Quyết định 1588/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 – 2015
Số hiệu: | 1588/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày ban hành: | 09/10/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 20/10/2009 | Số công báo: | Từ số 479 đến số 480 |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1588/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG CHUYỂN DÂN SÔNG ĐÀ, TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tại tờ trình số 1260/TTr-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2009 và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 7253/BKH-GS&TĐĐT ngày 22 tháng 9 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 – 2015 (gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi Đề án: Đề án thực hiện tại 36 xã, phường thuộc 5 huyện (Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi) và thành phố Hòa Bình, trong đó: 26 xã, phường nằm trong vùng hồ sông Đà; 10 xã ngoài vùng hồ sông Đà trực tiếp đón nhận và bố trí tái định cư hộ dân vùng hồ sông Đà.
2. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát: đến năm 2015 ổn định được nơi ở của nhân dân, không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; đời sống của người dân được bảo đảm và ngày càng nâng cao. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo hướng phát triển nông thôn mới. Nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của vùng hồ nhằm tăng khả năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình và bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2015 giải quyết cơ bản công tác bố trí, ổn định dân cư các xóm, bản tại các xã ven hồ, bao gồm: di dân, tái định cư tập trung từ 250 – 300 hộ; di dân xen ghép trong xã khoảng 1.000 hộ;
- Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp nhỏ và vừa; phát triển các dịch vụ trên cơ sở tăng cường năng lực cho nhân dân để khai thác lợi thế địa lý, tiềm năng về đất đai, sông hồ, tài nguyên phục vụ sản xuất hàng hóa. Phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ lên 20 – 25% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% trong lao động xã hội, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 40% trong nông thôn;
- Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ;
- Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội cho nhân dân vùng hồ ngang bằng với các khu vực khác trong tỉnh;
- Đầu tư phát triển rừng phòng hộ kết hợp với rừng kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của vùng hồ lên 60%.
3. Thời gian thực hiện Đề án là 7 năm, từ năm 2009 đến năm 2015.
4. Các hạng mục đầu tư chủ yếu
a) Bố trí ổn định dân cư:
- Xây dựng 3 điểm tái định cư tập trung trong các xã vùng hồ sông Đà với tổng diện tích 380 ha để bố trí từ 250 – 300 hộ với 1.500 nhân khẩu hiện đang sống ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thiếu đất sản xuất, thiếu nước và quá khó khăn về các điều kiện sản xuất khác;
- Hỗ trợ di dân khoảng 1.000 hộ với 5.000 nhân khẩu hiện đang sinh sống ở các xóm, bản trong các xã vùng hồ có mật độ dân số cao, thiếu đất sản xuất, thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo hình thức di dân trong nội bộ xã.
b) Đầu tư phát triển sản xuất: khai hoang ruộng bậc thang: 204 ha; trồng rừng phòng hộ kết hợp với trồng rừng kinh tế: 3.050 ha; xây dựng 1.210 mô hình sản xuất điểm; hỗ trợ phát triển sản xuất 1.300 hộ; hỗ trợ lãi suất tiền vay phát triển sản xuất: 5.000 hộ; đào tạo nghề: 10.000 người; tổ chức 50 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, công nghệ mới.
c) Củng cố xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng: xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông 55 công trình, gồm: đường, cầu, ngầm, bến thuyền; xây dựng và nâng cấp 11 công trình điện lưới, 17 trường học, 13 trạm y tế, 11 công trình thủy lợi, 14 công trình nước sinh hoạt, 09 công trình văn hóa, 04 trụ sở Ủy ban nhân dân xã.
5. Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn
a) Tổng vốn đầu tư thực hiện Đề án khoảng 898,597 tỷ đồng, bao gồm:
- Bố trí, ổn định dân cư: 43,330 tỷ đồng;
- Đầu tư phát triển sản xuất: 194,232 tỷ đồng;
- Xây dựng kết cấu hạ tầng: 626,830 tỷ đồng;
- Chi phí khác và dự phòng: 34,205 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 581,496 tỷ đồng;
- Ngân sách địa phương: 93,700 tỷ đồng;
- Lồng ghép các chương trình mục tiêu: 206,301 tỷ đồng;
- Huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp: 17,100 tỷ đồng.
6. Các giải pháp thực hiện Đề án
a) Về đất đai:
- Khai thác tối đa diện tích đất có khả năng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đưa vào sử dụng. Thu hồi đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả của các tổ chức, nông, lâm trường để giao cho hộ dân sản xuất;
- Quy hoạch sử dụng đất nương rẫy, khai hoang đất trống, đồi núi trọc để giao cho hộ dân trồng các loài cây có giá trị kinh tế và trồng rừng kinh tế.
b) Phát triển sản xuất:
- Thực hiện quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, bao gồm: xây dựng một số vùng chuyên canh sản xuất nguyên liệu (mía đường, chè, tre luồng, keo…); phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm (trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt và nuôi trồng thủy sản);
- Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hộ trong việc sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân vùng hồ;
- Xây dựng các mô hình sản xuất và nhân rộng trên địa bàn; chuyển giao cho hộ dân các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện cụ thể từng xã, bản;
- Phát triển cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa để chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
c) Huy động vốn và quản lý vốn đầu tư:
- Hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước để bố trí vốn thực hiện các mục tiêu cụ thể, trong đó ưu tiên bảo đảm vốn cho các dự án cấp bách, quan trọng, trực tiếp tạo điều kiện để ổn định đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội vùng hồ. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; đồng thời bố trí ngân sách địa phương để bảo đảm thực hiện các dự án đúng tiến độ. Nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào vùng hồ;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo việc quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm việc giải ngân vốn đầu tư dự án theo đúng tiến độ; thực hiện phân cấp đầu tư phù hợp với năng lực và trình độ quản lý của các ngành, các cấp và phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.
d) Phát triển nguồn nhân lực:
- Thực hiện tốt chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề đối với con em các dân tộc, đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ;
- Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ nhằm bổ sung lực lượng cán bộ còn thiếu trong vùng Đề án. Có chính sách thỏa đáng để thu hút nhân tài đến làm việc tại vùng Đề án, đặc biệt là cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề.
đ) Đáp ứng chính sách: các dự án đầu tư được áp dụng các chế độ chính sách theo Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ; áp dụng một số chính sách, cơ chế theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ để hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề và xuất khẩu lao động cho các đối tượng vùng Đề án.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình
a) Trên cơ sở chính sách được áp dụng quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 1 Quyết định này và các chính sách có liên quan, thực hiện xây dựng và ban hành chính sách cụ thể về đầu tư, hỗ trợ cho các đối tượng vùng Đề án.
b) Thực hiện việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện Đề án có hiệu quả. Căn cứ vào khả năng huy động vốn và tính cấp thiết của từng hạng mục đầu tư, lựa chọn thứ tự ưu tiên, chỉ đạo chủ đầu tư lập các dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành.
c) Thực hiện phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các dự án thành phần phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, vùng Đề án phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án thành phần.
d) Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện các dự án.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan cân đối nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch ngân sách hàng năm để bố trí cho tỉnh Hòa Bình thực hiện hạng mục đầu tư theo Quyết định này.
b) Các Bộ, ngành căn cứ vào các chương trình, dự án đã được giao, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành quản lý thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án có liên quan đến đầu tư tại vùng Đề án; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức, thực hiện các dự án có hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Quyết định 78/2008/QĐ-TTg về chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg Ban hành: 10/06/2008 | Cập nhật: 14/06/2008
Quyết định 193/2006/QĐ-TTg phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai,đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015 Ban hành: 24/08/2006 | Cập nhật: 06/09/2006