Quyết định 149/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu: | 149/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lâm Đồng | Người ký: | Nguyễn Văn Yên |
Ngày ban hành: | 21/01/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 149/QĐ-UBND |
Lâm Đồng, ngày 21 tháng 01 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21/6/2012.
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 162/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ về quy chế thu thập, quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu thông tin về tài nguyên nước;
Căn cứ Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020.
Căn cứ Thông tư số 12/2014/TT-BTNMT ngày 17/02/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt.
Căn cứ Thông tư số 13/2014/TT-BTNMT ngày 17/02/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên dự án: Điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Phạm vi và đối tượng thực hiện:
a) Phạm vi lập dự án: Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt và nước dưới đất trên toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lâm Đồng.
b) Đối tượng thực hiện: gồm tài nguyên nước trên các lưu vực sông, suối liên tỉnh và nội tỉnh; các hồ chứa nước; các tầng chứa nước, cách nước; các công trình khai thác, công trình xả thải lớn và các yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng tài nguyên nước trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Mục tiêu, nhiệm vụ của dự án:
a) Mục tiêu: Trên cơ sở tài liệu, số liệu về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và kết quả điều tra, khảo sát bổ sung từ đó đánh giá, phân tích quy luật phân bố tài nguyên nước, diễn biến số lượng và chất lượng nguồn nước gắn với sự biến đổi của các yếu tố khí tượng thủy văn, của tác động biến đổi khí hậu và những hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đánh giá hiện trạng, tổng hợp, xây dựng bản đồ và cơ sở dữ liệu tài nguyên nước nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên xem xét lập, điều chỉnh các quy hoạch phát triển tổng hợp chuyên ngành có liên quan đến tài nguyên nước, nhằm đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
c) Nhiệm vụ:
- Thu thập, rà soát thông tin, dữ liệu liên quan đến vùng dự án;
- Điều tra các nội dung thực địa phục vụ công tác đánh giá tài nguyên nước;
- Tổng hợp, chỉnh lý, xử lý thông tin, dữ liệu thu thập và kết quả điều tra thực địa theo các nội dung đánh giá;
- Phân tích, đánh giá hiện trạng, diễn biến tài nguyên nước;
- Tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và biên tập các bản đồ;
- Hội thảo lấy ý kiến trong quá trình thực hiện dự án;
- Xây dựng các báo cáo thuyết minh, hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu theo yêu cầu.
4. Nội dung thực hiện của dự án
a) Điều tra, thu thập tài liệu:
- Thu thập, rà soát, tổng hợp dữ liệu, thông tin liên quan đến vùng dự án gồm các dữ liệu, thông tin về khí tượng, thủy văn, kinh tế - xã hội, đặc điểm phân bố các tầng chứa nước, tài liệu khai thác, động thái, chất lượng nước dưới đất; tài liệu về đặc điểm nguồn nước mưa, nước mặt vùng dự án; kế thừa các kết quả về điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các dự án đã được triển khai trước đây.
- Thu thập các thông tin, số liệu về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; điều tra các công trình khai thác, sử dụng nước trên phạm vi toàn vùng dự án (đối với nước mặt điều tra các công trình thủy lợi, thủy điện, sông suối có chiều dài > 20km, các công trình khai thác khác về nước mặt, đối với nước dưới đất điều tra các công trình tập trung vào vùng trọng điểm khoảng 250.000 ha hiện đang sản xuất nông nghiệp và khu dân cư trên toàn tỉnh, trong đó chú trọng các địa phương: Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lâm.
b) Tổng hợp, xử lý, phân tích:
- Tổng hợp, chỉnh lý, xử lý dữ liệu, thông tin thu thập và kết quả điều tra, khảo sát thực địa phục vụ công tác đánh giá tài nguyên nước trên phạm vi toàn vùng dự án.
- Phân tích, đánh giá diễn biến tài nguyên nước trên phạm vi toàn vùng dự án.
- Chuẩn bị nội dung, thông tin, số liệu và biên tập các loại bản đồ.
- Hội thảo lấy ý kiến trong quá trình thực hiện dự án.
- Tổng hợp, xây dựng các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp kết quả điều tra thực địa, báo cáo tổng kết dự án trên phạm vi toàn vùng dự án.
5. Nội dung khối lượng hoàn thành
a) Tài liệu thu thập, tổng hợp: điều kiện tự nhiên - kinh tế xã hội; tài nguyên nước (40 tài liệu); tài liệu khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận (gồm các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai); bộ tài liệu về chất lượng nước mặt, nước dưới đất (với chuỗi số liệu từ năm 2007 đến năm 2014); bộ tài liệu về quan trắc tài nguyên nước dưới đất; 14 bộ tài liệu về bản đồ tài nguyên nước và các tài liệu khác có liên quan.
b) Điều tra, khảo sát thực địa:
- Điều tra tài nguyên nước mặt: Thực hiện điều tra, khảo sát phục vụ công tác đánh giá tài nguyên nước mặt ứng với bản đồ tỷ lệ 1:50.000 trên phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng là 668 điểm tại các hồ chứa nước, trạm bơm, đập dâng, đập tràn; sông suối, các hình thái đặc biệt của đoạn sông suối; kênh thủy lợi, bể chứa, cống chuyển nước, ghềnh thác, trạm cấp nước, hệ thống nước tự chảy,... trên địa bàn tỉnh.
- Điều tra tài nguyên nước dưới đất: Điều tra tại vùng trọng điểm hiện đang sản xuất nông nghiệp và khu dân cư trên toàn tỉnh khoảng 250.000 ha, chủ yếu tại các địa phương Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lâm; các khu vực còn lại kế thừa tài liệu hiện có và chỉ khảo sát bổ sung. Tổng số điểm khảo sát là 7.668 điểm, mật độ trung bình đạt 3 điểm/km2, bao gồm: Giếng đào, Giếng khoan; điểm lộ, mạch lộ, nguồn lộ, đặc điểm tầng chứa nước (miền cấp, miền thoát), vùng nguy cơ ô nhiễm nước dưới đất, vùng thiếu nước dưới đất, các phức hệ chứa nước, cách nước.
- Điều tra xác định sơ bộ khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước:
Trong thời điểm mùa mưa năm 2014 tiến hành điều tra tại 196 đoạn sông lớn, nhỏ; trong mùa khô năm 2015 tiến hành điều tra tại 46 đoạn sông suối lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, tiến hành điều tra nguồn xả thải tại các vị trí trọng yếu (khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư đô thị tập trung, khu vực nuôi trồng thủy sản) vào nguồn sông suối, ao hồ.
c) Tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát thu thập:
- Nước mặt:
Tổng lượng nước mưa rơi thẳng đứng trên toàn tỉnh khoảng 19,5 tỷ m³ chỉ sản sinh ra dòng chảy mặt khoảng 11 tỉ m³ nước mỗi năm (còn lại 8,5 tỷ m³ là lượng bốc hơi và tổn thất thấm).
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 7 hệ thống sông chính bao gồm: sông Cam Ly, sông Đa Nhim, sông Đạ Huoai, sông Đa Dâng, sông chính Đồng Nai, sông La Ngà, sông Krông Nô.
Về chất lượng nước: đa số các chỉ tiêu nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép; tuy nhiên, tại các khu vực có hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hoặc khai khoáng thì một số chỉ tiêu đến ngưỡng và vượt giới hạn gây ô nhiễm như TSS, coliform, COD, Amoni (NH4+), Fe tổng. Nhìn chung, chất lượng nước bị tác động bởi các thông số hóa, lý, vi sinh như BOD5, COD, TSS, Amoni (NH4+), NO2-, coliform đang có chiều hướng tăng dần và nguy cơ ô nhiễm cao. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do chịu tác động bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp, các hoạt động sinh hoạt của người dân sống xung quanh khu vực các hồ và chất thải đô thị.
- Nước dưới đất:
Trữ lượng nước dưới đất được đánh giá ở mức sơ bộ theo trữ lượng khai thác tiềm năng xác định của modun dòng ngầm khoảng 2.955.400 m3/ngày.
Một số tầng chứa nước tại các xã Liên Hiệp, Liên Nghĩa, Tân Hội, Phú Hội - huyện Đức Trọng; Tân Văn, Tân Hà, Hoài Đức, Đinh Văn - huyện Lâm Hà; Lộc An, Lộc Ngãi, Lộc Phú, Lộc Quảng, Lộc Thành - huyện Bảo Lâm; Đạm B’ri, Lộc Châu, Lộc Phát - thành phố Bảo Lộc; Đinh Trang Thượng, Hòa Bắc, Sơn Điền và tại một số khu vực của xã Bảo Thuận, Liên Đầm, Tân Châu, thị trấn Di Linh - huyện Di Linh hiện đang khai thác sử dụng với mức độ gần đạt tới trữ lượng có thể khai thác, do đó cần hạn chế khai thác. Việc khai thác sử dụng các công trình có lưu lượng lớn ở các khu vực này cần được thăm dò đánh giá nhằm bảo đảm nguồn nước dưới đất không bị suy thoái cạn kiệt.
Chất lượng nước dưới đất: đa số các chỉ tiêu đều năm trong giới hạn quy chuẩn cho phép; tuy nhiên, một số chỉ tiêu như Amoni (tính theo N), Coliform tại một số khu vực đã vượt giới hạn cho phép.
d) Sản phẩm của dự án: gồm 06 bộ dạng giấy và 02 bộ dạng số (trên đĩa CD), mỗi bộ bao gồm:
- Báo cáo tổng hợp dự án.
- Báo cáo tóm tắt dự án.
- Báo cáo kết quả điều tra thực địa.
- Báo cáo thu thập tài liệu.
- Báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước mưa, nước mặt, bao gồm:
+ Chuyên đề: Đặc điểm hệ thống sông, hồ;
+ Chuyên đề: Đặc điểm tài nguyên nước mưa;
+ Chuyên đề: Đặc điểm, diễn biến số lượng tài nguyên nước mặt;
+ Chuyên đề: Đặc điểm, diễn biến chất lượng nước mặt;
+ Chuyên đề: Khả năng khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt;
+ Chuyên đề: Dòng chảy tối thiểu trong sông;
+ Chuyên đề: Các vấn đề nổi cộm liên quan đến tài nguyên nước mặt.
- Báo cáo chuyên đề về nước dưới đất, bao gồm:
+ Chuyên đề: Đặc điểm tài nguyên nước dưới đất
+ Chuyên đề: Hiện trạng và diễn biến tài nguyên nước dưới đất;
+ Chuyên đề: Đặc điểm chất lượng nước dưới đất;
+ Chuyên đề: Ngưỡng khai thác đối với tầng chứa nước và khả năng bổ sung nhân tạo nguồn nước dưới đất.
- Báo cáo chuyên đề: Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, các khu vực dự trữ nước, khu vực cần cấm hoặc hạn chế khai thác nước.
- Báo cáo chuyên đề: Đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng của nguồn nước và các tác hại do nước gây ra.
- Bản đồ về nước mưa, nước mặt tỷ lệ 1:50.000, bao gồm:
+ Bản đồ đặc trưng lưu vực sông, các sông, suối, hồ chứa;
+ Bản đồ tài liệu thực tế tài nguyên nước mặt;
+ Bản đồ tài nguyên nước mặt;
+ Bản đồ hiện trạng chất lượng nước mặt;
+ Bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước.
- Bản đồ về nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000, bao gồm:
+ Bản đồ địa chất thủy văn cho các tầng, các cấu trúc chứa nước, phức hệ chứa nước;
+ Bản đồ tài liệu thực tế tài nguyên nước dưới đất;
+ Bản đồ tài nguyên nước dưới đất;
+ Bản đồ chất lượng nước dưới đất;
+ Bản đồ mô đun dòng ngầm.
Điều 2. Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc căn cứ nội dung kết quả dự án được phê duyệt xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Thông tư 13/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất Ban hành: 17/02/2014 | Cập nhật: 18/02/2014
Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước Ban hành: 27/11/2013 | Cập nhật: 02/12/2013
Quyết định 81/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 Ban hành: 14/04/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 162/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước Ban hành: 19/12/2003 | Cập nhật: 10/12/2009