Quyết định 1480/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn một bước mô hình tổ chức y tế tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2014 - 2020
Số hiệu: 1480/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Mai Tiến Dũng
Ngày ban hành: 17/12/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1480 /QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 17 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP, KIỆN TOÀN MỘT BƯỚC MÔ HÌNH TỔ CHỨC Y TẾ TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2014- 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020;

Căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại Văn bản số 13-KL/TU ngày 02 tháng 12 năm 2013 về việc sắp xếp, kiện toàn một bước mô hình tổ chức hệ thống y tế tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2014 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Sắp xếp, kiện toàn một bước mô hình tổ chức y tế tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2014 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị, các nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- VPUB: LĐVP, VX, NC;
- Lưu VT, VX.

CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP, KIỆN TOÀN MỘT BƯỚC MÔ HÌNH TỔ CHỨC Y TẾ TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2014- 2020.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1480 /QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

PHẦN I. Căn cứ xây dựng Đề án :

- Nghị quyết số 46-NQ/TW, Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị Khóa IX về "Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ”; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện màng lưới y tế cơ sở.

- Nghị định số 13, 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ "Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh/TP trực thuộc Trung ương và Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh".

- Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”; Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030" và Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

- Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020.

- Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25 tháng 4 năm 2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số - KHHGD ở địa phương và Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.

- Thực trạng của Hệ thống Y tế tỉnh Hà Nam và nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh.

PHẦN II. Thực trạng hệ thống y tế tỉnh Hà Nam

1. Mô hình tổ chức (Có sơ đồ tổ chức kèm theo)

1. 1. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, có 31 đơn vị

* Khối quản lý nhà nước, có 03 đơn vị

- Cơ quan Văn phòng Sở Y tế.

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

- Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh.

* Đơn vị sự nghiệp, Có 28 đơn vị

+ Khối khám, chữa bệnh, có 13 đơn vị.

- Tuyến tỉnh: Có 06 Bệnh viện, với 1020 giường bệnh điều trị nội trú, gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lao & bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phong & Da liễu và Bệnh viện Y học cổ truyền.

- Tuyến huyện: Có 07 Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố (huyện Lý Nhân có 02 bệnh viện); với tổng số 620 giường bệnh điều trị nội trú.

+ Hệ đào tạo: Trường Cao đẳng Y tế.

+ Khối Y tế dự Phòng, có 14 đơn vị:

- Tuyến tỉnh, có 08 đơn vị: Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, Mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm Truyền thông, Giáo dục sức khỏe; Trung tâm Giám định Y khoa; Trung tâm Pháp y và Trung tâm Giám định Pháp Y Tâm thần.

- Tuyến huyện gồm có: 06 Trung tâm Y tế, 06 Trung tâm DS-KHHGĐ (trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh).

+ Tuyến xã: Có 116 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc Trung tâm Y tế huyện/thành phố.

1.2. Các đơn vị y tế trực thuộc UBND huyện/thành phố: Có 06 Phòng Y tế.

2. Nhân lực y tế

Hiện tại, Ngành Y tế có 2.604 cán bộ công tác từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đến tuyến xã/phường (không tính hợp đồng 68) và được phân bổ như sau:

- Khối quản lý nhà nước: 56 cán bộ

- Lĩnh vực đào tạo: 83 cán bộ

- Khối dự phòng: 326 cán bộ

- Khối khám, chữa bệnh: 1.376 cán bộ

- Các trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, thành phố: 37 cán bộ

- Cán bộ công tác tại trạm y tế xã/phường: 726 cán bộ

* So với biên chế được giao năm 2013 (2891 chỉ tiêu), nhân lực y tế tỉnh Hà Nam còn thiếu 287 cán bộ (150 bác sỹ và 12 dược sỹ), trong đó:

- Khối Quản lý nhà nước thiếu 7 cán bộ.

- Lĩnh vực đào tạo thiếu 7 cán bộ.

- Khối dự phòng thiếu 33 cán bộ.

- Khối khám chữa bệnh thiếu 204 cán bộ.

- Trung tâm Dân số - KHHGĐ tuyến huyện thiếu 01 cán bộ.

- Khối xã/phường thiếu 35 cán bộ.

3. Đánh giá hiệu quả của mô hình tổ chức hệ thống y tế của tỉnh hiện nay:

- Hệ thống tổ chức bộ máy Ngành Y tế tỉnh Hà Nam hiện nay được sắp xếp đúng theo tinh thần Nghị quyết 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX); Nghị định số 13, 14 ngày 04/02/2008 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT- BYT-BNV ngày 25/4/2008 của Liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ; Thông tư số 05/2008/TT- BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương.

- Trong thời gian qua, Ngành Y tế đã hoàn thành nhiệm vụ được giao:

+ Không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Các Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia được triển khai có hiệu quả ở cộng đồng. Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, không có vụ ngộ độc lớn xẩy ra và không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Các chỉ số sức khỏe được nâng lên : Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 16%, tỷ lệ chết mẹ và tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi giảm so với tỷ lệ chung của cả nước và khu vực.

+ Chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến được nâng cao; 109/116 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia theo Quyết định số 370/2002/QĐ-BYT ngày 07/2/2002 của Bộ Y tế về việc ban hành Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001- 2010 và 19 xã đạt Bộ tiêu trí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 -2020 theo Quyết định số 3447/QĐ- BYT ngày 22/9/2011 của Bộ Y tế;

+ Chế độ tiền lương, phụ cấp, kinh phí chi thường xuyên của y tế cơ sở được đảm bảo.

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các đơn vị y tế được tăng cường. Số người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngày một tăng.

+ Chất lượng dân số từng bước được cải thiện.

+ Cán bộ y tế ở các tuyến, nhất là tuyến huyện, tuyến xã và nhân viên y tế thôn (xóm) từng bước được tăng cường về số lượng và chất lượng; thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, trong thời gian qua hệ thống y tế của tỉnh còn một số bất cập, tồn tại:

- Hệ thống tổ chức y tế của tỉnh còn nhiều đầu mối, nhất là tuyến huyện nên phân tán nguồn lực, đặc biệt là thiếu bác sĩ làm chuyên môn

- Sự phối hợp giữa các đơn vị y tế trên địa bàn các huyện, thành phố chưa chặt chẽ, chưa kịp thời nên hiệu quả công tác chưa cao, việc chỉ đạo các trạm y tế còn chồng chéo.

- Năng lực của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là tuyến huyện còn hạn chế.

- Công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược và y, dược học cổ truyền ngoài công lập chưa được chú trọng.

- Việc đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất cho Trạm Y tế cơ sở còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các trạm y tế.

PHẦN III. Nội dung sắp xếp, kiện toàn một bước Mô hình tổ chức y tế của tỉnh giai đoạn 2014 – 2015.

I. Mô hình tổ chức (Có Sơ đồ tổ chức kèm theo):

Hệ thống y tế của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 được sắp xếp, kiện toàn với tổng số 30 đơn vị y tế của tỉnh, trong đó có 24 đơn vị trực thuộc Sở Y tế và 6 đơn vị y tế trực thuộc UBND huyện/thành phố, cụ thể như sau:

1. Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế: (17 đơn vị tuyến tỉnh, 7 đơn vị tuyến huyện, thành phố):

a) 17 đơn vị y tế tuyến tỉnh:

Sáp nhập Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh, còn 17 đơn vị tuyến tỉnh trực thuộc Sở, (khối quản lý nhà nước: 03 đơn vị; khối sự nghiệp: 14 đơn vị)

- Khối quản lý nhà nước: 03 đơn vị

+ Cơ quan Văn phòng Sở Y tế; (Văn phòng Sở, Thanh tra Ngành và 05 Phòng chuyên môn: Phòng Tổ chức cán bộ, , Phòng Nghiệp vụ Dược, Phòng Nghiệp vụ Y, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Tài chính kế toán).

+ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

+ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh.

- Khối sự nghiệp có 14 đơn vị gồm 6 đơn vị khám, chữa bệnh (Bệnh viện đa khoa tỉnh; Bệnh viện Mắt; Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Bệnh viện Tâm thần; Bệnh viện Phong và Da liễu; Bệnh viện Y học cổ truyền) và 07 trung tâm (Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, Mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm Truyền thông, Giáo dục sức khỏe; Trung tâm Giám định Y khoa; Trung tâm Pháp y) và 01 đơn vị đào tạo (Trường Cao đẳng Y tế).

b) 07 đơn vị đơn vị y tế tuyến huyện trực thuộc Sở Y tế (gồm 6 Trung tâm Y tế huyện/thành phố và Bệnh viên đa khoa khu vực Nam Lý)

Sáp nhập Trung tâm Y tế huyện với Bệnh viện Đa khoa huyện thành Trung tâm Y tế huyện/thành phố (thực hiện 02 chức năng: Khám, chữa bệnh và dự phòng) trực thuộc Sở Y tế.

+ Với thành phố Phủ Lý: bàn giao nguyên trạng Bệnh viện đa khoa Phủ Lý cho Trường Đại học Y Hà Nội; Trung tâm Y tế Phủ Lý chỉ thực hiện chức năng dự phòng.

+ Với huyện Lý Nhân: sáp nhập Bệnh viện đa khoa Lý Nhân với Trung tâm Y tế thành Trung tâm Y tế (Thực hiện 02 chức năng) và chuyển Bệnh viện đa khoa Nam Lý thành Bệnh viện đa khoa Khu vực thuộc Sở Y tế.

2. Các đơn vị y tế trực thuộc UBND tuyến huyện: gồm 06 Phòng Y tế.

Sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình với Phòng Y tế thành Phòng Y tế trực thuộc UBND huyện/thành phố.

3. Tuyến xã:

- Gồm 116 Trạm Y tế xã/phường/thị trấn trực thuộc Trung tâm Y tế tuyến huyện.

- Màng lưới nhân viên y tế và cộng tác viên dân số thôn/xóm trực thuộc UBND xã.

II. Hiệu quả:

1. Giảm 13 đầu mối, trong đó:

- Tuyến tỉnh: Giảm 01, còn 17 đơn vị.

- Tuyến huyện: Giảm 12 (trong đó có 6 Trung tâm DS-KHHGĐ sáp nhập với Phòng Y tế trực thuộc UBND huyện/TP) còn 13 đơn vị (trong đó có 07 đơn vị trực thuộc Sở Y tế và 06 đơn vị trực thuộc UBND tuyến huyện).

2. Giảm về cán bộ

Số lượng cán bộ lãnh đạo quản lý giảm 11 người, số lượng viên chức giảm 27 người.

3. Nâng cao hiệu quả lao động ở tất cả các tuyến.

4. Giảm sự chồng chéo và thuận lợi trong công tác chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với các trạm y tế tuyến xã.

III. Tổ chức thực hiện:

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy định, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, mối quan hệ trong quản lý giữa Sở Y tế và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố đối với các đơn vị sau khi được sắp xếp; ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án trên trước ngày 10/01/2014, với các mốc thời gian sau:

- Quý I năm 2014: Xây dựng và thực hiện Đề án:

+ Sáp nhập Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần vào Bệnh viện Tâm thần;

+ Sáp nhập Trung tâm Y tế huyện với Bệnh viện đa khoa tuyến huyện thành Trung tâm Y tế tuyến huyện;

+ Sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Phòng Y tế tuyến huyện thành Phòng Y tế huyện.

+ Chuyển Bệnh viện đa khoa Nam Lý thành Bệnh viện đa khoa Khu vực

- Quý II năm 2014, các đơn vị được sáp nhập bước vào hoạt động theo mô hình mới./.