Quyết định 168/2003/QĐ-UB về quy định một số điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng.
Số hiệu: | 168/2003/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Đà Nẵng | Người ký: | Huỳnh Năm |
Ngày ban hành: | 18/12/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Hành chính tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 168/2003/QĐ-UB |
Đà Nẵng, ngày 18 tháng 12 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ( sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp ngày 03 tháng 7 năm 1996;
- Căn cứ Nghị định 51 /CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu và Thông tư 06/ TT-BNV ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện Nghị định 51/CP;
- Xét tình hình thực tế trong công tác đăng ký và quản lý hộ khẩu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
- Xét đề nghị Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố và Giám đốc Công an thành phố.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về một số điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 và thay thế Quyết định số 4705/UĐ-UB ngày 01 tháng 12 năm 1997 của UBND thành phố Đà Nẵng.
Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG |
QUY ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 168/2003/QĐ - UB ngày 18 tháng 12 năm 2003 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mọi công dân sống, học tập, lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều phải đăng ký hộ khẩu ở nơi cư trú theo những điều kiện và thủ tục do pháp luật quy định và theo bản Quy định này.
Điều 2: Công an thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ khẩu theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và bản Quy định này.
Chương II
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ
Điều 3:
Để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng, người mới chuyển đến phải có nhà ở hợp pháp. Nhà ở hợp pháp bao gồm:
1. Nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp :
a/ Nhà có Sổ nghiệp chủ, Sổ trích lục nghiệp chủ do Sở Nhà đất và công trình công cộng, Sở Xây dựng, UBND thành phố Đà Nẵng (cũ), UBND huyện Hoà Vang trước đây cấp:
b/ Có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Nghị định 60/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ do UBND thành phố cấp;
c/ Nhà ở có giấy tờ hợp pháp về mua, bán , cho, tặng, đổi, thừa kế, phân chia tài sản theo đúng quy định của pháp luật;
d/ Trên cơ sở bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc giải quyết tranh chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở có nguồn gốc hợp pháp hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai;
e/ Nhà ở xây dựng theo Quyết định cấp đất, giao đất và có giấy phép xây dựng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
f/ Nhà ở có quyết định hóa giá nhà, bán thanh lý nhà, bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê của UBND tỉnh QN-ĐN (cũ) và UBND thành phố;
g/ Nhà ở có quết định của UBND tỉnh QN - ĐN (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Lao động - Thương binh và xã hội và của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác về tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, người có công với Cách mạng;
h/ Nhà ở có giấy phép xây cất nhà do Thị trưởng Đà Nẵng, Trưởng ty Công chánh Đà Nẵng của chế độ cũ cấp và liên tục quản lý sử dụng từ ngày xây dựng đến nay;
i/ Nhà ở do mua, bán, chuyển, nhượng, đổi, cho, tặng, thừa kế trước năm 1975 đã được chính quyền cấp quận (hoặc tương đương ) của chế độ cũ xác nhận;
k/ Nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng ở ổn định từ trước đến nay, hiện nay phù hợp với quy hoạch đất ở đô thị và đất khu dân cư nông thôn, không có tranh chấp nhưng chưa có các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu thì phải được Sở Xây dựng và UBND phường, xã nơi có nhà ở chứng nhận.
l/ Có Quyết định cấp đất làm nhà ở, bán hóa giá nhà trước ngày 15 /10/ 1993 do các cơ quan quân đội sau đây cấp: Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, các Tổng cục, Học viện nhà trường, các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Sư đoàn, Bộ CHQS tỉnh QNĐN (cũ), Bộ CHBP tỉnh QNĐN (cũ).
2. Nhà ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp
a/ Có hợp đồng thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước, sử dụng đúng mục đích, đúng công năng theo hợp đồng;
b/ Có quyết định phân nhà ở thuộc quỹ phúc lợi của các cơ quan, các đơn vị, doanh nghiệp;
c/ Nhà ở có quyết định của UBND tỉnh QN - ĐN (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng (cũ) bố trí lại để ở cho các đối tượng thuộc diện cải tạo nhà theo Quyết định số 100/ CP ngày 12 tháng 4 năm 1977 và Quyết định số 111/ CP ngày 14 tháng 4 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ);
d/ Nhà thuê của tư nhân để ở mà nhà đó có nguồn gốc sở hữu hợp pháp và phải có hợp đồng thuê nhà được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
3. Được chủ hộ gia đình đồng ý cho nhà hợp pháp của chủ hộ:
Đối với trường hợp này, chủ hộ phải có cam kết bằng văn bản được UBND phường, xã xác nhận. Nhà ở phải đảm bảo vệ sinh môi trường và đủ diện tích tối thiểu theo quy định sau đây:
a/ Đối với khu vực Trung tâm: Bao gồm quận Hải Châu (trừ phường Hoà Cường, phường Khuê Trung) và quận Thanh Khê (trừ phường An Khê, phường Thanh Lộc Đán) :
Nhà ở: 12m2 / người (cho 1 người)
75m2 / hộ (cho 1 hộ)
b/ Đối với khu vực ngoài trung tâm : Bao gồm quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu, huyện Hoà Vang và các phường Hoà Cường, phường Khuê Trung ( quận Hải Châu), phường An Khê, phường Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê):
Nhà ở : 8m2 / người (cho 1 người)
50m2 / hộ (cho 1 hộ)
Điều 4: Ngoài điều kiện phải có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 3, người ở nơi khác muốn chuyển hộ khẩu thường trú đến thành phố Đà Nẵng còn phải có thêm một trong những điều kiện quy định tại Điều 12 của Nghị định 51/ CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ. Riêng đối với điều kiện nói ở khoản 1 điều 12 Nghị định 51/ CP thì:
1. Công chức, viên chức nêu tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 51 / CP là những người trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước được quy định cụ thể tại Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998 và tại Công văn số 2053 / C11 (C13) ngày 24 tháng 12 năm 1997 của Tổng cục Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an về việc hướng dẫn bổ sung thực hiện Nghị định 51 /CP và Thông tư 06/ BNV ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ Nội vụ ( nay là Bộ Công an ) về đăng ký quản lý hộ khẩu.
2. Về thẩm quyền tuyển dụng, điều động:
a/ Tuyển dụng mới: Bao gồm học sinh, sinh viên và các đối tượng khác .
- Đối với cơ quan, tổ chức của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố: Phải có văn bản thỏa thuận của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố:
-Đối với các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố: Phải có ý kiến đồng ý của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố;
b/ Điều động công chức, viên chức đến thành phố Đà Nẵng:
- Đối với cơ quan, tổ chức của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Phải được lãnh đạo Bộ; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ; Tổng Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước ký quyết định điều động;
- Đối với cơ quan, tổ chức thuộc thành phố: Phải có ý kiến đồng ý của Chủ tịch UBND thành phố hoặc của Giám đốc Sở Nội vụ khi được Chủ tịch UBND thành phố uỷ quyền.
Điều 5: Không giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú vào những nhà đang có tranh chấp hoặc nhà nằm trong khu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết và công bố theo đúng quy định.
Điều 6: Cụm từ " nhà ở hợp pháp" được nêu trong bản Quy định này chỉ được áp dụng để xem xét việc đăng ký hộ khẩu thường trú vào thành phố Đà Nẵng, không được vận dụng tuỳ tiện vào các lĩnh vực khác.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7: Giao Giám đốc Công an thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này và thường xuyên báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về việc thực hiện.
Điều 8: Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các ngành, địa phương kịp thời phản ánh về Công an thành phố để tổng hợp, đề xuất UBND thành phố xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.