Quyết định 16/2002/QÐ-BTS về tiêu chuẩn chức danh viên chức tàu thuỷ sản
Số hiệu: 16/2002/QĐ-BTS Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản Người ký: Tạ Quang Ngọc
Ngày ban hành: 17/05/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ THUỶ SẢN
*******


Số: 16
/2002/QÐ-BTS

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN V/V BAN HÀNH TIÊU CHUẨN CHỨC DANH VIÊN CHỨC TÀU THUỶ SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Nghị định số 50-CP ngày 21/6/1994 của Chính phủ qui định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định số 26
/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Lao động và Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ.
            

QUYẾT ĐỊNH:

Ðiều 1:  Ban hành kèm theo Quyết định này Tiêu chuẩn 28 TCN 181: 2002 Chức danh viên chức tàu Thuỷ sản, làm  căn cứ bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng có hiệu quả đội ngũ viên chức làm việc trên tàu thuỷ sản thuộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác, thu mua, chế biến và vận chuyển thuỷ sản .

Ðiều 2:  Quyết định này có  hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các tiêu chuẩn chức danh viên chức tàu Thuỷ sản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Ðiều 3:  Các ông Chánh Văn phòng; Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám  đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông- Lâm- Ngư nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản; Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước có tàu thuỷ sản hoạt động trong lĩnh vực khai thác, thu mua, chế biến và vận chuyển thuỷ sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

  


Tạ Quang Ngọc

 


 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 28 TCN 181 : 2002

CHỨC DANH VIÊN CHỨC TÀU THUỶ SẢN

1 Phạm vi áp dụng

1.1 Tiêu chuẩn này quy định chức danh và nội dung tiêu chuẩn các chức danh viên chức làm việc trên tàu thuỷ sản, hoạt động trên biển thuộc doanh nghiệp nhà nước.

1.2 Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với viên chức làm việc trên các tàu kiểm ngư, tàu nghiên cứu hải sản.

1.3 Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động trong lĩnh vực khai thác, thu mua, chế biến và vận chuyển thuỷ sản áp dụng Tiêu chuẩn này.

2 Giải thích từ ngữ

Trong Tiêu chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2.1 Tàu thuỷ sản là những loại tàu biển làm nhiệm vụ khai thác, thu mua, chế biến và vận chuyển thuỷ sản.

2.2 Sĩ quan tàu thuỷ sản bao gồm: Thuyền phó nhất, Thuyền phó hai, Thuyền phó ba, Máy trưởng, Máy nhất, Máy hai, Máy ba, Ðiện trưởng, Lạnh trưởng, Sĩ quan vô tuyến điện.

2.3 Viên chức tàu thuỷ sản là những người được đào tạo cơ bản về nghề nghiệp chuyên ngành, được cấp bằng tốt nghiệp, được bồi dưỡng cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định của Bộ Thuỷ sản, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và được bổ nhiệm làm việc trên tàu thuỷ sản.

2.4 Thuyền viên tàu thuỷ sản là những công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài làm việc trên tàu thuỷ sản, có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Thuyền viên bao gồm: Thuyền trưởng, các Sĩ quan và những người làm việc khác theo định biên của tàu thuỷ sản.

2.5 Chủ tàu là giám đốc doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân đầy đủ, có thẩm quyền quản lý và sử dụng tàu hoặc là chủ sở hữu đứng tên trong giấy đăng kí tàu thuỷ sản.

3 Danh mục viên chức

3.1 Viên chức tàu thuỷ sản bao gồm các chức danh quy định trong Bảng 1

Bảng 1 - Chức danh viên chức làm việc trên tàu thuỷ sản

Số TT

Chức danh

Số TT

Chức danh

1

Thuyền trưởng

5

Máy trưởng

2

Thuyền phó nhất

6

Máy nhất

3

Thuyền phó hai

7

Máy hai

4

Thuyền phó ba

8

Máy ba

Số TT

Chức danh

Số TT

Chức danh

9

Ðiện trưởng (sĩ quan điện)

12

Thuỷ thủ trưởng

10

Lạnh trưởng (sĩ quan lạnh)

13

Lưới trưởng

11

Sĩ quan vô tuyến điện

14

Chế biến trưởng

3.2 Bố trí viên chức trên tàu thuỷ sản

Tuỳ theo công suất máy của tàu thuỷ sản, viên chức được bố trí làm việc trên mỗi loại tàu theo quy định trong Bảng 2.

Bảng 2 - Bố trí chức danh viên chức làm việc trên tàu thuỷ sản

Nhóm tàu theo công suất máy

 

Dưới 90 CV

Từ 90 CV đến dưới

200 CV

Từ 200 CV đến dưới

800 CV

Tõ 800 CV trở lên

 

Thuyền trưởng

x

x

x

x

Thuyền phó nhất

x

x

x

x

Thuyền phó hai

 

 

x

x

Thuyền phó ba

 

 

 

x

Máy trưởng

x

x

x

x

Máy nhất

 

x

x

x

Máy hai

 

 

x

x

Máy ba

 

 

 

x

Ðiện trưởng

 

 

 

x

Lạnh trưởng

 

 

 

x

Sĩ quan VTÐ

 

 

 

x

Thuỷ thủ trưởng

 

x

x

x

Lưới trưởng

 

x

x

x

Chế biến trưởng

 

x

x

x

Chú thích: Đối với tàu chuyên làm nhiệm vụ thu mua, chế biến vận chuyển thuỷ sản thì không bố trí chức danh Lưới trưởng


4. Quy định chung

Viên chức trên tàu thuỷ sản theo quy định tại Bảng 1 phải thực hiện đúng những quy định sau đây:

4.1 Chấp hành nội quy lao động trong doanh nghiệp theo Ðiều 83 Bộ Luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện Ðiều này của Nhà nước.

4.2 Hiểu, chấp hành các quy trình kỹ thuật sản xuất, quy phạm kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động và công việc phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn trên biển có liên quan đến nhiệm vụ của mình. Thành thạo công việc về cứu hoả, cứu sinh, chống thủng và sơ cứu trên tàu.

4.3 Bảo quản tốt máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư, nguyên liệu, sản phẩm thuỷ sản và trang bị bảo hộ lao động được giao quản lý, sử dụng.

4.4 Thường xuyên học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

4.5 Chấp hành các quy định, các tiêu chuẩn Nhà nước và tiêu chuẩn ngành về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

4.6 Chấp hành các quy định của Nhà nước về an ninh quốc phòng trên biển có liên quan đến nhiệm vụ của mình.

4.7 Hiểu biết và chấp hành các quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, các Ðiều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc công nhận có liên quan đến nhiệm vụ được giao.

4.8 Viên chức cấp trên phải hiểu biết và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của viên chức cấp dưới cùng ngành nghề.

4.9 Thuyền trưởng và Sĩ quan trên tàu phải nắm được đường lối, chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ngành liên quan đến công việc của mình đảm nhiệm.

5 Quy định cụ thể

5.1 Thuyền trưởng

Chức trách:

1. Thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất trên tàu, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành tàu và thuyền viên trên tàu thực hiện nhiệm vụ của chủ tàu giao như: khai thác, thu mua, chế biến hoặc vận chuyển thuỷ sản.

2. Thuyền trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ tàu về các hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và vận chuyển thuỷ sản và của thuyền viên trên tàu, đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Thực hiện mệnh lệnh điều hành của chủ tàu như: đưa tàu đi biển sản xuất, đưa tàu vào sửa chữa hoặc neo đậu tàu, bảo quản, trông coi tàu ...

2. Chấp hành sự chỉ đạo của chủ tàu về kỹ thuật khai thác, thu mua, chế biến và vận chuyển thuỷ sản. Lãnh đạo thuyền viên sử dụng có hiệu quả phương tiện, thiết bị máy móc, đảm bảo an toàn cho tàu và thuyền viên trong khi tàu đang thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Chấp hành những quy định của Cảng vụ và chính quyền địa phương nơi tàu được phép neo đậu. Tổ chức chỉ huy thuyền viên trực ca trông coi tàu đảm bảo an toàn.

4. Mỗi chuyến đi biển phải kiểm tra việc chuẩn bị của tàu về vật tư kỹ thuật, nguyên nhiên liệu, ngư lưới cụ, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, hải đồ và các loại giấy tờ khác của tàu.

5. Chịu trách nhiệm vạch tuyến hành trình của tàu. Kiểm tra hướng đi của tàu, đôn đốc các thuyền phó trực ca thực hiện nghiêm chỉnh hướng chạy tàu. Khẩn trương có mặt ở buồng lái khi thuyền phó trực ca yêu cầu. Có mặt thường xuyên ở buồng lái để dẫn tàu an toàn và xử lý các tình huống xấu có thể xẩy ra khi tàu hành trình trong luồng hẹp, eo biển, kênh đào, gần bờ; khi tàu ra vào cảng, hành trình trong khu vực nguy hiểm; khi thời tiết xấu, tầm nhìn xa bị hạn chế hoặc khi qua những khu vực có mật độ tàu thuyền nhiều.

6. Ðiều hành hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và bảo quản sản phẩm thuỷ sản. Ðối với tàu khai thác thuỷ sản, phải theo dõi sản lượng, chất lượng từng mẻ lưới. Dựa vào thiết bị máy dò cá, khả năng tư duy và kinh nghiệm bản thân để quyết định khu vực khai thác, phương án khai thác và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của chủ tàu.

7. Báo cáo chủ tàu sau mỗi chuyến biển về kết quả thực hiện nhiệm vụ như: sản lượng khai thác, chất lượng sản phẩm; tình hình hoạt động của thiết bị máy móc, ngư lưới cụ; tình hình ngư trường và thuyền viên của tàu.

8. Khi tàu gặp bão tố tai nạn, phải tìm mọi biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để cứu người và tàu; giải quyết khắc phục hậu quả kịp thời nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do tai nạn gây ra và điện báo chủ tàu xin ý kiến chỉ đạo giải quyết sự cố. Ðồng thời, nhanh chóng lập hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật, để làm cơ sở cho việc giải quyết sự cố.

9. Trong suốt quá trình đi biển, phải đảm bảo thông tin liên lạc theo quy định của chủ tàu và phân công người ghi nhật ký hàng hải, nhật ký đánh cá đầy đủ theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

10. Cùng với các trưởng ngành và cán bộ kỹ thuật, tổ chức khảo sát lập kế hoạch sửa chữa tàu, các trang thiết bị trên tàu; tổ chức nghiệm thu kỹ thuật và nhận bàn giao sau khi sửa chữa. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ sửa chữa, đảm bảo an toàn thiết bị và người lao động trong quá trình sửa chữa tàu.

11. Trực ca hàng hải thay Thuyền phó ba hoặc Thuyền phó hai khi tàu không bố trí Thuyền phó ba hoặc Thuyền phó hai.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm vững nhiệm vụ và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của tàu.

2. Nắm vững quy trình công nghệ khai thác thuỷ sản đang áp dụng và tiếp thu được quy trình công nghệ khai thác thuỷ sản trên những tàu khác của doanh nghiệp.

3. Nắm vững phương pháp, kỹ thuật sơ chế và bảo quản thuỷ sản trên tàu đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Nắm bắt kịp thời những thông tin dự báo về nguồn lợi và ngư trường của Ngành có liên quan đến nhiệm vụ của mình.

5. Nắm được những quy định của cấp có thẩm quyền về an ninh quốc phòng trên biển liên quan đến hoạt động của tàu và thuyền viên.

6. Biết tổ chức, quản lý thuyền viên và nắm được các chế độ chính sách về lao động đối với thuyền viên trên tàu mình phụ trách.

Yêu cầu trình độ:

Ðã đảm nhiệm và hoàn thành chức danh Thuyền phó nhất trong thời gian không ít hơn 36 tháng của hạng tàu tương đương.Ngoài ra tuỳ theo loại tàu, Thuyền trưởng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ðối với Thuyền trưởng tàu thuỷ sản có công suất máy nhỏ hơn 200 CV, phải:

a. Tốt nghiệp công nhân kỹ thuật nghề khai thác thuỷ sản.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

c. Ðã được bồi dưỡng cấp bằng Thuyền trưởng theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

2. Ðối với Thuyền trưởng tàu thuỷ sản có công suất máy từ 200 CV đến dưới 800 CV, phải:

a. Tốt nghiệp Trung học kỹ thuật thuỷ sản ngành khai thác thuỷ sản.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

c. Ðã được bồi dưỡng cấp bằng Thuyền trưởng theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

3. Ðối với Thuyền trưởng tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

a. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng thuỷ sản ngành khai thác thuỷ sản.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ C.

c. Ðã được cấp bằng Thuyền trưởng theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

5.2 Thuyền phó nhất

Chức trách:

1. Thuyền phó nhất là sĩ quan trực ca hàng hải, kế cận Thuyền trưởng và chịu sự lãnh đạo của Thuyền trưởng, trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác tàu, phục vụ đời sống, sinh hoạt, trật tự kỷ luật trên tàu. Nếu Thuyền trưởng vắng mặt và ủy quyền, Thuyền phó nhất được thay mặt Thuyền trưởng phụ trách công việc chung của tàu.

2. Thuyền phó nhất giúp Thuyền trưởng chỉ đạo công việc của các thuyền phó khác (nếu có) khi tàu không hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và vận chuyển thuỷ sản. Thuyền phó nhất trực tiếp lãnh đạo bộ phận boong, bộ phận y tế trên tàu.

3. Thừa lệnh Thuyền trưởng, Thuyền phó nhất có quyền ban hành các mệnh lệnh liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của thuyền viên.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Giúp Thuyền trưởng điều hành tàu trong các hoạt động khai thác, thu mua, chế biến vận chuyển thuỷ sản và sửa chữa, bảo quản tàu theo đúng quy định của quy trình kỹ thuật công nghệ, đảm bảo năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Tổ chức thực hiện đúng quy trình, quy phạm vận hành kỹ thuật và bảo quản vỏ tàu, boong tàu, thượng tầng và buồng ở, phòng làm việc, kho tàng, các hệ thống máy móc, thiết bị trên boong tàu như: hệ thống hầm hàng, neo, bánh lái, tời, cần cẩu, dây buộc tàu, ngư lưới cụ, hệ thống phòng chống cháy, nổ, hệ thống đo nước, thông gió, dụng cụ chống thủng và các phương tiện cứu sinh.

3. Lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch dự trù vật tư, nguyên liệu, ngư lưới cụ và trực tiếp quản lý sử dụng vật tư của bộ phận boong.

4. Lập báo cáo hạch toán chuyến biển.

5. Phụ trách công tác an toàn vệ sinh lao động của tàu.

6. Chịu trách nhiệm về nhân sự và quản lý lao động của tàu.

7. Kiểm tra, đôn đốc việc bốc xếp, bảo quản sản phẩm thuỷ sản và hàng hoá khác của tàu, tránh hư hỏng hoặc giảm chất lượng sản phẩm thuỷ sản và hàng hoá.

8. Tham gia với Thuyền trưởng lập kế hoạch và kiểm tra nghiệm thu việc sửa chữa các trang thiết bị trên boong.

9. Kiểm tra, đôn đốc việc ghi nhật ký của các bộ phận, bảo quản sử dụng nhật ký, hải đồ và các loại giầy tờ cần thiN 71;t khác của tàu.

10. Thường xuyên phải kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị, phương tiện, dụng cụ máy móc ...; định kỳ tổ chức kiểm tra các phương tiện cứu sinh, cứu hoả, cứu thủng tàu, vỏ tàu, các trang thiết bị trên boong và báo cáo cho Thuyền trưởng biết để kịp thời có biện pháp khắc phục.

11. Kiểm tra nước la canh, các két ba lát, két nước ngọt, điều chỉnh để đảm bảo cho tàu luôn ở trạng thái cân bằng.

12. Thuyền phó nhất trực ca từ 04 đến 08 giờ và từ 16 đến 20 giờ trong ngày. Khi điều động tàu ra vào cảng hoặc hành trình trên luồng hẹp, đến các khu vực neo đậu thì Thuyền phó nhất phải có mặt ở phía mũi tàu để chỉ huy thực hiện lệnh của Thuyền trưởng.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được nhiệm vụ và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của tàu.

2. Nắm vững quy trình công nghệ khai thác, bảo quản thuỷ sản trên tàu.

3. Nắm được những quy trình, quy phạm an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy, nổ có liên quan đến nhiệm vụ công tác của thuyền viên ở trên tàu.

4. Biết tổ chức quản lý thuyền viên. Nắm vững nội quy, kỷ luật lao động đối với thuyền viên do chủ tàu quy định.

5. Biết phương pháp thống kê và hạch toán kinh tế chuyến biển.

6. Nắm được phương pháp sơ cấp cứu tai nạn và sử dụng những loại thuốc chữa bệnh thông thường trên tàu.

Yêu cầu trình độ:

Ðã đảm nhiệm và hoàn thành chức danh Thuyền phó hai trong thời gian không ít hơn 24 tháng của hạng tàu tương đương. Không quy định yêu cầu này đối với Thuyền phó nhất của tàu thuỷ sản công suất máy nhỏ hơn 200 CV. Ngoài ra tuỳ theo loại tàu, Thuyền phó nhất phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ðối với Thuyền phó nhất tàu thuỷ sản có công suất máy nhỏ hơn 200 CV, phải:

a. Có thời gian nghiệp vụ thuỷ thủ không ít hơn 24 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Thuyền phó nhất của hạng tàu tương đương

b. Tốt nghiệp công nhân kỹ thuật thuỷ sản nghề khai thác thuỷ sản.

c. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

d. Ðã được cấp chứng chỉ Thuyền phó nhất theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

2. Ðối với Thuyền phó nhất tàu thuỷ sản có công suất máy từ 200 CV đến dưới 800 CV, phải:

a. Tốt nghiệp Trung học kỹ thuật thuỷ sản ngành khai thác thuỷ sản.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

c. Ðã được cấp chứng chỉ Thuyền phó nhất theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

3. Ðối với Thuyền phó nhất tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

a. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng thuỷ sản ngành khai thác thuỷ sản.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

c. Ðã được cấp chứng chỉ Thuyền phó nhất theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

5.2 Thuyền phó hai

Chức trách:

Thuyền phó hai là sĩ quan trực ca hàng hải, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thuyền trưởng khi tàu hành trình khai thác, thu mua, chế biến, vận chuyển thuỷ sản và của Thuyền phó nhất khi tàu không hành trình, khai thác, thu mua, chế biến, vận chuyển thuỷ sản. Thuyền phó hai được thay thế Thuyền phó nhất khi Thuyền phó nhất vắng mặt.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Giúp Thuyền trưởng điều hành tàu hoạt động khai thác, thu mua, chế biến, bảo quản và vận chuyển thuỷ sản trong ca trực của mình.

2. Lập sơ đồ bốc xếp sản phẩm thủy sản và hàng hoá báo cáo để Thuyền trưởng duyệt.

3. Chịu trách nhiệm giao nhận, bảo quản, bốc xếp đảm bảo chất lượng sản phẩm thuỷ sản, hàng hoá và ổn định tàu.

4. Giúp Thuyền trưởng phụ trách công việc khai thác, bảo quản, chế biến thuỷ sản trên tàu đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thức phẩm.

5. Giám sát việc đóng mở hầm hàng đảm bảo an toàn.

6. Trực tiếp quản lý đời sống thuyền viên, dự trù lương thực, thực phẩm, nước ngọt và các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống thuyền viên. Trực tiếp chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng và quản lý trang thiết bị nhà bếp. Thanh toán lương cho thuyền viên.

7. Ðảm nhiệm công việc thuộc trách nhiệm của Thuyền phó ba, nếu tàu không bố trí Thuyền phó ba trừ nhiệm vụ trực ca do Thuyền trưởng đảm nhiệm.

8. Thuyền phó hai trực ca từ 0 đến 04 giờ và từ 12 đến 16 giờ trong ngày. Khi điều động tàu ra, vào cảng, Thuyền phó hai phải có mặt ở phía lái tàu để chỉ huy thực hiện lệnh của Thuyền trưởng.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm vững quy trình công nghệ khai thác, chế biến, bảo quản thuỷ sản trên tàu và những yếu tố ảnh hưởng làm giảm chất lượng sản phẩm để có biện pháp phòng tránh.

2. Nắm vững tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm có liên quan đến nhiệm vụ của mình và của tàu.

3. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

Yêu cầu trình độ:

Tuỳ theo loại tàu, Thuyền phó hai phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ðối với Thuyền phó hai tàu thuỷ sản có công suất máy từ 200 CV đến dưới 800 CV, phải:

a. Có thời gian nghiệp vụ thuỷ thủ không ít hơn 24 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Thuyền phó hai.

b. Tốt nghiệp Trung học kỹ thuật thuỷ sản ngành khai thác thuỷ sản.

c. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

d. Ðã được cấp chứng chỉ Thuyền phó hai theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

2. Ðối với Thuyền phó hai tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

a. Ðã đảm nhiệm và hoàn thành chức danh Thuyền phó ba trong thời gian không ít hơn 24 tháng.

b. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng thuỷ sản ngành khai thác thuỷ sản.

c. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

d. Ðã được cấp chứng chỉ Thuyền phó hai theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

5.4 Thuyền phó ba

Chức trách:

Thuyền phó ba là sĩ quan trực ca hàng hải, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thuyền trưởng khi tàu hành trình khai thác, thu mua, chế biến, vận chuyển thuỷ sản và của Thuyền phó nhất khi tàu không hành trình, khai thác, thu mua, chế biến, vận chuyển thuỷ sản. Thuyền phó ba được thay thế Thuyền phó hai khi Thuyền phó hai vắng mặt.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Giúp Thuyền trưởng điều hành tàu khai thác, thu mua, chế biến và vận chuyển thuỷ sản trong ca trực của mình.

2. Trực tiếp phụ trách và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện cứu sinh như: xuồng cứu sinh, phao tự thổi, phao tròn, áo phao cá nhân ... ; đảm bảo các dụng cụ, thiết bị này luôn ở trạng thái sẵn sàng sử dụng an toàn, thuận lợi khi có tình huống khẩn cấp xẩy ra.

3. Trực tiếp phụ trách và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị hàng hải, hải đồ và các tài liệu hàng hải.

4. Quản lý buồng lái, buồng hải đồ, nhật ký hàng hải, bảo quản và tu chỉnh hải đồ chuẩn bị cho chuyến đi biển. Kiểm tra đèn hành trình, máy móc thiết bị và dụng cụ hàng hải thuộc phạm vi mình phụ trách.

5. Phụ trách công tác phòng chống cháy, nổ trên tàu; quản lý tốt các dụng cụ, trang bị phòng chống cháy, nổ đảm bảo các trang thiết bị đó luôn ở vị trí quy định để sẵn sàng chữa cháy, nổ. Giám sát, đôn đốc thuyền viên chấp hành nghiêm nội quy quy định phòng chống cháy, nổ.

6. Bảo quản và duy trì sự hoạt động của đồng hồ tàu, thời kế, lấy nhật sai thời kế hàng ngày và ghi nhật sai thời kế.

7. Bảo quản, kiểm tra sai số và chỉnh lý các dụng cụ thiết bị hàng hải trên tàu. Trực tiếp khởi động và tắt la bàn con quay theo lệnh của Thuyền trưởng.

8. Trực tiếp làm nhiệm vụ đăng ký tàu và thuyền viên; lưu giữ và bảo quản hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc đăng ký tàu và thuyền viên.

9. Thuyền phó ba trực ca từ 8 đến 12 giờ và từ 20 đến 24 giờ trong ngày. Khi điều động tàu ra vào cảng, Thuyền phó ba phải có mặt ở buồng lái để thực hiện lệnh của Thuyền trưởng trong việc điều khiển tay chuông, ghi chép nhật ký điều động, xác định vị trí tàu và các nghiệp vụ hàng hải khác.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được quy trình công nghệ khai thác, chế biến bảo quản thuỷ sản trên tàu.

2. Nắm được tính năng, tác dụng và cách sử dụng các phương tiện, dụng cụ cứu sinh trên tàu.

3. Nắm vững quy phạm và kỹ thuật phòng chống cháy, nổ. Hiểu biết nguyên lý làm việc, tính năng tác dụng và cách sử dụng các trang thiết bị phòng chống cháy, nổ trên tàu.

4. Nắm được nguyên lý làm việc và phương pháp điều chỉnh, bảo quản các dụng cụ, thiết bị hàng hải.

5. Nắm được cách tu chỉnh hải đồ và các tài liệu hướng dẫn hàng hải khác.

6. Nắm được kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của tàu.

Yêu cầu trình độ:

Ðối với Thuyền phó ba tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

1. Có thời gian nghiệp vụ thuỷ thủ không ít hơn 24 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Thuyền phó ba.

2. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng thuỷ sản ngành khai thác thuỷ sản.

3. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

4. Ðã được cấp chứng chỉ Thuyền phó ba theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

5.5 Máy trưởng

Chức danh:

1. Máy trưởng chịu sự lãnh đạo của Thuyền trưởng và chịu trách nhiệm trước Thuyền trưởng về kỹ thuật của toàn bộ hệ thống động lực của tàu. Trực tiếp lãnh đạo bộ phận máy, điện và lạnh ở trên tàu.

2. Máy trưởng thực hiện chức năng tổ chức, quản lý khai thác hệ thống động lực và các thiết bị động lực của tàu.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Tổ chức khai thác an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao đối với máy móc, thiết bị như: máy chính, máy phụ, nồi hơi, máy làm lạnh, các hệ thống và thiết bị động lực khác theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành.

2. Chịu trách nhiệm về an toàn kỹ thuật trong việc sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc và hệ thống thiết bị do các bộ phận khác quản lý như: máy neo, phần cơ của máy lái, máy cẩu làm hàng, hệ thống tời, hệ thống đường ống, hệ thống thông gió, hệ thống các máy khai thác cá ... ; hướng dẫn thuyền viên của các bộ phận này thực hiện vận hành đúng quy trình quy phạm hiện hành.

3. Tổ chức hợp lý về chế độ làm việc, trực ca, nghỉ ngơi cho thuyền viên thuộc bộ phận máy, điện và lạnh.

4. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy trình, quy phạm về an toàn kỹ thuật và an toàn vệ sinh lao động thuộc bộ phận mình phụ trách.

5. Thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện nội quy phòng chống cháy, nổ ở buồng máy, trạm phát điện, xưởng, kho tàng, phòng làm việc, buồng ở và các khu vực khác do bộ phận máy, điện và lạnh quản lý.

6. Hàng ngày kiểm tra việc ghi chép nhật ký máy, nhật ký dầu và các sổ theo dõi hoạt động của máy móc, thiết bị của tàu do bộ phận máy, điện và lạnh quản lý.

7. Tổ chức cho thuyền viên bộ phận máy, điện và lạnh kịp thời khắc phục sự cố và hư hỏng của máy móc, thiết bị. Duy trì đúng chế độ bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, đột xuất và định kỳ đối với máy móc, thiết bị.

8. Lập nội dung sửa chữa các máy móc, thiết bị thuộc bộ phận mình phụ trách và tiến hành kiểm tra, nghiệm thu sửa chữa.

9. Duyệt dự toán cung cấp và theo dõi việc sử dụng, bảo quản vật tư kỹ thuật, nhiên liệu ... do các sĩ quan máy, điện và lạnh đề xuất.

10. Trực tiếp điều khiển máy khi điều động tàu ra vào cảng, qua eo biển, luồng hẹp, khu vực nguy hiểm, tầm nhìn xa bị hạn chế ... ; chỉ rời vị trí điều khiển khi được phép của Thuyền trưởng và giao cho Máy nhất thay thế mình điều khiển máy.

11. Phải thực hiện kịp thời, chính xác mệnh lệnh điều động tàu của Thuyền trưởng. Nếu vì lý do nào đó không thể thực hiện được, phải báo cáo Thuyền trưởng và chấp hành quyết định cuối cùng của Thuyền trưởng, đồng thời phải ghi vào nhật ký máy.

12. Kiểm tra việc chuẩn bị cho chuyến đi của bộ phận máy, điện và lạnh.

13. Quản lý hồ sơ, lý lịch của hệ thống động lực, các hệ thống đường ống, các thiết bị máy khai thác của tàu.

14. Lập báo cáo cho chủ tàu về tình trạng máy móc, thiết bị của tàu theo đúng chế độ quy định.

15. Trên tàu không bố trí Máy ba, thì ca trực của Máy ba do Máy trưởng đảm nhiệm. Trên tàu không bố trí Máy hai và Máy ba, thì ca trực của Máy hai, Máy ba do Máy trưởng và Máy nhất đảm nhiệm.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của tàu.

2. Nắm được quy trình, quy phạm sử dụng vận hành, bảo quản, sửa chữa máy móc thiết bị thuộc trách nhiệm mình phụ trách.

3. Nắm được quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, an toàn máy móc thiết bị thuộc trách nhiệm mình phụ trách.

4. Am hiểu quy trình khai thác, bảo quản thuỷ sản và những yếu tố tác động của thiết bị, máy móc đến quá trình khai thác, bảo quản.

5. Biết tổ chức, quản lý thuyền viên thuộc phạm vi mình phụ trách.

Yêu cầu trình độ:

Ðã đảm nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ chức danh Máy nhất trong thời gian không ít hơn 36 tháng của hạng tàu tương đương. Không quy định yêu cầu này đối với Máy trưởng của tàu thuỷ sản công suất máy nhỏ hơn 90. Ngoài ra tuỳ theo loại tàu, Máy trưởng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ðối với Máy trưởng tàu thuỷ sản có công suất máy nhỏ hơn 90 CV, phải:

a. Có thời gian nghiệp vụ thợ máy không ít hơn 18 tháng.

b. Tốt nghiệp công nhân kỹ thuật nghề vận hành máy tàu thuỷ.

c. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

d. Ðã được cấp chứng chỉ Máy trưởng theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

2. Ðối với Máy trưởng tàu thuỷ sản có công suất máy từ 90 CV đến dưới 200 CV, phải:

a. Tốt nghiệp công nhân kỹ thuật nghề vận hành máy tàu thuỷ.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

c. Ðã được cấp bằng Máy trưởng theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

3. Ðối với Máy trưởng tàu thuỷ sản có công suất máy từ 200 CV đến dưới 800 CV, phải:

a. Tốt nghiệp Trung học kỹ thuật thuỷ sản ngành máy tàu thuỷ.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

c. Ðã được cấp bằng Máy trưởng theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

4. Ðối với Máy trưởng tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

a. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng ngành máy tàu thuỷ.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ C.

c. Ðã được cấp bằng Máy trưởng theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

5.6 Máy nhất

Chức trách:

1. Máy nhất là sĩ quan trực ca máy và là người kế cận Máy trưởng, chịu sự chỉ huy trực tiếp của Máy trưởng. Khi cần thiết và được sự chấp thuận của Thuyền trưởng Máy nhất được thay thế Máy trưởng.

2. Máy nhất có trách nhiệm đảm bảo tình trạng kỹ thuật và hoạt động bình thường của các máy móc thiết bị thuộc mình phụ trách và thay thế khai thác kỹ thuật các thiết bị làm lạnh, thiết bị điện khi tàu không bố trí chức danh Lạnh trưởng và Ðiện trưởng.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Máy nhất phụ trách máy chính, hệ thống trục chân vịt (bao gồm cả bộ ly hợp, bộ giảm tốc), máy nén khí, hệ thống nén khí, buồng máy tiện, trang bị cứu hoả và chống thủng như: bơm nước cứu hỏa, hệ thống cứu hoả ở buồng máy, hệ thống dầu nhờn và các trang thiết bị phục vụ nó, hệ thống lái và cơ cấu truyền động của nó.

2. Khai thác công suất của máy móc, thiết bị đạt hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo các máy móc hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình, quy phạm hiện hành. Tổ chức bảo dưỡng định kỳ và sửa chữa những hư hỏng đột xuất đối với máy móc, thiết bị do mình phụ trách.

3. Lập và trình Máy trưởng nội dung sửa chữa, bảo quản, dự trù vật tư, phụ tùng thay thế cho máy chính và các máy móc thiết bị thuộc mình quản lý. Tổ chức triển khai việc sửa chữa theo kế hoạch đã được phê duyệt.

4. Tính toán dự trù nguyên, nhiên vật liệu theo kế hoạch sản xuất của tàu.

5. Theo dõi, ghi chép các thông số kỹ thuật, các hạng mục đã được sửa chữa, bảo dưỡng. Quản lý các loại hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và nhật ký máy các loại.

6. Ðối với loại tàu không bố trí chức danh Lạnh trưởng, thì Máy nhất chịu trách nhiệm đảm bảo khai thác kỹ thuật các thiết bị làm lạnh, hệ thống điều hoà không khí.

7. Ðối với loại tàu không bố trí chức danh Ðiện trưởng và thợ điện, thì mọi nhiệm vụ về phần điện của tàu do Máy nhất đảm nhiệm.

8. Máy nhất trực ca từ 04 đến 08 giờ và từ 16 đến 20 giờ trong ngày.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của tàu.

2. Nắm vững quy trình, quy phạm sử dụng vận hành, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, an toàn thiết bị, máy móc; an toàn vệ sinh lao động thuộc phạm vi mình phụ trách.

3. Biết tổ chức, quản lý thuyền viên thuộc phạm vi mình phụ trách.

Yêu cầu trình độ:

Ðã đảm nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ chức danh Máy hai trong thời gian không ít hơn 24 tháng của hạng tàu tương đương. Không quy định yêu cầu này đối với Máy nhất của tàu thuỷ sản công suất máy nhỏ hơn 200 CV. Ngoài ra tuỳ theo loại tàu, Máy nhất phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ðối với Máy nhất tàu thuỷ sản có công suất máy từ 90 CV đến dưới 200 CV, phải:

a. Có thời gian nghiệp vụ thợ máy không ít hơn 24 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Máy nhất.

b. Tốt nghiệp công nhân kỹ thuật nghề vận hành máy tàu thủy.

c. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

d. Ðã được cấp chứng chỉ Máy nhất theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

2. Ðối với Máy nhất tàu thuỷ sản có công suất máy từ 200 CV đến dưới 800 CV, phải:

a. Tốt nghiệp Trung học kỹ thuật ngành máy tàu thuỷ.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

c. Ðã được cấp chứng chỉ Máy nhất theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

3. Ðối với Máy nhất tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

a. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng ngành máy tàu thủy.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

c. Ðã được cấp chứng chỉ Máy nhất theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

5.7 Máy hai

Chức trách:

1. Máy hai là sĩ quan trực ca máy, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Máy trưởng và khi cần thiết, Máy hai thay thế Máy nhất.

2. Máy hai có trách nhiệm khai thác công suất máy móc, thiết bị do mình phụ trách đạt hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, chế độ hoạt động của máy móc, thiết bị

theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Trực tiếp quản lý và khai thác cụm máy phát điện, nồi hơi và các thiết bị của nó; máy nén gió, hệ thống áp lực và các trang thiết bị của nó; máy lọc dầu đốt, bơm dầu đốt, thiết bị hâm nóng nhiên liệu.

2. Tổ chức tiếp nhận, bảo quản, phân phối, điều chỉnh nguyên, nhiên liệu cho tàu.

3. Quản lý máy hàn điện, hàn hơi và các phụ tùng của nó.

4. Lập nội dung sửa chữa, bảo quản, lập dự trù vật tư kỹ thuật, tổ chức triển khai việc sửa chữa, bảo quản máy móc thiết bị thuộc phạm vi mình quản lý theo đúng nội dung được duyệt.

5. Ðối với loại tàu không bố trí Máy ba, thì nhiệm vụ của Máy ba do Máy hai đảm nhiệm trừ nhiệm vụ trực ca do Máy trưởng đảm nhiệm.

6. Máy hai trực ca từ 0 đến 04 giờ và từ 12 đến 16 giờ trong ngày.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được quy trình, quy phạm sử dụng vận hành, bảo quản, sửa chữa, an toàn thiết bị, máy móc và an toàn vệ sinh lao động thuộc phạm vi mình phụ trách.

2. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

Yêu cầu trình độ:

Tuỳ theo loại tàu, Máy hai phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ðối với Máy hai tàu thuỷ sản có công suất máy từ 200 CV đến dưới 800 CV, phải:

a. Có thời gian nghiệp vụ thợ máy không ít hơn 24 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Máy hai.

b. Tốt nghiệp Trung học kỹ thuật ngành máy tàu thuỷ.

c. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

d. Ðã được cấp chứng chỉ Máy hai theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

2. Ðối với Máy hai tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

a. Ðã đảm nhiệm và hoàn thành chức danh Máy ba trong thời gian không ít hơn 24 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Máy hai của hạng tàu tượng đương.

b. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng ngành máy tàu thủy.

c. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

d. Ðã được cấp chứng chỉ Máy hai theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

5.8 Máy ba

Chức trách:

1. Máy ba là sĩ quan trực ca máy, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Máy trưởng và khi cần thiết có thể thay thế Máy hai.

2. Máy ba có trách nhiệm khai thác công suất máy móc thiết bị do mình phụ trách đạt hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, chế độ hoạt động của máy móc, thiết bị

theo đúng quy trình, quy phạm.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Trực tiếp quản lý và khai thác hệ thống đường ống, hệ thống balát, bơm la canh, bơm thoát nước và các thiết bị phục vụ cho các hệ thống đó; hệ thống ống thông gió buồng máy; hệ thống nước sinh hoạt và vệ sinh; máy xuồng cứu sinh; hệ thống cần cẩu, máy cẩu, băng chuyền cá, tời kéo lưới, tời neo và các máy móc thiết bị buồng chế biến.

2. Lập nội dung sửa chữa, bảo quản, lập dự trù vật tư kỹ thuật, tổ chức triển khai việc sửa chữa, bảo quản máy móc thiết bị thuộc phạm vi mình quản lý theo đúng nội dung đã được duyệt.

3. Chịu trách nhiệm chính về vệ sinh buồng máy.

4. Máy ba trực ca từ 08 đến 12 giờ và từ 20 đến 24 giờ trong ngày.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được quy trình, quy phạm sử dụng vận hành, bảo quản, sửa chữa, an toàn thiết bị, máy móc và an toàn vệ sinh lao động thuộc phạm vi mình phụ trách.

2. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

Yêu cầu trình độ:

Ðối với Máy ba tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800CV trở lên, phải:

1. Có thời gian nghiệp vụ thợ máy không ít hơn 24 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Máy ba.

2. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng ngành máy tàu thuỷ.

3. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

4. Ðã được cấp chứng chỉ Máy ba theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

5.9 Ðiện trưởng

Chức trách:

Ðiện trưởng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Máy trưởng và đảm bảo tình trạng kỹ thuật, chế độ làm việc bình thường của máy móc thiết bị điện trên tàu.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Trực tiếp quản lý và khai thác theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành đối với tất cả hệ thống và trang thiết bị điện trên tàu như: máy phát điện, hệ thống tự động điều khiển từ xa, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ, hệ thống tín hiệu, nguồn điện cho các máy móc và các thiết bị khác với hiệu quả kinh tế cao.

2. Phụ trách và điều hành công việc của các thợ điện.

3. Lập nội dung sửa chữa, bảo quản, lập dự trù và quản lý sử dụng vật tư kỹ thuật điện, tổ chức triển khai sửa chữa hệ thống máy móc thiết bị điện theo đúng nội dung đã được duyệt.

4. Quản lý các hồ sơ tài liệu kỹ thuật về phần điện của tàu, theo dõi ghi nhật ký về phần điện.

5. Ðối với loại tàu chỉ bố trí chức danh Ðiện trưởng, thì mọi nhiệm vụ về phần điện của tàu do Ðiện trưởng đảm nhiệm.

6. Ðiện trưởng trực ca theo chế độ hoạt động của máy móc thiết bị điện trên tàu.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được quy trình, quy phạm vận hành, bảo quản, sửa chữa, an toàn máy móc thiết bị điện trên tàu.

2. Nắm vững quy phạm an toàn điện có liên quan đến nhiệm vụ của tàu.

3. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

4. Biết tổ chức quản lý thuyền viên thuộc phạm vi mình phụ trách.

Yêu cầu trình độ:

Phải có thời gian nghiệp vụ thợ điện tàu thuỷ không ít hơn 36 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Ðiện trưởng của hạng tàu tương đương. Ngoài ra tuỳ theo loại tàu, Ðiện trưởng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Ðối với Ðiện trưởng tàu thuỷ sản có tổng công suất trạm phát từ 150 KW đến 600 KW, phải:

a. Tốt nghiệp Trung học ngành điện tàu thuỷ.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

c. Ðã được cấp chứng chỉ Ðiện trưởng theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

2. Ðối với Ðiện trưởng tàu thuỷ sản có tổng công suất trạm phát lớn hơn 600 KW, phải:

a. Tốt nghiệp Ðại học hoặc Cao đẳng ngành điện tàu thuỷ.

b. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

c. Ðã được cấp chứng chỉ Ðiện trưởng theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

5.10 Lạnh trưởng

Chức trách:

Lạnh trưởng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Máy trưởng và có trách nhiệm bảo đảm tình trạng kĩ thuật, chế độ làm việc bình thường của các máy, thiết bị làm lạnh, hệ thống điều hoà nhiệt độ trên tàu.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Trực tiếp quản lý và khai thác công suất máy lạnh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ðảm bảo tình trạng kỹ thuật, chế độ hoạt động của máy móc thiết bị làm lạnh, hệ thống làm mát bằng không khí và hệ thống điều hoà nhiệt độ trên tàu theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

2. Phụ trách và điều hành công việc của các thợ lạnh.

3. Lập nội dung sửa chữa, bảo quản, dự trù và quản lý sử dụng vật tư kỹ thuật lạnh, tổ chức triển khai sửa chữa hệ thống máy, thiết bị làm lạnh, điều hoà nhiệt độ trên tàu theo đúng nội dung đã được duyệt.

4. Quản lý các hồ sơ tài liệu kỹ thuật của hệ thống máy lạnh trên tàu, ghi nhật ký và kiểm tra việc ghi nhật ký trực ca của các thợ lạnh.

5. Lạnh trưởng trực ca từ 08 đến 12 giờ và từ 20 đến 24 giờ trong ngày.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được quy trình, quy phạm sử dụng, vận hành, bảo quản, sửa chữa, an toàn máy, thiết bị lạnh, điều hoà nhiệt độ trên tàu.

2. Nắm được quy trình bảo quản sản phẩm thuỷ sản bằng phương pháp làm lạnh, những yếu tố ảnh hưởng của hệ thống làm lạnh đến chất lượng sản phẩm và biện pháp khắc phục.

3. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

4. Biết tổ chức quản lý thuyền viên thuộc mình phụ trách.

Yêu cầu trình độ:

Ðối với Lạnh trưởng tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

1. Có thời gian nghiệp vụ thợ lạnh tàu thuỷ không ít hơn 36 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Lạnh trưởng.

2. Tốt nghiệp Trung học nghề vận hành và sửa chữa máy lạnh.

3. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

4. Ðã được cấp chứng chỉ Lạnh trưởng theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

5.11 Sĩ quan vô tuyến điện

Chức trách:

Sĩ quan vô tuyến điện chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thuyền trưởng và phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật, chế độ làm việc bình thường của các máy móc thiết bị vô tuyến điện trên tàu.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Hướng dẫn sử dụng, bảo quản và tổ chức khai thác, quản lý các máy móc vô tuyến điện hàng hải như: đo sâu, dò cá, la bàn điện, ra đa, vô tuyến điện tầm phương ... và các loại máy móc thông tin liên lạc trên tàu theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành.

2. Bảo đảm việc thông tin liên lạc thông suốt bằng vô tuyến điện theo đúng quy tắc thông tin hàng hải.

3. Theo dõi, ghi chép các loại nhật ký vô tuyến điện. Phụ trách điều hành công việc của các điện báo viên.

4. Khắc phục kịp thời những hư hỏng của hệ thống máy móc thiết bị vô tuyến điện trên tàu.

5. Duy trì đúng chế độ thu nhận bản tin dự báo thời tiết và thông báo hàng hải.

6. Lập và trình Thuyền trưởng nội dung sửa chữa, bảo quản đối với các máy móc, thiết bị vô tuyến điện và tổ chức thực hiện nội dung sửa chữa đã được phê duyệt.

7. Lập dự trù vật tư kỹ thuật cho hệ thống máy móc, thiết bị vô tuyến điện của tàu và chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng các vật tư kỹ thuật được cấp.

8. Sĩ quan vô tuyến điện trực ca theo chế độ hoạt động của hệ thống máy móc, thiết bị vô tuyến điện trên tàu.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được quy trình, quy phạm sử dụng, vận hành, bảo quản, sửa chữa và an toàn hệ thống máy móc, thiết bị vô tuyến điện trên tàu.

2. Nắm được quy tắc thông tin vô tuyến điện hàng hải.

3. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

4. Biết tổ chức, quản lý thuyền viên thuộc mình phụ trách.

Yêu cầu trình độ

Ðối với Sĩ quan vô tuyến điện tàu thuỷ sản có công suất máy từ 800 CV trở lên, phải:

1. Có thời gian nghiệp vụ thợ vô tuyến điện hàng hải không ít hơn 36 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Sĩ quan vô tuyến điện.

2. Tốt nghiệp Trung học ngành vô tuyến điện hàng hải.

3. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ B.

4. Ðã được cấp chứng chỉ sĩ quan vô tuyến điện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

5.12 Thuỷ thủ trưởng

Chức trách:

1. Thuỷ thủ trưởng chịu sự lãnh đạo của Thuyền phó nhất và sự phân công công tác của sĩ quan trực ca hàng hải.

2. Thuỷ thủ trưởng phụ trách và điều hành công việc của thuỷ thủ.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Trực tiếp quản lý điều hành thuỷ thủ thực hiện nhiệm vụ khai thác, thu mua, bảo quản và vận chuyển thuỷ sản theo chỉ đạo của Thuyền phó nhất và sĩ quan trực ca.

2. Kiểm tra và theo dõi việc bảo quản vỏ tàu, các loại dây, trang thiết bị của các hệ thống neo, cần cẩu, phương tiện cứu sinh, cứu hoả, cứu thủng, các kho để vật tư, dụng cụ và vật tư kỹ thuật của tàu do bộ phận boong quản lý.

3. Lập và trình Thuyền phó nhất kế hoạch làm việc hàng ngày của bộ phận boong và tổ chức thực hiện có hiệu quả các công việc đó.

4. Kiểm tra trật tự vệ sinh trên boong. Hướng dẫn thủy thủ thực hiện đúng yêu cầu quy định về an toàn lao động trên tàu.

5. Quản lý và sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật đối với các công cụ và thiết bị an toàn do bộ phận mình quản lý.

6. Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các phương tiện cứu sinh, cứu hoả, cứu thủng.

7. Theo dõi và kiểm tra hệ thống đường ống trên boong, lỗ đo nước la canh, hầm hàng, các van nước.

8. Ðóng mở hầm hàng, cửa sổ và các ống thông gió, các cửa kín nước và cố định neo. Tổ chức chằng buộc chắc chắn hàng hoá trên boong.

9. Sử dụng thành thạo máy tời, cần cẩu, ròng rọc ba lăng, ma ní, dây làm hàng, dây buộc tàu và các trang thiết bị khác trên boong.

10. Lập và trình Thuyền phó nhất bản dự trù vật tư kỹ thuật thuộc bộ phận boong quản lý và tổ chức sử dụng hợp lý các vật tư được cấp.

11. Có mặt ở phía mũi tàu để thực hiện nhiệm vụ khi tàu cập hoặc rời cầu, khi tàu đến gần khu vực neo đậu hoặc qua khu vực nguy hiểm.

12. Trực tiếp lái tàu trong tình hình thời tiết xấu và khu vực nguy hiểm.

13. Phân công đôn đốc thuỷ thủ trực ca hoàn thành tốt nhiệm vụ trực ca thuỷ thủ.

14. Ðối với loại tàu không định biên Lưới trưởng, thì nhiệm vụ của Lưới trưởng do Thuỷ th? trưởng đảm nhiệm.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được quy trình công nghệ khai thác, thu mua, bảo quản và vận chuyển thuỷ sản của tàu.

2. Nắm được quy phạm an toàn, vệ sinh lao động, an toàn thiết bị máy móc có liên quan đến nhiệm vụ của bộ phận thủy thủ.

3. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

4. Biết tổ chức quản lý thuyền viên thuộc phạm vi mình phụ trách.

Yêu cầu trình độ:

1. Thấp nhất phải là thuỷ thủ bậc 3/4 và có 3 tháng thực tập chức danh Thuỷ thủ trưởng của hạng tàu tương đương.

2. Tốt nghiệp công nhân kỹ thuật nghề khai thác thuỷ sản.

3. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

4. Ðược cấp chứng chỉ Thuỷ thủ trưởng theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

5.13 Lưới trưởng

Chức trách:

Lưới trưởng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thuyền trưởng và đảm bảo tình trạng kỹ thuật, chế độ làm việc bình thường của ngư lưới cụ trên tàu.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, ngư lưới cụ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi tàu đi biển khai thác thuỷ sản.

2. Chịu trách nhiệm về ngư lưới cụ và kỹ thuật thao tác đánh bắt.

3. Tổ chức hướng dẫn thuỷ thủ thi công sửa chữa và điều chỉnh ngư lưới cụ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

4. Lập kế hoạch dự trù và chịu trách nhiệm quản lý phụ tùng, vật tư ngư lưới cụ được cấp.

5. Ðặt hàng sửa chữa lưới, ván ... theo định kỳ, đột xuất và tham gia nghiệm thu cùng cán bộ kỹ thuật hàng hải khi sửa chữa xong.

6. Báo cáo định kỳ Thuyền trưởng về tiêu hao vật tư ngư lưới cụ thuộc phạm vi quản lý.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm được quy trình công nghệ khai thác thuỷ sản của tàu.

2. Nắm vững yêu cầu kỹ thuật ngư lưới cụ và thao tác đánh bắt thuỷ sản của tàu.

3. Nắm được quy phạm an toàn vệ sinh lao động có liên quan đến nhiệm vụ của mình.

4. Biết sử dụng và bảo quản hệ thống tời lưới.

5. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

Yêu cầu trình độ:

1. Thấp nhất phải là thuỷ thủ bậc 3/4 và có 3 tháng thực tập chức danh Lưới trưởng của hạng tàu tương đương.

2. Tốt nghiệp Trung học kỹ thuật ngành khai thác thuỷ sản.

3. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

4. Ðã được cấp chứng chỉ Lưới trưởng theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

5.14 Chế biến trưởng

Chức trách:

Chế biến trưởng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Thuyền phó hai, chịu trách nhiệm về kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm thuỷ sản trên tàu.

Nhiệm vụ cụ thể:

1. Hướng dẫn, giám sát về kỹ thuật xử lý bảo quản và chế biến thuỷ sản trên tàu theo chỉ đạo của Thuyền phó hai, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Theo dõi chỉ đạo tăng giảm nhiệt độ làm lạnh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo quản sản phẩm.

3. Ðề xuất trình Thuyền phó hai phương pháp bảo quản sản phẩm thuỷ sản thích hợp. Tổ chức hướng dẫn thuyền viên thực hiện bảo quản sản phẩm theo phương pháp đã được duyệt.

Yêu cầu hiểu biết:

1. Nắm vững các phương pháp bảo quản và gia công chế biến thuỷ sản trên tàu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Ngành.

2. Nắm vững các yếu tố tác động đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm của tàu và các biện pháp xử lý.

3. Nắm vững quy phạm an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm có liên quan đến nhiệm vụ của mình.

4. Nắm được kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và của tàu.

Yêu cầu trình độ:

1. Có thời gian nghiệp vụ chế biến thuỷ sản không ít hơn 36 tháng và có 3 tháng thực tập chức danh Chế biến trưởng của hạng tàu tương đương.

2. Tốt nghiệp Trung học kỹ thuật ngành chế biến thuỷ sản.

3. Biết ngoại ngữ Anh văn trình độ A.

4. Ðã được cấp chứng chỉ Chế biến trưởng theo quy định hiện hành của Bộ Thuỷ sản.

 

PHỤ LỤC A (tham khảo)

1. Bộ Luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 5/7/1994.

2. Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, ban hành ngày 12/7/1990.

3. Ðiều lệ chức trách nhiệm vụ thuyền viên trên tàu biển Việt Nam, ban hành ngày 5/2/1994 của Bộ Giao thông vận tải.

4. Ðiều lệ thi cấp bằng và đảm nhiệm chức danh thuyền viên trên tàu biển Việt Nam, ban hành ngày 29/6/1993 của Bộ Giao thông vận tải.

5. Chức trách nhiệm vụ thuyền viên trên tàu đánh cá của Xí nghiệp Liên hợp Thuỷ sản Hạ Long Hải Phòng (nay là Tổng công ty Thuỷ sản Hạ Long).

6. Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ về Quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.