Quyết định 153/2004/QĐ-UB Quy định hình thức, mô hình và mức hỗ trợ người nghèo,hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống thuộc Dự án: Hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến ngư ở 8 xã còn nhiều hộ nghèo của huyện Sóc Sơn - Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: 153/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Lê Quý Đôn
Ngày ban hành: 30/09/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 153/2004/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI BAN HÀNH “QUY ĐỊNH HÌNH THỨC, MÔ HÌNH VÀ MỨC HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO, HỘ NGHÈO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG THUỘC DỰ ÁN: HƯỚNG DẪN NGƯỜI NGHÈO, HỘ NGHÈO CÁCH LÀM ĂN, KHUYẾN NÔNG, KHUYẾN NGƯ Ở 8 XÃ CÒN NHIỀU HỘ NGHÈO CỦA HUYỆN SÓC SƠN - HÀ NỘI”.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND VÀ UBND;
Căn cứ Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg ngày 27.9.2001 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt các chương trình mục tiêu Quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001 – 2005;
Căn cứ Thông tư số 56/2003/TT-BNN ngày 9.4.2003 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc chương trình xoá đói giảm nghèo và việc làm do Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo;
Căn cứ Quyết định số 5337/QĐ-UB ngày 04.9.2003 của UBND Thành phố về việc phê duyệt dự án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo ở 8 xã của huyện Sóc Sơn – Hà Nội;
Căn cứ Công văn số 662/UB-KH&ĐT ngày 09.3.2004 của UBND Thành phố v/v lập Dự án: Hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo cách làm ăn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở 8 xã còn nhiều hộ nghèo của huyện Sóc Sơn – Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và Giám đốc Sở Tài chính tại tờ trình số 111 TTr/LS: NN-TC ngày 22.9.2004 v/v phê duyệt “Quy định hình thức, mô hình và mức hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống thuộc Dự án: Hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở 8 xã còn nhiều hộ nghèo của huyện Sóc Sơn - Hà Nội” và ý kiến thẩm định văn bản của Sở Tư pháp tại công văn số 1140/CV-TP ngày 16.8.2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản  “Quy định hình thức, mô hình và mức hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống thuộc Dự án: Hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến ngư ở 8 xã còn nhiều hộ nghèo của huyện Sóc Sơn - Hà Nội”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục di dân và phát triển vùng kinh tế mới Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND 8 xã: Bắc Phú, Tân Dân, Quang Tiến, Minh Trí, Đông Xuân, Tân Minh, Hiền Ninh, Xuân Giang và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM/. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT/. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn

 

 

QUY ĐỊNH

HÌNH THỨC, MÔ HÌNH VÀ MỨC HỖ TRỢ HỘ NGHÈO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG, THUỘC DỰ ÁN: “HƯỚNG DẪN NGƯỜI NGHÈO,  HỘ NGHÈO CÁCH LÀM ĂN, KHUYẾN NÔNG, KHUYẾN NGƯ Ở 8 XÃ CÒN NHIỀU HỘ NGHÈO CỦA HUYỆN SÓC SƠN - HÀ NỘI”.
(Ban hành kèm theo Quyết định số  153/2004/QĐ-UB ngày 30.9.2004 của UBND TP Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng, phạm vi  điều chỉnh.

1/. Quy định này quy định các hình thức, mô hình và mức hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo (sau đây gọi tắt là hộ nghèo) phát triển sản xuất, nhằm cải thiện đời sống thuộc Dự án "Hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến ngư  tại 8 xã còn nhiều hộ nghèo của huyện Sóc Sơn, Hà Nội" (gồm các xã: Bắc Phú, Tân Dân, Quang Tiến, Minh Trí, Đông Xuân, Tân Minh, Hiền Ninh và Xuân Giang - theo Quyết định số 5337/QĐ-UB ngày 04/9/2003 của UBND Thành phố Hà Nội).

2. Hộ nghèo là những đối tượng thuộc diện quy chuẩn nghèo theo quy định về chuẩn nghèo của UBND Thành phố Hà Nội.

Điều 2: Nguyên tắc hỗ trợ.

1/. Việc hỗ trợ chỉ áp dụng đối với hộ nghèo trong vùng dự án, có đủ các điều kiện  quy định tại điều 3 của Quy định này.

2/. Mức hỗ trợ hộ nghèo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và hỗ trợ một phần kinh phí mua giống mới (giống năng suất, chất lượng cao), vật tư (phân vô cơ, thuốc BVTV, nilon che phủ, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, máy bơm nước nuôi thuỷ sản...); đối với hộ nghèo không tham gia các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy định này, được thực hiện trên cơ sở Định mức kinh tế kỹ thuật ban hành theo Quyết định số 928/QĐ-BNN-KNKL ngày 02/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT “Về việc phê duyệt quy định tạm thời định mức chương trình khuyến nông” cho việc xây dựng dự toán của Dự án, phù hợp với giá thị trường Hà Nội tại thời điểm thực hiện hỗ trợ.

Điều 3: Điều kiện hỗ trợ kinh phí.

- Hộ gia đình phải có cơ sở vật chất như: chuồng trại, đất đai, ao hồ,... phù hợp để thực hiện mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Có nguyện vọng tham gia dự án nhằm thoát nghèo, cải thiện đời sống.

- Có trong danh sách hộ nghèo do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Huyện Sóc Sơn thống kê tại thời điểm 31.12.2003.

Chương 2:

HÌNH THỨC, MÔ HÌNH, MỨC HỖ TRỢ

Điều 4: Các hình thức, mô hình hỗ trợ.

1/. Kinh phí xây dựng, tổ chức thực hiện các hình thức, mô hình trình diễn về phát triển sản xuất, do Ngân sách Thành phố hỗ trợ theo quy định hiện hành.

2/. Việc hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất thông qua các hình thức, mô hình sau đây:

a.Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương về công tác giảm nghèo, chống tái nghèo và tổ chức hoạt động thông tin tuyên truyền về công tác giảm nghèo, chống tái nghèo.

b. Thành lập Câu lạc bộ những hộ nghèo phấn đấu làm ăn giỏi, các nhóm nông dân cùng điều kiện sản xuất, cùng nguyện vọng.

c. Xây dựng mô hình trình diễn phát triển sản xuất nông nghiệp tại một số hộ có đủ điều kiện tham gia mô hình.

  d. Hỗ trợ một phần kinh phí  mua giống mới (giống năng suất, chất lượng cao). Hỗ trợ kinh phí mua vật tư (phân vô cơ, thuốc BVTV, nilon che phủ, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, máy bơm nước nuôi thuỷ sản,...) đối với hộ nghèo không tham gia thực hiện các mô hình trình diễn và hộ nghèo sau khi đã thực hiện xong mô hình trình diễn.

e. Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo, các lớp đào tạo nghề cho con em các hộ nghèo.

f. Tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất.

Điều 5: Quy định mức hỗ trợ.

Tỷ lệ kinh phí hỗ trợ được thực hiện như sau:

1/. Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức, thực hiện (mục a, b, e, f - khoản  2 - điều 4).

2/. Ngân sách Thành phố hỗ trợ 70% kinh phí mua giống; 50% kinh phí mua vật tư cho các hộ xây dựng mô hình trình diễn (mục c - khoản 2 - điều 4):

 Kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn được thực hiện 1 năm (đối với trồng trọt), 1 lứa (đối với nuôi gà, ngan, lợn thịt, bò thịt, thuỷ sản) và 1 chu kỳ sản xuất (đối với nuôi bò sinh sản, lợn sinh sản).

  3/. Ngân sách Thành phố hỗ trợ hộ nghèo không tham gia thực hiện mô hình trình diễn và hộ nghèo sau khi đã thực hiện xong mô hình trình diễn (mục d- khoản 2 - điều 4) như sau:

a. Đối với hộ nghèo không tham gia thực hiện các mô hình trình diễn:

Mỗi hộ được hỗ trợ 3 lần:  Mỗi lần là 1 năm (đối với trồng trọt), 1 lứa (đối với nuôi gà, ngan, lợn thịt, bò thịt, thuỷ sản), 1 chu kỳ sản xuất (đối với bò sinh sản, lợn sinh sản).

Riêng đối với các hộ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, lợn sinh sản Ngân sách chỉ hỗ trợ lần đầu.

b. Đối với mỗi hộ sau khi thực hiện xong mô hình trình diễn sẽ được tiếp tục hỗ trợ lần thứ 2 và lần thứ 3.

c. Tỷ lệ hỗ trợ:

Lần thứ 1:  Hỗ trợ 60% kinh phí mua giống, 40% kinh phí mua vật tư.

Lần thứ 2:  Hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, 30% kinh phí mua vật tư.

Lần  thứ 3: Không hỗ trợ giống, hỗ trợ 30% kinh phí mua vật tư.

Điều 6: Chính sách vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp.

1/. Hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất với lãi suất theo quy định của Nhà nước từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân nghèo phát triển sản xuất, Quỹ khuyến nông.

2/. Mức cho vay: Tuỳ theo loại hình sản xuất, một hộ nghèo được vay tối đa 7.000.000đồng.

3/. Thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay tối đa theo quy định là 12 tháng đối với cho vay ngắn hạn và 60 tháng đối với cho vay trung hạn. Thời điểm trả nợ vào cuối chu kỳ sản xuất.

4/. Hỗ trợ lãi suất vay vốn: Ngân sách Thành phố hỗ trợ lãi suất tiền vay vốn thực tế của các hộ nghèo vay trong quá trình thực hiện dự án, theo tỷ lệ lãi suất quy định của Ngân hàng chính sách xã hội: 0,5%/tháng; phí quản lý quỹ Khuyến nông: 0,2%/tháng; phí quản lý quỹ hỗ trợ nông dân nghèo phát triển sản xuất: 0,3% /tháng.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH VÀ UBND HUYỆN SÓC SƠN

Điều 7: Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT.

1/. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cùng các sở, ngành liên quan: xác định  công việc trọng tâm, thời gian triển khai. Kiểm tra, duyệt dự toán và quyết toán việc thực hiện định mức hỗ trợ cho các đối tượng theo Quy định này.

2/. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra Chi cục Di dân và Phát triển Vùng kinh tế mới Hà Nội thực hiện Dự án” Hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến ngư tại 8 xã còn nhiều hộ nghèo huyện Sóc Sơn, Hà Nội”  theo đúng quy định và có hiệu quả.

3/. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Chi cục Di dân và phát triển vùng kinh tế mới Hà Nội trong việc hướng dẫn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, định hướng chuyển đổi phát triển sản xuất tại từng vùng và xây dựng mô hình trình diễn.

4/. Tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

Điều 8: Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính cân đối vốn từ Chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo của Thành phố hàng năm để thực hiện dự án, báo cáo UBND Thành phố trình thường trực HĐND Thành phố xem xét, quyết định.

Điều 9: Trách nhiệm của Sở Tài chính.

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch - Đầu tư  căn cứ mức hỗ trợ tại quy định này, tổng hợp và đề xuất kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt theo kế hoạch hàng năm. Kiểm tra, duyệt dự toán và quyết toán việc thực hiện định mức hỗ trợ cho các đối tượng theo Quy định này.

- Thẩm định phương án phân bổ ngân sách của Chương trình mục tiêu thực hiện dự án làm căn cứ rút dự toán kinh phí tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 10: Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Sóc Sơn tổng hợp danh sách các hộ nghèo, cận nghèo trong phạm vi Dự án.

Điều 11: Trách nhiệm của Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân nghèo phát triển sản xuất và Quỹ khuyến nông.

- Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân nghèo phát triển sản xuất, Quỹ khuyến nông có trách nhiệm bố trí nguồn để dành cho hộ nghèo vay phát triển sản xuất, cải thiện đời sống theo Quy định này.

- Tổ chức cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất theo quy định hiện hành của Nhà nước, thu hồi vốn cho vay sau mỗi chu kỳ sản xuất.

Điều 12: Trách nhiệm của UBND Huyện Sóc Sơn.

1. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định, thống kê cụ thể số liệu hộ nghèo thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 - điều 1 của Quy định này.

2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục di dân và Phát triển vùng kinh tế mới Hà Nội, các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện Quy định này.

3. Chỉ đạo UBND 8 xã vùng Dự án phối hợp với Chi cục Di dân và Phát triển vùng kinh tế mới Hà Nội thực hiện có hiệu quả Quy định này.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13: Khen thưởng và xử lý vi phạm.

Trong quá trình thực hiện quy định này các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có thành tích xuất sắc sẽ được khen thưởng theo quy định; mọi hành vi vi phạm tuỳ theo mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Điều 14: Tổ chức thực hiện.

1/. Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND Huyện Sóc Sơn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và phối hợp thực hiện những nhiệm vụ được giao theo Quy định này.

2. Hiệu lực thi hành: Trong thời gian thực hiện Dự án (Từ năm 2004 đến năm 2006)./.