Quyết định 158/QĐ-TTg năm 2019 về kiện toàn Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Số hiệu: 158/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 01/02/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 24/02/2019 Số công báo: Từ số 219 đến số 220
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 158/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN BAN CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đeầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với thành phần gồm:

1. Trưởng ban: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng;

2. Phó Trưởng ban Thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng;

3. Các Ủy viên:

- Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương;

- Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

- Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính;

- Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương;

- Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

- Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Ông Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

3. Các Ủy viên mời:

- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam (hoặc đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam);

- Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Điều 2. Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Điều 3. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ:

1. Giúp Thủ tướng Chính phủ đề ra các định hướng, giải pháp lớn để thực hiện Chiến lược, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề quan trọng, liên ngành cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong từng giai đoạn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chiến lược và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các biện pháp xử lý thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp các Bộ, ngành xây dựng và hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược; tháo gỡ các vấn đề quan trọng, liên ngành để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

3. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch hành động phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Điều 4. Ban Chỉ đạo có quyền hạn:

1. Ban Chỉ đạo có quyền yêu cầu các Bộ, cơ quan, đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan để phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo; định kỳ và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan và kiến nghị giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung vượt quá thẩm quyền.

2. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo được quyền ký các văn bản chỉ đạo, sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đàu tư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo và Ủy viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản chỉ đạo, sử dụng con dấu của Bộ, cơ quan mình phụ trách.

Điều 5. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo:

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

Điều 6. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

2. Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 7. Quy chế và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo:

1. Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo được mời các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia các cuộc họp mở rộng khi cần thiết để tham khảo ý kiến về việc thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa.

2. Phó Trưởng Ban Thường trực, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định kiện toàn và quy định nhiệm vụ của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tổ Công tác được mời các chuyên gia trong và ngoài nước để tham khảo ý kiến khi cần thiết.

Điều 8. Kinh phí hoạt động:

Kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do ngân sách nhà nước bảo đảm, được tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 9. Chế độ thông tin, báo cáo:

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng, đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Điều 10. Quyết định này thay thế Quyết định số 1392/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Điều 11. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 12. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và các thành viên quy định tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

 

 

- Điều này được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 1083/QĐ-TTg năm 2020

Điều 1. Sưa đổi, bổ sung Điều 1, Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Quyết định số 158/QĐ-TTg), như sau:

“Điều 1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với thành phần gồm:

1. Trưởng ban: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng;

2. Phó Trưởng ban Thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng;

3. Các Ủy viên:

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương;

- Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

- Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính;

- Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương;

- Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

- Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

- Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

4. Ủy viên mời:

- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.”

Xem nội dung VB




Nghị định 138/2016/NĐ-CP Quy chế làm việc của Chính phủ Ban hành: 01/10/2016 | Cập nhật: 03/10/2016