Quyết định 157/2004/QĐ-UB về Quy định ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Số hiệu: 157/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Hoàng Tuấn Anh
Ngày ban hành: 15/09/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:157/2004/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 9 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐINH KÝ QUĨ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 27/12/1993;

- Căn cứ Luật khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Nghị định số 76/CP ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi);

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 126/1999/TTLT- BTC-BCN BKHCNMT ngày 22 tháng 10 năm 1999 của Liên Bộ Tài chính, Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn việc ký quĩ để phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại tờ trình số 1723/TT-TNMT ngày 29 tháng tháng 7 năm 2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về việc ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 06/2002/QĐ-UB ngày 17 tháng 01 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Chủ tịch UBND các quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Hoàng Tuấn Anh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC KÝ QUĨ PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 157/2004/QĐ-UB ngày 15 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

ĐỐI TƯỢNG VÀ MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC KÝ QUỸ

Điều 1: Đối tượng phải ký quỹ

1. Tổ chức kinh tế Việt Nam được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác mà mục đích thành lập có nội dung hoạt động khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận;

2. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2: Nộp tiền ký quỹ

Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim loại quí, đá quí hoặc các giấy tờ trị giá được tính bằng tiền (sau đây gọi chung là tiền) vào tài khoản phong tỏa tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi chung Ngân hàng).

Điều 3: Mục đích của việc ký quỹ

Việc ký quỹ bằng một khoảng tiền vào tài khoản Ngân hàng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra theo quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản và theo Quy định này.

Chương II

CĂN CỨ, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH MỨC TIỀN KÝ QUỸ

Điều 4: Căn cứ xác định mức tiền ký quỹ

Mức tiền ký quỹ được xác định căn cứ theo tổng dự toán chi phí phục hồi môi trường (Mcp), thời hạn khai thác theo báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề án khai thác mỏ (Tb) đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê chuẩn và thời hạn có hiệu lực khai thác của giấy phép khai thác khoáng sản.

Điều 5: Phương pháp xác định mức tiền ký quỹ

1. Trường hợp ký quỹ một lần:

Đối với những trường hợp có thời hạn khai thác theo báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề án khai thác về khai thác khoáng sản từ 3 (ba) năm trở xuống phải thực hiện ký quỹ một lần. Mức tiền ký quỹ bằng 100% (một trăm phần trăm) tổng dự toán chi phí phục hồi môi trường (không bao gồm khoản kinh phí dùng cho phương án công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý về mặt môi trường được tiến hành ngay trong quá trình khai thác của đơn vị) đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê chuẩn.

2. Trường hợp ký quỹ nhiều lần:

2.1. Đối với những trường hợp có thời hạn khai thác theo báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề án khai thác khoáng sản trên 3 (ba) năm thì được phép ký quỹ nhiều lần.

2.2. Số tiền ký quỹ (ký hiệu là A) được xác định theo công thức sau:

A =

Tg x Mcp

Tb

Trong đó:

A: Số tiền ký quỹ cho một tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản (đồng Việt Nam).

Tg: Thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (năm)

Tb: Thời hạn khai thác theo báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề án khai thác khoáng sản đã được cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê chuẩn (năm).

Mcp: Tổng dự toán chi phí phục hồi môi trường theo báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đề án khai thác khoáng sản đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê chuẩn (đồng Việt Nam).

2.3. Số tiền ký quỹ lần đầu (ký hiệu là B) đối với từng trường hợp như sau:

2.3.1. Đối với dự án có thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (Tg) trên 3 năm đến 10 năm thì mức ký quỹ lần đầu 25% (hai mươi lăm phần trăm) số tiền ký quỹ (A) xác định theo công thức tại khoản 2.2. điều này.

2.3.2. Đối với dự án có thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (Tg) từ 10 năm đến dưới 20 năm thì mức ký quỹ lần đầu 20% (hai mươi phần trăm) số tiền ký quỹ (A) xác định theo công thức tại khoản 2.2. điều này.

2.3.3. Đối với dự án có thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp (Tg) từ 20 năm trở lên thì mức ký quỹ lần đầu 15% (mười lăm phần trăm) số tiền ký quỹ (A) xác định theo công thức tại khoản 2.2. điều này.

2.4. Số tiền ký quỹ những lần sau (ký hiệu C) căn cứ vào số tiền phải ký quỹ còn lại và thời hạn khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, tính theo công thức sau đây:

C =

(A – B)

(Tg – 1)

Trong đó:

A: Số tiền ký quỹ

B: Số tiền ký quỹ lần đầu

C: Số tiền ký quỹ lần sau kế tiếp

Tg: Thời gian giấy phép khai thác

3. Trường hợp được gia hạn, bổ sung thời hạn khai thác:

3.1. Trường hợp nếu hoạt động khai thác khoáng sản trong khoảng thời gian được gia hạn, bổ sung thời hạn mà không gây tác động xấu tới môi trường và đã được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đồng ý thì không phải thực hiện việc ký quỹ nữa.

3.2. Trường hợp nếu hoạt động khai thác khoáng sản trong khoảng thời gian được gia hạn, bổ sung thời hạn mà gây tác động xấu đến môi trường thì phải thực hiện ký quỹ một lần theo tổng dự toán chi phí phục hồi môi trường do hoạt động khai thác được gia hạn, bổ sung gây ra đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6: Thời điểm thực hiện ký quỹ

1. Đối với trường hợp ký quỹ một lần và ký quỹ lần đầu của trường hợp được ký quỹ nhiều lần:

Việc ký quỹ phải thực hiện xong trước ngày bắt đầu tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Đối với trường hợp ký quỹ nhiều lần (tính từ lần thứ hai trở đi)

Việc ký quỹ phải thực hiện hàng năm (chậm nhất là trước ngày 31 tháng 12 hàng năm), tính từ ngày đăng ký bắt đầu tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản cho tới khi kết thúc thời hạn khai thác theo giấy phép được cấp. Các tổ chức, cá nhân được phép ký quỹ nhiều lần có thể chọn hình thức ký quỹ một lần cho toàn bộ thời hạn khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

3. Đối với trường hợp được gia hạn, bổ sung thời hạn khai thác: Việc ký quỹ phải thực hiện xong trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép chấp nhận của cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn khai thác.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÝ QUỸ

Điều 7: Ngay sau khi UBND thành phố cấp giấy phép khai thác khoáng sản, giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ra thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản kể cả các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chưa ký, quỹ phục hồi môi trường phải tiến hành ký quỹ tại Ngân hàng theo quy định này.

Điều 8: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu ký quỹ, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải thực hiện việc ký quỹ theo quy định và báo cáo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 9: Tổ chức, cá nhân phải ký quỹ phục hồi môi trường có trách nhiệm thanh toán mọi chi phí về dịch vụ ký quỹ tại Ngân hàng theo quy định hiện hành.

Điều 10: Mọi thủ tục ký quỹ tại Ngân hàng được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng nơi ký quỹ và phải phù hợp với quy định của pháp luật về hoạt động ký quỹ.

Điều 11: Tiền ký quỹ được nộp, thanh toán và hạch toán bằng đồng Việt Nam. Trường hợp có nhu cầu nộp bằng ngoại tệ thì được tính toán quy đổi về đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng nơi ký quỹ.

Chương IV

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN KÝ QUỸ

Điều 12: Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

1. Tổ chức thẩm định tổng dự toán chi phí phục hồi môi trường và mức tiền ký quỹ theo Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD , ngày 27/6/2003, về việc Ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư số 07/2003/TT-BXD , ngày 17/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

2. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ký quỹ của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo hướng dẫn của quy định này.

3. Chấp thuận cho tổ chức, cá nhân ký quỹ rút tiền để thực hiện việc phục hồi môi trường theo hướng dẫn của quy định này.

4. Quyết định hoàn trả số tiền ký quỹ không sử dụng hết cho các đối tượng đã ký quỹ theo hướng dẫn của quy định này.

5. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng không thực hiện việc phục hồi môi trường hoặc bị phá sản hay giải thể thì UBND thành phố quyết định cho phép sử dụng số tiền ký quỹ và lựa chọn đơn vị thực hiện việc phục hồi môi trường (thông qua hình thức đấu thầu) bằng khoản tiền ký quỹ này. Việc sử dụng tiền ký quỹ phải bảo đảm đúng mục đích, phù hợp với nội dung, khối lượng công việc và dự toán chi phí phục hồi môi trường đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê chuẩn. Trường hợp số tiền ký quỹ để phục hồi môi trường không sử dụng hết thì nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Số tiền ký quỹ đã sử dụng phải được kiểm tra, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính hiện hành.

6. Xác nhận các trường hợp gia hạn, bổ sung thời hạn khai thác mà hoạt động khoáng sản không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc phục hồi môi trường.

Điều 13: Tổ chức, cá nhân ký quỹ có quyền rút tiền ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và xác định.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tổ chức thẩm định, phê chuẩn dự toán chi phí phục hồi môi trường. Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp quản lý và thực hiện việc kiểm tra, quyết toán số tiền ký quỹ đã sử dụng.

Điều 15: Tổ chức tín dụng nơi đối tượng khai thác khoáng sản thực hiện việc ký quỹ để bảo đảm cho việc phục hồi môi trường theo Quy định này được phép thu khoản phí dịch vụ về ký quỹ theo đúng quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng và có trách nhiệm:

1. Thực hiện các thủ tục ký quỹ như: nhận tiền gửi về ký quỹ, mở tài khoản phong tỏa cho khoản tiền ký quỹ, xác nhận bằng văn bản việc ký quỹ cho đói tượng ký quỹ, lưu giữ chứng từ liên quan đến việc ký quỹ, thanh toán tiền ký quỹ... theo quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng, tài chính và tại Quy định này.

2. Thanh toán tiền ký quỹ cho các đơn vị được phép rút tiền ký quỹ theo Quy định này.

3. Gửi cho Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài chính các bản xác nhận ký quỹ, thanh toán tiền ký quỹ phục hồi môi trường của các đối tượng phải ký quỹ theo quy định này.

Điều 16. Các đối tượng phải ký quỹ theo Quy định này nếu không thực hiện việc ký quỹ sẽ không được phép tiến hành khai thác khoáng sản hoặc bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản.

Điều 17. Các đối tượng trả lại giấy phép hoặc bị thu hồi giấy phép (nếu đã đưa vào hoạt động khai thác) phải thực hiện nghĩa vụ ký quỹ theo quy định này cho đến thời điểm trả lại hoặc bị thu hồi giấy phép. Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ không sử dụng hết cho việc phục hồi môi trường cho các đối tượng này sẽ được thực hiện sau khi có xác nhận đã hoàn thành việc phục hồi môi trường hoặc sau khi có quyết toán chính thức về việc phục hồi môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản của các đối tượng nây gây ra.

Điều 18. Mọi chế độ thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm việc thực hiện những quy định tại Quy định này được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 19. Các đối tượng được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành mà giấy phép vẫn còn thời hạn và đối tượng đó có nghĩa vụ phải phục hồi môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra thì cũng phải thực hiện việc ký quỹ theo Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị liên quan phản ánh trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính để nghiên cứu, trình UBND thành phố sửa đổi và bổ sung cho phù hợp./.