Quyết định 1569/2010/QĐ-UBND về Quy định quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: 1569/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Nguyễn Văn Du
Ngày ban hành: 30/07/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1569/2010/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 30 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG, BẢO VỆ MỸ QUAN VÀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị; Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD ;

Căn cứ Quyết định số 775/2010/QĐ-UBND ngày 14/4/2010 của UBND tỉnh quy định phân công, phân cấp quản lý khai thác sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 418/TTr-SXD ngày 12/7/2010; Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 119/BC-STP ngày 30/6/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản Quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Du

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG, BẢO VỆ MỸ QUAN VÀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1569/2010/QĐ-UBND ngày 30/7/2010 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định việc quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị tại các tuyến đường đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

2. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia các hoạt động có liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phải tuân theo Luật Giao thông đường bộ và các nội dung của Quy định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Sử dụng tạm thời một phần công năng lòng đường và vỉa hè trong Quy định này là các hoạt động liên quan đến sử dụng tạm thời một phần bên trên bề mặt lòng đường và vỉa hè trong phạm vi cho phép.

2. Hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình là các hoạt động rào chắn xung quanh khu vực thi công nhằm đảm bảo an toàn lao động; các hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu và vật liệu phế thải để phục vụ công tác xây dựng, sửa chữa công trình.

3. Hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí là các hoạt động liên quan đến việc tổ chức giữ xe tại các vị trí, địa điểm được cấp có thẩm quyền hoặc cấp được uỷ quyền quy định và cấp phép.

4. Hoạt động xã hội là các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ nhằm phục vụ cộng đồng, chào mừng các sự kiện lớn của quốc gia và địa phương.

5. Các công trình ngầm là các công trình ngành điện, viễn thông, chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, hầm kỹ thuật tuynel được đặt dưới lòng đường và vỉa hè.

6. Công trình bên trên vỉa hè là các công trình nổi, bao gồm: trụ điện, cột đèn chiếu sáng, tủ cáp điện thoại, trạm biến áp, trụ cứu hỏa, kiôt, buồng điện thoại công cộng, cây xanh, biển báo giao thông, biển báo thông tin, biển quảng cáo, thùng đựng rác.

Điều 3. Nguyên tắc chung quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị

1. Việc sử dụng tạm thời một phần công năng lòng đường và vỉa hè vào các mục đích ngoài giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp phép, đồng thời có giải pháp để bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

2. Việc cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè chỉ có giá trị trong khoảng thời gian quy định theo mục đích sử dụng được ghi trong giấy phép.

3. Trong trường hợp cần sửa chữa, tăng cường công trình đường bộ ngoài kế hoạch bảo trì đường bộ đã có hoặc sửa chữa, khôi phục công trình đường bộ bị hư hại do việc tổ chức các hoạt động xã hội, chi phí cho các công việc này được tính trong kinh phí tổ chức các hoạt động xã hội theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quản lý việc sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh buôn bán

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương xây dựng danh mục các tuyến đường được phép sử dụng tạm thời vỉa hè vào kinh doanh, buôn bán hàng hóa gửi Sở Xây dựng tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định; các tuyến đường được phép sử dụng tạm thời vỉa hè vào việc kinh doanh, buôn bán phải đảm bảo các yêu cầu về lối đi cho người đi bộ, bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình lân cận.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quy định cụ thể thời gian hoạt động kinh doanh buôn bán hàng hóa trong ngày ngay trong nội dung giấy phép, sao cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, không làm ảnh hưởng đến đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, tổ chức lân cận, nhất là việc kinh doanh buôn bán hàng ăn đêm. Đồng thời, phải đảm bảo tính chủ động cho chính quyền địa phương trong việc giải toả hành lang khi cần thiết.

Điều 5. Quản lý việc sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường phục vụ việc cưới, việc tang

1. Khi các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng vỉa hè, lòng đường phục vụ việc cưới, việc tang thì phải xin phép UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Việc sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường không quá 48 giờ và phải dành lối đi rộng tối thiểu 1,5 mét cho người đi bộ.

2. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và giám sát các hộ gia đình, cá nhân việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho việc cưới, việc tang để không ảnh hưởng lớn đến giao thông và mỹ quan đô thị.

Điều 6. Quản lý đào, lấp vỉa hè, lòng đường để thi công công trình hạ tầng kỹ thuật

1. Tổ chức, cá nhân khi thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật phải đào, lấp vỉa hè, lòng đường để xây lắp các công trình hạ tầng kỹ thuật, phải được Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã cấp phép thuộc địa bàn được phân cấp quản lý và thực hiện theo các quy định hiện hành để bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và các nội dung ghi trong giấy phép, hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng đến đi lại của người và phương tiện tham gia giao thông.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã cấp giấy phép đào, lấp vỉa hè, lòng đường cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Tổ chức, cá nhân được cấp phép đào, lấp vỉa hè, lòng đường khi triển khai thực hiện phải thông báo cho cơ quan cấp phép và chính quyền địa phương nơi xây dựng để cùng giám sát thực hiện; kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ hoàn công và chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn công theo giấy phép được cấp, kiểm tra việc hoàn trả mặt bằng theo đúng hiện trạng ban đầu; chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp khi được thông báo để cùng giám sát thực hiện.

Điều 7. Quản lý việc xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên vỉa hè

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, lắp đặt các hạng mục công trình nổi trên vỉa hè phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đối với đường đô thị trên địa bàn được phân cấp quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng, lắp đặt các công trình nổi trên vỉa hè phải thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép và các quy định về đảm bảo an toàn trật tự giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

3. Tổ chức, cá nhân khi lắp đặt mới, thay thế đường dây điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng ở những tuyến phố, khu vực mà UBND tỉnh và quy hoạch được duyệt quy định phải thực hiện ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì phải bố trí đi ngầm dưới vỉa hè, lòng đường.

Điều 8. Quản lý việc lắp đặt kiốt, mái che trên vỉa hè

1. Việc lắp đặt tạm thời kiốt trên vỉa hè để phục vụ cho các hoạt động du lịch, bưu chính, viễn thông phải theo đúng thiết kế mẫu, đảm bảo mỹ quan và được Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã cấp phép trên cơ sở thống nhất chấp thuận của Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải.

2. Tổ chức, cá nhân lắp đặt mái che mưa, che nắng phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn xây dựng hiện hành, các quy định về quản lý kiến trúc đô thị của địa phương và được xem xét đồng thời khi cấp phép xây dựng.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã quyết định việc lắp đặt tạm thời các cửa hàng, kiốt phục vụ cho các lễ hội, và phải tháo dỡ sau khi kết thúc lễ hội theo quy định; kiểm tra việc xây dựng các cửa hàng nhỏ, lắp đặt mái che mưa, che nắng; Tổ chức dỡ bỏ cửa hàng, mái che mưa, che nắng không đúng theo quy định.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch kiểm tra việc tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quảng cáo; các biển quảng cáo phải đảm bảo mỹ quan đô thị, không cản trở tầm nhìn và không ảnh hưởng đến an toàn giao thông đô thị và phải được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp phép sau khi có thỏa thuận của Sở Xây dựng hoặc Sở quản lý chuyên ngành.

Điều 9. Quản lý việc lắp đặt biển báo hiệu giao thông trên vỉa hè

1. Sở Giao thông Vận tải thống nhất quản lý chuyên ngành, hướng dẫn việc lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn giao thông trong các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh bảo đảm đúng vị trí, đúng quy định của Điều lệ Báo hiệu đường bộ.

2. Tổ chức, cá nhân khi nhận được giấy phép lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo, biển chỉ dẫn trên vỉa hè, dải phân cách, phải thực hiện đúng các nội dung, kích thước, màu sắc, vật liệu được quy định trong giấy phép và các quy phạm pháp luật.

Điều 10. Quản lý công tác vệ sinh vỉa hè, lòng đường

Tổ chức, đơn vị, hộ gia đình có trách nhiệm giữ gìn, bảo đảm vệ sinh vỉa hè, lòng đường và mỹ quan đô thị phía trước trụ sở cơ quan, đơn vị và nhà riêng, kịp thời ngăn chặn và thông báo tới Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn và các cơ quan chức năng những trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm làm ảnh hưởng vệ sinh vỉa hè, lòng đường, để có biện pháp xử lý.

Điều 11. Quản lý việc sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để xe đạp, xe máy, ô tô.

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và các ngành có liên quan khảo sát, thống nhất vị trí các điểm để xe tạm thời trên vỉa hè, lòng đường; chịu trách nhiệm lập danh mục công trình, tuyến phố được phép sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để xe đạp, xe máy, ô tô, các tuyến đường cấm các loại xe có tải trọng nặng, xe quá tải, quá khổ trong nội thị, báo cáo Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Các điểm để xe đạp, xe máy tạm thời trên vỉa hè phải được Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã cấp phép. Việc cấp phép thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Quy định này.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm quy hoạch xây dựng các bãi đỗ xe trên địa bàn; tổ chức cấp phép các điểm đỗ xe tạm trên lòng đường phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ và nội dung bản Quy định này.

Điều 12. Các hành vi bị cấm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị

1. Các hành vi bị cấm quy định tại mục IV, phần I Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị.

2) Trộn vữa, bê tông, xi măng trực tiếp trên bề mặt lòng đường và vỉa hè.

3) Đậu xe ô tô trên các tuyến đường không có biển báo giao thông hướng dẫn và cho phép đậu xe dưới lòng đường.

4) Các loại xe quá tải lưu thông, dừng đỗ trên các tuyến đường bị cấm.

5) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ CẤP PHÉP VÀ SỬ DỤNG VỈA HÈ

Điều 13. Các trường hợp sử dụng vỉa hè

1. Hoạt động tổ chức việc cưới, việc tang:

a) Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ cho việc cưới, việc tang cần thông báo và xin phép Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi cư trú.

b) Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và giám sát các hộ gia đình, cá nhân việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho việc cưới, việc tang để không ảnh hưởng lối đi cho người đi bộ và mỹ quan đô thị.

2. Quản lý việc sử dụng tạm thời vỉa hè để trung chuyển vật liệu phục vụ thi công, xây dựng công trình:

Ủy ban nhân dân các các huyện, thị xã chỉ xem xét việc cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè cho hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình theo nguyên tắc không gây cản trở giao thông cho người đi bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh và mỹ quan đô thị.

Trong trường hợp việc tập kết vật liệu xây dựng đòi hỏi mặt bằng lớn, vượt quá phạm vi cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét việc cấp phép sử dụng tạm thời toàn bộ vỉa hè để phục vụ hoạt động trên. Tuy nhiên, thời gian cho phép chỉ được thực hiện từ 21 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, sau đó phải trả lại nguyên trạng vỉa hè. Tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè không được tự ý đào bới, xây dựng làm biến dạng lòng đường và vỉa hè.

3. Hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí:

Cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét việc cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe đạp, xe mô tô có thu phí tại các vị trí, địa điểm nằm trong danh mục khu vực, tuyến đường đã được Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh thống nhất sắp xếp, tổ chức làm bãi giữ xe trên vỉa hè. Danh mục này phải được Sở Xây dựng tổng hợp và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.

Các điểm trông giữ xe công cộng trên vỉa hè có thu phí phải bảo đảm thuận lợi cho người đi bộ, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình và cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng dọc tuyến đư­ờng đó.

4. Hoạt động phục vụ việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa:

Việc cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè vào việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa chỉ áp dụng tại các tuyến đường nằm trong danh mục công trình và tuyến đường đặc thù được phép sử dụng tạm thời vỉa hè vào kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định tại khoản 1, Điều 4 bản Quy định này.

5. Hoạt động xã hội:

Việc cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè đối với các hoạt động xã hội được xem xét trên nguyên tắc không gây cản trở giao thông cho người đi bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh và mỹ quan đô thị. Trong trường hợp hoạt động này được tiến hành trên mặt bằng rộng (bao gồm cả một phần lòng đường) thì cần có sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh. Cơ quan, tổ chức tiến hành hoạt động xã hội phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản về phương án đảm bảo giao thông trước khi tiến hành tổ chức các hoạt động xã hội theo quy định của pháp luật.

6. Hoạt động để xe 2 bánh tự quản trước cửa nhà: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã nghiên cứu quyết định danh mục các tuyến đường có điều kiện vỉa hè rộng rãi thuộc phạm vi địa bàn quản lý để dành một phần vỉa hè hạn chế trên các tuyến đường này cho nhân dân để xe 2 bánh tự quản trước cửa nhà.

Điều 14. Thủ tục cấp phép

1. Hồ sơ xin cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè: thành phần hồ sơ gồm một (01) bộ.

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép sử dụng tạm thời của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè theo Phụ lục số 01 kèm theo bản Quy định này. Đơn đề nghị cần thể hiện rõ cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của giấy phép.

b) Bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép (có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn đối với các trường hợp yêu cầu xin phép tại khoản 2 Điều 13 bản Quy định này). Bản vẽ phải thể hiện rõ vị trí sử dụng, kích thước sử dụng.

c) Văn bản pháp lý khác (nếu có) liên quan đến nhu cầu của tổ chức, cá nhân xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè.

Trường hợp thi công xây dựng, sửa chữa công trình thì yêu cầu phải có bản sao giấy phép xây dựng hoặc giấy phép sửa chữa do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Ủy ban nhân dân các các huyện, thị xã có trách nhiệm cấp phép sử dụng vỉa hè cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 13 bản Quy định này, với thành phần hồ sơ nêu tại khoản 1 Điều này và theo mẫu giấy phép tại Phụ lục số 02 kèm theo bản Quy định này.

3. Thời gian giải quyết hồ sơ cấp phép:

a) 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với các trường hợp yêu cầu xin phép tại khoản 2 Điều 13 bản Quy định này.

b) 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với các trường hợp yêu cầu xin phép tại khoản 3, 4, 5 Điều 13 bản Quy định này.

Trường hợp không giải quyết việc cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép biết.

4. Cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi 01 bản sao giấy phép cho Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, 01 bản sao cho Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn (địa bàn nơi tổ chức, cá nhân xin cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè), 01 bản sao cho Thanh tra Xây dựng địa phương và 01 bản chính cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép.

5. Việc sử dụng tạm thời vỉa hè đối với tất cả các mục đích, thì cơ quan cấp phép xem xét về thời hạn cấp phép cho phù hợp với mục đích xin cấp phép sử dụng và không quá 6 tháng cho mỗi lần cấp phép, đồng thời phải đảm bảo tính chủ động cho chính quyền địa phương trong việc giải toả hành lang khi cần thiết.

Điều 15. Gia hạn giấy phép

1. Trước 15 ngày, kể từ ngày hết hạn sử dụng tạm thời vỉa hè đối với tất cả các mục đích của giấy phép, các tổ chức cá nhân phải làm thủ tục xin gia hạn giấy phép. Số ngày, thời gian gia hạn của giấy phép sẽ được cơ quan cấp phép tính toán cho gia hạn phù hợp với số ngày, thời gian, nhu cầu sử dụng tiếp theo, nhưng tối đa không vượt quá tổng số ngày, thời gian đã cấp phép sử dụng trước đó và chỉ áp dụng một lần. Sau thời gian gia hạn này, tổ chức và cá nhân tiếp tục có nhu cầu sử dụng tạm thời vỉa hè thì phải tiến hành xin cấp phép mới.

2. Thủ tục xin gia hạn bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn giấy phép (không kèm bản vẽ) theo Phụ lục số 03 kèm theo bản Quy định này.

b) Giấy phép cũ (bản chính).

3. Thời gian giải quyết: không quá 05 (năm) ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

4. Cơ quan gia hạn giấy phép có trách nhiệm xem xét cấp gia hạn giấy phép và thông báo bằng văn bản việc gia hạn giấy phép đến Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn (địa bàn nơi tổ chức, cá nhân xin cấp phép), Thanh tra Sở Xây dựng để biết và theo dõi.

Điều 16. Phạm vi vỉa hè được sử dụng

1. Đối với vỉa hè có bề rộng trên 3m (ba mét), phạm vi cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông có bề rộng lớn nhất là 2m (hai mét) từ mốc chỉ giới đường đỏ trở ra. Việc xác định tiêu chí cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè phải đảm bảo trật tự, ngăn nắp trên suốt chiều dài từng đoạn tuyến hoặc suốt tuyến đường.

Trong trường hợp sử dụng vỉa hè để xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình ngầm và công trình bên trên, phạm vi vỉa hè được cấp phép sử dụng tạm thời phải đảm bảo bề rộng phần vỉa hè còn lại không nhỏ hơn 1m (một mét) để đảm bảo lưu thông cho người đi bộ.

2. Đối với vỉa hè có bề rộng nhỏ hơn 3m (ba mét), việc cấp phép sử dụng ngoài mục đích giao thông chỉ được xem xét đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, 2, 5 thuộc Điều 13 bản Quy định này; đồng thời phải đảm bảo lưu thông cho người đi bộ.

3. Khu vực vỉa hè được cấp phép sử dụng tạm thời phải đảm bảo không chắn ngang lối ra vào đường, ngõ hẻm; không nằm trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở, nơi tập trung đông người,…

4. Việc sử dụng vỉa hè phải đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, không làm hư hỏng kết cấu vỉa hè, tạo lối đi thông thoáng cho người đi bộ và không ảnh hưởng đến tầm nhìn lưu thông của người sử dụng các phương tiện giao thông.

Chương IV

QUY ĐỊNH SỬ DỤNG LÒNG ĐƯỜNG

Điều 17. Sử dụng lòng đường đô thị làm nơi đậu xe

1. Việc sử dụng lòng đường đô thị làm nơi đậu xe tạm phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 8 mục IV Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị. Ngoài ra, vị trí cho phép đậu xe dưới lòng đường phải không chắn ngang lối ra vào đường hẻm, các công trình nhà cao tầng, khu vực siêu thị, chợ và trung tâm thương mại, các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở,…

2. Đối với các tuyến đường đủ điều kiện để đậu xe dưới lòng đường có thu phí, Ủy ban nhân dân các các huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh để xác định danh mục và báo cáo Sở Xây dựng tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận. Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, Ủy ban nhân dân các các huyện, thị xã triển khai lắp đặt biển báo, sơn đường cho phép đậu xe có thu phí và chỉ đạo tổ chức việc thu phí đậu xe dưới lòng đường.

Điều 18. Sử dụng lòng đường vào các mục đích khác

1. Đối với hoạt động đào lòng đường để xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình ngầm, phạm vi thi công phải đảm bảo mặt đường còn lại đủ bố trí 2 làn xe theo 2 chiều khác nhau (đường 2 chiều) hoặc 1 làn xe (đường 1 chiều). Trong trường hợp phạm vi thi công không đảm bảo diện tích mặt đường để bố trí làn xe cho các phương tiện giao thông, đơn vị thi công phải có biển báo đồ tuyến thay thế đường đi qua khu vực có công trường thi công.

2. Đối với hoạt động xã hội, thời gian chiếm dụng lòng đường không giới hạn thời gian, phạm vi lòng đường xin phép sử dụng. Cơ quan, tổ chức xin phép sử dụng phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để thỏa thuận và được hướng dẫn về công tác tổ chức giao thông qua khu vực.

3. Việc sử dụng tạm thời lòng đường phải đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, không làm hư hỏng kết cấu mặt đường và không ảnh hưởng đến tầm nhìn lưu thông của người sử dụng các phương tiện tham gia giao thông.

Chương V

QUY ĐỊNH THU PHÍ, XÂY DỰNG, BẢO QUẢN

Điều 19. Về thu phí

Mức phí sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè được thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Điều 20. Về đầu tư xây dựng, sửa chữa vỉa hè

1. Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa vỉa hè phải tuân theo các tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Việc sử dụng vật liệu xây dựng vỉa hè phải theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ và thân thiện với môi trường sống.

2. Vỉa hè trên từng tuyến đường phải được thực hiện đồng bộ về kết cấu, thiết kế và đảm bảo thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

3. Đối với các công trình xây dựng dọc các tuyến đường phố, việc đấu nối giao thông phải đảm bảo phần đất dành cho xây dựng vỉa hè dọc theo đường phố không bị chiếm dụng làm đường ra vào. Trong trường hợp đấu nối giao thông trực tiếp từ công trình xây dựng ra đường phố chính, phần vỉa hè ở các lối ra vào vẫn phải được giữ nguyên vật liệu so với thiết kế dọc tuyến.

4. Kinh phí xây dựng, sửa chữa vỉa hè được lấy từ nguồn thu cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè được để lại cho ngân sách các huyện, thị xã; kinh phí đầu tư¬ dự án đối với vỉa hè xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo vỉa hè; nguồn tài chính cho quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên hàng năm đối với vỉa hè đã được đầu tư xây dựng trước đó và đưa vào sử dụng sau đó.

5. Khuyến khích mọi hình thức xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, sửa chữa vỉa hè. Tổ chức, cá nhân được phép tự tiến hành xây dựng, sửa chữa vỉa hè bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã về thiết kế vỉa hè và thủ tục tiến hành.

Điều 21. Về bảo quản lòng đường, vỉa hè

1. Tổ chức, cơ quan, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy định này.

2. Tổ chức, cơ quan có trụ sở tiếp giáp với vỉa hè phải có trách nhiệm tham gia đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị tại khu vực vỉa hè, lòng đường trước trụ sở tổ chức, cơ quan.

3. Hộ gia đình, cá nhân có nhà riêng tiếp giáp với vỉa hè và không có nhu cầu xin sử dụng tạm thời một phần vỉa hè có trách nhiệm tham gia giữ gìn vệ sinh tại khu vực vỉa hè, lòng đường trước nhà riêng.

4. Tổ chức, cơ quan, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm không để người khác vi phạm quy định về bảo quản lòng đường và vỉa hè tại khu vực trước trụ sở tổ chức, cơ quan, nhà riêng và thông báo ngay với chính quyền địa phương trong trường hợp xảy ra các vi phạm.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm các Sở, Ban, Ngành

1. Sở Xây dựng

a) Quản lý Nhà nước đối với vỉa hè, lòng đường, chủ trì, phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm việc quản lý và sử dụng toàn bộ vỉa hè, lòng đường trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất thiết kế đô thị cho một số tuyến đường chính trong trung tâm đô thị trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

c) Cung cấp các hồ sơ hoặc yêu cầu của UBND các huyện, thị xã về quy hoạch xây dựng đô thị và thẩm tra việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn,… đối với đường trong đô thị.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị có liên quan kiểm tra danh mục công trình, tuyến phố được phép sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh, buôn bán và danh mục tuyến đường cho phép đậu xe tại lòng đường trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, tổng hợp danh mục trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

đ) Phối hợp với cơ quan chủ trì xây dựng mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, mỹ quan và trật tự đô thị trên phạm vi toàn tỉnh.

f) Tổng hợp báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng về tình hình quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, bảo vệ mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Giao thông Vận tải

a) Thực hiện trách nhiệm trong công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân các các huyện, thị xã về quản lý, bảo trì, nâng cấp và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị.

b) Phối hợp với Sở Xây dựng thống nhất với Ủy ban nhân dân các các huyện, thị xã và Công an tỉnh về danh mục các khu vực, tuyến đường có vị trí, địa điểm được sắp xếp, tổ chức làm bãi giữ xe trên vỉa hè; danh mục các công trình, tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè vào việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, danh mục các tuyến đường đủ điều kiện đậu xe dưới lòng đường có thu phí để trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

c) Chỉ đạo Thanh tra Giao thông phối hợp với Công an, Thanh tra Xây dựng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông; kiên quyết xử lý đối với tình trạng vi phạm; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại khu vực được cấp phép sử dụng.

d) Ban hành mẫu đơn, mẫu giấy phép và quy trình cấp giấy phép thống nhất đối với công tác đào lòng đường để xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình ngầm dưới lòng đường, làm cơ sở để Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã cấp phép đào lòng đường cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Sở Tài chính

a) Chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng mức thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

b) Hướng dẫn việc thu và quản lý phí sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè theo quy định của pháp luật.

c) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bố trí kinh phí trong công tác vệ sinh đô thị, thu gom, nạo vét thông thoát hệ thống cống rãnh trong đô thị trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh

a) Chủ động phối hợp với lực lượng của các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương hướng dẫn, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải thống nhất với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã danh mục các khu vực, tuyến đường có vị trí, địa điểm được sắp xếp, tổ chức làm bãi giữ xe trên vỉa hè; danh mục các công trình, tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè vào việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, danh mục các tuyến đường đủ điều kiện đậu xe dưới lòng đường có thu phí trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

5. Sở Công thương

a) Căn cứ vào quy hoạch phát triển của ngành, Sở Công thương phối hợp với các địa phương thống nhất xây dựng các điểm họp chợ, trung tâm thương mại và các điểm buôn bán tập trung theo đúng quy hoạch được duyệt.

b) Phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh kiểm tra trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.

6. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

a) Phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị có liên quan phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về lập lại trật tự kỷ cương đô thị, an toàn giao thông, bảo vệ mỹ quan đô thị.

b) Tiến hành lập quy hoạch hệ thống quảng cáo trên địa bàn tỉnh, đưa công tác quảng cáo vào nề nếp, bảo đảm trật tự mỹ quan chung, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

c) Cấp phép lắp đặt biển hiệu, quảng cáo và phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra xử lý vi phạm trong việc lắp đặt biển hiệu, quảng cáo.

Điều 23. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

1. Đề xuất danh mục các khu vực, tuyến đường có vị trí, địa điểm được sắp xếp, tổ chức làm bãi giữ xe trên vỉa hè; danh mục các công trình, tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè vào việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa; danh mục tuyến đường được phép đậu xe dưới lòng đường (bao gồm có thu phí và không thu phí đậu xe) trình Sở Xây dựng tổng hợp, thẩm định báo cáo UBND tỉnh quyết định. Triển khai việc lắp đặt biển báo quy định khu vực cho phép đậu xe có thu phí dưới lòng đường.

2. Ban hành danh sách các tuyến đường được phép có hoạt động để xe 2 bánh tự quản trước cửa nhà của các hộ dân.

3. Thực hiện cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông.

4. Chỉ đạo cơ quan có chức năng liên quan trực thuộc tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm việc sử dụng tạm thời một phần vỉa hè và lòng đường theo quy định.

5. Hướng dẫn thủ tục tiến hành xây dựng, sửa chữa vỉa hè và phê duyệt thiết kế vỉa hè cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa vỉa hè bằng nguồn kinh phí của tổ chức, cá nhân này.

6. Hướng dẫn kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, mỹ quan và trật tự đô thị trên địa bàn được phân cấp quản lý; Việc xây dựng, sử dụng, duy tu đường phố thuộc địa bàn được phân cấp quản lý theo hướng dẫn của Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải.

7. Báo cáo, đánh giá tổng kết theo định kỳ 06 tháng, 01 năm về tình hình quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường; hiện trạng và tình hình đầu tư xây dựng vỉa hè thuộc phạm vi địa bàn quản lý; đề xuất kế hoạch thực hiện tiếp theo, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 24. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến hướng dẫn tới các thôn, tổ dân phố, các hộ gia đình và tổ chức thực hiện bản Quy định này.

2. Quản lý, kiểm tra việc sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường phục vụ việc cưới, việc tang theo nội dung bản Quy định này.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong sử dụng vỉa hè theo chức năng, thẩm quyền được quy định.

4. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm thường xuyên việc sử dụng nêu trên.

5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất cho Ủy ban nhân dân huyện, thị xã về hiện trạng vỉa hè và tình hình vi phạm hành chính trong sử dụng vỉa hè thuộc phạm vi địa bàn quản lý.

Điều 25. Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng

1. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện đúng các quy định về sử dụng lòng đường, vỉa hè.

2. Phổ biến kịp thời các thông tin liên quan đến nếp sống văn minh đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 26. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các Quy định của Nhà nước và Quy định này về quản lý và sử dụng vỉa hè và các nội dung yêu cầu trong giấy phép.

2. Thực hiện nghĩa vụ nộp các khoản phí, lệ phí khi sử dụng tạm thời vỉa hè vào mục đích kinh doanh, dịch vụ trên tuyến đường được cấp phép.

3. Đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường khu vực vỉa hè được cấp phép sử dụng tạm thời.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch, Sở Công thương và các Sở, Ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các các huyện, thị xã, Uỷ ban nhân nhân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đồng bộ triển khai thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Xây dựng để nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

Phụ lục 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN XIN CẤP PHÉP SỬ DỤNG TẠM VỈA HÈ

Kính gửi: UBND huyện, thị xã ………

1. Tổ chức, cá nhân

- Số CMND............................................... Ngày cấp.................... Nơi cấp

- Địa chỉ thường trú:

- Số điện thoại (nếu có)

2. Nội dung đề nghị xin cấp phép:

Tổng chiều dài…….m, chiều rộng:…….m, diện tích………m2

3. Địa điểm xin cấp phép

Điểm đầu:

Điểm cuối:

4. Lý do xin phép cấp phép

5. Tôi xin cam kết đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, chủ động giải toả mặt bằng đã cấp phép theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi có yêu cầu cần giải toả hành lang. Nộp phí và lệ phí đầy đủ, đúng hạn; hoàn trả mặt bằng, tuân thủ đúng theo nội dung giấy phép được cấp. Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

………….,ngày……tháng…….năm …..

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(ký, ghi rõ họ tên)

 

Phụ lục 02

Tên cơ quan
cấp giấy phép....

--------

Số:        /UBND-GTSDT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

GIẤY PHÉP SỬ DỤNG TẠM VỈA HÈ

1. Cấp cho:

Địa chỉ:

2. Được phép sử dụng tạm vỉa hè như sau:

Địa điểm:

Điểm đầu:

Điểm cuối:

Tổng chiều dài:………m, chiều rộng…….m, diện tích……..m2

Khoảng cách tối thiểu đến

3. Thời gian hoạt động trong ngày (nếu có): Từ …. giờ, đến …. giờ

4. Các nội dung yêu cầu khác (đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, việc giải toả mặt bằng đã cấp phép theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi có yêu cầu cần giải toả hành lang, các phí tổn có liên quan đến việc giải toả hành lang... Nộp phí và lệ phí, hoàn trả mặt bằng…):…………...

…………………………………………………………………………………………………

5. Giấy phép này có hiệu lực trong thời hạn ….. ngày, kể từ ngày cấp; quá thời hạn trên thì phải xin gia hạn giấy phép.

 

 

………….,ngày……tháng…….năm …..

TM. UBND HUYỆN, THỊ XÃ…

 

Phụ lục 03

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------

ĐƠN XIN GIA HẠN GIẤY PHÉP SỬ DỤNG TẠM VỈA HÈ

Kính gửi: UBND huyện, thị xã ………

1. Tổ chức, cá nhân

Số CMND................................................. Ngày cấp.................... Nơi cấp

Địa chỉ thường trú:

Số điện thoại (nếu có)

2. Nội dung đề nghị xin gia hạn giấy phép:

- Tổng chiều dài ….. m, chiều rộng:………m, diện tích………m2

3. Địa điểm đã cấp phép

Điểm đầu:

Điểm cuối:

4. Xin gia hạn giấy phép số:….../UBND-GPSDT, cấp ngày…..tháng….năm 20…..

5. Lý do xin gia hạn giấy phép

5. Tôi xin cam kết đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, chủ động giải toả mặt bằng đã cấp phép theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi có yêu cầu cần giải toả hành lang. Nộp phí và lệ phí đầy đủ, đúng hạn; hoàn trả mặt bằng, tuân thủ đúng theo nội dung giấy phép được cấp. Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

………….,ngày……tháng…….năm …..

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(ký, ghi rõ họ tên)