Quyết định 15/2010/QĐ-UBND quy định chính sách, chế độ đối với học sinh thuộc khu vực II Chương trình 135 giai đoạn II; học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
Số hiệu: 15/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Lê Minh Ánh
Ngày ban hành: 23/07/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/2010/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 23 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI HỌC SINH THUỘC KHU VỰC II CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II; HỌC SINH, SINH VIÊN LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 16/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30/2001/NQ-HĐND ngày 16/8/2001 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết số 21/2001/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Khóa VI;
Căn cứ Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến 2014 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú;
Căn cứ Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007, Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày 05/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân đang sinh sống trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV- UBDT ngày 07/4/2008 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của liên Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 243/TTr-STC ngày 19/5/2010 và Công văn số 908/STC-HCSN ngày 12/7/2010,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chính sách, chế độ đối với học sinh con hộ nghèo sinh sống trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II của Chương trình 135 giai đoạn II; học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số mà cha, mẹ có hộ khẩu thường trú tại xã miền núi tỉnh Quảng Nam đi học tại:

a) Các trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Phổ thông dân tộc nội trú;

b) Cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

c) Học chính quy, tập trung thuộc chỉ tiêu ngân sách tỉnh giao đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Nam quản lý;

d) Học nghề tập trung nội trú (không thuộc đối tượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ) tại các trường Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề công lập thuộc tỉnh Quảng Nam quản lý có đủ điều kiện dạy nghề nội trú, có thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên và thuộc chỉ tiêu ngân sách tỉnh giao đào tạo nghề.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ các Quyết định:

- Quyết định số 42/2001/QĐ-UB ngày 07/9/2001 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án về chính sách đối với học sinh là người dân tộc ít người đi học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và đi thi, đi học tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp;

- Quyết định số 2077/QĐ-UB ngày 24/6/2008 của UBND tỉnh về quy định tạm thời chế độ trợ cấp xã hội đối với học sinh là người Dân tộc thiểu số đang học tại các trường Cao đẳng, Đại học, Trung cấp nghề tỉnh Quảng Nam và các trường Trung học phổ thông

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Dạy nghề; Hiệu trưởng các trường Tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Minh Ánh

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI HỌC SINH LÀ CON HỘ NGHÈO SINH SỐNG TRÊN ĐỊA BÀN CÁC XÃ, THÔN, BẢN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN THUỘC KHU VỰC II CỦA CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II; HỌC SINH, SINH VIÊN LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ MÀ CHA, MẸ CÓ HỘ KHẨU THƯỜNG TRÚ TẠI XÃ MIỀN NÚI ĐI HỌC TẠI CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRUNG HỌC PHỔ THÔNG; ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP VÀ CÁC TRƯỜNG DẠY NGHỀ CÔNG LẬP THUỘC TỈNH QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 23/7/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

I. ĐỐI VỚI HỌC SINH PHỔ THÔNG VÀ PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ

1. Học phổ thông (trừ phổ thông dân tộc nội trú)

a) Hưởng theo chính sách, chế độ trung ương quy định, gồm:

- Đối tượng: Học sinh là con hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ đang sinh sống trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II.

- Chính sách chế độ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 112/2007/QĐ- TTg ngày 20/7/2007 và bổ sung, sửa đổi tại Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày 05/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

- Đối với học sinh đi học tại các lớp mẫu giáo thôn, bản được hỗ trợ: 70.000 đồng/học sinh/tháng và được hưởng 9 tháng/năm;

- Đối với học sinh học đang theo học các cơ sở giáo dục phổ thông về tiền ăn, dụng cụ sinh hoạt và học tập được hỗ trợ: 140.000 đồng/học sinh/tháng và hưởng 9 tháng/năm.

Được hưởng đến hết tháng 5 năm 2011; từ tháng 6 năm 2011 được thực hiện chế độ theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ.

b) Hưởng theo chính sách, chế độ của tỉnh (theo Nghị quyết số 30/2001/NQ- HĐND ngày 16/8/2001 của HĐND tỉnh). Cụ thể:

- Đối tượng: Học sinh là người dân tộc thiểu số mà cha, mẹ có hộ khẩu thường trú tại xã miền núi đi học tại các Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

- Chính sách, chế độ: Được trợ cấp xã hội về tiền ăn, dụng cụ học tập và sinh hoạt:

- Mức trợ cấp: 100.000 đồng/học sinh/tháng và hưởng 9 tháng/năm;

- Hỗ trợ tiền học phẩm: 40.000 đồng/học sinh/năm;

* Học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng hưởng chính sách tại điểm 1,1 Mục I Quy định này thì được hưởng cả 2 chế độ quy định tại điểm 1,1 và 1,2 Mục I Quy định này.

2. Học phổ thông dân tộc nội trú: Hưởng chính sách của Trung ương quy định tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của liên Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục & Đào tạo. Cụ thể:

a) Đối tượng: Học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, huyện;

b) Chính sách, chế độ:

- Miễn học phí;

- Học bổng chính sách được hưởng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và hưởng 12 tháng/năm;

- Học sinh nếu học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên (ở năm học trước đó) được Nhà trường thưởng 01 lần/năm: đạt loại khá: 400.000 đồng; giỏi: 600.000 đồng, xuất sắc: 800.000 đồng;

- Khi nhập trường được trang cấp hiện vật 1 lần một số đồ dùng cá nhân như: chăn bông cá nhân; áo bông; chiếu cá nhân; Nilon đi mưa; quần, áo dài tay (đồng phục), chi theo thực tế nhưng tối đa 510.000 đồng/học sinh;

- Được hỗ trợ tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần (lượt đi và về) để thăm gia đình vào dịp tết hoặc nghỉ hè. Tùy theo cự ly từ địa phương nơi cư trú đến trường, Hiệu trưởng quy định mức chi hỗ trợ cụ thể cho phù hợp từng học sinh, nhưng tối đa không quá:

+ Đối với phổ thông dân tộc nội trú huyện: 140.000 đồng/học sinh/năm;

+ Đối với phổ thông dân tộc nội trú tỉnh: 240.000 đồng/học sinh/năm.

- Hỗ trợ học phẩm: giấy trắng kẻ hoặc vở; cặp, bút bi; bút chì đen; hộp chì màu; tẩy; bộ com pa, thước đo độ; dao con hoặc kéo; hồ dán; giấy màu thủ công; bìa bọc vở, thước kẻ, chi theo thực tế nhưng tối đa không quá:

+ Đối với phổ thông dân tộc nội trú huyện: 180.000 đồng/học sinh/năm;

+ Đối với phổ thông dân tộc nội trú tỉnh: 200.000 đồng/học sinh/năm.

II. ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN HỌC ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP VÀ HỌC NGHỀ TẬP TRUNG, CHÍNH QUY

1. Đào tạo cử tuyển: Sinh viên thuộc hệ cử tuyển học tại các trường Đại học, Cao đẳng hưởng chính sách theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT- BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 07/4/2008. Gồm:

- Học phí trả cho trường đào tạo theo quy định của Nhà nước. Đang áp dụng: 240.000 đồng/tháng x 10 tháng = 2.400.000 đồng/người/năm (áp dụng theo sửa đổi của Trung ương nếu có).

- Học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và hưởng 12 tháng/năm;

- Trợ cấp ăn, ở, đi lại, học phẩm, sinh hoạt bằng 50% mức lương tối thiểu của Nhà nước và hưởng 10 tháng/năm.

2. Học sinh, sinh viên học đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tập trung, chính quy: Hưởng chính sách của tỉnh quy định (theo Nghị quyết số 30/2001/NQ-HĐND ngày 16/8/2001 của HĐND tỉnh):

a) Đối tượng: Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (không thuộc các đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước) mà cha, mẹ có hộ khẩu thường trú tại xã miền núi đi học tập trung, chính quy trong chỉ tiêu đào tạo từ nguồn ngân sách tỉnh tại các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp công lập tỉnh Quảng Nam;

b) Chính sách, chế độ:

- Miễn học phí;

- Học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và hưởng 12 tháng/năm.

- Hỗ trợ tiền học phẩm: 100.000 đồng/người/năm, để mua sách, tài liệu học tập; giấy trắng kẻ hoặc vở; bút bi; ...

3. Học sinh học nghề:

a) Đối tượng: Là học sinh tốt nghiệp các trường Trung học cơ sở nội trú, Trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi (không thuộc đối tượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ) được xét tuyển học nghề tập trung nội trú tại các trường Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề công lập thuộc tỉnh Quảng Nam quản lý có đủ điều kiện dạy nghề nội trú, có thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên và thuộc chỉ tiêu ngân sách giao đào tạo nghề;

b) Chế độ, chính sách: Hưởng chính sách của trung ương quy định tại Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

- Miễn học phí;

- Học bổng chính sách được hưởng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và hưởng 12 tháng/năm;

- Học sinh có thời gian đào tạo trên 1 năm, nếu học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên (ở năm học trước đó) được Nhà trường thưởng 01 lần/năm: đạt loại khá: 400.000 đồng, giỏi: 600.000 đồng, xuất sắc: 800.000 đồng;

- Khi nhập trường nếu hoàn cảnh khó khăn về kinh tế (có xác nhận của địa phương) được hỗ trợ trang cấp hiện vật 1 lần một số đồ dùng cá nhân như: chăn bông cá nhân; áo bông; chiếu cá nhân; Nilon đi mưa; quần, áo dài tay (đồng phục), chi theo thực tế nhưng tối đa không vượt quá mức dưới đây:

+ Học sinh có thời gian đào tạo từ 1 năm trở lên: 510.000 đồng/học sinh;

+ Học sinh có thời gian đào tạo từ 3 tháng đến dưới 1 năm: 310.000 đồng/học sinh;

- Được hỗ trợ tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần (lượt đi và về) để thăm gia đình vào dịp tết hoặc nghỉ hè. Tùy theo cự ly từ địa phương nơi cư trú đến trường, Hiệu trưởng quy định mức chi hỗ trợ cụ thể cho phù hợp từng học sinh, nhưng tối đa không quá 240.000 đồng/học sinh/năm.

- Hỗ trợ học phẩm: giấy trắng kẻ hoặc vở; cặp, bút bi; bút chì đen; hộp chì màu; tẩy; bộ com pa, thước đo độ; dao con hoặc kéo; hồ dán; giấy màu thủ công; bìa bọc vở, thước kẻ, chi theo thực tế nhưng tối đa không quá 200.000 đồng/học sinh/năm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc các Sở: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện; hằng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và các Bộ, ngành TW theo quy định;

2. Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Dạy nghề và Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện đúng đối tượng, công khai đến học sinh, sinh viên; trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp;

3. Đối với các chế độ được quy định theo mức tuyệt đối thì sau 03 năm thực hiện sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.