Quyết định 1655/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án “Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với viên chức y tế trường học Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014 - 2016”
Số hiệu: 1655/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Hứa Ngọc Thuận
Ngày ban hành: 02/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1655/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 04 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TUYỂN DỤNG, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC Y TẾ TRƯỜNG HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2014 - 2016”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trường học;

Căn cứ Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng phê duyệt chương trình phòng chống bệnh tật trong trường học;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 35/2006/BGDĐT-BNV ngày 23 tháng 8 năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ về định mức biên chế các trường phổ thông và Thông tư Liên tịch số 71/2007/BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ về định mức biên chế các trường mầm non;

Căn cứ Quyết định số 73/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về hoạt động y tế trong các trường phổ thông và Quyết định số 58/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 17 tháng 10 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về hoạt động y tế trong các trường mầm non;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 803/GDĐT-GDCN&ĐH ngày 24 tháng 3 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với viên chức y tế trường học Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014 - 2016”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc các sở - ngành Thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: CVP, các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu: VT, (VX-Nh) lh.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

ĐỀ ÁN

TUYỂN DỤNG, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC Y TẾ TRƯỜNG HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2014 - 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1655/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. MỞ ĐẦU:

Mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh Thành phố có đầy đủ các phẩm chất về đức, trí, thể, mỹ; vì vậy, ngoài những kiến thức phổ thông cho học sinh đã được các nhà trường trang bị, thì công tác giáo dục, tuyên truyền những kiến thức về sức khỏe, biết chăm sóc và giữ gìn sức khỏe bản thân và rèn luyện thể chất là một việc làm hết sức cần thiết.

Thành phố ngày càng phát triển, quy mô trường lớp ngày càng tăng. Theo đà tăng dân số của xã hội, số trường bán trú và nội trú ngày một tăng, số trẻ học bán trú và ăn trưa tại trường vì thế sẽ tăng theo hàng năm... Vì thế, nếu tình hình dịch bệnh hay xảy ra vào đầu năm học như: H1N1, Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt phát ban, tiêu chảy cấp... bùng phát xảy ra trong cộng đồng dân cư thì sẽ dễ dàng xâm nhập vào trường học gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt học tập tại trường đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của học sinh và thầy cô giáo. Trước tình hình đó đòi hỏi mỗi trường học phải có cán bộ y tế có đủ trình độ chuyên môn và y đức để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em học sinh là một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, hiện nay tại các trường học trên địa bàn Thành phố chỉ có khoảng 30% (số liệu thống kê năm 2013) ở các cấp học bậc học là có đầy đủ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn theo quy định, còn lại hầu hết các đơn vị chỉ có giáo viên hoặc nhân viên làm nhiệm vụ kiêm nhiệm công tác y tế; do đó, chưa đảm bảo tốt công tác giáo dục, tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo như quy định. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng cán bộ làm công tác y tế trong nhà trường không được bố trí đầy đủ; nhưng nguyên nhân chính là do chưa có cơ chế chính sách đào tạo nguồn cán bộ y tế cho trường học, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng để cán bộ y tế yên tâm công tác lâu dài với nhà trường.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:

1. Cơ sở pháp lý:

- Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt công tác y tế trong các trường học; củng cố, phát triển cơ sở y tế trong các trường học trong cả nước; bố trí đầy đủ và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế trong các trường học; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường học tập, đồng thời bảo đảm cơ bản nguồn lực cho các hoạt động y tế trong các trường học.

- Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trường học; Công văn số 8264/VP-VX ngày 27 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khoản a, Mục 2 quy định: các trường bố trí cán bộ y tế chuyên trách theo định biên và bảo đảm chế độ, điều kiện làm việc để cán bộ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ. Ủy ban nhân dân Thành phố tăng cường đầu tư về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho công tác y tế trường học.

- Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng chống bệnh tật trong trường học. Trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015 củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác y tế trường học trong các cơ sở giáo dục đạt chỉ tiêu: 100% Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo có cán bộ chuyên trách về công tác y tế trường học. 85% trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có trạm y tế, 60% trường mầm non và phổ thông có cán bộ y tế chuyên trách.

- Thông tư Liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23 tháng 8 năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ về định mức biên chế các trường phổ thông; Thông tư Liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ về định mức biên chế các trường mầm non trong đó quy định các trường mầm non và phổ thông hạng 1 và 2 được định biên 1 cán bộ y tế trường học.

- Quyết định số 73/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 12 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về hoạt động y tế trong các trường phổ thông; Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ngày 17 tháng 10 năm 2008 ban hành quy định về hoạt động y tế trong các trường mầm non. Trong đó quy định trình độ cán bộ làm công tác y tế trường học từ trung cấp trở lên.

- Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập... Trong đó quy định công chức, viên chức công tác y tế trường học được hưởng phụ cấp 20% lương.

2. Sự cần thiết:

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo “Nhà trường phải bảo đảm sức khỏe và an toàn cho học sinh khi đến sinh hoạt học tập tại trường” nên nhiệm vụ của cán bộ y tế tại các trường học ngày càng nhiều đầu việc và yêu cầu của mỗi công việc ngày càng phải chuyên sâu, như:

- Khám, quản lý sức khỏe của học sinh và giáo viên: Cán bộ y tế nhà trường phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện để thành lập đoàn khám sức khỏe cho học sinh của trường, lập hồ sơ sức khỏe (y bạ) ghi nhận tình trạng sức khỏe của học sinh, phát hiện các tình trạng bất thường về sức khỏe ban đầu của học sinh báo cho phụ huynh biết để cùng phối hợp gửi các em đến những bệnh viện chuyên khoa để theo dõi và điều trị sớm.

- Thực hiện sơ cấp cứu ban đầu khi học sinh bị chấn thương, ốm đau đột xuất tại trường.

- Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho học sinh: Thực hiện các bài giảng giáo dục giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho học sinh.

- Phòng chống dịch bệnh: Thực hiện các quy trình phòng chống dịch bệnh như phòng chống dịch H1N1, sốt xuất huyết, tay chân miệng, Rubella...

- Nha học đường: Thực hiện giáo dục những kiến thức căn bản giữ gìn vệ sinh răng miệng, hướng dẫn chải răng đúng phương pháp cho học sinh sau ăn trưa ở trường, khám theo dõi sức khỏe răng miệng cho học sinh mầm non và tiểu học.

- Mắt học đường: Giáo dục cho học sinh biết giữ gìn vệ sinh mắt, phòng chống theo dõi các bệnh về mắt, tật khúc xạ ở học sinh...

- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở bếp ăn và căn tin trường học: Giám sát theo dõi an toàn thực phẩm, xây dựng bếp ăn 1 chiều... ở bếp ăn và căn tin trường học.

- Vệ sinh phòng học: Tham mưu cho ban giám hiệu nhà trường những quy định về bàn ghế, ánh sáng, bảng viết, vệ sinh trong lớp học để phòng chống bệnh cong vẹo cột sống, tật khúc xạ...

- Vệ sinh môi trường: Xây dựng nhà trường bảo đảm xanh, sạch, đẹp.

- Dinh dưỡng học đường: Giáo dục cho học sinh chế độ ăn tốt cho sức khỏe, giữ cơ thể cân đối; lập hồ sơ theo dõi các học sinh bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân để tư vấn cho những học sinh và phụ huynh.

- Phòng chống HIV/AIDS: Thực hiện giáo dục phòng chống HIV/AIDS trong trường học.

- An toàn trường học: Xây dựng phương án phòng chống thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn xảy ra trong trường học... bảo đảm nhà trường là nơi an toàn cho học sinh.

3. Cơ sở thực tiễn:

3.1. Số trường lớp và học sinh ngày càng tăng

Thống kê năm học 2012 - 2013 ngành giáo dục Thành phố có:

Bậc học

Trường

Lớp

Giáo viên

Học sinh

Giáo dục mầm non

800

7.923

16.309

292.905

Giáo dục tiểu học

474

13.565

17.362

523.403

Trung học cơ sở

254

8.043

15.955

329.415

Trung học phổ thông

184

4.905

11.798

193.954

Giáo dục chuyên nghiệp

42

/

4.158

42.735

Tổng cộng

1.754

34.436

65.582

1.382.412

3.2. Số học sinh học bán trú, nội trú

Bậc học

Số trường

Số trường bán trú

Trường có bếp ăn

Trường đặt suất ăn sẵn

Số HS ăn trưa

Mầm Non

800

790

785

5

280.095

Tiểu học

474

358

216

142

213.596

THCS

254

98

36

62

50.262

THPT

184

37

23

14

16.787

Tổng

1.712

1.283(75%)

1.060

223

560.740

Theo nhu cầu xã hội và thực hiện chủ trương tăng số lớp học 02 buổi/ngày số học sinh học bán trú, nội trú ngày càng tăng hiện có 1.283 trường bán trú tổ chức cho 560.740 học sinh (HS) học ngày 2 buổi, ăn trưa tại trường và 36 trường có tổ chức nội trú với hơn 8.000 học sinh ở nội trú, hầu như thời gian chính trong ngày của học sinh bán trú và nội trú là ở trường học nên công tác y tế trong trường học chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho các em là vô cùng quan trọng.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho 1.283 trường tổ chức bếp ăn bán trú cho hơn nửa triệu học sinh thành phố ăn trưa hàng ngày, xây dựng thực đơn đủ dinh dưỡng, giáo dục cho học sinh về dinh dưỡng... rất cần có cán bộ y tế để hỗ trợ cho nhà trường trong công tác bán trú, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em.

III. TÌNH HÌNH CÁN BỘ Y TẾ TRƯỜNG HỌC:

1. Cán bộ y tế ở các trường học:

Thống kê tình hình cán bộ y tế trường học tại các trường mầm non và phổ thông Thành phố năm 2012 như sau:

Bậc học

Trình độ chuyên môn Cán bộ y tế

Tổng

Kiêm nhiệm

Sơ cấp

Trung cấp trở lên

 

Mầm non

380

81

108

569

Tiểu học

200

138

147

485

THCS

93

66

88

247

THPT

11

35

90

136

Tổng

684(47,6%)

320(22,3%)

433(30,1%)

1.437

- Có 753 (52,4%) trường có cán bộ chuyên trách về công tác y tế, trong đó:

+ Có 433 (30,1%) trường có cán bộ y tế chuyên trách đạt trình độ chuẩn theo quy định.

+ Còn 320 (22,3%) trường có cán bộ y tế chuyên trách có trình độ sơ cấp (Lớp bồi dưỡng, y tá, dược tá...) không đạt chuẩn theo quy định.

- Còn 684 (47,6%) trường chưa có cán bộ chuyên trách về y tế, để thực hiện công tác y tế trường học các trường bố trí cán bộ văn thư, thư viện, đoàn đội... kiêm nhiệm công tác y tế.

Như vậy, trong toàn ngành giáo dục thành phố chỉ có 30,1% số trường có cán bộ y tế có chuyên môn đạt chuẩn trình độ theo quy định.

2. Cán bộ y tế ở các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện:

Chỉ có 11/24 Phòng Giáo dục và Đào tạo có cán bộ y tế chuyên trách công tác y tế trường học.

3. Nguyên nhân thiếu cán bộ y tế trường học:

- Chưa có chính sách đào tạo nguồn cán bộ y tế cho trường học.

- Chưa có mã ngạch đào tạo cán bộ y tế chuyên trách công tác y tế trường học.

- Cán bộ y tế chưa an tâm công tác vì lương thấp và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Nhà trường hợp đồng trả lương thấp, không trả lương các tháng hè...

- Môi trường làm việc không phù hợp chuyên môn so với bên ngành y tế.

- Công việc của cán bộ y tế tại trường ngày càng yêu cầu cao: quản lý sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu, bán trú, vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, HIV, nha, mắt, dinh dưỡng học đường...

4. Dự báo trong thời gian tới:

Đội ngũ những cán bộ y tế tại các trường học, nếu không được tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng kịp thời và không có những chính sách đãi ngộ một cách thỏa đáng thì sẽ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng, công tác sức khỏe học sinh tại các trường sẽ không được chăm sóc đúng mức.

IV. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN:

1. Mục tiêu chung của đề án:

Đến năm 2016 tất cả các đơn vị trường học trong Thành phố có đủ cán bộ y tế chuyên trách về công tác y tế trường học đạt trình độ chuẩn theo quy định (tốt nghiệp trung cấp y tế trở lên).

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung cấp Chuyên nghiệp, Cao đẳng có cán bộ y tế chuyên trách đạt trình độ chuẩn theo quy định từ trung cấp y tế trở lên.

- 100% Phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện có cán bộ y tế chuyên trách đạt trình độ chuẩn theo quy định từ trung cấp y tế trở lên.

V. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN:

1. Tuyển dụng:

- Đến năm học 2015 - 2016 tổ chức tuyển dụng đủ cán bộ y tế phân bổ cho Phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trường học.

- Thứ tự ưu tiên tuyển dụng các chức danh phù hợp với công tác y tế trường học như sau:

a) Bác sỹ,

b) Cử nhân y tế công cộng (cộng đồng),

c) Y sĩ đa khoa,

d) Cử nhân điều dưỡng,

e) Trung cấp điều dưỡng.

- Cho phép tuyển dụng cán bộ y tế diện tạm trú KT3 để về công tác ở những địa bàn khó khăn, không tuyển dụng được nhân viên y tế.

2. Đào tạo lại cho cán bộ y tế chưa đạt chuẩn tại các trường:

- Năm 2014: các trường trong thành phố có cán bộ y tế đang công tác (320 người) chưa đạt chuẩn phải cử đi đào tạo lại để đến năm 2016 tất cả cán bộ y tế trường học phải đạt trình độ quy định là trung cấp y tế.

- Kinh phí đào tạo: từ kinh phí hỗ trợ của đơn vị cử người đi học và do người học đóng góp.

3. Bồi dưỡng kiến thức y tế trường học:

- Bồi dưỡng cho các nhân viên y tế trường học mới được tuyển dụng: Các nhân viên y tế trường học mới được tuyển dụng phải được bồi dưỡng các nội dung chuyên môn về công tác y tế trường học trước khi phân bổ về các đơn vị phụ trách công tác y tế trường học.

- Bồi dưỡng thường xuyên: Hàng năm tổ chức bồi dưỡng và cập nhật kiến thức y tế trường học và y khoa liên tục cho cán bộ y tế đang công tác tại các đơn vị, trường học.

- Kinh phí: Từ nguồn kinh phí bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên của ngành giáo dục và do cá nhân người được tuyển dụng đóng góp.

4. Chế độ chính sách cho cán bộ y tế:

- Bảo đảm công chức, viên chức phụ trách công tác y tế trường học trong ngành giáo dục được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ cho cán bộ y tế trường học theo quy định như được hưởng Phụ cấp 20% lương cho cán bộ y tế trường học theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập...

- Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách, chế độ đãi ngộ cho viên chức phụ trách công tác y tế trường học được hưởng tương tự như cán bộ làm công tác y tế dự phòng, Trạm y tế Phường - Xã, Thị trấn.

- Các đơn vị, trường học bảo đảm về lương và các khoản phụ cấp theo chế độ quy định cho cán bộ y tế trường học đã được ngân sách nhà nước phân bổ. Cán bộ y tế trường học được hưởng chế độ làm thêm ngoài giờ phụ trội theo quy định. Tăng cường chăm lo chế độ đời sống cho cán bộ y tế trường học, các khoản thu nhập tăng thêm chi cho cán bộ y tế trường học thủ trưởng đơn vị quyết định thông qua quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Rà soát, đánh giá tình hình cán bộ y tế tại các trường trong bậc học quản lý, phân tích những ưu điểm và các tồn tại, đề xuất các giải pháp thực hiện;

- Triển khai thực hiện Đề án, theo dõi tiến độ thực hiện;

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đào tạo tuyển dụng, chế độ cho cán bộ y tế theo từng năm học và cả giai đoạn;

- Xây dựng kế hoạch và công khai nhu cầu tuyển dụng, đối tượng tuyển dụng, yêu cầu về trình độ chuyên môn đối với viên chức làm công tác y tế trường học. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường học phải kiện toàn, chuẩn hóa cán bộ y tế trường học theo đúng quy định;

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố để trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, chấp thuận cho viên chức phụ trách công tác y tế trường học được hưởng chế độ, chính sách tương tự như cán bộ làm công tác y tế dự phòng và Trạm y tế Phường - Xã, Thị trấn.

2. Sở Y tế:

- Kết nối Đề án cán bộ y tế trường học với kế hoạch thực hiện chương trình nhánh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế thành phố giai đoạn 2011-2015;

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng nội dung, chương trình về công tác y tế trường học để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ y tế trường học.

3. Sở Nội Vụ:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn thực hiện tuyển dụng cán bộ y tế trường học cho các quận, huyện, đơn vị trường học thực hiện.

- Phối hợp với các Sở, ngành chức năng thực hiện đề án đào tạo, tuyển dụng và chế độ cho cán bộ y tế trường học.

- Trình và bổ sung biên chế cán bộ chuyên trách về y tế trường học cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện theo Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng chống bệnh tật trong trường học.

4. Sở Tài chính:

- Cân đối, bố trí kinh phí trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định sau khi được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua.

- Phối hợp với các Sở, ngành chức năng hỗ trợ thực hiện đề án đào tạo, tuyển dụng và chế độ cho cán bộ y tế trường học.

5. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác y tế trường học.

6. Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Triển khai và chỉ đạo cho các đơn vị chức năng trực thuộc thực hiện đề án; xây dựng kế hoạch tuyển dụng cán bộ công tác y tế trường học theo đúng quy định; đảm bảo đến năm 2016 tuyển dụng và phân bổ đủ cán bộ y tế cho Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này./.