Quyết định 1410/QĐ-UBND năm 2020 quy định về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình
Số hiệu: 1410/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình Người ký: Đặng Trọng Thăng
Ngày ban hành: 13/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1410/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 13 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHOÁN KINH PHÍ SỬ DỤNG XE Ô TÔ TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA TỈNH THÁI BÌNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 24/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô;

Căn cứ Văn bản số 816-TB/TU ngày 26/11/2019 Thông báo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về hình thức quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng;

Căn cứ Văn bản số 04/HĐND-CTHĐ ngày 13/01/2020 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình về hình thức quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 188/TTr-STC ngày 16/4/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định khoán kinh phí sử dụng xe ô tô tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thái Bình; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Báo Thái Bình;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình;
- Công báo Thái Bình;
- Lưu: VT, KTTC.

CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng

 

QUY ĐỊNH

KHOÁN KINH PHÍ SỬ DỤNG XE Ô TÔ TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA TỈNH THÁI BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 1410/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định:

a) Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô của các chức danh tại tỉnh Thái Bình có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác trong trường hợp tự nguyện nhận khoán quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

b) Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình quy định tại Điều 22 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

2. Những nội dung liên quan đến khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung không quy định tại Quyết định này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; Thông tư số 24/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

3. Quy định khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác không áp dụng đối với xe ô tô chuyên dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị) thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả các doanh nghiệp cấp 2, cấp 3, cấp 4 do doanh nghiệp cấp 1, cấp 2, cấp 3 nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là doanh nghiệp nhà nước) thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô

1. Các chức danh thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô:

a) Các chức danh tại tỉnh Thái Bình có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ trong trường hợp tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

b) Chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trường hợp được trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung nhưng không thực hiện trang bị xe ô tô hoặc xe ô tô hiện có không đủ để bố trí phục vụ công tác.

c) Chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trường hợp không được trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung.

d) Chức danh là Ủy viên (thành viên) Hội đồng thành viên, Phó Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế; Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp nhà nước không thực hiện trang bị xe ô tô hoặc xe ô tô hiện có không đủ để bố trí phục vụ công tác.

2. Trường hợp cần thiết do yêu cầu công tác, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước xem xét, quyết định việc áp dụng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho các đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với chế độ công tác phí hiện hành và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

3. Đối tượng đã nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thì không được nhận phục vụ xe ô tô công đối với công đoạn, nội dung đi công tác đã khoán.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Công đoạn và hình thức thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô

1. Đối với các chức danh tự nguyện nhận khoán quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Quyết định này:

a) Công đoạn khoán đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại:

Chức danh tự nguyện nhận khoán lựa chọn và đăng ký thực hiện theo một trong các hình thức:

- Hình thức khoán theo km thực tế;

- Hình thức khoán gọn.

b) Công đoạn khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác:

- Công đoạn khoán: Được thực hiện áp dụng khoán cho toàn bộ công đoạn đi công tác (bao gồm: khoán khi đi công tác trong nước đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong nội tỉnh, trên địa bàn huyện, thành phố...).

- Hình thức khoán: Được thực hiện áp dụng theo hình thức khoán gọn.

c) Phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi các chức danh tự nguyện nhận khoán công tác căn cứ hình thức khoán đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại do các chức danh tự nguyện nhận khoán lựa chọn, đăng ký thực hiện và phương án nhận khoán để quyết định:

- Việc áp dụng hình thức khoán đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại theo km thực tế hoặc hình thức khoán gọn.

- Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo từng công đoạn: Công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại; công đoạn khi đi công tác; hoặc bao gồm cả công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại và công đoạn khi đi công tác.

d) Trường hợp áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho toàn bộ các công đoạn (đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại và khi đi công tác) đối với chức danh tự nguyện nhận khoán thì không trang bị xe ô tô phục vụ cho chức danh.

2. Đối với các chức danh khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều 3 Quyết định này:

a) Công đoạn khoán:

Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác được thực hiện áp dụng khoán cho toàn bộ công đoạn đi công tác hoặc từng công đoạn (ví dụ: khoán khi đi công tác trong nước đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; khoán khi đi công tác trong nội tỉnh; khoán đi công tác trên địa bàn huyện, thành phố...).

b) Hình thức khoán:

- Hình thức khoán theo km thực tế được áp dụng trong trường hợp các chức danh áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đi công tác không thường xuyên trong tháng (tổng số ngày đi công tác chiếm từ 50% tổng số ngày làm việc trong tháng trở xuống theo quy định của Bộ luật Lao động).

- Hình thức khoán gọn được áp dụng trong trường hợp các chức danh áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đi công tác thường xuyên trong tháng (tổng số ngày đi công tác chiếm trên 50% tổng số ngày làm việc trong tháng theo quy định của Bộ luật Lao động).

c) Phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước quyết định việc áp dụng khoán cho toàn bộ công đoạn đi công tác hoặc từng công đoạn; áp dụng hình thức khoán theo km thực tế hoặc áp dụng hình thức khoán gọn tại đơn vị mình đối với tất cả các chức danh hoặc áp dụng đối với từng chức danh, bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

d) Trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho các công đoạn thì không thực hiện trang bị xe ô tô; trường hợp đã trang bị xe ô tô thì phải sắp xếp lại, xử lý số xe ô tô hiện có theo quy định.

Điều 5. Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô

1. Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô là 12.000 đồng/km.

2. Khi đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng trên thị trường tăng, giảm trên 20% so với đơn giá khoán quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan xác định và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh cho phù hợp.

3. Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô tại khoản 1 Điều này là đơn giá tối đa. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước căn cứ khả năng cân đối nguồn kinh phí khoán được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí được phép sử dụng, quyết định đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng tại đơn vị mình không vượt quá đơn giá khoán tối đa quy định tại khoản 1 Điều này; đồng thời lấy đơn giá khoán tối đa quy định tại khoản 1 Điều này làm định mức cho công tác quản lý xe ô tô phục vụ công tác cho các đối tượng.

Điều 6. Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô

1. Công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại

a) Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 24/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 của Bộ Tài chính.

b) Phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi các chức danh tự nguyện nhận khoán quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Quyết định này công tác:

- Xác định số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, số ngày làm việc thực tế trong tháng của từng chức danh nhận khoán quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính;

- Xác định số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, số ngày đưa đón bình quân hàng tháng của các chức danh nhận khoán quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính;

- Quyết định áp dụng mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, khoảng cách từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại của các chức danh nhận khoán và đơn giá khoán quy định tại Điều 5 Quyết định này.

2. Công đoạn đi công tác:

a) Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đi công tác được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 24/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 của Bộ Tài chính.

b) Phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi các chức danh nhận khoán quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều 3 Quyết định này công tác:

- Xác định tổng số km thực tế của từng lần đi công tác của từng chức danh nhận khoán quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính;

- Xác định số km đi công tác bình quân hàng tháng của chức danh áp dụng khoán quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính;

- Quyết định áp dụng mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác của các chức danh nhận khoán bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, yêu cầu công việc, công đoạn đi công tác thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô của các chức danh và đơn giá khoán quy định tại Điều 5 Quyết định này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Ban hành các văn bản triển khai thực hiện; Quyết định thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, trong đó quy định rõ đơn giá khoán áp dụng tại cơ quan, đơn vị; công đoạn khoán, hình thức khoán và mức khoán cho từng chức danh; bổ sung nội dung khoán kinh phí sử dụng xe ô tô vào Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước và thực hiện thông báo công khai trong cơ quan, đơn vị.

- Chi trả, thanh toán các khoản kinh phí khoán sử dụng xe ô tô cho các chức danh thực hiện khoán từ dự toán ngân sách được giao hàng năm, nguồn kinh phí được phép sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước theo quy định.

- Phối hợp với Sở Tài chính rà soát, sắp xếp, xử lý xe ô tô phục vụ công tác sau khi thực hiện khoán.

- Báo cáo kết quả thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, gửi Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính theo quy định.

2. Sở Tài chính

- Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

- Chủ trì, rà soát, sắp xếp, xử lý xe ô tô phục vụ công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi thực hiện khoán, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi xe ô tô phục vụ công tác (nếu có).

- Tổng hợp kết quả thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính theo quy định.

3. Kho bạc Nhà nước Thái Bình

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan kiểm soát và thanh toán các khoản kinh phí khoán sử dụng xe ô tô cho các chức danh theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.