện đạt cấp IV, tìm nguyên nhân vi sinh của ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường lao động (ánh sáng, tiếng ồn, bụi,...)
- Phân cấp các hoạt động giám sát cho tuyến xã, phát hiện các bệnh dịch mới phát sinh, tổ chức dập dịch kịp thời, ứng dụng công nghệ thông tin để củng cố hệ thống báo cáo, giám sát và hiện đại hoá hệ thống quản lý số liệu thống kê, dự báo dịch, bệnh.
- Hằng năm, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia thanh toán một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS và các chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường...
- Duy trì thường xuyên các hoạt động phòng chống dịch để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch như: tả, sốt xuất huyết, sốt rét, thương hàn, viêm não do vi rút, dại. Năm 2010, loại trừ các bệnh mắt hột gây mù ở cấp huyện, giảm tỷ lệ mắt hột hoạt tính và giảm tỷ lệ quặm do mắt hột.
- Kiện toàn mạng lưới y tế trong các trường học; khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cho 100% học sinh. Giảm tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng, cong vẹo cột sống và cận thị tuổi học sinh.
- Xây dựng các phương án đề phòng và khắc phục hậu quả của thảm hoạ, thiên tai, phòng chống tai nạn và thương tích, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
2.4- Xã hội hoá công tác dự phòng:
- Quản lý chặt chẽ, đúng quy định các dịch vụ tiêm vắc xin tự nguyện theo nhu cầu của cộng đồng đối với vắc xin không trong diện tiêm chủng mở rộng.
- Trên cơ sở luật pháp quy định, tạo điều kiện thuận lợi và quản lý chặt chẽ các công ty, cá nhân đầu tư các dịch vụ y tế dự phòng: cung ứng vắc xin sinh phẩm, hoá chất diệt côn trùng trung gian truyền bệnh.
- Phát động các phong trào vệ sinh môi trường, phát huy vai trò của các cộng tác viên các chương trình trong việc tuyên truyền, giám sát dịch bệnh.
2.5- Tài chính và đầu tư hợp tác:
- Tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác y tế dự phòng phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với mức cao hơn mức bình quân theo quy định.
- Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đội ngũ cộng tác viên thôn đội nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, phát hiện dịch gắn với nhiệm vụ cụ thể và hiệu quả cao.
- Triển khai có hiệu quả Tiểu dự án hỗ trợ phát triển y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên theo Quyết định số 1544/QĐ-UBND ngày 28/07/2006 và Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 03/05/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên.
- Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác, đặc biệt từ nguồn của các tổ chức quốc tế.
2.6- Dự kiến kinh phí:
Tổng số: 33.650.000.000 đồng (Ba mươi ba tỷ sáu trăm năm mươi triệu đồng).
Trong đó:
- Ngân sách địa phương: 21.400 triệu đồng (xây dựng cơ bản và mua trang thiết bị TTYTDP tuyến huyện)
- Kinh phí các CTMT: 5.072 triệu đồng.
- Kinh phí Tiểu dự án: 7.168 triệu đồng (QĐ: 1544/QĐ-UBND).
1- Sở Y tế là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành sửa đổi, bổ sung các chính sách, giải pháp xây dựng lộ trình cụ thể hằng năm thực hiện kế hoạch.
2- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho y tế dự phòng. Chỉ đạo ngành y tế và các ngành khác tại địa phương phối hợp chặt chẽ trong nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống lành mạnh. Phát động, chỉ đạo Chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
3- Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với ngành y tế xây dựng kế hoạch ngân sách, tham mưu với UBND tỉnh bố trí vốn để tổ chức thực hiện theo kế hoạch năm và dài hạn. Huy động các nguồn vốn vay, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức cho công tác y tế dự phòng.
4 - Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ và phòng, chống ô nhiễm môi trường nhằm ngăn chặn các nguy cơ gây bệnh.
5- Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế (Cơ quan chủ trì phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS của Ban chỉ đạo tỉnh) theo nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm nhằm hạn chế tác hại và sự gia tăng của dịch HIV/AIDS.
6- Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông nhằm khống chế và giảm thiểu tai nạn, thương tích.
7- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường xây dựng và thực hiện chính sách về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và các giải pháp quản lý an toàn lao động; đảm bảo chăm sóc sức khoẻ học sinh, sinh viên trong các cơ sở dạy nghề.
8- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, giám sát sử dụng hoá chất trong nông nghiệp.
9- Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các ngành chỉ đạo, thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ phòng, chống bệnh dịch.
10- Sở Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế dự phòng.
11 - Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo cán bộ y tế, kiện toàn mạng lưới y tế trong các trường học, tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh tật liên quan đến học đường, đưa chương trình giáo dục sức khoẻ vào nhà trường phù hợp với từng cấp.
12- Sở Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý, ngăn chặn lưu thông hàng hoá, thực phẩm là hàng giả, kém chất lượng gây hại cho sức khoẻ người sử dụng và môi trường.
13 - Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiện toàn tổ chức và tham mưu đề xuất chính sách, chế độ phù hợp đối với người làm công tác y tế dự phòng.
14 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thực hiện tốt chương trình kết hợp quân - dân y, kết hợp và sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ để ngăn ngừa dịch bệnh.
15 - Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể xã hội phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên đến 2010 và định hướng đến năm 2020.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Y tế, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công an tỉnh, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Quyết định 255/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 Ban hành: 09/11/2006 | Cập nhật: 22/11/2006