Quyết định 16/2009/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở
Số hiệu: | 16/2009/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đồng Tháp | Người ký: | Trương Ngọc Hân |
Ngày ban hành: | 18/08/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2009/QĐ-UBND |
Thành phố Cao Lãnh, ngày 18 tháng 08 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25 tháng 12 năm 1998;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở cơ sở.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 16/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 08 năm 2009 của UBND tỉnh Đồng Tháp)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Quy chế này quy định về tổ chức của Tổ hòa giải; về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền lợi của các Tổ hòa giải, hòa giải viên và hoạt động hòa giải tại khóm, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở;
Hòa giải viên trong quy chế này bao gồm những người làm công tác hòa giải ở cơ sở được quy định tại Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25/12/1998 và được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận.
Điều 2. Phạm vi, nguyên tắc hòa giải tại khóm, ấp, cụm dân cư
Các Tổ hòa giải, hòa giải viên được tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật đối với những vụ việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; đối với những tranh chấp không thuộc phạm vi hòa giải có thể ảnh hưởng đến trật tự an ninh ở địa phương, Tổ hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để xem xét, giải quyết;
Việc tiến hành hòa giải phải tuân theo các nguyên tắc, phương thức quy định tại Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Chương 2.
TỔ HÒA GIẢI VÀ HÒA GIẢI VIÊN
Điều 3. Tổ hòa giải
Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở khóm, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện hòa giải;
Mỗi Tổ hòa giải có Tổ trưởng, Tổ phó và từ 3 đến 7 hòa giải viên, tùy theo số dân cư và tình hình cụ thể tại địa bàn.
Điều 4. Tổ trưởng, Tổ phó Tổ hòa giải
1. Tiêu chuẩn
- Phải là tổ viên Tổ hòa giải;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, bản thân và gia đình nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước của khóm, ấp ở địa phương;
- Có uy tín trong nhân dân nơi cư trú;
- Có hiểu biết pháp luật, kiến thức xã hội, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật;
- Có tinh thần trách nhiệm, tự nguyện, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở;
- Có khả năng phụ trách Tổ hòa giải, phối hợp với các tổ chức và đoàn thể có liên quan để tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
- Phụ trách Tổ hòa giải, phân công nhiệm vụ cho các hòa giải viên, phối hợp với các Tổ hòa giải khác để thực hiện nhiệm vụ của mình;
- Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên;
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động của Tổ hòa giải; tổ chức các cuộc họp định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất để rút kinh nghiệm về công tác hòa giải trên địa bàn; đồng thời tổ chức thực hiện các công tác có liên quan do cấp trên đề ra;
- Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác hòa giải với Ban Tư pháp, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải;
- Đại diện cho Tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng Ban nhân dân khóm, ấp, cụm dân cư và với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.
Điều 5. Hòa giải viên
1. Tiêu chuẩn
- Có phẩm chất đạo đức tốt, bản thân và gia đình nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước của khóm, ấp, cụm dân cư;
- Có uy tín với nhân dân nơi cư trú;
- Có hiểu biết pháp luật, kiến thức xã hội, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật;
- Có tinh thần trách nhiệm, tự nguyện, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
2. Nhiệm vụ
- Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Hòa giải viên khi có sự phân công của Tổ trưởng Tổ hòa giải;
- Thông qua công tác hòa giải thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật; vận động nhân dân chấp hành pháp luật;
- Báo cáo kịp thời với Tổ trưởng Tổ hòa giải đối với những tranh chấp không thuộc phạm vi hòa giải có thể gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh tại địa phương;
- Đề xuất với Tổ trưởng Tổ hòa giải hoặc Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn về các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hòa giải với các hòa giải viên khác.
Điều 6. Tổ hòa giải và hòa giải viên có quyền
- Được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Ủy ban nhân dân các cấp hoặc cơ quan chuyên môn tổ chức;
- Được cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết về pháp luật để phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở;
- Được hưởng thù lao theo quy định của Ủy ban nhân dân Tỉnh.
Điều 7. Thủ tục công nhận, miễn nhiệm Tổ hòa giải, Tổ trưởng, Tổ phó và hòa giải viên
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ biên bản bầu tổ viên Tổ hòa giải trong các cuộc họp nhân dân, họp chủ hộ, biên bản kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ và biên bản bầu Tổ trưởng Tổ hòa giải của nhân dân ở khóm, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư nơi tổ hòa giải hoạt động để xem xét, ra quyết định công nhận Tổ hòa giải, Tổ trưởng và hòa giải viên;
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ biên bản họp nhân dân, họp chủ hộ (hoặc kết quả phiếu lấy ý kiến chủ hộ) ở khóm, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư và đề nghị bằng văn bản của Ban Tư pháp xã nơi tổ hòa giải hoạt động về việc miễn nhiệm tổ viên Tổ hòa giải để xem xét, ra quyết định miễn nhiệm hòa giải viên.
Chương 3.
HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Điều 8. Lề lối làm việc của tổ hòa giải
Tổ hòa giải làm việc theo nguyên tắc dân chủ, tập thể bàn bạc thống nhất. Phân công người phụ trách từng khu vực dân cư trong địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các mâu thuẫn, xích mích và báo cáo với Tổ trưởng những vụ việc phức tạp để đưa ra tổ thảo luận, thống nhất biện pháp hòa giải;
Tổ viên tổ hòa giải không được tiến hành hòa giải nếu tổ viên đó là người có liên quan đến vụ việc cần được hòa giải hoặc vì những lý do cá nhân khác mà không thể bảo đảm hòa giải được khách quan hoặc không đem lại kết quả.
Điều 9. Thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải
Việc hòa giải được tiến hành vào thời gian mà các đương sự yêu cầu hoặc theo sáng kiến của tổ viên Tổ hòa giải. Hòa giải viên sắp xếp thời gian thuận lợi để các bên tranh chấp có thể tham gia đầy đủ;
Việc hòa giải có thế tiến hành ngay tại thời điểm xảy ra tranh chấp nếu tổ viên Tổ hòa giải là người chứng kiến và xét thấy cần thiết hòa giải ngay. Địa điểm hòa giải có thể tiến hành ngay tại nơi xảy ra tranh chấp, tại trụ sở Ban nhân dân khóm, ấp hoặc tại nhà của một trong các bên tranh chấp hoặc tại nơi thường tổ chức họp nhân dân. Không hòa giải nơi tụ tập đông người, gây mất trật tự.
Điều 10. Phương thức hòa giải
1. Bằng lời nói;
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, tổ viên Tổ hòa giải có thể tiến hành việc hòa giải bằng cách gặp gỡ từng bên để thuyết phục rồi sau đó tổ chức cho các bên gặp nhau ở địa điểm thuận tiện hoặc có thể tổ chức cho 2 bên gặp nhau để thỏa thuận ngay từ đầu;
3. Sau khi tìm hiểu sự việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, tham khảo ý kiến của cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các bên, tổ viên Tổ hòa giải vận dụng những kiến thức pháp luật và hiểu biết về đạo lý để phân tích, thuyết phục các bên đạt được sự thỏa thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân và động viên các bên tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.
Điều 11. Biên bản hòa giải
Biên bản hòa giải là việc ghi lại sự thỏa thuận của các bên, mang ý nghĩa đạo lý, danh dự và tạo nên sự ràng buộc về mặt đạo lý và tâm lý giữa các bên. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của người tiến hành hòa giải và của các bên tranh chấp.
Biên bản hòa giải gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Thời gian, địa điểm hòa giải;
- Thành phần tham dự: Hòa giải viên, các bên tranh chấp, người có liên quan, người được mời tham gia hòa giải;
- Tóm tắt nội dung sự việc tranh chấp, yêu cầu của các bên;
- Quá trình hòa giải: ý kiến của các bên tranh chấp, hướng hòa giải;
- Kết quả hòa giải.
Biên bản hòa giải phải được giao cho các bên tranh chấp, mỗi bên một bản.
Điều 12. Hòa giải tranh chấp mà các bên ở các cụm dân cư khác nhau
Khi các bên tranh chấp ở các nơi có tổ hòa giải khác nhau, thì các tổ hòa giải phải có sự phối hợp để cùng thực hiện việc hòa giải.
Việc phối hợp hòa giải do Tổ trưởng hoặc người được Tổ trưởng phân công thực hiện. Tổ viên cũng có thể chủ động phối hợp nhưng phải báo ngay với tổ trưởng về sự phối hợp đó.
Điều 13. Kết thúc hòa giải
- Việc hòa giải được kết thúc và được coi là hòa giải thành khi các bên đã đạt được thỏa thuận và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.
Trường hợp các bên đã đạt được thỏa thuận nhưng lại không tự nguyện thực hiện thỏa thuận thì tổ viên Tổ hòa giải động viên, thuyết phục các bên thực hiện thỏa thuận và có thể đề nghị Trưởng Ban nhân dân ấp, khóm hoặc kiến nghị với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tạo điều kiện để các bên tự nguyện thực hiện thỏa thuận.
- Việc hòa giải không thành khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì tổ viên tổ hòa giải hướng dẫn cho các bên làm thủ tục cần thiết, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Đối với tranh chấp phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên gay gắt, có thể gây hậu quả ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trong địa bàn dân cư, thì tổ viên Tổ hòa giải kịp thời báo cáo cho Tổ trưởng Tổ hòa giải để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp giải quyết.
Điều 14. Ghi chép sổ sách về công tác hòa giải
Các vụ việc hòa giải đều phải mở sổ ghi chép đầy đủ nội dung tranh chấp và nội dung hòa giải, kết quả hòa giải vào sổ theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở để phục vụ cho thống kê, báo cáo, việc tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm hòa giải, tổng kết công tác hòa giải.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện Quy chế
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này, định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ trì, phối hợp đánh giá chất lượng hoạt dộng hòa giải để kịp thời khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh; Bộ Tư pháp khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở;
2. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc lập dự toán, quyết toán kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định;
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh hướng dẫn các đoàn thể, tổ chức thành viên phối hợp tham gia và giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở và việc thực hiện Quy chế;
4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật và Quy chế này;
5. Các Tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về công tác hòa giải và Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, địa phương kịp thời phản ánh, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
Nghị định 160/1999/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở Ban hành: 18/10/1999 | Cập nhật: 09/12/2009