Quyết định 15/QĐ-UB năm 1981 quy định tạm thời về việc thi hành chánh sách đối với những người đã làm việc trong quân đội, chánh quyền và các tổ chức chánh trị của chế độ cũ đi học tập cải tạo tập trung được cho về thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 15/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Đình Nhơn
Ngày ban hành: 16/01/1981 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 1 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUI ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC THI HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐÃ LÀM VIỆC TRONG QUÂN ĐỘI, CHÁNH QUYỀN VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÁNH TRỊ CỦA CHẾ ĐỘ CŨ ĐI HỌC TẬP CẢI TẠO TẬP TRUNG ĐƯỢC CHO VỀ THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
- Căn cứ chánh sách 12 điểm của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đối với những người làm việc trong quân đội, chánh quyền và các tổ chức chánh trị phản động của chế độ cũ;
- Thi hành thông tư số 240/TTg ngày 9/8/1980 của Thủ tướng Chánh phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ;
- Theo đề nghị của Trưởng Ban quản lý người học tập cải tạo được về của thành phố và sau khi trao đổi với cơ quan liên quan.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Ban hành kèm theo quyết định này “bản quy định tạm thời về việc thi hành chánh sách đối với những người đã làm việc trong quân đội, chánh quyền và các tổ chức chánh trị của chế độ cũ đã học tập cải tạo tập trung được cho về thành phố”

Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. - Các đồng chí Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban quản lý người học tập cải tạo được về của thành phố, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan liên quan của thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC THI HÀNH CHÁNH SÁCH ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐÃ LÀM VIỆC TRONG QUÂN ĐỘI, CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ CỦA CHẾ ĐỘ CŨ ĐI HỌC TẬP CẢI TẠO TẬP TRUNG ĐƯỢC CHO VỀ THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 15/QĐ-UB ngày 16 tháng 1 năm 1981)

Thi hành thông tư số 240/TTg ngày 09 tháng 8 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện yêu cầu cải tạo và xây dựng thành phố, tạo điều kiện cho những người đi học tập cải tạo được trở về tham gia lao động sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài, đồng thời để góp phần đảm bảo trật tự an ninh, Uỷ ban Nân dân thành phố tạm thời quy định một số điềm cụ thể trong việc thi hành chính sách đối với những người đã làm việc trong quân đội, chính quyền và các tổ chức chính trị của chế độ cũ đi học tập cải tạo tập trung được cho về thành phố như sau:

Chương I

ĐỐI TƯỢNG, NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI

Điều 1. - Những người trong diện áp dụng quy định này là những người đã làm việc trong quân đội, chính quyền và các tổ chức chính trị của chế độ cũ có nhà cửa, gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh đi học tập cải tạo tập trung nay được cho về có giấy ra trại do đơn vị quản giáo cấp.

Dưới đây gọi tắt là những người học tập cải tạo được về

Điều 2. - Tất cả những người học tập cải tạo được về phải chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chủ trương và quy định của chính quyền địa phương và phải lao động sinh sống lương thiện theo hướng dẫn của chính quyền cách mạng.

Điều 3. - Những người học tập cải tạo được về phải chấp hành những qui định của về quản chế theo Sắc lệnh 175-SL ngày 18-8-1953 và Nghị định số 298/TTg ngày 18-8-53 của Thủ tướng Chính phủ và về cư trú đã quy định trong bản quy định này.

Ngoài những điều quy định về cư trú và kỷ luật quản chế, người học tập cải tạo được về vẫn có đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác kể cả đối với con cái của họ đang còn ở trong tuổi chưa thành niên.

Điều 4. - Thân nhân của những người học tập cải tạo được về và những người bảo lãnh họ có trách nhiệm giúp đỡ họ tiếp tục rèn luyện tư tưởng, tạo mọi điều kiện cho họ lao động có ích cho xã hội xây dựng cuộc sống ổn định lại lâu dài.

Chương II

QUẢN CHẾ VÀ PHỤC HỒI QUYỀN CÔNG DÂN

Điều 5. - Những người học tập cải tạo được về phải chịu sự quản chế của chính quyền địa phương. Thời hạn quản chế sẽ do Uỷ ban Nhân dân thành phố quyết định, căn cứ đề nghị của trại cải tạo.

a) Những người học tập cải tạo về trong vòng 48 tiếng đồng hồ khi về đến thành phố trình diện tại Ban quản lý người học tập cải tạo được về của thành phố và sau đó báo cáo lại Tổ quản lý cấp phường, xã kết quả trình diện nói trên. Nếu ngày trình diện trúng vào ngày chủ nhật, ngày lễ thì phải trình diện vào ngày làm việc kế tiếp sau đó.

b) Khi trình diện phải có giấy ra trại do đơn vị quản giáo cấp.

c) Sau khi làm thủ tục trình diện đương sự sẽ được cho phép tạm trú trong một thời gian nhiều nhất là 03 tháng với gia đình tại thành phố để chuẩn bị công ăn việc làm hoặc thu xếp về nơi cư trú chính thức.

Điều 6. - Những người học tập cải tạo được về phải chấp hành những quy định về quản chế trong thời gian quản chế do Bộ Nội Vụ hoặc Uỷ ban Nhân dân thành phố ấn định đối với từng trường hợp. Đối với những người mà giấy ra trại có ghi: “không quản chế” thì không bị quản chế và được hưởng quyền công dân ngay.

Điều 7. - Trong thời gian quản chế :

a) Đương sự chưa có quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan dân cử các cấp.

Khi có việc cần thiết đi ra khỏi phường, xã quá 24 tiếng đồng hồ phải xin phép cơ quan công an. Nếu đi trong phạm vi quận, huyện phải xin phép công an phường, xã. Nếu đi trong phạm vi thành phố phải xin phép công an quận. Nếu đi ngoài phạm vi thành phố phải xin phép Sở Công an thành phố.

b) Trường hợp được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước (Quốc doanh và Công tư hợp doanh), và đã được đăng ký thường trú thì đương sự phải báo cáo với cơ quan công an phường, xã biết và chỉ phải xin phép đi lại làm việc một lần thôi.

c) Những người đã được tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước đã được đăng ký thường trú chỉ báo cáo và trình diễn với công an phường, xã lần đầu (khi được tuyển dụng) và lần cuối (khi hết thời hạn quản chế). Cơ quan tuyển dụng đương sự có trách nhiệm quản lý và thông báo cho cơ quan công an biết tình hình cần thiết về đương sự.

d) Những người làm việc ở các cơ quan cơ sở sản xuất tập thể và những người chưa có công ăn việc làm, mỗi tháng trình diện với cơ quan, công an phường, xã một lần.

Điều 8. - Khi hết thời hạn quản chế, người học tập cải tạo được về có quyền đề nghị được xét để khôi phục quyền công dân.

Trong thời gian bị quản chế nếu đương sự không có hành động phạm pháp (trừ vi cảnh) thì được xét để phục hồi quyền công dân.

Điều 9. - Việc xét khôi phục quyền công dân phải được thực hiện đúng theo thời gian quy định cho từng đối tượng :

a) Đối với những người được làm việc trong các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng tại thành phố, trong các cơ quan, đơn vị cấp thành và cấp quận, huyện thì cơ quan sử dụng xét có tham khảo ý kiến của chính quyền phường, xã nơi đương sự cư trú và đề nghi Uỷ ban Nhân dân quận huyện (nơi đương sự cư trú) quyết định. Thành phần Hội đồng xét gồm có thủ trưởng cơ quan, đại diện cấp uỷ Đảng và đại diện Công đoàn.

b) Đối với những người đang làm việc trong các tổ hợp, hợp tác xã hoặc chưa có công ăn việc làm thì do chính quyền phường, xã xét có tham khảo ý kiến của đoàn thể và đề nghị lên Uỷ ban Nhân dân quận, huyện quyết định. Thành phần Hội đồng xét gồm có đại diện Uỷ ban Nhân dân phường, xã, công an và đại diện Tổ dân phố (nơi đương sự cư trú).

Điều 10.  

a) Khi hết thời hạn quản chế, người học tập cải tạo được về làm đơn gởi đơn vị trực tiếp quản lý mình (cơ quan, xí nghiệp, hoặc Uỷ ban Nhân dân phường, xã) xin phục hồi quyền công dân.

Việc xét phục hồi quyền công dân phải bảo đảm không được chậm quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn của đương sự.

b) Trường hợp đương sự không đạt tiêu chuẩn để phục hồi quyền công dân thì đơn vị quản lý phải nói rõ cho họ biết và đề nghị lên Uỷ ban Nhân dân thành phố xét và quyết định gia hạn quản chế. Thời gian gia hạn quản chế từ 6 tháng đến 1 năm.

Điều 11. - Những trường hợp sau đây có thể được xét phục hồi quyền công dân trước thời hạn:

- Những người lập thành tích nổi bật trong công tác bảo vệ trật tự an ninh hoặc trong lao động sản xuất.

- Những người được di chuyển về địa phương ngoài thành phố sắp hết thời hạn quản chế mà đã hoàn tất các thủ tục và sẳn sàng di chuyển về nơi cư trú chính thức.

Điều 12. - Nếu đơn vị phục hồi quyền công dân của mình không được xét, người có đơn có quyền khiếu nại lên Uỷ ban Thanh tra, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Uỷ ban Nhân dân quận, huyện và thành phố. Các cơ quan nhận được đơn khiếu nại phải xét và trả lời chậm nhất trong thời hạn 30 ngày nhận được đơn đó.

Chương III

LAO ĐỘNG VÀ CƯ TRÚ

Điều 13. - Những người học tập cải tạo được về còn ở trong độ tuổi lao động ( Nam từ 18 tuổi đến 60 tuổi, nữ từ 18 đến 55 tuổi ), có sức lao động tuỳ theo khả năng của bản thân, phải lao động có ích cho xã hội theo quy định của Nhà nước.

Điều 14.

a) Những người sau đây được xét tuyển dụng vào cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện của Nhà nước hoặc các cơ sở sản xuất tập thể và được đăng ký thường trú tại thành phố :

- Có trình độ khoa học kỹ thuật từ trung cấp trở lên

- Thợ có tay nghề bậc 4 trở lên.

- Giáo sư các trường đại học.

- Giáo viên trường phổ thông cấp 3.

- Trí thức (tốt nghiệp Đại học) thuộc các ngành khoa học xã hội.

b) Khi được tuyển vào cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, những người nói trong mục a) trên đây làm việc dưới hình thức hợp đồng nếu còn trong thời kỳ quản chế. Khi họ được khôi phục quyền công dân thì họ được xét vào biên chế chính thức theo Điều 1 của quyết định số 435/ TTg ngày 30 tháng 10 năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ.

c ) Sau 6 tháng làm việc kể từ ngày làm hợp đồng, cơ quan tuyển dụng phải xác định mức lương chính thức tuỳ theo năng lực cống hiến của họ. Trường hợp biết được rõ, có thể xếp ngay mức lương chính thức không nhất thiết chờ qua thời gian 6 tháng. Nếu đã xếp lương chính thức, mà sau đó chưa thấy thoả đáng thì có thể điều chỉnh tiếp.

Điều 15. - Những đối tượng sau đây được xét cho đăng ký thường trú với gia đình :

a ) Những người là con em (em ruột ) cán bộ cách mạng, gia đình cở sở cách mạng.

b ) Những người bệnh tật già yếu không còn sức lao động sống dựa vào gia đình có việc làm ăn ở thành phố.

c) Những người có vợ (hoặc chồng) là công nhân, viên chức, cán bộ trong biên chế Nhà nước đang làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học bệnh viện của Nhà nước và đã làm việc liên tục từ ngày giải phóng.

d) Những người có ruộng đất, nhà cửa ở các xã ngoại thành hoặc có thân nhân có ruộng đất, nhà cửa ở các xã ngoại thành bảo lãnh về cư trú và lao động sản xuất ở nơi đó.

Điều 16.

a) Ban quản lý người học tập cải tạo được về được Uỷ ban Nhân dân thành phố uỷ nhiệm xét và quyết định cho thường trú các đối tượng qui định ở các điều 14 và 15 trên đây. Sở công an sẽ làm các thủ tục cho thường trú theo quyết định của Ban quản lý người học tập cải tạo được về.

b) Những trường hợp đặt biệt ngoài các điều nói trên sẽ do Uỷ ban nhân dân thành phố xét và quyết định.

Điều 17.

a) Những người học tập cải tạo được về không thuộc diện nói trong điều 14, điều 15, điều 16, trên đây được chuyển về lao động sản xuất ở các địa phương ngoài thành phố theo các hình thức.

- Hồi hương vế quê quán củ hoặc vế nơi thân nhân bảo lãnh

- Đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới do thành phố tổ chức.

- Đi lao động ở các công trường, nông trường, lâm trường ngoài thành phố.

b) Những đối tượng trên đây có thể đi một mình, đi với một phần gia đình hoặc cả gia đình tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể.

Khi cuộc sống đã ổn định, nếu họ muốn chuyển cả gia đình theo sẽ được Nhà nước giúp đỡ.

Điều 18.

a) Những người hồi hương về quê quán cũ hoặc đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới được hưởng mọi trợ cấp theo chế độ đã ban hành chung cho nhân dân.

b) Những người đi lao động ở các công trường, nông trường, lâm trường được hưởng lương và các chế độ như mọi người lao động ở đó.

Điều 19. - Những người hồi hương, đi lao động ở các công trường, nông trường, lâm trường ngoài thành phố, đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới ngoài thành phố được phép bán, sang nhượng nhà nếu được Uỷ ban Nhân dân tành phố cho phép.

Chương IV

TỔ CHỨC LAO ĐỘNG VÀ ĐỊNH CƯ NGOÀI THÀNH PHỐ

Điều 20. - Để thi hành chính sách đối với người học tập cải tạo tập trung được về, Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ thành lập hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý người học tập cải tạo tập trung được về thành phố đến phường, xã và nhằm giúp Uỷ ban Nhân dân thành phố lãnh đạo, cải tạo và kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định này:

-Ở thành phố có Ban quản lý người học tập cải tạo được về;

-Ở quận, huyện có Tiểu ban quản lý người học tập cải tạo được về;

-Ở phường, xã có Tổ quản lý người học tập cải tạo được về.

Điều 21. - Ban quản lý “người học tập cải tạo được về” có nhiệm vụ tổ chức và tạo điều kiện cho những người nói trong điều 17 trên đây đi lao động sản xuất và định cư ở các địa phương ngoài thành phố.

Điều 22. - Ban quản lý cấp thành có trách nhiệm xét từng trường hợp và vạch kế hoạch tổ chức cho đối phương đi lao động sản xuất hoặc định cư ở các địa phương ngoài thành phố.

Điều 23.

a) Tiểu Ban quản lý cấp quận, huyện hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ, trực tiếp nghe ý kiến của đương sự và thẩm tra, xác định. Trên cơ sở đó dự kiến phân loại và báo cáo lên Ban quản lý cấp thành.

b) Tổ quản lý “người học tập cải tạo được về” phường xã thông qua các biện pháp quản lý hộ khẩu và phát hiện của quần chúng, lên danh sách những người học tập cải tạo được về báo cáo lên Tiểu ban quản lý cấp quận, huyện. Nội dung báo cáo gồm tóm tắt lý lịch của đương sự, nghề nghiệp, nơi làm việc, đang tạm trú hay thường trú, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, hoàn cảnh thực tế của đương sự và gia đình, nhận xét chung về đương sự.

Điều 24. - Những người hồi hương có 15 ngày kể từ ngày được Tổ quản lý phường, xã thông báo để hoàn tất thủ tục về địa phương mới.

Điều 25. - Những người đi xây dựng kinh tế mới hoặc lao động ở công trường, nông trường, lâm trường sẽ do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận, huyện quyết định. Quyết định phải ghi rõ họ, tên ngày tháng năm sinh, nơi ở hiện tại, cấp bậc, chức vụ dưới chế độ cũ, nơi đến làm việc, tên đơn vị sử dụng, ngày và địa điểm đơn sự phải tới nhận việc làm.

Điều 26.

a) Quyết định đi xây dựng kinh tế mới hoặc lao động ở các công, nông, lâm trường sẽ do cảnh sát khu vực tống đạt trực tiếp cho người nhận và ký nhận. Thời hạn trao quyết định chậm nhất phải trước năm (5) ngày so với ngày đương sự phải có mặt tại địa điểm quy định.

b) Nếu đương sự vắng mặt thì người đại diện gia đình ký nhận tờ lệnh và đảm bảo việc thi hành.

Điều 27.

a) Người có quyết định điều động có quyền khiếu nại lên Uỷ ban Thanh tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân quận, huyện và thành phố. Các cơ quan nhận được đơn khiếu nại phải xét và trả lời chậm nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhân được đơn của đương sự.

b) Trong khi chờ đợi cơ quan có thẩm quyền xét và trả lời, đương sự phải nghiêm chỉnh thi hành quyết định điều động, không được vịn cớ khiếu nại để trì hoãn hoặc từ chối việc thi hành. Việc trả lời đơn khiếu nại phải thông báo cho cơ quan ra lệnh điều động và đơn vị đang quản lý người đó biết kết quả.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

Điều 28.

a) Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã có nhiệm vụ tổ chức cơ quan phụ trách công tác quản lý người học tập cải tạo được về thuộc cấp mình, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng tinh thần và lời văn bản quy định này. Phải chỉ đạo nắm chắc danh sách đối tượng ghi ở điều 1, chỉ đạo phân loại, vận dụng chính sách đối với từng đối tượng.

b) Sở Công an thành phố thông qua các biện pháp lên đầy đủ danh sách những người học tập cải tạo được về thành phố, và quản lý chặt và góp phần vào việc phân loại giúp Uỷ ban Nhân dân các cấp thi hành tốt kế hoạch đề ra.

c) Sở Lao động và Ban Xây dựng kinh tế mới có trách nhiệm chọn điểm lao động và góp phần tổ chức cho đối tượng lao động sản xuất tạo điều kiện cho họ ổn định đời sống lâu dài.

d) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thành phố, Sở Tài chánh, Công ty Vật tư tổng hợp, Sở Lương thực, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu về kinh phí, vật tư, lương thực và các phương tiện cần thiết khác để đưa đối tượng này vào lao động sản xuất.

đ) Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện có tuyển dụng những người học tập cải tạo được về, có trách nhiệm quản lý và sử dụng tốt phục vụ cho công việc của ngành. Cần quan tâm giáo dục giúp đỡ để họ tiếp tục rèn luyện trở thành người công dân tốt.

e) Các cơ quan chính quyền các cấp phải thực hiện đúng đắn chính sách của Đảng và Nhà nước phải tạo điều kiện cho họ đem hết công sức của mình cùng toàn dân đóng góp vào công cuộc lao động xây dựng đất nước giàu mạnh.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. - Nghiêm cấm những người có quan hệ với người học tập cải tạo được về có hành động bao che, giúp đương sự lẩn tránh hoặc chống lại việc thi hành bản quy định này.

Điều 30. - Những người học tập cải tạo được về nếu có hành động lẩn tránh hoặc chống lại việc thi hành bản quy định này cũng như những người nêu ở điều 29, tuỳ theo mức độ sai lầm nặng hay nhẹ phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

- Kiểm thảo trước tập thể (cơ quan hay tổ dân phố),

- Cảnh cáo,

- Buộc thôi việc (nếu là CBCNV Nhà nước)

- Tập trung cải tạo hoặc đưa đi cải huấn tập trung trở lại.

- Truy tố trước pháp luật.

Điều 31. - Ban quản lý người học tập cải tạo được về chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành bản quy định này.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.