Quyết định 14/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu: 14/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Cao Khoa
Ngày ban hành: 20/06/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2012/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 6 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÁC ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Du lịch ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 137/TTr-SVHTTDL ngày 20/02/2012 về việc ra quyết định ban hành Quy định quản lý các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và Báo cáo thẩm định số 604/BC-STP ngày 29/12/2011 của Sở Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định ban hành Quy chế quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân hoạt động tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Khoa

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CÁC ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành theo Quyết định số: 14/2012/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Các Khu du lịch:

- Khu nghỉ mát tắm biển Mỹ Khê;

- Khu du lịch Sa Huỳnh;

- Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam;

- Khu du lịch Đặng Thùy Trâm.

b) Các điểm du lịch:

- Điểm tham quan Thành cổ Châu Sa, núi Thiên Ấn và chùa Thiên Ấn, núi cà Đam, hồ Suối Chí.

- Điểm du lịch đang được quy hoạch và lập dự án đầu tư gồm: Thác Trắng (Minh Long), suối Chí (Nghĩa Hành), núi Sứa (Sơn Tịnh), rừng Nà (Đức Thạnh - Mộ Đức), Núi Hùm, Cấm ông Nghè (Tư Nghĩa), thác Cà Đú (Trà Bồng), Huyện đảo Lý Sơn.

c) Các điểm đã có trên thực tế gồm:

- Điện Trường Bà.

- Đền thờ Trương Định.

- Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

- Bảo tàng Ba Tơ.

- Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

- Di tích Quốc gia Trường Lũy tỉnh Quảng Ngãi.

- Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa.

- Điểm tham quan Nhà máy lọc dầu Bình Sơn.

- Khu chứng tích Sơn Mỹ và các di tích Quốc gia khác.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt đông kinh doanh du lịch hoặc có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ: Du lịch, Khách du lịch, Điểm du lịch, Lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, Tài nguyên du lịch, Môi trường du lịch được hiểu theo quy định tại Điều 4 Luật Du lịch ngày 14/6/2005), cụ thể:

1. Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.

2. Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến.

3. Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch.

4. Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường.

5. Lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.

6. Cơ sở lưu trú du lịch là cơ sở cho thuê buồng, giường và cung cấp các dịch vụ khác phục vụ khách lưu trú, trong đó khách sạn là cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu.

7. Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

8. Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.

9. Môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn nơi diển ra các hoạt động du lịch.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CÁC ĐIỂM DU LỊCH

Điều 3. Quản lý đầu tư xây dựng điểm du lịch

1. Các điểm du lịch được nêu tại Điều 1 Quy định này được xây dựng, phát triển và quản lý theo đúng quy định hiện hành của nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị. Trong quá trình xây dựng và kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm không gây ảnh hưởng tác hại về môi trường, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, đời sống văn hóa xã hội trong khu vực và cộng đồng dân cư địa phương. Mọi vi phạm phải được xử lý kịp thời và đúng theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý và sử dụng đất vào mục đích đầu tư xây dựng các công trình kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

3. UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư một số cơ sở hạ tầng du lịch chính yếu. Đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 4. Quản lý khách và các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ

1. Khách đến tham quan, thưởng ngoạn, vui chơi giải trí, sinh hoạt giao lưu tìm hiểu tại điểm du lịch có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định được niêm yết hoặc được phổ biến và có quyền khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền về những vi phạm đối với quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, tổ chức các chương trình du lịch trong phạm vi điểm du lịch phải tuân thủ theo quy định hiện hành của pháp luật về kinh doanh du lịch, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành, chịu trách nhiệm an toàn về tài sản và tính mạng của du khách do mình phục vụ.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ ăn uống kể cả hàng lưu niệm, chương trình biểu diễn nghệ thuật trong điểm du lịch phải đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và đầu tư, UBND các huyện, thành phố. Phải niêm yết giá, bảo đảm chất lượng hàng hóa dịch vụ cung cấp. Bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn về sức khỏe cho du khách được quy định tại chương III Luật An toàn thực phẩm (Luật số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010). Đặc biệt không được chèo kéo, đeo bám tranh giành khách, cò mồi, gây rối, sách nhiễu làm mất văn minh du lịch.

4. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ có trách nhiệm phối hợp với UBND các cấp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách cũng như đối với các quy định trong nội quy, quy chế của điểm du lịch, những hành vi lợi dụng hoạt động du lịch truyền bá văn hóa trái với thuần phong mỹ tục, lợi ích của người Việt Nam và các hoạt động thu thập thông tin thuộc bí mật Nhà nước gây phương hại đến an ninh quốc gia ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục của cộng đồng dân cư địa phương.

5. Nghiêm cấm mua, bán và sử dụng các chất có ma túy; nghiêm cấm việc tổ chức mại dâm trong các điểm du lịch.

Điều 5. Quản lý và bảo vệ vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự

1. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ và khách du lịch nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch theo Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch và các quy định của Luật Môi trường.

2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ có trách nhiệm thu gom, xử lý các loaị chất thải phát sinh trong quá trình kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình và của du khách gây ra, đảm bảo vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý của mình. Tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự an toàn cho du khách và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định.

3. Nhân dân được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ bản sắc văn hóa địa phương và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác.

Điều 6. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho du khách

1. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ cùng với UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu đặc biệt tại khu vực tắm biển, ghềnh, thác. Các bộ phận trên có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng của khách du lịch (cắm cờ báo khu vực nguy hiểm). Trong trường hợp khẩn cấp phải kịp thời có biện pháp cứu hộ, cứu nạn để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đến tính mạng, tài sản đối với khách du lịch.

2. Khách du lịch phối hợp với những người có trách nhiệm, nhân viên cứu hộ, cứu nạn tại các điểm du lịch tham gia ứng cứu kịp thời người bị nạn khi được yêu cầu và đủ khả năng thực hiện.

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 7. Trách nhiệm của các sở, ban ngành liên quan

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, hướng dẫn thi hành và kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý kinh doanh du lịch và các quy định của Quy định này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xác định ranh giới tại thực địa và trên bản đồ các điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa làm cơ sở cho việc quản lý đất đai trong quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất, lập thủ tục giao đất, cho thuê đất trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra bảo vệ môi trường, giám sát chất lượng môi trường tại các điểm du lịch để đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và Quy định này. Kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.

- Hướng dẫn việc thực hiện báo cáo đánh giá tác hại môi trường, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư điểm du lịch hoặc lập đề án bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.

3. Sở Xây dựng

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng các điểm du lịch theo thẩm quyền.

- Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo quy định.

4. Sở Y tế

- Hướng dẫn các điểm du lịch thực hiện tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai các biện pháp phòng ngừa các dịch bệnh tại các điểm du lịch.

5. Sở Giao thông vận tải

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý dự án đầu tư các công trình du lịch có liên quan đến hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa theo thẩm quyền và cấp giấy phép theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Phối hợp kiểm tra các bến bãi, điểm dừng, đỗ và các phương tiện vi phạm điều kiện kinh doanh khách du lịch theo quy định của pháp luật.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương trong việc quản lý, xây dựng các công trình phục vụ du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển các Khu bảo tồn sinh thái do ngành quản lý và có trách nhiệm theo dõi quản lý các loài động vật hoang dã quí hiếm ở các Khu du lịch, điểm du lịch.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Triển khai thực hiện phương án xóa tình trạng người lang thang ăn xin, các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần làm lành mạnh đời sống văn hóa xã hội, tăng vẻ mỹ quan tại các điểm du lịch.

8. Sở Tài chính

Hướng dẫn thực hiện và phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá trong hoạt động kinh doanh du lịch.

9. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Phối hợp sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố kiểm tra việc thực hiện giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại điểm du lịch. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực có hoạt động du lịch.

10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

a) Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND xã huyện, thành phố tham gia thẩm định các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

b) Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong khu vực có hoạt động du lịch.

Điều 8. Trách nhiệm của UBND các cấp

1. UBND các huyện, thành phố

- Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện, thành phố theo thẩm quyền và phân cấp quản lý;

- Cấp giấy đăng ký kinh doanh du lịch cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trên địa bàn theo đúng Quy định này;

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai và đề xuất giải quyết theo thẩm quyền những vấn đề liên quan đến việc quản lý các điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa theo Quy định này.

2. UBND các xã, phường, thị trấn

- Phối hợp với Ban quản lý nơi có điểm du lịch thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn, văn minh, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch và các di tích văn hóa - lịch sử, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên du lịch và tài nguyên khác có liên quan đến du lịch.

- Tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành chính trong các điểm du lịch và các di tích lịch sử - văn hóa. Trường hợp vượt quá thẩm quyền quy định thì kiến nghị UBND cấp huyện, thành phố, các ngành chức năng của tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật hiện hành và theo Quy định này.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cán bộ - công chức có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 10. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch, cán bộ - công chức, khách du lịch và cư dân địa phương có liên quan trong điểm du lịch nếu vi phạm trong quy định này thì tuỳ theo mức độ, tính chất từng vụ việc sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành..

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch đầu tư xây dựng phát triển các loại hình dịch vụ trong các điểm du lịch thực hiện chế độ báo cáo thống kê đến cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương theo quy định, lưu trữ hồ sơ tài liệu theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Mặt khác, được quyền giải trình, khiếu nại đối với kết luận của đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 12. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân đầu tư, hoạt động kinh doanh tại các điểm du lịch chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh về UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp trình UBND tỉnh) sửa đổi, bổ sung kịp thời./.