Quyết định 15/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu: 15/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Trần Minh Kỳ
Ngày ban hành: 13/07/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 15/2010/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VÙNG BẢO HỘ VỆ SINH KHU VỰC LẤY NƯỚC SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998; Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng";
Căn cứ Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 15/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất;
Căn cứ Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước sinh hoạt;
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1053/TNMT-TNN ngày 01/7/2010; Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp số 448/BC-STP ngày 28/6/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Chánh, các PVP/UBND tỉnh;
- Các tổ chuyên viên VP/UBND tỉnh;
- Website Chính phủ;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, NL1, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Kỳ

 

QUY ĐỊNH

VÙNG BẢO HỘ VỆ SINH KHU VỰC LẤY NƯỚC SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND Ngày 13/7/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định phạm vi bảo vệ nguồn nước cấp cho sinh hoạt, các hoạt động nằm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và hoạt động liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Nguồn nước" chỉ các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng được, bao gồm sông, suối, kênh, rạch; biển, hồ, đầm ao; các tầng chứa nước dưới đất; mưa và các dạng tích tụ nước khác.

2. "Nước mặt" là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo.

3. "Nước dưới đất" là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới mặt đất.

4. "Nước sinh hoạt" là nước dùng cho ăn uống, vệ sinh của con người.

5. "Nguồn nước sinh hoạt" là nguồn có thể cung cấp nước sinh hoạt hoặc nước có thể xử lý thành nước sạch một cách kinh tế.

6. "Nguồn nước sinh hoạt tập trung" là nguồn nước phục vụ mục đích sinh hoạt cho một cộng đồng dân cư.

7. "Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước" là vùng phụ cận khu vực lấy nước từ nguồn nước được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

8. "Vùng lòng hồ" là vùng kể từ đường biên giải phóng lòng hồ trở xuống phía lòng hồ chứa.

9. "Ô nhiễm nguồn nước" là sự thay đổi tính chất vật lý, tính chất hóa học, thành phần sinh học của nước vi phạm quy chuẩn cho phép.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nguồn nước sinh hoạt cần được bảo vệ

1. Nguồn nước ưu tiên khai thác, sử dụng tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt bao gồm:

a) Các nguồn nước mặt (sông, suối, hồ chứa nước, đập dâng…), nguồn nước dưới đất (giếng khoan, giếng đào, mạch lộ, hang ngầm) đã và đang được khai thác, sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn;

b) Các nguồn nước nằm trong Quy hoạch cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Chất lượng nguồn nước:

a) Nguồn nước mặt khai thác, sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải đảm bảo các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cột A theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT;

b) Nguồn nước dưới đất được khai thác, sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải đảm bảo các chỉ tiêu nằm trong giới hạn theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm QCVN 09:2008/BTNMT.

Điều 5. Phạm vi bảo hộ vệ sinh nguồn nước sinh hoạt tập trung

1. Đối với nguồn nước dưới đất

a) Tuỳ theo quy mô công trình cấp nước, chủ công trình khai thác sử dụng phải thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh, gồm 2 khu:

- Khu I là phạm vi xung quanh công trình khai thác, cần được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm tất cả các hoạt động phát sinh ra nguồn gây ô nhiễm, ranh giới được xác định như sau:

+ Bán kính bảo vệ 30 mét tính từ miệng giếng đối với giếng khoan quy mô nhỏ (là công trình giếng khoan khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách dưới 110 milimét và thuộc công trình có lưu lượng dưới 200m3/ngày đêm);

+ Bán kính bảo vệ 50 mét tính từ miệng giếng đối với giếng khoan quy mô vừa (là công trình giếng khoan khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách dưới 250 milimét và thuộc công trình có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3000m3/ngày đêm);

+ Bán kính bảo vệ 100 mét tính từ miệng giếng đối với giếng khoan quy mô lớn (là công trình giếng khoan khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách trên 250 milimét và thuộc công trình có lưu lượng trên 3000m3/ngày đêm).

- Khu II là khu vực liền kề với khu I, cần phải hạn chế các hoạt động phát sinh nguồn gây ô nhiễm, phá hủy lớp phủ bảo vệ tầng chứa nước. Ranh giới, phạm vi Khu II được xác định cụ thể theo điều kiện địa chất thủy văn, lưu lượng khai thác, sơ đồ bố trí công trình khai thác nước và mức độ tự bảo vệ của tầng chứa nước khai thác.

b) Đối với nguồn nước giếng đào, giếng thu nước mạch lộ, hang ngầm:

- Địa hình bằng phẳng: Bán kính bảo vệ 100 mét tính từ miệng giếng;

- Địa hình có độ dốc: Bán kính bảo vệ 200 mét từ miệng giếng lên thượng nguồn, từ 100 mét xuống phía hạ nguồn.

c) Trường hợp vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất có diện tích không thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của chủ công trình khai thác thì phải có văn bản thỏa thuận với chủ sử dụng đất đó trước khi thi công.

d) Đối với công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động nhưng chưa lập vùng bảo hộ vệ sinh và điều kiện mặt bằng hiện tại không thể thiết lập được vùng bảo hộ vệ sinh, thì không được gia tăng các hoạt động phát sinh thêm nguồn gây ô nhiễm khu vực xung quanh công trình khai thác.

2. Đối với nguồn nước mặt

a) Nguồn nước sinh hoạt lấy từ các hồ chứa:

- Bờ hồ bằng phẳng: Vùng bảo hộ vệ sinh tính từ đường biên mặt thoáng tương ứng với cao trình mực nước dâng bình thường của nguồn nước ra xung quanh lớn hơn hoặc bằng 300 mét (≥ 300m);

- Bờ hồ dốc: Phạm vi bảo hộ vệ sinh là toàn bộ vùng lòng hồ.

b) Nguồn nước sinh hoạt lấy từ sông, suối, đập dâng:

Vùng bảo hộ vệ sinh tính từ đường biên mặt thoáng tương ứng với cao trình mực nước cao nhất của nguồn nước ra xung quanh lớn hơn hoặc bằng 100 mét (≥ 100m).

Điều 6. Phạm vi bảo hộ vệ sinh nguồn nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình

1. Đối với nguồn nước dưới đất (giếng khoan, giếng đào, giếng thu nước mạch lộ):

Bán kính vùng bảo hộ vệ sinh tính từ miệng giếng không nhỏ hơn:

a) 5m, đối với khu vực đô thị

b) 10m, đối với khu dân cư nông thôn ở vùng đồng bằng

c) 20m, đối với các trường hợp không quy định tại điểm a và b Khoản này.

2. Trường hợp sử dụng nguồn nước mặt (sông, suối, hồ chứa, đập dâng): bán kính bảo hộ vệ sinh tối thiểu 100 mét tính từ điểm lấy nước.

Trên cơ sở quy định tại điều này, các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng phương án bảo vệ nguồn nước do mình khai thác, sử dụng và áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương.

Điều 7. Những hành vi nghiêm cấm trong vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước

1. Đổ hoặc chôn lấp các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường trong khu vực bảo hộ vệ sinh;

2. Chăn thả gia súc, gia cầm, xây dựng nhà vệ sinh, kho bãi; phóng uế bừa bãi;

3. Chặt phá, đốt rừng, làm nương rẫy;

4. Chôn lấp các loại xác động vật;

5. Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nghĩa trang, nghĩa địa;

6. Mọi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động khác gây ô nhiễm nguồn nước;

7. Mọi trường hợp xả nước thải trong phạm vi bảo hộ vệ sinh nguồn nước chưa được xử lý đạt cột A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 24:2009/BTNMT (đối với nước thải công nghiệp) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2009/BTNMT (đối với nước thải sinh hoạt).

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

Theo dõi, đôn đốc thực hiện quy định; tổ chức và phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý đúng quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

1. Chỉ đạo, điều hành việc cắm mốc giới hạn phạm vi bảo vệ nguồn nước sinh hoạt thuộc địa bàn quản lý và tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và Quy định này.

2. Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, thị xã: phối hợp với các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước thực hiện việc cắm mốc giới hạn phạm vi bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa; tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

1. Tham gia cùng các cơ quan chuyên môn, đơn vị có liên quan thực hiện việc khoanh định trên bản đồ, cắm mốc giới hạn phạm vi khu vực bảo hộ vệ sinh nguồn nước sinh hoạt trên thực địa thuộc địa bàn quản lý;

2. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tài nguyên nước, pháp luật bảo vệ môi trường và thông báo nội dung phương án bảo vệ nguồn nước đến nhân dân địa phương.

3. Hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ tốt nguồn nước; tổ chức kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Điều 11. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình khai thác, sử dụng nguồn nước cấp cho sinh hoạt

1. Xây dựng phương án bảo vệ nguồn nước, lập hồ sơ khoanh định giới hạn vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước thuộc phạm vi công trình do mình trực tiếp quản lý khai thác, sử dụng quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 quy định này.

2. Đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình khai thác, sử dụng nguồn nước sinh hoạt tập trung phải tổ chức thực hiện việc cắm mốc phạm vi bảo hộ vệ sinh trên thực địa của công trình do mình quản lý, khai thác theo quy định này.

3. Khai thác, sử dụng nguồn nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước QCVN 08:2008/BTNMT, QCVN 09:2008/BTNMT; xử lý nguồn nước cấp cho sinh hoạt đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt ban hành kèm theo Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế trước khi cung cấp đến các hộ dùng nước.

Điều 12. Trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện việc khoanh vùng phạm vi bảo hộ vệ sinh nguồn nước đối với diện tích đất thuộc quyền sở hữu của mình nằm trong vùng bảo hộ vệ sinh; đồng thời chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ nguồn nước trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước theo quy định này.

2. Không xả các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường trong khu vực bảo hộ vệ sinh; nước thải ra phải được xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải loại A theo QCVN 24:2009/BTNMT (đối với nước thải công nghiệp), Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT (đối với nước thải sinh hoạt) trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận (vùng cấp nước sinh hoạt).

Điều 13. Chế độ thông tin báo cáo

1. Định kỳ sáu tháng, một năm các đơn vị, tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, sử dụng nguồn nước sinh hoạt tập trung báo cáo tình hình thực hiện quy định cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường) nơi công trình đang hoạt động. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, thị xã; đề xuất các biện pháp khắc phục sự cố môi trường gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

2. Định kỳ sáu tháng, một năm Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, thị xã giúp Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp báo cáo tình hình chấp hành quy định về bảo vệ nguồn nước theo quy định này và quy định khác liên quan đến tài nguyên nước cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

3. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Quy định này cho Ủy ban nhân dân tỉnh; đề xuất các vướng mắc, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Kinh phí thực hiện

1. Đối với các công trình khai thác nước thuộc sở hữu Nhà nước:

a) Trường hợp xây dựng mới công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nguồn kinh phí để xây dựng phương án bảo vệ nguồn nước, khoanh định, cắm mốc giới hạn vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng dự án;

b) Trường hợp các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước đang hoạt động, nguồn kinh phí để xây dựng phương án bảo vệ nguồn nước, khoanh định, cắm mốc giới hạn vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước do đơn vị trực tiếp quản lý khai thác đảm bảo.

2. Đối với các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc các thành phần kinh tế khác, thì chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm đảm bảo kinh phí để xây dựng phương án bảo vệ nguồn nước, khoanh định, cắm mốc giới hạn vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước.

Điều 15. Điều khoản thi hành

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung Quy định này, các tổ chức, cá nhân cần phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.