Quyết định 1617/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015
Số hiệu: | 1617/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa | Người ký: | Phạm Đăng Quyền |
Ngày ban hành: | 12/05/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1617/QĐ-UBND |
Thanh Hóa, ngày 12 tháng 05 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ NHÀ CÔNG VỤ CHO GIÁO VIÊN TỈNH THANH HÓA TỪ NGUỒN VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ DỰ PHÒNG GIAI ĐOẠN 2012-2015
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1919/QĐ-TTg ngày 06/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về giao bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015;
Căn cứ Quyết định số 1651/QĐ-BKHĐT ngày 10/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao bổ sung vốn Trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 - 2015, Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên;
Căn cứ Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 16/02/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 826/SGDĐT-KHTC ngày 05/5/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015, với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Kiên cố hóa trường lớp học nhằm xóa phòng học tạm thời các loại phòng (Bao gồm: Phòng tranh tre, nứa lá, phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác nhau, phòng bán kiên cố đã xuống cấp nghiêm trọng cần đầu tư xây dựng) và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho việc dạy và học của các trường mầm non trên địa bàn 7 huyện, gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Xuân, Lang Chánh, Bá Thước thuộc Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
2. Yêu cầu
- Các trường lớp học xây dựng kiên cố theo tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng và theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 24/BXD-KHCN ngày 07/3/2008 về việc hướng dẫn thiết kế mẫu phục vụ Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và các tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường mầm non hiện hành, phải đảm bảo yêu cầu kiên cố, bền vững, đầy đủ công năng, diện tích, ánh sáng và các quy định theo điều lệ trường mầm non.
- Kết hợp việc thực hiện Chương trình với việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội từng địa bàn.
- Thực hiện lồng ghép kinh phí của Chương trình với các chương trình kinh tế - xã hội khác để kết hợp xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất đồng bộ, theo hướng kiên cố hóa, xã hội hóa, hiện đại hóa.
- Ngoài nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng học để thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, các huyện và các xã, thị trấn (Sau đây gọi chung là huyện xã) có trách nhiệm bố trí, cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chương trình theo đúng kế hoạch.
- Nguồn kinh phí để thực hiện chương trình phải đưa vào quản lý thống nhất và sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng đảm bảo hiệu quả, không thất thoát, không để thiếu vốn thanh toán khi công trình hoàn thành.
- Trong quá trình triển khai chương trình phải thực hiện tốt vai trò giám sát của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư theo quy định tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng vốn.
- Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Ban quản lý dự án chuyên trách huyện Thường Xuân (Chủ đầu tư) phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả của công trình trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
II. NỘI DUNG
1. Quy mô đầu tư xây dựng
Tổng số phòng học mầm non được đầu tư xây dựng là 199 phòng.
Kinh phí trái phiếu Chính phủ hỗ trợ: 250.740 triệu đồng.
Danh mục các dự án chi tiết ban hành kèm theo Văn bản số 104/UBND-THKH ngày 06/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
2. Phương án về nguồn vốn
Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phòng học mầm non thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 100%;
Ngân sách huyện, xã hỗ trợ để đền bù, giải phóng mặt bằng, mua sắm thiết bị và các chi phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện đầu tư bao gồm cả yếu tố trượt giá.
3. Kế hoạch xây dựng: Thời gian thực hiện năm 2016 và quý I/2017
3.1. Quý 1 năm 2016
- Lập hồ sơ đề xuất Chủ trương đầu tư theo danh mục đã thông báo tại Văn bản số 104/UBND-THKH ngày 06/01/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBND các huyện tổng hợp danh mục đầu tư kèm hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo Bộ/Ngành Trung ương.
- Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: Mục tiêu, quy mô, tổng mức, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm và thời gian thực hiện.
- Chủ đầu tư lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán công trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định giao vốn cho các công trình thuộc Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa.
3.2. Quý 2-3 năm 2016
- Chủ đầu tư lập, trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công công trình, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và triển khai thi công công trình;
- Giải ngân vốn đầu tư theo tiến độ thi công công trình;
- UBND các xã được thụ hưởng dự án kiện toàn Ban giám sát cộng đồng theo tinh thần Quyết định 80/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ để giám sát chất lượng công trình.
- Chủ đầu tư, Ban chỉ đạo huyện, Ban chỉ đạo tỉnh kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thi công công trình;
3.3. Quý 4 năm 2016
- Chủ đầu tư, Ban chỉ đạo huyện và Ban chỉ đạo tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ chất lượng thi công công trình;
- Giải ngân vốn đầu tư theo tiến độ thi công công trình;
- Tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng, lập hồ sơ quyết toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành;
3.4. Quý 1 năm 2017
- Chủ đầu tư lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành.
- Hoàn thành việc phê duyệt quyết toán, thanh toán công trình hoàn thành.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Quản lý chương trình
- Cơ quan Quyết định kế hoạch chương trình: UBND tỉnh
- Cơ quan giúp việc UBND tỉnh quản lý chương trình: Ban Chỉ đạo chương trình cấp tỉnh;
- Cơ quan Thường trực chương trình: Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Công tác quản lý đầu tư xây dựng: Thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật và các quy định hiện hành của UBND tỉnh Thanh Hóa.
2. Cơ chế quản lý sử dụng nguồn vốn
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 46/2008/TT-BTC ngày 06/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 và Thông tư số 114/2009/TT-BTC ngày 03/6/2009 của Bộ Tài chính về sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 46/2008/TT-BTC ngày 06/6/2008 của Bộ Tài chính và các quy định liên quan của tỉnh đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
3. Chủ đầu tư
Chủ đầu tư là UBND các xã, thị trấn và Ban Quản lý dự án chuyên trách huyện Thường Xuân.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện xây dựng công trình theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan;
- Báo cáo tiến độ, chất lượng triển khai thi công công trình về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện 1 lần/tháng, ngày 20 hàng tháng.
4. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương
4.1. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh, chịu trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc Nhà nước tỉnh tham mưu, giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015, đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật;
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho từng dự án, công trình;
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn các huyện, lập báo cáo theo định kỳ và đột xuất gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
4.2. UBND các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Xuân, Lang Chánh, Bá Thước:
- Kiện toàn Ban chỉ đạo tại các huyện (gọi tắt là cấp huyện) do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo làm Phó ban thường trực; thành phần Ban chỉ đạo gồm Trưởng phòng: Công thương, Tài chính, Kho bạc và mời Mặt trận Tổ quốc huyện tham gia.
- Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cấp huyện chịu trách nhiệm về tính chính xác về quy mô số phòng được đầu tư, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện hàng tháng, quý, năm và báo cáo theo yêu cầu của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Trung ương.
- Chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015;
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc Chủ đầu tư làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả;
- Tiếp nhận, tổng hợp thông tin, báo cáo từ các Chủ đầu tư để thông tin nhanh, trực tiếp, đồng thời báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh) vào ngày 25 hàng tháng.
4.3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến các địa phương phối hợp tuyên truyền rộng rãi để toàn xã hội cùng tham gia hưởng ứng, kiểm tra, giám sát việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015.
4.4. Các cơ quan thông tin đại chúng có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến để toàn xã hội cùng tham gia hưởng ứng Kế hoạch thực hiện Chương trình và tham gia giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, hướng dẫn, chỉ đạo Ban giám sát cộng đồng xã, thị trấn hoạt động theo đúng quy định tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Giao Ban chỉ đạo Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa, các Sở/ Ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện thụ hưởng dự án hướng dẫn, chỉ đạo các Chủ đầu tư tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình theo đúng kế hoạch và đúng quy định hiện hành của Pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Xuân, Lang Chánh, Bá Thước và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Thông tư 46/2008/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn thực hiện đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 Ban hành: 06/06/2008 | Cập nhật: 13/06/2008