Quyết định 1602/QĐ-UBND-HC năm 2007 thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh Đồng Tháp
Số hiệu: | 1602/QĐ-UBND-HC | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Tháp | Người ký: | Trương Ngọc Hân |
Ngày ban hành: | 16/10/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1602/QĐ-UBND-HC |
Thành phố Cao Lãnh, ngày 16 tháng 10 năm 2007 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thực hiện cơ chế một cửa tại các sở, ban, ngành Tỉnh (sau đây gọi chung là ngành Tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là chung là huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) thuộc tỉnh Đồng Tháp thực hiện giải quyết các thủ tục đối với các lĩnh vực, công việc sau:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp, thẩm định hồ sơ đấu thầu, thẩm định dự án đầu tư và dự án đầu tư xây dựng công trình, cấp giấy chứng nhận đầu tư ngoài khu công nghiệp.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: các thủ tục hành chính về đất đai, thẩm định dự toán chi phí đo đạc, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
3. Sở Xây dựng: xác lập các thủ tục hành chính trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; thẩm định quy hoạch xây dựng; thẩm định thiết kế cơ sở thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, cấp chứng chỉ hành nghề.
4. Sở Tư pháp: hộ tịch có yếu tố nước ngoài, quốc tịch, lý lịch tư pháp.
5. Sở Khoa học và Công nghệ: xét duyệt đề tài, dự án khoa học, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang y tế, đăng ký kiểm định phương tiện đo, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, xét hỗ trợ kinh phí xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.
6. Sở Giao thông vận tải: cấp, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, bằng lái, thẩm định phê duyệt các luận chứng và cấp giấy phép cho xây lắp công trình vượt đường, vượt sông, giao cắt, đăng kiểm kỹ thuật, thẩm định thiết kế, cấp giấy chứng nhận chất lượng xe cơ giới cải tạo theo thiết kế.
7. Sở Công nghiệp: cấp giấy phép hoạt động điện lực; thẩm định, thiết kế cơ sở công trình công nghiệp ngoài khu công nghiệp như: công trình nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, chế tạo máy, luyện kim và các công trình công nghiệp chuyên ngành.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: đăng ký nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hệ thống thang bảng lương của các doanh nghiệp, cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Tỉnh; thẩm định đề án thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề công lập, tư thục trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định thành lập, thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề từ 10 lao động trở lên; công nhận và quản lý chế độ chính sách người có công với cách mạng; đăng ký sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động - vệ sinh lao động.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: đăng ký xác nhận công bố chất lượng giống cây trồng, phân bón, đăng ký cấp hoặc gia hạn chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, đăng ký cấp hoặc gia hạn chứng chỉ hành nghề chẩn đoán, kê đơn, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe động vật, chứng chỉ hành nghề tiêm phòng, thiến hoạn động vật, chứng chỉ hành nghề xét nghiệm bệnh, phẫu thuật động vật, chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y, giấy chứng nhận vệ sinh thú y, đăng ký cấp giấy chứng nhận bè nuôi cá, công bố tiêu chuẩn hàng hóa chuyên ngành thủy sản, đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y thủy sản, đăng ký thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế thi công trồng rừng phân tán, tập trung.
10. Sở Giáo dục và Đào tạo: thực hiện thủ tục cấp bằng, bản sao hoặc điều chỉnh bằng tốt nghiệp phổ thông; chuyển trường đối với học sinh phổ thông; điều động viên chức, giáo viên giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non trong Tỉnh.
11. Sở Bưu chính, Viễn thông: thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công trong báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình chuyên ngành.
12. Sở Tài chính: thẩm định dự toán ngân sách; thẩm định quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước; thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo quy định nhà nước; tạm ứng và thanh toán kinh phí đào tạo.
13. Sở Thương mại và Du lịch: cấp giấy phép kinh doanh đối với hàng hóa hạn chế kinh doanh (rượu, thuốc lá), cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện (xăng, dầu, gas), cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh, đăng ký dấu nghiệp vụ giám định hàng hóa của doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài trên địa bàn Tỉnh và chi nhánh, Văn phòng đại diện của thương nhân trong nước ở nước ngoài, cấp giấy chứng nhận văn phòng đại diện khu, điểm du lịch cấp địa phương (trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định), công nhận loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.
14. Sở Nội vụ: thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, Hội quần chúng, tổ chức phi Chính phủ trên địa bàn Tỉnh; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận, kỷ luật, đào tạo, nâng bậc lương,… đối với cán bộ, công chức, viên chức; kế hoạch biên chế, tiền lương; phê chuẩn kết quả bầu cử Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, thành viên Ủy ban nhân dân cấp huyện; điều chỉnh, chia tách, thành lập mới ấp, khóm.
15. Sở Y tế: cấp chứng chỉ hành nghề y, y dược học cổ truyền, dược, vaccin sinh phẩm y tế tư nhân, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, dược tư nhân.
16. Sở Văn hóa - Thông tin: cấp giấy phép xuất, nhập văn hóa phẩm, cấp phép công diễn chương trình, vở diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hành nghề biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hoạt động quảng cáo, bán và cho thuê băng đĩa hình, cấp đổi giấy phép hành nghề karaoke.
17. Sở Thể dục thể thao: cấp giấy phép hành nghề về thể dục, thể thao.
18. Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh: thẩm tra các dự thảo văn bản, hồ sơ, thủ tục do các ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định hoặc để Ủy ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh trình cấp có thẩm quyền quyết định.
19. Thanh tra tỉnh: tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
20. Ban Tôn giáo: đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, đăng ký hội đoàn tôn giáo, đăng ký dòng tu, tu viện,…; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo; phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc trong tôn giáo; đăng ký thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm, đăng ký người vào tu tại cơ sở tôn giáo, tổ chức hội nghị, đại hội; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình kiến trúc tôn giáo, tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
21. Ban Thi đua - Khen thưởng: thủ tục cấp đổi hiện vật khen thưởng bị hư hỏng, thất lạc, xác nhận các hình thức khen thưởng theo yêu cầu nguyện vọng của cán bộ, công dân.
22. Ban Quản lý các khu công nghiệp: cấp giấy chứng nhận đầu tư trong khu công nghiệp, cấp giấy xác nhận xuất xứ hàng hóa, đăng ký nhân sự chủ chốt cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thẩm định thiết kế cơ sở công nghiệp trong khu công nghiệp, xác nhận hồ sơ để làm sở hữu công trình, xác nhận hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất và hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
23. Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu: các thủ tục đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, đăng ký kinh doanh, kiểm dịch, xuất nhập hàng hóa tại Khu kinh tế cửa khẩu.
24. Công an Tỉnh: cấp chứng minh nhân dân, thủ tục xuất nhập cảnh, đăng ký xe, cấp biển số xe, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.
25. Ủy ban nhân dân huyện:
Đăng ký kinh doanh, phê duyệt hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu, thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình, đất đai, môi trường, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hộ khẩu, hộ tịch, chứng thực, chính sách xã hội, thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo quy định nhà nước,... thuộc thẩm quyền cấp huyện.
26. Ủy ban nhân dân xã:
Đất đai, xây dựng, nhà ở, hộ tịch, chứng thực, hộ khẩu, chính sách xã hội, bản sao văn bản, giấy tờ và xác nhận các loại thủ tục khác như vay vốn, miễn giảm học phí, đơn xin việc,… thuộc thẩm quyền cấp xã.
27. Đối với các cơ quan được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc đặt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp: thực hiện theo quy định của ngành dọc và quy định của Tỉnh đối với các lĩnh vực, công việc có liên quan ở địa phương.
Điều 2. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với các lĩnh vực, công việc sau đây:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và con dấu thành lập doanh nghiệp.
2. Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu kinh tế cửa khẩu: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả giải quyết các công việc của nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu liên quan đến các ngành Tỉnh.
3. Sở Thương mại và Du lịch: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại và du lịch.
4. Sở Y tế: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực y, dược.
5. Sở Văn hóa - Thông tin: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
7. Sở Công nghiệp: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện lực.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực lao động, việc làm.
9. Ủy ban nhân dân cấp huyện: làm đầu mối tiếp nhận, luân chuyển giữa các cơ quan có liên quan và trả kết quả đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ở tất cả lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 3. Các cơ quan, địa phương đang thực hiện cơ chế một cửa theo Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chuyển ngay sang thực hiện theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định này. Các cơ quan chưa thực hiện cơ chế một cửa bắt đầu thực hiện cơ chế một cửa theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg và Quyết định này kể từ ngày 15/10/2007.
Đối với lĩnh vực, công việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông quy định tại Điều 2 Quyết định này thực hiện khi Ủy ban nhân dân Tỉnh Quyết định ban hành quy định về thủ tục, trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết công việc về ngành, lĩnh vực, nhưng chậm nhất phải hoàn thành và thực hiện thống nhất trong toàn Tỉnh kể từ ngày 01/01/2008.
Điều 4. Trách nhiệm của Thủ trưởng ngành Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:
1. Kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của ngành, huyện, xã; bố trí cán bộ, công chức đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, có khả năng giao tiếp tốt đối với tổ chức, công dân. Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của ngành Tỉnh có từ 01 đến 02 công chức, cấp huyện có từ 05 đến 07 công chức và cấp xã có từ 01 đến 02 cán bộ, công chức.
2. Thường xuyên giáo dục ý thức, thái độ phục vụ và kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp, phản ánh của tổ chức, công dân; rà soát và kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những thủ tục còn rườm rà, phức tạp, bất hợp lý; kịp thời xử lý sai phạm của cán bộ, công chức.
3. Thường xuyên rà soát, hệ thống các thủ tục hành chính trình Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung trình tự giải quyết công việc theo quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương.
4. Ban hành quy định cụ thể trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các bộ phận, cán bộ, công chức trong giải quyết công việc theo cơ chế một cửa và cơ chế một cửa liên thông (có đề cương hướng dẫn kèm theo).
5. Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, mẫu giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết từng loại công việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
6. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tổ chức, công dân biết về hoạt động của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước.
7. Đối với lĩnh vực, công việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông:
a) Thủ trưởng các cơ quan quy định tại Điều 2 Quyết định này có trách nhiệm rà soát, hệ thống các thủ tục hành chính và xây dựng quy trình, thời hạn giải quyết, cơ chế phối hợp giữa các ngành, huyện có liên quan, các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành để thống nhất thực hiện trong toàn Tỉnh.
b) Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý các khu kinh tế cửa khẩu phối hợp với các ngành Tỉnh liên quan rà soát và xây dựng quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết các công việc liên quan đến nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trình Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành trong tháng 12/2007.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuộc huyện và giữa cấp huyện với cấp xã trong giải quyết công việc theo cơ chế một cửa liên thông.
8. Sở Tài chính: tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh trình Hội đồng nhân dân Tỉnh mức thu đối với các khoản phí, lệ phí trong danh mục thuộc thẩm quyền được phép ban hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; đảm bảo kinh phí thực hiện các quy định về phòng làm việc và trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; hướng dẫn chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo quy định khung của Bộ Tài chính.
9. Sở Nội vụ: Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh trình Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định mức phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; phối hợp với các ngành có liên quan tập huấn đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả về quy trình, nghiệp vụ giải quyết ở một số ngành, lĩnh vực công việc quan trọng như đất đai, xây dựng, nhà ở, hộ tịch, chính sách xã hội và cách giao tiếp với tổ chức, công dân trong quá trình thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông.
Điều 5. Kinh phí thực hiện cải cách hành chính, cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông do các ngành, địa phương lập dự toán và được cấp từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Giao Sở Nội vụ và Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh theo dõi, kiểm tra và tổng họp báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định này của Ủy ban nhân dân Tỉnh ở các ngành, các cấp.
Điều 7. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
CHỦ TỊCH |
HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1602/QĐ-UBND.HC ngày 16 tháng 10 năm 2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh)
Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả đặt tại Văn phòng........ (sở hoặc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, riêng ở xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp phân công và chỉ đạo) thực hiện tiếp và hướng dẫn tổ chức, công dân về thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; nhận và chuyển hồ sơ đến các bộ phận chuyên môn của........ giải quyết; trả kết quả giải quyết cho tổ chức, công dân.
Điều 2. Nơi làm việc của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả
(Quy định cụ thể về nơi niêm yết: thủ tục hành chính, các loại mẫu, phí, lệ phí, thời gian và trình tự giải quyết công việc; nội quy; nơi tổ chức, công dân ngồi chờ; các trang thiết bị phục vụ, làm việc; bàn làm việc của công chức (có bảng tên và chức vụ), thẻ công chức,...).
Điều 3. Những lĩnh vực, công việc giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông
(Liệt kê đầy đủ tên các lĩnh vực, công việc giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (nếu có).
1. Công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả làm việc trong giờ hành chính (nếu có làm ngày thứ bảy thì ghi cụ thể):
- Buổi sáng: từ 7giờ đến 11 giờ 30
- Buổi chiều: từ 13 giờ 30 đến 17 giờ.
2. Trước giờ nghỉ 30 phút, công chức tạm ngưng việc tiếp nhận hồ sơ mới để tập hợp, phân loại và chuyển đến các cơ quan, bộ phận chuyên môn giải quyết. Trường hợp công dân còn chờ thì tiếp tục nhận cho hết, sau đó tập hợp, phân loại và chậm nhất đầu giờ làm việc buổi chiều (nếu hồ sơ nhận vào buổi sáng) hoặc sáng hôm sau (nếu hồ sơ nhận vào buổi chiều) phải chuyển ngay đến cơ quan, bộ phận chuyên môn giải quyết.
3. Cuối mỗi buổi làm việc, công chức phải nộp ngay số tiền phí, lệ phí đã thu cho thủ quỹ..........; đối với số tiền từ 1.000.000 đ trở lên phải nộp ngay cho thủ quỹ.
QUY TRÌNH XỬ LÝ CÔNG VIỆC THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA
Điều 5. Quy trình xử lý đối với lĩnh vực, công việc..... (nêu tên cụ thể)
(Ghi đầy đủ các bước trong quy trình từ khi nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ đến khi trình lãnh đạo ký và trả cho tổ chức, công dân; trong mỗi bước phải quy định cụ thể thời gian thực hiện, trách nhiệm của từng cơ quan, bộ phận và công chức chuyên môn, kể cả việc phối hợp giữa các cơ quan, bộ phận hoặc công chức; chú ý: quy định rõ loại công việc giải quyết ngay trong ngày không ra biên nhận, loại công việc phải lập biên nhận và hẹn ngày trả kết quả)
Điều 6. Quy trình xử lý công việc theo cơ chế một cửa lĩnh vực, công việc..... (nêu tên cụ thể)
........
QUY TRÌNH XỬ LÝ CÔNG VIỆC THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Điều... Quy trình xử lý đối với lĩnh vực, công việc..... (nêu tên cụ thể)
(Nếu có thực hiện liên thông thì nội dung quy định tương tự như điều 5 và bổ sung thêm phần trách nhiệm chuyển hồ sơ đến cơ quan có liên quan hoặc nhận hồ sơ từ cơ quan khác chuyển đến trong quy trình liên thông; chú ý: phải nêu rõ thời gian giải quyết của từng cơ quan; nếu không thực hiện liên thông thì không có chương này)
Điều... Quy trình xử lý đối với lĩnh vực, công việc..... (nêu tên cụ thể)
........
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Điều... Trách nhiệm của công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả
(Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của công chức trực tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của tổ chức, công dân; trách nhiệm luân chuyển hồ sơ trong nội bộ; trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các bộ phận trong nội bộ; trách nhiệm trong tổng hợp, báo cáo,...)
Điều... Trách nhiệm của Chánh Văn phòng...
(Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Văn phòng trong việc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của công chức trực tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ; luân chuyển hồ sơ trong nội bộ; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các bộ phận trong nội bộ; tổng hợp, báo cáo,... Tham mưu, đề xuất Thủ trưởng hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân ứng dụng công nghệ thông tin, bổ sung, sửa đổi Quy chế phối hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thủ tục, trình tự và thời gian giải quyết của từng loại hồ sơ,...)
Điều... Trách nhiệm của phòng, bộ phận...
(Tùy điều kiện của cơ quan, địa phương, có thể quy định mỗi điều cho một phòng, bộ phận; gồm nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu và từng công chức thực hiện phần việc nghiên cứu, đề xuất giải quyết từng hồ sơ, công việc, kể cả việc đề xuất phối hợp với các phòng, bộ phận có liên quan trong nội bộ hoặc với cơ quan khác; trách nhiệm trong đề xuất cải tiến lề lối làm việc, cơ chế phối hợp,... nhằm nâng cao hiệu quả của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông)
Điều.....
(Chương này có thể gồm một hoặc hai điều với nội dung chủ yếu: quy định thời điểm hiệu lực; trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện; trách nhiệm tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung,...)
Một số điểm lưu ý:
- Đề cương này chỉ hướng dẫn những nội dung chủ yếu phải có trong Quy chế, tùy điều kiện, từng cơ quan, địa phương có thể bổ sung thêm nội dung có liên quan khác.
- Hình thức, thể thức và cách trình bày phải thực hiện đúng Thông tư Liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ./.
Quyết định 93/2007/QĐ-TTg Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương Ban hành: 22/06/2007 | Cập nhật: 28/06/2007
Thông tư liên tịch 55/2005/TTLT-BNV-VPCP hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản Ban hành: 06/05/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Quyết định 181/2003/QĐ-TTg Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương Ban hành: 04/09/2003 | Cập nhật: 25/12/2009