Quyết định 166/QĐ-TTg phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ
Số hiệu: 166/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 20/02/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN ĐẦU TƯ NHÀ MÁY SẢN XUẤT PHÂN ĐẠM PHÚ MỸ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Xét đề nghị của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (các công văn số 3179/CV-HĐQT ngày 11 tháng 8 năm 2000, số 243/TT-HĐQT ngày 17 tháng 01 năm 2001), ý kiến Bộ Công nghiệp (công văn số 3581/CV-KHĐT ngày 14 tháng 9 năm 2000) và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư tại công văn số 6980/BKH-VPTĐ ngày 10 tháng 11 năm 2000 về việc xin phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Dự án: Nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ.

2. Mục tiêu đầu tư: Đảm bảo sự ổn định và chủ động cung cấp nguồn phân đạm cho phát triển nông nghiệp.

3. Chủ đầu tư: Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

4. Hình thức đầu tư: Dự án được thực hiện theo hình thức tự đầu tư.

5. Địa điểm xây dựng: Tại Khu công nghiệp Phú Mỹ thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Diện tích chiếm đất: 58 ha, bao gồm:

- Nhà máy chính: 45 ha.

- Hệ thống băng tải vận chuyển thành phẩm ra cảng xuất: 3 ha.

- Diện tích dự kiến mở rộng trong tương lai: 10 ha.

6. Công suất thiết kế: 2.200 tấn urê/ngày (tương đương với 740.000 tấn/năm).

7. Nguồn cung cấp khí: Khí dùng làm nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất phân đạm là khí đồng hành của bể Cửu Long và khí thiên nhiên từ các bể khác thuộc thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

8. Sản phẩm:

- Chủng loại sản phẩm: urê, Ammôniắc.

- Sản phẩm của nhà máy được ưu tiên sử dụng cho nhu cầu của thị trường trong nước theo giá bán buôn cạnh tranh trong nước. Phần sản phẩm dư thừa so với nhu cầu của thị trường trong nước sẽ được xuất khẩu.

- Chất lượng sản phẩm: Đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Đối với các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng xuất khẩu.

9. Công nghệ và thiết bị:

áp dụng công nghệ tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới đối với các phân xưởng công nghệ chính sau đây:

Phân xưởng sản xuất Ammôniắc: sử dụng công nghệ của Haldor Topsoe (Đan Mạch).

Phân xưởng sản xuất urê: Sử dụng công nghệ của Snamprogetti (Italia).

Công suất của các phân xưởng công nghệ được xác định dựa theo tính chất khí nguyên liệu, yêu cầu về chất lượng và cơ cấu sản phẩm.

10. Các hạng mục phụ trợ của nhà máy:

Hệ thống tiếp nhận khí nguyên liệu; hệ thống đường ống dẫn khí nguyên liệu; trạm phát điện 31 MW; hệ thống cấp thải nước; hệ thống cấp khí trơ; hệ thống nhiên liệu; hệ thống đuốc đốt; hệ thống thông tin, tín hiệu; hệ thống an toàn và phòng chống cháy; hệ thống vận chuyển và tàng trữ sản phẩm và hệ thống các công trình dịch vụ, nhà xưởng.

11. Hệ thống xuất sản phẩm:

Trong giai đoạn đầu sản phẩm của Nhà máy được xuất qua cảng của Công ty Bà Rịa Serece.

12. Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn:

a. Tổng mức đầu tư Dự án tạm tính khoảng 486 triệu USD (mức gia năm 2000) bao gồm cả vốn lưu động, lãi vay trong thời gian xây dựng và phí thu xếp tài chính. Tổng mức đầu tư phải được chuẩn xác lại cụ thể trên cơ sở thiết kế chi tiết, tổng dự toán và các hợp đồng vay vốn trong và ngoài nước.

b. Nguồn vốn:

- Vốn góp: sử dụng vốn của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam được Nhà nước cho phép để lại từ tiền lãi bán dầu thô để triển khai các hoạt động dầu khí trong giai đoạn 2001 - 2005 khoảng 216 triệu USD.

- Vốn vay nước ngoài theo hình thức trả chậm khoảng 170 triệu USD.

Phần vốn còn lại được huy động từ các nguồn trong nước và nước ngoài.

13. Tiến độ thực hiện:

- Khởi công xây dựng: năm 2001.

- Hoàn thành: năm 2004.

14. Phương thức tổ chức quản lý thực hiện Dự án:

- Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thành lập Ban Quản lý Dự án trực thuộc Tổng công ty để tổ chức triển khai xây dựng nhà máy theo phương thức Chủ đầu tư điều hành Dự án như quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng.

- Trong quá trình thiết kế và xây dựng nhà máy phải ưu tiên sử dụng tối đa các loại vật liệu xây dựng, năng lực gia công chế tạo thiết bị và xây lắp trong nước.

15. Các quy định khác đối với Dự án:

- Chủ đầu tư được phép sử dụng kết quả đấu thầu EPC mà tổ hợp Điện - Đạm đã thực hiện trước đây và mời nhà thầu EPC đã được dự kiến lựa chọn cho Dự án đạm Phú Mỹ thuộc Dự án tổ hợp điện - đạm trước đây vào đàm phán ký hợp đồng trên cơ sở tuân thủ các cam kết đã chào về kỹ thuật, thương mại và thu xếp tài chính cho phần vốn vay của Dự án.

- Chủ đầu tư được phép thuê tư vấn tài chính, tư vấn quản lý Dự án, tổ chức đăng kiểm trong nước và ngoài nước để tư vấn cho việc quản lý Dự án trong thời gian xây dựng, thu xếp vốn vay nước ngoài, kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng, cung cấp chứng chỉ chất lượng, nghiệm thu và nhận bàn giao công trình.

Chủ đầu tư có kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật ở trong nước và nước ngoài trong tổng mức đầu tư để đủ khả năng tiếp thu chuyển giao công nghệ và tự vận hành nhà máy lâu dài. trong những năm đầu nhà máy mới đi vào sản xuất, cho phép chủ đầu tư thuê một số chuyên gia nước ngoài trợ giúp vận hành nhà máy.

Cho phép tính giá khí đối với Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ, trên cơ sở:

Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tự cân đối 1,3 USD/tr BTU cho 10 năm đầu từ nguồn khí đồng hành bể Cửu Long và 1,7 USD/tr BTU cho 10 năm tiếp theo.

Trường hợp cạn nguồn khí đồng hành vào những năm cuối của Dự án, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam không tự cân đối được giá khí thấp cho đạm nữa, Tổng công ty Dầu khí đề xuất các giải pháp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cho phép Dự án được hưởng các ưu đãi tối đa quy định trong Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10.

Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan:

1. Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các Bộ: Công nghiệp, Tài chính, Ban Vật giá Chính phủ và Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình thực hiện một mức giá khí thống nhất bán cho điện theo mức giá khí của lô 06-1 sau khi đề án khí Nam Côn Sơn đi vào hoạt động.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các thủ tục cho chủ Dự án vay vốn, Bộ Tài chính bảo lãnh vốn vay nước ngoài nhằm đảm bảo giải ngân theo đúng tiến độ.

3. Các Bộ, ngành và địa phương có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chức năng quản lý Nhà nước đối với Dự án đầu tư.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Công nghiệp, Tài chính, Xây dựng, Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Giao thông vận tải, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an; Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng