Quyết định 1573/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020
Số hiệu: | 1573/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thái Bình | Người ký: | Phạm Văn Sinh |
Ngày ban hành: | 08/07/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, Môi trường, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1573/QĐ-UBND |
Thái Bình, ngày 08 tháng 07 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VÀ KHU VỰC VEN BIỂN TỈNH THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 16/7/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về phát triển kinh tế biển; Kết luận của Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 13/11/2012 về Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 138/TTr-SKHĐT ngày 25/6/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng ra biển và làm giàu từ biển. Tập trung phát triển kinh tế biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
- Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển. Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển mạnh mẽ và toàn diện các ngành kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng ven biển với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống người dân; bảo vệ môi trường sinh thái và củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn vùng biển.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát: Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực để phát triển mạnh mẽ và toàn diện các ngành kinh tế biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, theo hướng sản xuất hàng hóa. Xây dựng Khu kinh tế ven biển của tỉnh theo quy chế khu kinh tế ven biển Quốc gia, đưa vùng ven biển trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân vùng ven biển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường và tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn vùng biển.
b) Các chỉ tiêu cụ thể:
- Giá trị sản xuất trên địa bàn khu vực ven biển tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2015 đạt 11,3%/năm và 15,1%/năm giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đến năm 2015 khu vực ven biển đóng góp khoảng 25-26% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh (trong đó các ngành kinh tế biển đóng góp khoảng 15-18%) và đến năm 2020 đóng góp khoảng 27-29% (trong đó các ngành kinh tế biển 22-25%); giá trị sản xuất bình quân đầu người (tính theo giá giá hiện hành) năm 2015 đạt 72,1 triệu đồng, bằng 99,3 % bình quân của tỉnh, đến năm 2020 đạt 144,5 triệu đồng, bằng 108,9 % bình quân toàn tỉnh.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn khu vực ven biển tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2015 đạt 5,6%/năm và 5,2%/năm giai đoạn 2016-2020.
- Đến năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy hải sản mặn lợ đạt 6.992 ha (trong đó nuôi ngao 3.000 ha), bình quân giai đoạn 2014-2015 tăng 3,5%/năm; sản lượng thủy hải sản mặn lợ đạt 115.929 tấn, bình quân giai đoạn 2014-2015 tăng 21,9%/năm. Đến năm 2020, diện tích nuôi thủy hải sản mặn lợ đạt 8.218 ha, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 3,3%/năm; sản lượng thủy hải sản mặn lợ đạt 168.410 tấn, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 7,8%/năm.
- Đến năm 2015, cơ bản giữ nguyên số phương tiện khai thác, thay đổi cơ cấu đội tàu theo công suất, trong đó tàu có công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ chiếm 30%. Đến năm 2020, giữ vững số lượng tàu hiện có, trong đó tàu có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ chiếm 40%.
- Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn khu vực ven biển tăng trưởng bình quân 13,9 %/năm giai đoạn 2014-2015 và 21,6 %/năm giai đoạn 2016-2020. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng bình quân 11%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 40 triệu USD năm 2015 và 65 triệu USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 có 300 tàu biển với tổng tải trọng đạt trên 900.000 tấn; khối lượng vận tải biển tăng bình quân 10%/năm.
3. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2020
a) Quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất: Triển khai lập quy hoạch chung xây dựng vùng ven biển, xác định các khu vực và lộ trình quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư quai đê lấn biển theo hướng đổi đất lấy hạ tầng, lộ trình từng bước vững chắc để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân. Trước mắt quy hoạch và thu hút đầu tư triển khai một số dự án quai đê lấn biển tại khu vực cửa sông Diêm (gồm các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thái Thượng) huyện Thái Thụy; khu vực xã Đông Hoàng, Đông Long và khu vực cồn Vành huyện Tiền Hải để mở rộng quỹ đất khoảng 1.600 ha đưa vào khai thác cho các mục đích nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, đô thị và phục vụ an ninh quốc phòng ở khu vực ven biển.
b) Xây dựng Khu kinh tế ven biển, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp ra phía biển để đẩy mạnh phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững: Tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập và hỗ trợ đầu tư xây dựng, phát triển Khu kinh tế ven biển Thái Bình theo quy chế khu kinh tế ven biển Quốc gia để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ biển, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới. Chủ động phối hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm của Trung ương trên địa bàn để tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp khu vực ven biển (dự án xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình; dự án khai thác đưa khí từ biển vào phục vụ sản xuất công nghiệp; nhà máy sản xuất Amôn Nitrat; thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác thử nghiệm bể than Đồng bằng sông Hồng...); từng bước di dời các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong khu dân cư ra khu, cụm công nghiệp. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, khôi phục phát triển công nghiệp đóng tàu. Quy hoạch chi tiết mở rộng khu công nghiệp Tiền Hải lên 350 ha và rà soát quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp đã có trên địa bàn; từng bước quy hoạch một số khu công nghiệp ở khu vực bãi bồi ven biển để tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào khu vực ven biển; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao thuộc các ngành công nghiệp: Điện lực, đóng tàu, chế biến thủy hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, khai khoáng, sản xuất phân đạm, hóa chất và chế biến các sản phẩm từ khí mỏ... Chú trọng phát triển nghề và làng nghề tại các xã ven biển.
c) Tập trung phát triển mạnh và toàn diện kinh tế thủy sản; trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển: Khai thác, sử dụng có hiệu quả vùng bãi triều để đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản theo chiều sâu để cung cấp nguyên liệu sạch cho tiêu dùng và xuất khẩu. Khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sinh học vào nuôi trồng hải sản để đẩy mạnh nuôi bán thâm canh và thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo hướng phát triển bền vững. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi ngao vùng bãi triều theo quy hoạch đã được phê duyệt; chuyển một phần diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả sang ươm, nuôi ngao giống, ngao thịt và một số con nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn. Thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, trong đó xác định một số sản phẩm chủ lực (như: ngao, cua xanh, cá vược, tôm sú, tôm he chân trắng...) và nghiên cứu đưa vào nuôi một số giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm môi trường sinh thái của tỉnh.
Khuyến khích ngư dân phát triển các đội tàu khai thác tầm trung và xa bờ, hiện đại hóa tàu cá khai thác trên biển để mở rộng ngư trường và nâng cao hiệu quả khai thác, gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng trên biển. Hình thành một số mô hình sản xuất trên biển như: Trung đội dân quân biển, nghiệp đoàn nghề cá. đội tàu an toàn, các tổ, đội khai thác trên biển để hỗ trợ, hợp tác khi hoạt động trên biển. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý nghề cá và phối hợp phòng chống lụt bão. tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân khi tham gia sản xuất trên biển.
Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất giống, chế biến thức ăn thủy sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá khác, tiến tới chủ động nguồn giống trong tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch chế biến nông sản thực phẩm, thủy hải sản đến năm 2020, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa chế biến và vùng nguyên liệu.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình đến năm 2020 gắn với các chính sách xã hội như: Giao đất, giao rừng, giảm nghèo, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân ở khu vực ven biển làm nghề rừng tăng thu nhập và làm giàu.
d) Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại, du lịch, vận tải biển đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân ven biển: Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ nông thôn ở hai huyện ven biển. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại. phát triển thị trường tiêu thụ thủy hải sản. Tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù để đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái cồn Vành, cồn Đen theo quy hoạch đã được phê duyệt; khai thác hiệu quả lợi thế của Khu sinh thái rừng ngập mặn Thụy Trường và Khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái biển. Tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng đội tàu vận tải biển phát triển mạnh và bền vững để nâng cao năng lực vận tải biển cả về số lượng tàu, tải trọng tàu và hàng hóa vận chuyển.
đ) Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển: Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển, nhất là hệ thống giao thông. Tập trung đầu tư hoàn thành xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường và cầu quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển như: Đường 39B từ thị trấn Thanh Nê đến thị trấn Diêm Điền, đường Thái Bình - Hà Nam giai đoạn 2 từ nút giao với Quốc lộ 10 đến nút giao thông với đường bộ ven biển…..Tích cực đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn để sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để sớm đầu tư và hoàn thành các công trình của Trung ương quản lý như: Quốc lộ 39, Quốc lộ 37 và cầu Hồng Quỳnh…. Huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai đầu tư xây dựng công trình kè chắn cát, ổn định luồng vào cảng Diêm Điền cho tàu có tải trọng từ 3.000- 12.000 tấn ra vào làm hàng nhằm nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa. Tích cực huy động các nguồn vốn ODA cho đầu tư hạ tầng ven biển, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp điện, phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông, mạng lưới cấp, thoát nước, các công trình an ninh quốc phòng phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng vùng ven biển...
e) Đẩy mạnh xây dựng và phát triển đô thị ven biển gắn với phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ, du lịch: Quy hoạch và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội các đô thị khu vực ven biển phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị chung của tỉnh và sự hình thành, phát triển các khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch... Phấn đấu đến năm 2015: Thị trấn Diêm Điền và thị trấn Tiền Hải xây dựng và phát triển lên đô thị loại 4; các xã Thái Hưng, Nam Trung, Đông Minh phát triển thành đô thị loại 5 và trở thành thị trấn; đến năm 2020 xây dựng khu vực thị trấn Đông Minh và Cồn Vành lên đô thị loại 4, xã Thuỵ Xuân phát triển thành đô thị loại 5 và trở thành thị trấn.
g) Tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phòng chống thiên tai. Xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế biển.
h) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ biển vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực ven biển.
4. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với giữ vững an ninh quốc phòng vùng ven biển.
b) Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch để định hướng đầu tư phát triển kinh tế biển. Triển khai lập quy hoạch chung xây dựng và các quy hoạch chi tiết khu vực ven biển của tỉnh để định hướng phát triển trong những năm tới.
c) Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế biển. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách hiện hành của tỉnh về khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển để phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế biển đến năm 2020. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất, hỗ trợ cho ngư dân đầu tư phát triển tàu khai thác hải sản tầm trung và xa bờ, khuyến khích đầu tư chế biến và tiêu thụ thủy hải sản...
d) Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp huy động tối đa và đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển, trong đó vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu và có vai trò là “vốn mồi” để huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển. Tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ. vốn ODA, NGO để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, có quy mô đầu tư lớn, tác động đến phát triển cả vùng. Thực hiện đa dạng các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP và các hình thức đầu tư hợp pháp khác, nhằm huy động tối đa nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển kinh tế biển.
đ) Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.
5. Phân kỳ thực hiện: Đề án thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020.
6. Tổ chức thực hiện
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai lập quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển của tỉnh; hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển Thái Bình trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách của tỉnh khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư Khu du lịch sinh thái Cồn Vành, Cồn Đen; tham mưu huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển; bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách tỉnh quản lý hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển.
b) Sở Tài chính: Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý ngân sách, thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cân đối ngân sách, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển rùng; quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh đến năm 2020; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư quai đê lấn biển kết hợp với trồng rừng phòng hộ ven biển, phát triển quỹ đất; chính sách phát triển các phương tiện khai thác tầm trung và xa bờ, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển; tham mưu chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế biển thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thủy lợi, đê điều theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
d) Sở Công Thương: Chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ở 2 huyện ven biển; tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn khôi phục và phát triển công nghiệp đóng tàu biển; tham mưu chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế biển thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
đ) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh. Tham mưu xúc tiến, quảng bá về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển kết hợp với thăm quan các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội trong tỉnh.
e) Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến biển; tham mưu đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và khoa học xã hội nhân văn về biển, phục vụ quản lý biển và phát triển kinh tế biển của tỉnh.
g) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Tham mưu chỉ đạo huy động tiềm lực xây dựng khu vực phòng thủ ven biển vững chắc; thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng ven biển của tỉnh. Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền biên giới biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển; tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, phòng chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
h) Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông ưu tiên, tập trung nguồn lực kiên cố hóa, ngầm hóa hạ tầng cơ sở tại hai huyện ven biển; dành ưu tiên cao nhất cho việc thu, nhận và chuyển tin áp thấp nhiệt đới, bão, lũ; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh tăng cường đưa tin tuyên truyền về tình hình biển đảo, chủ trương phát triển kinh tế biển và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
i) Các sở, ngành: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực quản lý phục vụ phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ven biển; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan của Đề án.
k) Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển thuộc thẩm quyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát toàn bộ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng khu vực ven biển thuộc địa phương quản lý; phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Điều 2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, chính quyền các cấp triển khai thực hiện các nội dung Đề án được phê duyệt theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |