Quyết định 15/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành: Tài nguyên và môi trường, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp tỉnh, huyện trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
Số hiệu: 15/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu Người ký: Phạm Hoàng Bê
Ngày ban hành: 15/09/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/2010/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 15 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH: TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG, XÂY DỰNG, NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN TRONG VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Xét Tờ trình số 164/TTr-STNMT ngày 08 tháng 7 năm 2010 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các ngành: Tài nguyên và môi trường, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp tỉnh, cấp huyện trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Bạc Liêu, Thủ trưởng các ngành, các cấp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Hoàng Bê

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH: TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG, XÂY DỰNG, NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Ở CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN TRONG VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích yêu cầu

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành tài nguyên và môi trường, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp tỉnh và cấp huyện theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng ngành.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng là các ngành: Tài nguyên và môi trường, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã; tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận.

2. Phạm vi điều chỉnh:

a) Quy chế này quy định cụ thể trách nhiệm, phần việc của các ngành có liên quan theo quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận;

b) Các quy định khác về việc cấp giấy chứng nhận không được quy định trong Quy chế này thì áp dụng theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Chương II

CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN; NƠI TIẾP NHẬN VÀ TRAO GIẤY CHỨNG NHẬN

Điều 3. Chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng thực hiện theo quy định tại các Điều 7, 8, 9 và 10 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận.

Điều 4. Nơi nộp hồ sơ và trao giấy chứng nhận; thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận; việc nộp giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định tại Điều 11, 12 và 13 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH CÓ LIÊN QUAN TRONG VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

Điều 5. Trách nhiệm của ngành tài nguyên và môi trường cấp tỉnh và cấp huyện.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các trình tự, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận theo quy định tại các Điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21 và 22 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.

Điều 6. Trách nhiệm của ngành xây dựng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 15, khoản 3 Điều 16, khoản 3 Điều 17, khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 21 và khoản 2 Điều 22, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ thì trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu lấy ý kiến của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện thì Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Đối với phiếu lấy ý kiến của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh), cơ quan quản lý về nhà ở, công trình xây dựng, cơ quan quản lý nông nghiệp cấp huyện (Đối với phiếu lấy ý kiến của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện) có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện các thông tin về điều kiện chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng (Phiếu lấy ý kiến theo mẫu 07/ĐK-GCN ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).

Điều 7. Trình tự, thủ tục luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan trong việc lấy ý kiến xác nhận

Việc luân chuyển hồ sơ được thực hiện như sau:

1. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện (Đối với những nơi chưa thành lập văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất), văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (Gọi tắt là cơ quan gửi hồ sơ) có trách nhiệm gửi và nhận trực tiếp phiếu lấy ý kiến tại cơ quan quản lý về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và lập sổ giao nhận phiếu lấy ý kiến về chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo mẫu 01/GNPLYK ban hành kèm theo Quy chế này;

2. Cơ quan gửi hồ sơ, ngành xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện, cấp tỉnh (Cơ quan tiếp nhận hồ sơ) phải bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, thông thạo các quy định có liên quan đến việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng để thực hiện việc tiếp nhận và bàn giao hồ sơ, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để phục vụ tốt cho việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng;

3. Khi tiếp nhận phiếu lấy ý kiến, cán bộ tiếp nhận phải kiểm tra tính đầy đủ và hợp pháp của từng loại giấy tờ trong hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp pháp thì tiếp nhận và ghi vào sổ giao nhận phiếu lấy ý kiến về chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo mẫu 01/GNPLYK ban hành kèm theo Quy chế này. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và chưa hợp pháp thì trả lại cho cơ quan gửi hồ sơ bổ sung tiếp;

4. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có ý kiến theo mẫu 07/ĐK-GCN ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và ghi vào sổ giao nhận phiếu lấy ý kiến về chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Các ngành tài nguyên và môi trường, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức thực hiện Quy chế này.

Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, báo cáo đề xuất kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để có hướng xử lý./.