Quyết định 1483/QĐ-UBND năm 2017 về quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu: | 1483/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | Người ký: | Lê Tuấn Quốc |
Ngày ban hành: | 02/06/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1483/QĐ-UBND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 02 tháng 6 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 83/2015/TT-BGTVT ngày 30/12/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 3332/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016 của UBND tỉnh về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại văn bản số 671/SGTVT-VP ngày 31 tháng 3 năm 2017 và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 247/TTr-SNV ngày 23 tháng 5 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là Cảng vụ đường thủy nội địa) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải, thực hiện chức năng giúp Sở Giao thông vận tải quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường.
Cảng vụ đường thủy nội địa chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Sở Giao thông vận tải, sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục đường thủy nội địa Việt Nam.
2. Cảng vụ đường thủy nội địa có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng, Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển; kiểm tra giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa.
3. Không cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa khi cảng, bến hoặc phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc cảng, bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
4. Tiếp nhận và thông báo tình hình luồng, tuyến cho phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển tại cảng, bến thủy nội địa.
5. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
6. Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cảng, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa; khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý kịp thời.
7. Giám sát việc khai thác, sử dụng cảng, bến bảo đảm an toàn; yêu cầu tổ chức cá nhân khai thác cảng, bến thủy nội địa tạm ngừng khai thác cảng hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động bến khi xét thấy có ảnh hưởng đến an toàn cho người, phương tiện hoặc công trình.
8. Tổ chức tìm kiếm, cứu người, hàng hóa, phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển bị nạn trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
9. Huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực trong khu vực cảng, bến thủy nội địa để tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển trong trường hợp khẩn cấp và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa.
10. Chủ trì kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến và các phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển hoạt động trong vùng nước Cảng vụ đường thủy nội địa quản lý; tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn.
11. Xử phạt vi phạm hành chính; thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
12. Thẩm định hồ sơ đánh giá an ninh cảng thủy nội địa, thẩm định kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa; thực hiện xác nhận trình báo đường thủy nội địa.
13. Theo dõi, giám sát việc xếp hàng hóa lên phương tiện trong vùng đất, vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
14. Chủ trì, phối hợp hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước khác thực hiện công tác bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực cảng, bến thủy nội địa.
15. Trắc đạc, thu thập số liệu về thủy văn, luồng, tuyến có liên quan phục vụ công tác thông báo luồng.
16. Điều tiết khống chế đảm bảo an toàn giao thông thường xuyên; điều tiết khống chế đảm bảo an toàn giao thông kết hợp chống va trôi trên đường thủy nội địa đối với các trường hợp đột xuất chống bão, lũ, thiên tai và đảm bảo an ninh quốc phòng, các trường hợp thi công, sửa chữa công trình.
17. Tổ chức hoạt động dịch vụ hoặc liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật.
18. Thực hiện chủ đầu tư các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền giao.
19. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham gia xây dựng quy hoạch phát triển đường thủy nội địa, cảng, bến thủy nội địa trong phạm vi quản lý khi có yêu cầu.
20. Quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí, định biên được giao và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.
21. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Ban Lãnh đạo:
a) Cảng vụ đường thủy nội địa có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.
b) Giám đốc là người đứng đầu đơn vị, điều hành mọi hoạt động của đơn vị theo chế độ thủ trưởng; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở Giao thông vận tải về toàn bộ hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.
c) Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc phụ trách một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành các hoạt động của đơn vị;
d) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc và Phó Giám đốc thực hiện theo quy định hiện hành về thẩm quyền quản lý công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh.
2. Các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp;
b) Phòng Quản lý cảng, bến;
c) Phòng Điều tiết - An toàn đường thủy;
d) Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa số 1;
đ) Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa số 2;
e) Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa số 3.
Điều 4. Biên chế viên chức và Hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Cảng vụ đường thủy nội địa được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Cơ chế tài chính
Cảng vụ đường thủy nội địa là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo quy định của Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho Cảng vụ đường thủy nội địa.
Điều 6. Trách nhiệm của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa
1. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn, nghiệp vụ; sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
2. Căn cứ quy định của pháp luật ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị mình.
Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 8. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác Ban hành: 10/10/2016 | Cập nhật: 13/10/2016
Thông tư 83/2015/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 30/12/2015 | Cập nhật: 08/01/2016
Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp Ban hành: 17/11/2000 | Cập nhật: 09/12/2009