Quyết định 16/2012/QĐ-TTg quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
Số hiệu: | 16/2012/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Thiện Nhân |
Ngày ban hành: | 08/03/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 18/03/2012 | Số công báo: | Từ số 263 đến số 264 |
Lĩnh vực: | Bưu chính, viễn thông, Bổ trợ tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2012/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2012 |
QUY ĐỊNH VỀ ĐẤU GIÁ, CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 về bán đấu giá tài sản;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện,
Quyết định này quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá.
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là đấu giá) là việc xác định các doanh nghiệp được quyền sử dụng băng tần, kênh tần số thông qua việc đánh giá các yêu cầu tối thiểu và mức trả giá cao nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu tối thiểu và có mức trả giá cao nhất là doanh nghiệp trúng đấu giá.
2. Hồ sơ mời đấu giá là tập hợp các tài liệu phục vụ cho một cuộc đấu giá được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt để làm cơ sở cho các doanh nghiệp lập Hồ sơ đấu giá và tham gia đấu giá.
3. Hồ sơ đấu giá là các tài liệu do doanh nghiệp tham gia đấu giá lập và nộp cho Hội đồng đấu giá theo yêu cầu quy định tại Hồ sơ mời đấu giá.
4. Yêu cầu tối thiểu là các yêu cầu quy định tại Hồ sơ mời đấu giá đối với doanh nghiệp khi tham gia đấu giá, bao gồm yêu cầu về năng lực pháp lý, năng lực tài chính và đầu tư, năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ, nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
5. Bản cam kết là tài liệu trong Hồ sơ đấu giá được đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên, đóng dấu để cam kết thực hiện các yêu cầu tối thiểu; cam kết chấp hành hình thức và mức phạt khi không thực hiện các yêu cầu tối thiểu sau khi được cấp giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
6. Tiền trúng đấu giá là số tiền mà doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp để được quyền sử dụng khối băng tần, kênh tần số trúng đấu giá.
7. Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là việc doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng băng tần, kênh tần số theo giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đã được cấp do trúng đấu giá cho doanh nghiệp khác.
Điều 3. Nguyên tắc đấu giá, đối tượng được tham gia đấu giá
1. Việc đấu giá được thực hiện theo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
2. Đối tượng được tham gia đấu giá là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng theo quy định của pháp luật về viễn thông.
3. Mỗi doanh nghiệp trúng đấu giá được phân bổ một khối băng tần, một hoặc một số kênh tần số theo quy định tại Hồ sơ mời đấu giá.
Điều 4. Băng tần, kênh tần số được đấu giá
Theo từng thời kỳ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục băng tần, kênh tần số cụ thể được đấu giá phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện.
ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thành lập Hội đồng đấu giá và quy định quy chế làm việc của Hội đồng đấu giá.
2. Thành phần của Hội đồng đấu giá bao gồm đại diện các đơn vị có chức năng về tần số vô tuyến điện, viễn thông, tài chính và các đơn vị khác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Bộ Tài chính, đại diện Bộ Tư pháp và đại diện các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
3. Hội đồng đấu giá có nhiệm vụ xác định giá khởi điểm, xây dựng hồ sơ mời đấu giá và tổ chức đấu giá.
Điều 6. Giá khởi điểm của khối băng tần, kênh tần số được đấu giá
Băng tần đấu giá được chia thành các khối băng tần theo quy định tại các quy hoạch tần số vô tuyến điện. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định giá khởi điểm của khối băng tần, kênh tần số được đấu giá trước khi tổ chức đấu giá theo nguyên tắc sau:
1. Căn cứ vào giá trị sử dụng của khối băng tần, kênh tần số ở thời điểm đấu giá, phí sử dụng tần số vô tuyến điện phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
2. Tham khảo giá bán thực tế của khối băng tần, kênh tần số cùng loại hoặc tương đương đã được đấu giá tại Việt Nam và tại các nước có nền kinh tế phát triển tương đồng như Việt Nam.
3. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xác định giá khởi điểm của khối băng tần, kênh tần số.
Điều 7. Thông báo mời tham gia đấu giá
1. Trước thời điểm phát hành Hồ sơ mời đấu giá ít nhất 30 ngày, Hội đồng đấu giá thông báo mời tham gia đấu giá trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông và gửi văn bản mời tham gia đấu giá đến tất cả các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.
2. Thông báo mời tham gia đấu giá có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Băng tần, kênh tần số được đấu giá;
b) Thời gian, địa điểm phát hành hồ sơ mời đấu giá;
c) Thời gian, địa điểm nộp hồ sơ đấu giá.
Hồ sơ mời đấu giá gồm:
1. Tài liệu giới thiệu về băng tần, kênh tần số được đấu giá; thời hạn và điều kiện sử dụng băng tần, kênh tần số; giá khởi điểm của các băng tần, kênh tần số được đấu giá; tiền đặt trước.
2. Yêu cầu tối thiểu.
3. Văn bản đăng ký tham gia đấu giá mẫu.
4. Bản cam kết mẫu.
5. Quy chế đấu giá.
6. Các tài liệu cần thiết khác phục vụ cho cuộc đấu giá.
Điều 9. Đăng ký tham gia đấu giá
1. Doanh nghiệp tham gia đấu giá nộp Hồ sơ đấu giá gồm một bản gốc và ba bản sao trực tiếp cho Hội đồng đấu giá.
2. Hồ sơ đấu giá gồm:
a) Văn bản đăng ký tham gia đấu giá;
b) Tài liệu chứng minh đáp ứng yêu cầu tối thiểu;
c) Bản cam kết;
d) Tài liệu khác theo yêu cầu của Hồ sơ mời đấu giá.
Điều 10. Đánh giá Hồ sơ đấu giá
1. Hội đồng đấu giá mở công khai Hồ sơ đấu giá theo thời gian và địa điểm quy định tại Hồ sơ mời đấu giá và tổ chức đánh giá Hồ sơ đấu giá.
2. Doanh nghiệp có Hồ sơ đấu giá đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng yêu cầu tối thiểu và các yêu cầu khác quy định tại Hồ sơ mời đấu giá được quyền tham gia trả giá.
3. Danh sách các doanh nghiệp được quyền tham gia trả giá được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời hạn không quá 45 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng đấu giá nhận Hồ sơ đấu giá.
Hội đồng đấu giá thông báo lý do không được tham gia trả giá cho các doanh nghiệp không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trong trường hợp chỉ có một doanh nghiệp được quyền tham gia trả giá thì Hội đồng đấu giá không tổ chức trả giá và tổ chức đấu giá lại theo quy định tại Điều 15 của Quyết định này.
1. Việc trả giá được thực hiện theo hình thức trả giá nhiều vòng đồng thời tất cả các khối băng tần, kênh tần số hoặc trả giá một lần hoặc hình thức khác do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tại Hồ sơ mời đấu giá.
2. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể việc tổ chức trả giá tại quy chế đấu giá.
Điều 12. Rút khỏi cuộc đấu giá
1. Doanh nghiệp được quyền tham gia trả giá sau khi đã nộp tiền đặt trước muốn rút khỏi cuộc đấu giá phải gửi thông báo về việc không tiếp tục tham gia trả giá cho Hội đồng đấu giá.
2. Thông báo của doanh nghiệp chỉ có giá trị khi Hội đồng đấu giá nhận được trước thời điểm tổ chúc trả giá ít nhất 24 giờ không kể ngày lễ, tết, ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước.
Kết quả đấu giá của doanh nghiệp bị hủy trong các trường hợp sau:
1. Doanh nghiệp vi phạm quy chế đấu giá.
2. Có sự thông đồng giữa các bên tham gia đấu giá hoặc giữa các doanh nghiệp tham gia.
3. Doanh nghiệp trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Quyết định này.
Điều 14. Công bố kết quả đấu giá
Bộ Thông tin và Truyền thông công bố công khai kết quả đấu giá trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đấu giá.
1. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá lại toàn bộ băng tần, kênh tần số trong các trường hợp sau:
a) Tại lần đấu giá đầu tiên không có doanh nghiệp nào nộp Hồ sơ đấu giá hoặc số lượng doanh nghiệp được quyền tham gia trả giá ít hơn hoặc bằng một;
b) Tất cả các doanh nghiệp trúng đấu giá bị hủy kết quả đấu giá;
c) Tất cả các doanh nghiệp trả giá thấp hơn giá khởi điểm.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá lại đối với các khối băng tần, kênh tần số mà trong cuộc đấu giá trước đó chưa xác định được doanh nghiệp trúng đấu giá.
3. Trình tự, thủ tục đấu giá lại được tiến hành như đấu giá lần đầu.
Điều 16. Phí đấu giá, chi phí đấu giá
1. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải nộp phí đấu giá theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
2. Chi phí đấu giá bao gồm:
a) Chi phí liên quan đến việc xây dựng Hồ sơ mời đấu giá kể cả chi phí cho việc thuê chuyên gia hoặc mời tư vấn (nếu có);
b) Chi phí cho hoạt động của Hội đồng đấu giá kể cả chi phí cho việc thuê chuyên gia hoặc mời tư vấn (nếu có).
3. Chi phí đấu giá được lấy từ phí đấu giá thu của doanh nghiệp tham gia đấu giá. Trường hợp thu không đủ chi thì được lấy từ kinh phí hoạt động thường xuyên của Cục Tần số vô tuyến điện theo dự toán được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt và được thanh toán theo quy định hiện hành.
1. Tiền đặt trước được quy định tại Hồ sơ mời đấu giá nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của khối băng tần, kênh tần số.
Các doanh nghiệp đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Quyết định này muốn tiếp tục tham gia trả giá phải nộp tiền đặt trước vào tài khoản do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định theo quy định tại Hồ sơ mời đấu giá.
2. Doanh nghiệp trúng đấu giá được trừ tiền đặt trước vào tiền trúng đấu giá.
3. Tiền đặt trước được trả lại trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp không trúng đấu giá được trả lại tiền đặt trước trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả đấu giá;
b) Doanh nghiệp rút khỏi cuộc đấu giá theo quy định tại Điều 12 của Quyết định này được trả lại tiền đặt trước trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày Hội đồng đấu giá nhận được văn bản thông báo rút khỏi cuộc đấu giá của doanh nghiệp.
4. Tiền đặt trước không được hoàn trả trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Quyết định này;
b) Doanh nghiệp rút khỏi cuộc đấu giá không đáp ứng quy định tại Điều 12 của Quyết định này;
c) Doanh nghiệp trả giá cao nhất rút lại giá đã trả trước khi cuộc đấu giá kết thúc.
Điều 18. Nộp tiền trúng đấu giá
1. Doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp 50% số tiền trúng đấu giá vào tài khoản do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả đấu giá.
Doanh nghiệp trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định bị hủy bỏ kết quả trúng đấu giá và không được hoàn trả tiền đặt trước.
2. Số tiền còn lại, doanh nghiệp phải nộp theo quy định sau:
a) Nộp 25% số tiền trúng đấu giá vào tài khoản do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày công bố kết quả đấu giá;
b) Nộp 25% số tiền trúng đấu giá còn lại vào tài khoản do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định trong thời hạn từ 19 đến 36 tháng kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kết quả đấu giá.
3. Doanh nghiệp trúng đấu giá vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này sẽ bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
4. Tiền trúng đấu giá không bao gồm phí sử dụng tần số vô tuyến điện.
5. Tiền thu được từ đấu giá nộp ngân sách nhà nước. Ưu tiên sử dụng số tiền này để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ viễn thông, phát thanh, truyền hình theo các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 19. Cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, giấy phép viễn thông
1. Doanh nghiệp trúng đấu giá thực hiện các quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện và các quy định tại Hồ sơ mời đấu giá để được cấp giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
2. Thời hạn của giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Điều 20. Thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Doanh nghiệp trúng đấu giá bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong các trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật Tần số vô tuyến điện và trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Quyết định này thì không được hoàn trả tiền trúng đấu giá và phí sử dụng tần số vô tuyến điện đã nộp.
2. Doanh nghiệp trúng đấu giá bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để thực hiện quy hoạch trong các trường hợp quy định tại Điều 12 của Luật Tần số vô tuyến điện thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Trách nhiệm của doanh nghiệp trúng đấu giá
Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm sau:
1. Thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá theo phương thức, thời hạn, địa điểm quy định tại Hồ sơ mời đấu giá.
2. Thực hiện các nội dung trong Bản cam kết và nộp phạt khi vi phạm cam kết.
3. Tuân thủ các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
4. Nộp lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Xử lý vi phạm về đấu giá
1. Hội đồng đấu giá có hành vi vi phạm các quy định của Quyết định này thì bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Thành viên Hội đồng đấu giá và cá nhân có liên quan không thực hiện trách nhiệm được giao hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định về đấu giá gây thiệt hại cho Nhà nước và các bên có liên quan, tùy theo mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Doanh nghiệp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm các quy định của Quyết định này thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm hành chính về đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính khác có liên quan.
CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
Điều 23. Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Doanh nghiệp được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua đấu giá được phép chuyển nhượng quyền sử dụng băng tần, kênh tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này sau khi đã khai thác và sử dụng băng tần, kênh tần số trong thời gian ít nhất ba năm kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
2. Đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, đáp ứng yêu cầu tối thiểu quy định tại Hồ sơ mời đấu giá trong cuộc đấu giá mà doanh nghiệp chuyển nhượng tham gia.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định về thuế chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Điều 24. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Doanh nghiệp chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nộp hồ sơ chuyển nhượng trực tiếp hoặc qua đường bưu chính về Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Hồ sơ chuyển nhượng được lập thành một bộ, bao gồm các tài liệu sau:
a) Văn bản đề nghị chuyển nhượng có dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;
b) Bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp chuyển nhượng và doanh nghiệp nhận chuyển nhượng về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của việc chuyển nhượng;
c) Tài liệu chứng minh của doanh nghiệp nhận chuyển nhượng về việc đáp ứng các yêu cầu tối thiểu tại cuộc đấu giá mà doanh nghiệp chuyển nhượng đã tham gia; văn bản cam kết của doanh nghiệp nhận chuyển nhượng về việc tiếp tục thực hiện các nội dung mà doanh nghiệp chuyển nhượng đã cam kết trong Hồ sơ đấu giá.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của hồ sơ chuyển nhượng, xem xét quyết định cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định và thông báo bằng văn bản cho các doanh nghiệp về việc cho phép chuyển nhượng.
Trường hợp không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do từ chối.
4. Việc cấp giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Thời hạn hiệu lực của giấy phép viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã cấp cho doanh nghiệp chuyển nhượng.
Điều 25. Trách nhiệm của doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
Doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có trách nhiệm sau:
1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của việc chuyển nhượng.
2. Thực hiện các nghĩa vụ về thuế liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
3. Hoàn thành các nghĩa vụ về lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, phí sử dụng tần số vô tuyến điện.
Điều 26. Trách nhiệm của doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có trách nhiệm sau:
1. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của việc chuyển nhượng.
2. Thực hiện các nghĩa vụ về thuế liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
3. Tuân thủ các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
4. Nộp lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2012.
2. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này. Trường hợp đặc biệt, liên quan đến quốc phòng, an ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |