Quyết định 1489/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt đề án lập quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2007-2015
Số hiệu: 1489/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang Người ký: Lê Thị Quang
Ngày ban hành: 25/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1489/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 25 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN LẬP QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2007-2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998; Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005; Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật Đấu thầu ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng; Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội lãnh thổ;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/03/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 27/8/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; Chương trình công tác số 04-CTr/TU ngày 13/01/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ năm 2007;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 100/TTr-SKH ngày 16/8/2007 về việc phê duyệt Đề án lập quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2007-2015; Biên bản họp liên ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thương mại và Du lịch ngày 23/7/2007 về việc thẩm định dự án quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2007-2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án lập quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2007 - 2015, với nội dung chủ yếu sau:

1- Tên Đề án: Lập quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2007-2015.

2- Chủ đầu tư: Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Tuyên Quang.

3- Sự cần thiết phải lập quy hoạch

Tuyên Quang có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh khá dày đặc bình quân 900m/km2, chia thành 3 lưu vực chính là lưu vực sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy.

Nền kinh tế của Tuyên Quang hiện nay chủ yếu là sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, những năm gần đây việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp đang được quan tâm, trong nông nghiệp giảm dần sản xuất cây lương thực, tăng tỷ trọng sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả là cây có giá trị kinh tế cao; phát triển công nghiệp ở mức quy mô nhỏ. Dự báo đến năm 2015 có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Trong những năm qua tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng tăng, nền kinh tế bước vào thời kỳ phát triển mới theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu nước cho phát triển của mọi ngành kinh tế đang tăng lên rất nhanh, giai đoạn hiện tại sử dụng nước cho phát triển các ngành kinh tế chủ yếu khai thác nguồn nước mặt. Tuy nhiên, nguồn nước mặt có hạn, trong tương lai khi nền kinh tế phát triển nhanh cũng cần đề cập vấn đề khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Hiện nay, việc khai thác nguồn tài nguyên nước đã phát triển khá nhanh nhưng chưa được quy hoạch đồng bộ, vấn đề xử lý chất thải từ các khu vực công nghiệp, đô thị, du lịch chưa được thực hiện nghiêm túc đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh chưa đến mức báo động nhưng cũng đã xuất hiện một số hiện tượng cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, sạt lở đất, sụt lún đất...

Do vậy, việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015 là hết sức quan trọng để bảo vệ, khai thác và quản lý tài nguyên nước có hiệu quả và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

4- Mục tiêu của quy hoạch

- Điều tra, đánh giá, xác định đầy đủ tiềm năng các nguồn nước (nước mưa, nước mặt, nước ngầm).

- Dự báo các nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015.

- Quy hoạch khai thác và cân đối sử dụng có hiệu quả và bền vững các nguồn nước.

- Định hướng nhiệm vụ và giải pháp tổng thể về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra.

5- Phương pháp thực hiện

- Phương pháp kế thừa truyền thống.

- Phương pháp điều tra, khảo sát, đo đạc và phân tích.

- Phương pháp thống kê xác xuất.

- Phương pháp phân tích ảnh máy bay, ảnh viễn thám.

- Phương pháp mô hình toán.

6- Nhiệm vụ, nội dung thực hiện quy hoạch

6.1- Nhiệm vụ quy hoạch

6.1.1- Lập và duyệt đề cương chi tiết

6.1.2- Điều tra thu thập, khảo sát kỹ thuật

a) Thu thập các tài liệu có liên quan

- Tài liệu về điều kiện địa lý tự nhiên (địa hình, khí hậu, địa chất, thuỷ văn...)

- Các tài liệu về tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên đất, nước, sinh học, khoáng sản, tiềm năng du lịch...).

- Tài liệu về chất lượng nước, môi trường đất, đá, nước, hệ sinh thái, tài liệu về khai thác nước ngầm.

- Các tài liệu về hiện trạng và phương hướng phát triển đến năm 2015 của các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tình hình khai thác, sử dụng các nguồn nước hiện tại để phục vụ các ngành kinh tế, tình hình quản lý tài nguyên môi trường nước.

b) Phân tích ảnh hàng không, ảnh viễn thám

Xác định diễn biến của các dòng chảy của tài nguyên và môi trường nước, đất, rừng (năm 1985, 2000, 2005).

c) Điều tra, khảo sát, đo đạc thực tế

- Điều tra bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp tình hình khai thác sử dụng nước (ở các lĩnh vực như ăn uống sinh hoạt, tưới, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, khai thác nước khoáng...).

- Khảo sát đặc điểm địa hình, thuỷ văn, hệ sinh thái, địa chất, đặc điểm phát triển dân cư, cơ sở hạ tầng ở một số khu vực trong tỉnh đặc biệt ở những nơi trong tương lai có nhu cầu sử dụng nước nhiều.

- Khảo sát đo đạc một số khu vực khai thác tài nguyên nước về quy mô, tốc độ, công nghệ khai thác và các biện pháp bảo vệ môi trường (khu vực khai thác nước ngầm, công trình thuỷ lợi lớn…).

- Khảo sát đo đạc một số khu vực khai thác tài nguyên khoáng sản, lâm sản (quy mô, tốc độ, công nghệ khai thác và biện pháp bảo vệ môi trường).

- Khảo sát về chất lượng nước phục vụ sinh hoạt hộ gia đình.

- Khảo sát nguồn nước mưa sử dụng cho sinh hoạt sẽ đo đạc các thành phần chính như các ion, các chất dinh dưỡng chính và một số thông số khác như pH, độ dẫn điện. Nguồn nước mưa phục vụ sinh hoạt (lấy tại các bể trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt).

- Khảo sát về nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn.

- Khảo sát về chất lượng nước trên các hồ, ao trên địa bàn (nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng xung quanh).

- Nguồn nước trên các sông, suối trên địa bàn.

- Nguồn nước cấp cho thủy lợi trên các kênh, mương các công trình đầu mối.

- Khảo sát thuỷ sinh trong vùng nghiên cứu tại 3 sông chính (sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy) và hồ thủy điện Tuyên Quang.

- Lập các trạm đo đạc, lấy mẫu nước phân tích để phục vụ cho nghiên cứu.

- Khảo sát đo đạc chất lượng nước trên hiện trường và tại phòng thí nghiệm.

- Lấy mẫu sinh học xác định 3 chỉ tiêu phytoplankton, zooplankton, chlorophyll A cả định tính (thành phần loài) và định lượng (khối lượng trên một đơn vị thể tích) trên 3 sông chính (sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy) và hồ thủy điện Tuyên Quang.

- Đánh giá chất lượng các nguồn nước trên địa bàn (nước mặt, nước mưa, nước ngầm).

d) Lấy mẫu và phân tích

- Lấy mẫu nước, đo đạc một số chỉ tiêu tại thực địa. Tổng số mẫu các loại là:

+ Nước mặt trên các hồ ao, sông suối trên địa bàn: 20 mẫu

+ Nước ngầm cấp sinh hoạt (tại trạm cấp nước tập trung và nước giếng phục vụ sinh hoạt hộ gia đình): 20 mẫu

+ Nước thải sinh hoạt và sản xuất: 10 mẫu

- Phân tích các mẫu nước theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN theo các chỉ tiêu nước cho sinh hoạt, nước cho công nghiệp...

e) Xử lý số liệu phân tích đánh giá tài nguyên nước

- Xử lý các số liệu về mưa, dòng chảy, nước ngầm.

- Các số liệu về khai thác sử dụng nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Đánh giá tiềm năng các nguồn nước, chất lượng nước phục vụ cho các mục đích khác nhau.

6.1.3- Nghiên cứu, tính toán, lập các báo cáo chuyên đề, chuyên ngành, báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, hệ thống bản đồ

- Đánh giá tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và hiện trạng bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước thuộc tỉnh Tuyên Quang.

- Phân tích, đánh giá nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành, các lĩnh vực trong tỉnh nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường của tỉnh.

- Xây dựng mô hình cân bằng nước.

- Đánh giá cân bằng giữa tiềm năng nguồn nước đến và nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành kinh tế theo các giai đoạn phát triển.

- Nghiên cứu, xác định, đưa ra những định hướng và giải pháp về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra, xác định thứ tự ­ưu tiên đối với các giải pháp đề xuất.

- Xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang, lập các báo cáo và hệ thống bản đồ.

6.1.4- Báo cáo trình duyệt các cấp.

6.2- Nội dung của quy hoạch

6.2.1- Các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến quy hoạch tài nguyên nước

6.2.1.1- Các yếu tố tự nhiên

a) Đặc điểm địa hình

- Đặc điểm chung của địa hình.

- Phân chia các kiểu địa hình và nêu đặc trưng từng kiểu (Tuyên Quang có thể phân chia thành các kiểu địa hình: núi thấp, trung bình, địa hình đồi, địa hình Karst, địa hình thung lũng miền núi).

- Ảnh hưởng của địa hình đến cân bằng và quy hoạch các nguồn nước:

+ Ảnh hưởng đến phân bố các nguồn nước (nước mặt, nước ngầm).

+ Ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy mặt và ngầm.

+Ảnh hưởng đến chất lượng nước.

+ Ảnh hưởng đến việc xây dựng các công trình cấp nước (hồ chứa, đập dâng, hệ thống dẫn, tưới và tiêu nước,...).

b) Khí hậu

- Mạng lưới trạm khí tượng và tình hình quan trắc, chất lượng tài liệu.

- Những nét chung của khí hậu Tuyên Quang.

- Các đặc trưng về biến đổi theo không gian và thời gian của các yếu tố khí hậu chủ yếu (nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, bốc hơi và các bất thường của khí hậu...).

- Ảnh hưởng của khí hậu (sự phân bố không đồng đều của lượng mưa, bốc hơi theo không gian và thời gian quyết định cân bằng nước cũng như quy hoạch cấp nước và chất lượng nước).

c) Chế độ thuỷ văn

- Mạng lưới trạm thuỷ văn và tình hình quan trắc thuỷ văn dòng chảy, các đặc trưng và liệt năm quan trắc, chất lượng tài liệu quan trắc.

- Chế độ dòng chảy:

+ Phân phối dòng chảy năm điển hình theo mùa và tháng trong năm.

+ Đặc trưng dòng chảy mùa lũ: lưu lượng, mực nước lũ lớn nhất, nhỏ nhất hàng năm và năm lũ lịch sử.

+ Đặc trưng dòng chảy mùa kiệt: lưu lượng, mực nước cao nhất, thấp nhất thực đo và theo tần suất tính toán.

d) Thảm thực vật

e) Đặc điểm địa chất

f) Địa chất thuỷ văn: đặc điểm địa chất thuỷ văn, trữ lượng nước dưới đất, khả năng khai thác.

6.2.1.2- Các yếu tố kinh tế xã hội

a) Hiện trạng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh

- Dân số và mật độ phân bố dân cư.

- Sản xuất nông nghiệp (ảnh hưởng nhiều mặt đến nhu cầu tưới).

- Sản xuất công nghiệp (nước sử dụng cho nhu cầu sản xuất công nghiệp).

- Xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hoá thông tin và quá trình đô thị hoá.

- Các ngành sản xuất khác (lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ...).

b) Định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2015

- Mục tiêu chung.

- Mục tiêu phát triển của từng ngành.

- Đề án quy hoạch các khu vực trong tỉnh (khu công nghiệp, khu dịch vụ du lịch, thương mại...).

- Định hướng phát triển các ngành kinh tế đến năm 2015: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và các ngành sản xuất khác.

6.2.2- Đánh giá tài nguyên nước và hiện trạng quản lý khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

a) Tài nguyên nước mặt

- Đánh giá tổng quan nước mặt (dòng chảy kiệt ứng với tần suất 75%, 90%).

- Thành phần hoá học và độ đục của các dòng mặt.

- Hiện trạng khai thác, sử dụng:

+ Khảo sát, thống kê, kiểm kê thực tế các công trình khai thác, sử dụng nguồn nước mặt (hồ, đập, cống, trạm bơm...) trên các dòng sông, suối tự nhiên.

+ Các công trình phát điện, nuôi trồng thuỷ sản, cấp nước sinh hoạt, giao thông vận tải thuỷ.

b) Tài nguyên nước ngầm

- Đánh giá trữ lượng nước ngầm.

- Đánh giá chất lượng nước ngầm.

- Trữ lượng nước khoáng, nước nóng.

- Địa tầng và cấu trúc các giếng khoan thăm dò, khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh.

Mạng lưới khai thác giếng khoan UNICEF trong chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Hiện trạng khai thác nước khoáng, nước nóng.

c) Hiện trạng xả nước thải và ô nhiễm nguồn nước

- Thống kê, kiểm kê thực tế các nguồn xả nước thải tập trung.

- Thống kê, xác định các nguồn tiếp nhận nước thải tự nhiên và phạm vi tiếp nhận nước mặt, nước thải của từng nguồn tiếp nhận và đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm.

- Khảo sát tình hình thực tế xả nước thải, các hoạt động xả nước thải chính tại các khu vực đô thị, các khu vực ô nhiễm trọng điểm.

6.2.3- Dự báo xu thế biến đổi tài nguyên nước, mức độ ô nhiễm và nhu cầu sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế - dân sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2015

6.2.3.1- Phân tích, nhận định, dự báo xu thế diễn biến về số lượng, chất lượng các nguồn nước theo các giai đoạn trong quy hoạch trên phạm vi toàn tỉnh và từng lưu vực sông.

Tính toán dự báo chất lượng nước theo các phương án quy hoạch tài nguyên nước bằng mô hình MIKE BASIN.

+ Xây dựng lưới mạng tính toán chất lượng nước.

+ Tính toán tải lượng chất ô nhiễm hiện tại.

+ Mô phỏng chất lượng nước

+ Tính toán tải lượng chất ô nhiễm cho các phương án quy hoạch.

+ Tính toán chất lượng nước cho các phương án quy hoạch.

6.2.3.2- Đánh giá những ảnh hưởng của xu thế biến đổi số lượng, chất lượng tài nguyên nước đối với khả năng khai thác, sử dụng các nguồn nước và phương án bảo vệ chống ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn nước.

Phương hướng, giải pháp, biện pháp giảm thiểu các vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện dự án.

+ Các giải pháp về quản lý

+ Các giải pháp về kỹ thuật, công trình.

+ Đề xuất nghiên cứu mạng lưới giám sát tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang.

6.2.3.3- Dự báo nhu cầu sử dụng nước cho các lĩnh vực đến năm 2015

- Dự báo nhu cầu cấp nước sinh hoạt nông thôn.

- Dự báo nhu cầu cấp nước đô thị.

- Dự báo nhu cầu cấp nước nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi).

- Dự báo nhu cầu cấp nước thuỷ sản

- Dự báo nhu cầu cấp nước du lịch

- Dự báo nhu cầu cấp nước dịch vụ công cộng.

- Dự báo nhu cầu cấp nước giao thông.

- Dự báo nhu cầu cấp nước thuỷ điện.

- Dự báo nhu cầu cấp nước công nghiệp.

6.2.3.4- Phân tích đánh giá, dự báo sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực, đánh giá chung về cân bằng tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước đến năm 2015 trên phạm vi toàn tỉnh và từng lưu vực sông.

6.2.3.5- Xác lập phương án, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn nước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và bảo vệ môi trường.

- Các phương án và giải pháp khai thác hợp lý.

- Các giải pháp bảo vệ môi trường nước.

6.2.4- Định hướng quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015, các phương án quy hoạch và giải pháp thực hiện

6.2.4.1- Lập quy hoạch theo định hướng.

- Tận dụng tối đa các nguồn nước.

- Sử dụng tổng hợp các nguồn nước.

- Tập trung chủ yếu xây dựng các công trình chứa nước.

- Ưu tiên cung cấp nước cho sinh hoạt và các ngành sản xuất có giá trị kinh tế.

- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất làm giảm chất lượng nước, bảo vệ sinh thái các hệ sinh thái thuỷ sinh.

- Lựa chọn và xác định các vấn đề ưu tiên, sắp xếp thứ tự ưu tiên của các vấn đề cần tập trung giải quyết.

6.2.4.2- Phương án lập quy hoạch:

- Quy hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên nước mặt theo 3 lưu vực:

+ Quy hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Lô.

+ Quy hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Phó Đáy.

+ Quy hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Gâm.

- Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm.

6.2.4.3- Đề xuất các giải pháp:

- Giải pháp công nghệ khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn nước.

- Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước khỏi bị cạn kiệt và nhiễm bẩn.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

- Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý.

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.

- Tổ chức quản lý lưu vực.

7- Sản phẩm của quy hoạch

7.1- Báo cáo thuyết minh, tài liệu

a) Báo cáo (gồm 6 bộ)

- Báo cáo tổng hợp quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2007 - 2015.

- Báo cáo tóm tắt.

- Các báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất, tính toán các nhu cầu sử dụng nước và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược tài nguyên nước.

b) Tài liệu

- Bộ tài liệu kết quả phân tích nước.

- Bộ phiếu điều tra tài nguyên nước.

- Đĩa lưu trữ dữ liệu tài nguyên nước.

7.2- Bản đồ (gồm một bộ tỷ lệ 1/100.000)

- Bản đồ phân vùng quản lý tài nguyên nước.

- Bản đồ hiện trạng khai thác sử dụng nước.

- Bản đồ quy hoạch sử dụng nước.

- Bản đồ địa chất thuỷ văn.

- Bản đồ đẳng trị lượng mưa năm trung bình nhiều năm.

- Bản đồ đẳng trị một số dòng chảy năm trung bình nhiều năm.

- Bản đồ quy hoạch mạng giám sát về chất lượng nước.

- Sơ đồ tính toán cân bằng nước.

8- Địa điểm thực hiện: Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

9- Tổng mức đầu tư: 335.275.600 đồng (Ba trăm ba mươi lăm triệu, hai trăm bẩy mươi lăm nghìn, sáu trăm đồng).

10- Nguồn vốn đầu tư: nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2007.

11- Hình thức quản lý: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật.

12- Thời gian thực hiện: Năm 2007.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Chủ đầu tư (Sở Tài nguyên và Môi trường): căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước và nội dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này để triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định.

2. Đơn vị thực hiện: Đơn vị có tư cách pháp nhân, có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực lập quy hoạch tài nguyên nước (thực hiện đấu thầu dịch vụ tư vấn theo đúng Luật Đấu thầu và Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 và các quy định hiện hành của Nhà nước).

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Chủ đầu tư trong việc thực hiện Đề án, đảm bảo đúng nội dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang

 





Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012