Quyết định 16/2007/QĐ-UBND về Đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2007 - 2013
Số hiệu: 16/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Huỳnh Tấn Thành
Ngày ban hành: 05/04/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 16/2007/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 05 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CÓ TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI CỦA TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2007 – 2013

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 44/2002/QĐ-UBBT ngày 04/7/2002 của UBND tỉnh về việc phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy biên chế và công chức, viên chức thuộc khu vực Nhà nước;

Căn cứ Thông báo số 112/TB/TU ngày 06/3/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thống nhất Đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2007 - 2013;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2007 - 2013.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Trưởng ban

Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các cơ quan có liên quan giúp Ban Điều hành thực hiện Đề án xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2007 - 2013.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CÓ TRÌNH ĐỘ SAU ĐẠI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI CỦA TỈNH BÌNH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2007 – 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2007 của UBND tỉnh Bình Thuận)

A. TÊN ĐỀ ÁN

 “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ sau đại học ở nước ngoài của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2007 - 2013”.

Mã đề án: Bình Thuận 100.

B. NỘI DUNG

I. Mục tiêu:

Chọn những công chức, viên chức và sinh viên đã tốt nghiệp đại học, có phẩm chất, năng lực và có triển vọng phát triển để cử đi đào tạo ở nước ngoài trở thành cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực nhằm bổ sung nguồn nhân lực có trình độ sau đại học phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

II. Số lượng đào tạo:

1. Tổng số đào tạo, bồi dưỡng: 100. Trong đó: đào tạo: 80; bồi dưỡng: 20. Chia ra:

- Đào tạo thạc sĩ             : 55;

- Đào tạo tiến sĩ              : 25;

- Bồi dưỡng nghiệp vụ     : 20.

2. Phân kỳ đào tạo, bồi dưỡng:

Đơn vị tính: người

TT

Phương thức đào tạo

Tổng số

Phân kỳ gửi đi đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng

2007

2008

2009

2010

ThS

TS

ThS

TS

ThS

TS

ThS

TS

 

Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ

80

5

1

13

5

15

8

22

11

1

Đào tạo toàn phần ở nước ngoài

20

0

0

3

2

3

4

4

4

2

Đào tạo một phần trong nước và một phần ở nước ngoài

60

5

1

10

3

12

4

18

7

 

Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ

20

4

0

4

0

6

0

6

0

1

Bồi dưỡng, nghiên cứu ở nước ngoài

20

4

0

4

0

6

0

6

0

III. Ngành đào tạo

1. Khối khoa học quản lý:

- Khoa học quản lý hành chính, hành chính công;

- Quản lý đô thị;

- Quản lý xây dựng, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng;

- Quản lý đất đai;

- Quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch.

2. Khối khoa học kỹ thuật:

- Công nghệ thông tin, bao gồm cả viễn thông và tin học;

- Công nghệ sinh học;

- Công nghệ nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản;

- Nông nghiệp công nghệ cao;

- Bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y;

- Khoa học môi trường và cảnh quan;

- Khoa học xây dựng, kiến trúc, quy hoạch;

- Y tế (bao gồm cả y tế lâm sàng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng).

3. Khối khoa học, xã hội và nhân văn:

- Bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản văn hóa;

- Luật pháp quốc tế, luật kinh tế;

- Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của các trường.

IV. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng

- Cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác tại các cơ quan Đảng, mặt trận, các đoàn thể, cơ quan hành chính, các cơ quan tư pháp hoặc có yếu tố tư pháp, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh;

- Sinh viên là con em của cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ loại khá - giỏi trở lên, có triển vọng phát triển tốt, tự nguyện về làm việc tại các cơ quan Đảng, mặt trận, các đoàn thể, cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan tư pháp hoặc có yếu tố tư pháp, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh Bình Thuận.

V. Điều kiện và tiêu chuẩn

1. Điều kiện, tiêu chuẩn chung:

- Có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có lịch sử chính trị rõ ràng; có ý thức tổ chức kỷ luật; bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;

- Có năng lực và triển vọng trở thành cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới;

- Có cam kết làm việc ở Bình Thuận ít nhất là 10 năm sau khi hoàn thành chương trình đào tạo;

- Có sức khỏe tốt, có đủ trình độ ngoại ngữ để sử dụng trong học tập;

- Nếu là cán bộ công chức, viên chức Nhà nước phải có thời gian công tác ít nhất là 02 năm, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ được giao, được cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý;

- Nếu là sinh viên mới tốt nghiệp phải có hạnh kiểm tốt, tự nguyện về làm việc tại các cơ quan Đảng, mặt trận, các đoàn thể, cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan tư pháp hoặc có yếu tố tư pháp, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh Bình Thuận;

- Ưu tiên cho con liệt sĩ, con thương binh, gia đình có công với cách mạng.

2. Đối với đào tạo thạc sĩ phải:

Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy từ loại khá trở lên, ngành học phù hợp hoặc gần đúng với chuyên ngành cần đào tạo. Không quá 32 tuổi; cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác, nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy, là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng cấp sở và tương đương trở lên thì không quá 35 tuổi.

3. Đào tạo tiến sĩ phải:

Có bằng thạc sĩ phù hợp hoặc gần với chuyên ngành nghiên cứu; có đủ tiêu chuẩn nghiên cứu sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có đề cương nghiên cứu phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Không quá 37 tuổi; cán bộ có quá trình công tác, thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học hoặc giữ các chức vụ từ trưởng, phó phòng cấp sở và tương đương trở lên, ứng viên là cán bộ giảng dạy không quá 45 tuổi.

4. Cán bộ đi nghiên cứu nước ngoài phải:

Có trình độ thạc sĩ; đang làm công tác nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy, cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng cấp sở và tương đương trở lên; có đề

tài nghiên cứu hoặc chương trình bồi dưỡng do cơ quan, đơn vị công tác giới thiệu không quá 50 tuổi.

VI. Phương thức đào tạo

1. Đào tạo toàn phần ở nước ngoài:

Số lượng đào tạo toàn phần ở nước ngoài là 20 người, tập trung cho các ngành: công nghệ nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản; nông nghiệp công nghệ cao; thú y; bảo vệ thực vật; chế biến và bảo quản thực phẩm; quy hoạch đô thị; y tế (bao gồm cả y tế lâm sàng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng); cán bộ giảng dạy của các trường.

2. Đào tạo theo mô hình liên kết (liên kết giữa các trường đại học trong nước và các trường đại học nước ngoài, do nước ngoài cấp bằng).

Số lượng đào tạo theo mô hình liên kết là 60 người, tập trung cho các ngành: quản lý đô thị; quản lý xây dựng, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng; quản lý đất đai; quản lý, kinh doanh dịch vụ du lịch; công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; công nghệ nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản; nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y; khoa học môi trường và cảnh quan; khoa học xây dựng, kiến trúc, quy hoạch; y tế (bao gồm cả y tế lâm sàng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng); bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản văn hóa; luật pháp quốc tế; luật kinh tế; cán bộ giảng dạy của các trường.

3. Trên cơ sở những cán bộ đã có trình độ sau đại học của tỉnh hiện nay, sẽ chọn cử 20 người đi bồi dưỡng, nghiên cứu ở nước ngoài từ 3 - 6 tháng.

VII. Nơi gửi đi đào tạo

1. Đào tạo toàn phần ở nước ngoài: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Mỹ, các nước thuộc khối EU…

2. Đào tạo theo mô hình liên kết: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Nông lâm TP. HCM, Đại học Quốc tế TP.HCM, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học KH, XH và NV…

VIII. Quyền lợi và trách nhiệm của người được cử đi đào tạo

1. Quyền lợi:

- Được cơ quan, đơn vị bố trí thời gian, sắp xếp công việc và tạo điều kiện thuận lợi để đi học. Nếu là sinh viên mới tốt nghiệp sẽ được ưu tiên xét tuyển vào cơ quan, đơn vị của Nhà nước trước khi được cử đi học;

- Thời gian cử đi học được hưởng 100% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành của Nhà nước, được nâng lương theo niên hạn;

- Được tạm ứng kinh phí (thông qua hoạt động tín dụng với ngân hàng) để thanh toán cho các khoản chi phí học tập gồm:

+ Chi phí dịch vụ phải trả cho tổ chức thực hiện dịch vụ đào tạo ở trong nước;

+ Chi học phí và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo ở nước ngoài;

+ Chi phí mua bảo hiểm y tế trong thời gian học tập ở nước ngoài;

+ Chi cho sinh hoạt phí (ăn, ở) theo mức chung của Nhà nước cho lưu học sinh ở nước ngoài;

+ Chi phí cho dịch vụ xuất nhập cảnh, đi lại theo quy định hiện hành.

- Sau khi học xong được bố trí công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo. Được ngân sách tỉnh cấp lại toàn bộ chi phí đào tạo (bao gồm cả lãi vay ngân hàng) trong

10 năm.

2. Trách nhiệm:

- Người được cử đi đào tạo, sau khi tốt nghiệp phải trở về tỉnh làm việc như cam kết;

- Trong quá trình học tập, người được đào tạo phải báo cáo kết quả học tập định kỳ về Ban điều hành đề án. Nếu kết quả học tập của năm học không đạt yêu cầu thì phải chấm dứt việc học tập và hoàn trả kinh phí đã tạm ứng trong thời gian chậm nhất là 01 năm, kể từ khi có quyết định chấm dứt học tập;

- Nếu bỏ học hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về công tác tại tỉnh hoặc không chấp nhận sự phân công của tỉnh thì phải bồi thường kinh phí tạm ứng và toàn bộ lương, phụ cấp (nếu có) trong thời gian đi học.

IX. Kinh phí thực hiện đề án

1. Nguyên tắc cấp phát kinh phí:

Ứng viên có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đi học tập ở nước ngoài của chương trình sẽ được ngân sách tỉnh cấp 100% kinh phí cho quá trình học tập gồm: học phí, chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian học tập, lãi vay tín dụng... theo quy định của dự án và cam kết giữa người đi học và ban điều hành đề án.

Việc tạm ứng kinh phí cho người đi học được thông qua hoạt động tín dụng tại ngân hàng.

2. Nguồn kinh phí chi cho việc thực hiện đề án được chi từ kinh phí đào tạo của tỉnh.

X. Tổ chức thực hiện

1. Thành lập Ban Điều hành đề án thuộc UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban và lãnh đạo các Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính do Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm phó ban thường trực và Giám đốc Sở Nội vụ làm phó ban.

Ban Điều hành đề án có nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện và quản lý đề án trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; đồng thời, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh bố trí công tác cho những người đã hoàn tất chương trình đào tạo theo đúng ngành nghề và mục tiêu đào tạo; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện đề án về Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Giúp việc cho Ban điều hành đề án có tổ chuyên viên, bao gồm một số cán bộ, công chức của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ cử sang.

2. Các Sở Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với ban Điều hành đề án triển khai thực hiện, đảm bảo đạt được mục tiêu của đề án đề ra./.