Quyết định 14/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Lào Cai do Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
Số hiệu: | 14/2012/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lào Cai | Người ký: | Nguyễn Văn Vịnh |
Ngày ban hành: | 23/04/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2012/QĐ-UBND |
Lào Cai, ngày 23 tháng 4 năm 2012 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân số 31/2004/QH11 ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Điện lực số 28/2004/QH11 ngày 14/12/2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Giao thông Đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;
Căn cứ Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23/11/2009;
Căn cứ Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Nghị định 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Nghị định 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;
Căn cứ Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị;
Căn cứ Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;
Căn cứ Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;
Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 24/2010/TT-BXD ngày 24/12/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số: 13/TTr-SXD ngày 16/01/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định một số nội dung cụ thể về quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Lào Cai; các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. UBND TỈNH LÀO CAI |
MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 14/2012/QĐ-UBND ngày 23/4/2012 của UBND tỉnh Lào Cai )
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định về một số nội dung quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm: Tổ chức thi công xây dựng, quản lý vận hành, khai thác, bảo trì và cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật tại thành phố thuộc tỉnh, các thị trấn và các trung tâm huyện lỵ, thị tứ, trung tâm cụm xã, trung tâm xã đã có quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Các nội dung liên quan đến quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị không nêu trong bản quy định này được thực hiện theo các quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Điện lực và các Nghị định, thông tư hướng dẫn của Nhà nước có liên quan, trừ các trường hợp có quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang hoạt động có liên quan đến việc thi công xây dựng, quản lý vận hành, khai thác, bảo trì và cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật tại thành phố Lào Cai, thị trấn và các trung tâm huyện lỵ, thị tứ, trung tâm cụm xã, trung tâm xã đã có quy hoạch xây dựng chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
1. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị là hệ thống các công trình phục vụ cho các hoạt động ở đô thị, bao gồm: Hè phố, đường phố, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cấp điện, viễn thông, công viên cây xanh, rác thải, công trình xử lý rác, nghĩa trang và công trình ngầm khác.
2. Quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật là quản lý quá trình thi công xây dựng, sử dụng, khai thác và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Lào Cai (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện).
4. Ủy ban nhân d ân các phường, thị trấn, xã (sau đ ây gọi tắt là U BN D cấp phường).
Điều 3. Nguyên tắc và nội dung quản lý
1. Quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, giao thông đường bộ - đường thuỷ - đường sắt, điện lực, bảo vệ môi trường, bưu chính, viễn thông và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Nội dung quản lý:
a) Cấp và thu hồi các loại giấy phép xây dựng công trình đường đô thị, cấp điện, cấp nước, viễn thông, công viên cây xanh, nghĩa trang và công trình ngầm; Giấy cam kết đào đường, hè phố thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên đường đô thị đang sử dụng; Giấy cam kết sử dụng tạm hè phố và lòng đường; Giấy phép đốn hạ, di dời cây xanh;
b) Tổ chức thi công xây dựng; Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm các hồ sơ tài liệu và bản vẽ hoàn công công trình);
c) Bảo vệ hành lang an toàn và bảo trì công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;
d) Vận hành, khai thác và cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị;
đ) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Điều 4. Thoả thuận công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo tuyến
Trước khi lập dự án thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, chủ đầu tư phải có ý kiến của UBND cấp huyện và văn bản thoả thuận của Sở Xây dựng về vị trí, hướng tuyến và các thông số quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 18 Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị.
Điều 5. Đấu nối công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị
1. Thỏa thuận đấu nối: Khi thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, chủ đầu tư phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản với các đơn vị đang trực tiếp quản lý, vận hành, sử dụng.
2. Thực hiện đấu nối: Trước khi thi công đấu nối công trình, chủ đầu tư có thiết kế đấu nối, văn bản xin phép đấu nối, thông báo kế hoạch và tiến độ thi công đấu nối công trình đến cơ quan, đơn vị thỏa thuận đấu nối để giám sát và phối hợp thực hiện.
Điều 6. Yêu cầu về thi công xây dựng công trình
1. Trước khi thi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình theo quy định của pháp luật về cấp Giấy phép xây dựng công trình (Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung Nghị định 12/2009/NĐ-CP).
2. Các nhà thầu xây dựng phải tiến hành thăm dò, xác định hiện trạng các công trình ngầm hiện có trong khu vực xây dựng để có biện pháp xử lý phù hợp, lập biện pháp tổ chức thi công xây dựng công trình.
3. Quá trình thi công xây dựng công trình phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đô thị, các công trình lân cận và bên trên; có các biện pháp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước ngầm và môi trường địa chất đô thị. Đối với những công việc thi công mà phải đào nền đường và hè phố thì chủ đầu tư dự án và nhà thầu phải có trách nhiệm hoàn trả mặt nền đường, hè phố như hiện trạng ban đầu.
4. Thi công xây dựng công trình phải có kế hoạch khắc phục các sự cố có thể xảy ra trong quá trình thi công như: Gặp tầng đất yếu, tầng chứa nước, khí độc, cháy nổ, sạt lở, trồi đất, bục đất nhằm bảo đảm an toàn cho người, phương tiện thi công và cho công trình. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, trình tự công việc và có chế độ thường xuyên kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn khi thi công, kiểm soát chặt chẽ người vào, ra công trình trong suốt quá trình thi công. Khi gặp các sự cố bất thường nhà thầu xây dựng phải có trách nhiệm thông báo cho chủ đầu tư và các bên liên quan để có biện pháp xử lý phù hợp.
5. Lực lượng tham gia thi công xây dựng công trình ngầm phải được huấn luyện kỹ thuật và được trang bị bảo hộ an toàn lao động phù hợp với điều kiện thi công của từng loại công trình.
6. Yêu cầu các công trình đang thi công đều phải có biển báo rào chắn đảm bảo an toàn trước và trong khi thi công.
Điều 7. Hỗ trợ, ưu đãi đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật
Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo các hình thức đầu tư thích hợp. Nhà nước tạo điều kiện sử dụng các nguồn tài chính ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Nhà nước khuyến khích các nhà cung ứng dịch vụ về điện, nước, viễn thông, thông tin,... góp vốn đầu tư xây dựng chung một hào tuy nel cho việc ngầm hoá các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Điều 8. Vị trí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc theo mặt hè đường phố
1. Đường ống cấp nước:
a) Tim ống cách chỉ giới đường đỏ 0,7m;
b) Độ sâu chôn ống nước so với mặt hè phố lớn hơn hoặc bằng 0,5m;
c) Khoảng cách giữa hai hố thăm liền kề bình quân là 100m và hố thăm dóng thẳng vào ranh giới đất giữa hai hộ liền kề.
2. Đường ống dẫn cáp viễn thông:
a) Tim ống cách chỉ giới đường đỏ 1m đến 1,2 m;
b) Độ sâu chôn ống so với mặt hè phố lớn hơn hoặc bằng 0,5m;
c) Khoảng cách giữa hai trụ đấu nối liền kề bình quân là 100m và hố thăm.dóng thẳng vào ranh giới đất giữa hai hộ liền kề.
3. Cây xanh: Cây trồng sử dụng loại cây rễ cọc (không thuộc danh mục cây cấm trồng) tránh ảnh hưởng đến các công trình xung quanh, khoảng cách giữa hai cây xanh liền kề bình quân là 5m và dóng thẳng vào ranh giới đất giữa 2 hộ liền kề.
a) Đối với hè phố rộng 3m, tâm bục trồng cây cách chỉ giới đường đỏ 1,5m;
b) Đối với hè phố rộng 4,5m đến 5m, tâm bục trồng cây cách chỉ giới đường đỏ 2,2m;
c) Đối với hè phố rộng 7m, tâm bục trồng cây cách chỉ giới đường đỏ 3,5m;
d) Đối với hè phố rộng 10 m, tâm bục trồng cây cách chỉ giới đường đỏ 5m.
4. Cống thoát nước chung cho cả nước mặt và nước thải được bố trí sát dọc boóc duyl hè phố (sát phần lòng đường) chiều sâu và bề rộng theo tính toán thực tế lưu lượng nước thoát cụ thể từng khu vực.
5. Cột đường dây dẫn điện chiếu sáng:
a) Tâm cột điện cách mép boóc đuyl 1,5 m (sát cống thoát nước);
b) Khoảng cách giữa hai cột liền kề bình quân là 35m và dóng thẳng vào ranh giới đất giữa 02 hộ liền kề;
c) Bố trí móng cột không ảnh hưởng đến các công trình ngầm xung quanh.
6. Tại góc ngã ba, ngã tư đường giao nhau, vị trí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được xác định cụ thể ngoài thực địa.
QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG BỘ ĐÔ THỊ
Mục 1. QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ ĐÔ THỊ
Điều 9. Phân cấp quản lý đường bộ đô thị
1. UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh và giao cho Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh về việc quản lý Nhà nước hệ thống đường đô thị, có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo trì và khai thác đường đô thị, hàng năm có trách nhiệm thẩm định kế hoạch kinh phí tu duy, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì và khai thác sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn toàn tỉnh xong trước ngày 15 tháng 10, gửi Sở Tài chính tổng hợp lập phân bổ nguồn vốn ngân sách trình UBND tỉnh quyết định.
2. Sở Tài chính hàng năm có trách nhiệm lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách cho việc quản lý, tu duy, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì khai thác sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn toàn tỉnh trình UBND tỉnh quyết định.
3. UBND cấp huyện trực tiếp quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì và khai thác hệ thống đường đô thị trong phạm vi địa giới hành chính mình quản lý. Hàng năm trước ngày 30 tháng 9 UBND cấp huyện có trách nhiệm lập kế hoạch, dự toán kinh phí tu duy bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì và khai thác sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị gửi về Sở Xây dựng và Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh quyết đinh.
4. UBND cấp phường trực tiếp quản lý, tu duy bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì và khai thác hệ thống đường nhóm nhà ở, vào nhà, đường xe đạp, đường đi bộ theo chỉ đạo của UBND cấp huyện và theo hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của phòng chuyên môn cấp huyện.
UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức việc gắn biển tên đường phố trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực của quyết định về việc đặt tên, đổi tên đường phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Biển tên đường phố được quy định như sau:
1. Kích thước: Hình chữ nhật 75cm × 40cm;
2. Màu sắc:
a) Nền biển màu xanh mực đậm;
b) Đường viền màu trắng rộng 0,5cm cách mép ngoài của biển từ 3cm đến 3,5cm; bốn góc đường viền uốn cong đều vào bên trong.
3. Chất liệu: Sắt tráng men hoặc nhôm lá dập, sơn chất liệu phản quang.
4. Kiểu chữ viết trên biển: Chữ in hoa không có chân, màu trắng.
5. Nội dung viết trên biển, gồm: Tên đường và lộ giới đường.
6. Biển tên đường được trình bày cả hai mặt bên trong và bên ngoài.
7. Vị trí gắn biển: Biển được gắn ở đầu, ở cuối đường phố và ở điểm giao nhau với các đường phố khác. Hai biển được gắn so le với nhau trên đầu cột sắt hoặc cột thép, Inox, đường kính cột tối thiểu 10cm, được chôn vững chắc, khoảng cách từ mặt đất đến mép dưới biển là 250cm, vị trí cột ở gần mép góc vuông vỉa hè của hai đường phố giao nhau; hai biển tên hai đường, phố giao nhau gắn vuông góc với nhau trên một cột.
Điều 11. Phạm vi bảo vệ và giới hạn hành lang an toàn đường đô thị
1. Phạm vi bảo vệ đường đô thị được quy định bao gồm: Đất của đường đô thị, kể cả phần trên không, phần dưới mặt đất và phần dưới mặt nước của đường đô thị có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đô thị.
2. Khi lập quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, cơ quan lập quy hoạch phải tuân thủ giới hạn hành lang an toàn đường đô thị được quy định tại Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ.
3. Các công trình nhà ở mặt đường phố phải đảm bảo giới hạn hành lang đường đô thị theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Riêng đối với nhà ở mặt đường phố chia lô liền kề cho phép công trình xây dựng bằng chỉ giới đường đỏ, bậc vào nhà không được xây ra hè phố, chiều cao tính từ mặt nền nhà (tầng một) đến lớn hơn hoặc bằng 3 mét thì được phép đua ô văng ra bằng 1/5 chiều rộng hè phố.
4. UBND cấp huyện căn cứ vào đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt có trách nhiệm công bố công khai chỉ giới hành lang an toàn của từng tuyến đường đô thị trên địa bàn.
Mục 2. KHAI THÁC, SỬ DỤNG TẠM THỜI HÈ, LÒNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ
Điều 12. Mục đích sử dụng và khai thác hè phố
1. Mục đích sử dụng chính của hè phố là dành cho người đi bộ. Ngoài ra, còn được sử dụng để trồng cây xanh và bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm đảm bảo tính đồng bộ, các công trình phục vụ yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng và các thiết bị an toàn giao thông, hệ thống biển báo hiệu đường bộ, biển chỉ dẫn tên đường.
2. Ngoài mục đích sử dụng nêu tại Khoản 1 Điều này, hè phố đô thị được phép khai thác sử dụng tạm thời một phần, không làm ảnh hưởng lối đi cho người đi bộ, mỹ quan môi trường đô thị cho các mục đích khác, gồm :
a) Tổ chức một số hoạt động theo phong tục, tập quán như việc cưới, việc tang lễ:
- Hộ gia đình, cá nhân cần thông báo với UBND cấp phường nơi cư trú để tổ chức thực hiện, không phải hợp đồng mượn hè phố, không phải nộp phí.
- UBND cấp phường có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng hè phố cho việc cưới, việc tang;
b) Hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình:
- Đảm bảo nguyên tắc không gây cản trở giao thông;
- Trường hợp việc tập kết vật liệu xây dựng đòi hỏi mặt bằng lớn, cơ quan có thẩm quyền xem xét việc sử dụng tạm thời toàn bộ hè phố. Thời gian cho phép chỉ được thực hiện từ 21 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, sau đó phải trả lại hè phố để đảm bảo giao thông.
c) Điểm đỗ xe taxi, xe ôtô du lịch, trạm chờ xe buýt, trông giữ xe công cộng, đảm bảo các quy định sau đây:
- Phù hợp với quy hoạch bến, bãi đỗ xe;
- UBND cấp huyện phối hợp với sở Giao thông vận tải có trách nhiệm triển khai lắp đặt biển báo, sơn đường cho phép đỗ xe và tổ chức thu phí theo quy định.
d) Hoạt động việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hoá:
- Phù hợp với quy hoạch chợ, siêu thị, trung tâm dịch vụ thương mại.
- UBND cấp huyện có trách nhiệm triển khai lắp đặt biển báo cho phép việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hoá và tổ chức thu phí theo quy định.
đ) Tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên truyền: Nội dung hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đơn vị tổ chức phải thống nhất bằng văn bản với phòng Quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện về phương án đảm bảo giao thông trước khi tiến hành các hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên truyền. Trong trường hợp hoạt động này được tiến hành trên mặt bằng rộng (bao gồm cả lòng đường) phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND cấp huyện.
e) Hoạt động để xe mô tô, xe máy, xe đạp, xe thô sơ tự quản trước cửa nhà Tuyến đường có điều kiện hè phố rộng trên 4,5 mét UBND cấp huyện thống nhất và kẻ sơn trắng liền nét một phần hè phố cho nhân dân để xe mô tô, xe máy, xe đạp, xe thô sơ tự quản trước cửa nhà của gia đình.
3. Khi sử dụng hè phố vào mục đích nêu tại Khoản 2 Điều này thì ưu tiên đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng liền kề với vị trí hè phố đường đó.
Điều 13. Mục đích sử dụng và khai thác lòng đường phố
1. Mục đích sử dụng chính của lòng đường phố là dành cho người điều khiển, sử dụng các phương tiện tham gia giao thông.
2. Ngoài mục đích sử dụng nêu tại Khoản 1 Điều này, lòng đường phố được phép khai thác sử dụng tạm thời một phần làm điểm đỗ xe taxi, xe buýt, xe ôtô du lịch và phải phù hợp với quy hoạch bến, bãi đỗ xe được phê duyệt.
UBND cấp huyện có trách nhiệm triển khai lắp đặt biển báo, sơn đường cho phép đỗ xe và tổ chức thu phí theo quy định.
Điều 14. Việc sử dụng tạm thời hè, lòng đường phố phải đảm bảo những yêu cầu sau
1. Phải phù hợp với đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.
2. Hè phố đảm bảo bề rộng tối thiểu là 1,5 m để sử dụng dành cho người đi bộ.
3. Nghiêm cấm mọi trường hợp lấn chiếm sử dụng phần hè phố dành cho người đi bộ.
4. Phạm vi, ranh giới sử dụng bố trí để xe mô tô, xe máy, xe đạp và các loại xe thô sơ phải được kẻ vạch sơn trắng liền nét để tổ chức thực hiện và quản lý.
5. Người tàn tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ dành cho người đi bộ. Trường hợp đường chưa có hè phố, lề đường thì người đi bộ, người sử dụng xe lăn phải đi sát mép đường bên tay phải.
6. Trong trường hợp sử dụng một phần hè, lòng đường phố để xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình đơn vị thi công phải có biển báo, đảm bảo giao thông, có người giám sát liên tục cho đến khi xong và hoàn trả phần hè, lòng đường phố đó theo nguyên trạng.
7. Phải đảm bảo không chắn ngang lối ra vào đường ngõ; không nằm trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, cơ quan ngoại giao, công sở.
8. Phải đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, không làm hư hỏng kết cấu hè mặt đường phố, tạo lối đi thông thoáng cho người đi bộ và không ảnh hưởng đến tầm nhìn lưu thông của người sử dụng các phương tiện giao thông.
Điều 15. Ký cam kết sử dụng tạm thời hè, lòng đường đô thị
1. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần hè, lòng đường phố quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 Điều 12 và tại khoản 2 Điều 13 quy định này đều phải lập hồ sơ ký cam kết sử dụng tạm thời hè, lòng đường phố.
2. Thành phần một bộ hồ sơ ký cam kết sử dụng tạm thời hè, lòng đường phố gồm:
a) Đơn đề nghị (theo mẫu).
b) Bản vẽ vị trí mặt bằng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần hè, lòng đường. Bản vẽ phải thể hiện rõ vị trí sử dụng, kích thước sử dụng (tổ chức, cá nhân tự vẽ);
c) Văn bản pháp lý khác (nếu có) liên quan đến nhu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cam kết xin sử dụng tạm thời một phần hè, lòng đường:
Trường hợp thi công xây dựng, sửa chữa công trình thì yêu cầu phải có bản sao giấy phép xây dựng mới hoặc giấy phép xây dựng cải tạo, sửa chữa do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Trường hợp lắp đặt các loại hình quảng cáo phải được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận về nội dung quảng cáo.
Trường hợp tổ chức hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên truyền phải có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
d) Bản cam kết sử dụng tạm thời một phần hè, lòng đường phố được ký kết giữa chủ tịch UBND cấp phường với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng hè, lòng đường phố thuộc địa giới hành chính mình quản lý.
3. Chủ tịch UBND cấp phường có quyền chấm dứt việc sử dụng tạm thời một phần hè, lòng đường phố của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi vi phạm một trong các điều khoản đã ký trong bản cam kết sử dụng hè, lòng đường phố.
4. Thời gian giải quyết:
Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp phường nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp không giải quyết được thì UBND cấp phường phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị việc sử dụng tạm thời hè, lòng đường phố được biết.
5. Khi có bản cam kết sử dụng tạm thời một phần hè, lòng đường phố thì UBND cấp phường có trách nhiệm gửi 01 bản cho UBND cấp huyện, 01 bản cho Thanh tra Sở Xây dựng, 01 bản cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải, 01 bản cho UBND cấp phường (địa bàn nơi tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần hè, lòng đường) và 01 bản cho tổ chức, cá nhân sử dụng hè, lòng đường.
6. Vào những ngày lễ tết, những ngày có sự kiện quan trọng về chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh, quốc phòng, chính quyền địa phương yêu cầu đường thông hè thoáng thì người sử dụng tạm thời hè, lòng đường phố cũng phải tự tháo dỡ di chuyển, không đựơc yêu cầu bồi thường và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, kinh phí liên quan.
7. Trước thời điểm hết hạn 10 ngày của bản cam kết sử dụng tạm thời hè, lòng đường phố nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì phải tiến hành lập hồ sơ ký cam kết mới.
Điều 16. Thu tiền đặt cọc đối tượng phải ký cam kết sử dụng tạm thời hè lòng đường phố
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian sử dụng tạm thời hè, lòng đường phố phải đặt cọc một khoản tiền gấp 02 (hai) lần giá trị dự toán tái lập mặt đường, hè phố và giá trị dự toán tái lập mặt đường, hè phố do phòng Quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện cấp. Tiền đặt cọc được thu một lần tại UBND cấp phường và vào thời điểm UBND cấp phường sở tại đồng ý cho sử dụng tạm thời hè, lòng đường phố ký bản cam kết. Tiền đặt cọc được hoàn trả lại cơ quan, tổ chức, cá nhân sau 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn sử dụng và đồng thời tái lập xong hoàn trả lại hiện trạng hè lòng đường phố được nghiệm thu đạt yêu cầu, thành phần nghiệm thu gồm: Chủ đầu tư, cơ quan cấp phường ký cam kết, phòng Quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện, tư vấn, thi công. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng làm hư hỏng hè, lòng đường không hoàn trả lại hiện trạng theo đúng thời gian quy định, tiền đặt cọc được phép sử dụng trừ vào chi phí tái lập lại mặt đường, hè phố theo hợp đồng thực tế và nộp tiền phạt hành chính trong xây dựng theo quy định. Khi trừ tiền tái lập mặt đường, hè phố và tiền bị xử phạt, tiền đặt cọc còn thừa thì trả lại cho người nộp, nếu còn thiếu thì người sử dụng hè, lòng đường phố phải nộp bù cho đủ.
Riêng đối với những công việc sử dụng hè lòng đường phố liên quan đến nguồn vốn ngân sách trong tỉnh, không phải đặt cọc tiền nhưng phải có cam kết về thời gian hoàn trả mặt hè lòng đường theo nguyên trạng.
Mục 3. CÔNG TÁC ĐÀO VÀ TÁI LẬP MẶT HÈ, LÒNG ĐƯỜNG PHỐ
Điều 17. Những công việc liên quan thi công phải đào hè, lòng đường phố
1. Đào hè, lòng đường phố để lắp đặt các công trình ngầm;
2. Đào hè, lòng đường phố để lắp đặt các công trình trên mặt hè, lòng đường, việc trồng cây xanh, dựng biển báo và các công việc tạm thời như thăm dò, khảo sát địa chất;
3. Đào hè, lòng đường phố để xử lý sự cố đột xuất về kỹ thuật của các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị;
4. Đào hè, lòng đường phố để thi công duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường của đơn vị quản lý đường bộ;
5. Đào hè, lòng đường phố để thi công sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường theo các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành;
6. Đào hè, lòng đường phố để lắp đặt đồng hồ đo điện, nước cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu và thực hiện theo hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Điều 18. Ký cam kết việc sử dụng đào hè, lòng đường phố
1. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 17 bản Quy định này không phải lập hồ sơ ký cam kết việc sử dụng đào hè, lòng đường phố nhưng phải thông báo bằng văn bản về địa điểm, vị trí, quy mô và thời gian đào đường đến phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp Huyện và UBND cấp Phường nơi tiến hành đào đường, hè phố để biết và kiểm tra theo dõi việc đào và tái lập mặt hè, lòng đường phố, việc tái lập hoàn trả mặt hè đường phố không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì bị xử phạt trong xây dựng theo quy định.
2. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 bản Quy định này đều phải lập hồ sơ ký cam kết việc sử dụng đào hè, lòng đường phố. Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị sử dụng đào hè, lòng đường phố (theo mẫu);
b) Các bản vẽ thiết kế thể hiện mặt bằng, vị trí đào, kích thước đào, kết cấu tái lập;
c) Các văn bản thống nhất về phương án thi công; biện pháp tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và tiến độ thi công giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công;
d) Hồ sơ thiết kế tái lập mặt hè, lòng đường phố (nếu không có thiết kế định hình) được cơ quan quản lý hè, lòng đường phố đó phê duyệt;
đ) Hợp đồng tái lập mặt hè, lòng đường phố với đơn vị có chức năng thực hiện theo quy định;
e) Hợp đồng giám sát công tác tái lập mặt hè, lòng đường phố;
g) Đối với các công trình đào hè, lòng đường phố cần hạn chế giao thông phải có phương án phân luồng giao thông. Phương án phân luồng giao thông phải được sở giao thông vận tải thông qua;
h) Đối với những tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua đô thị do Trung ương hoặc Tỉnh quản lý các tổ chức, cá nhân có đào hè, lòng đường đó phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan trực tiếp quản lý tuyến đường đó.
i) Bản cam kết việc sử dụng đào hè, lòng đường phố được ký kết giữa chủ tịch UBND cấp huyện với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đào hè, lòng đường phố. Chủ tịch UBND cấp huyện có thể uỷ quyền cho phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và hạ tầng ký bản cam kết việc sử dụng đào hè, lòng đường phố thuộc địa giới hành chính mình quản lý.
3. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền gia hạn hoặc chấm dứt việc sử dụng đào hè, lòng đường phố của cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các điều khoản đã ký trong bản cam kết đào hè, lòng đường phố.
4. Thời gian giải quyết:
Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp huyện nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp không giải quyết được thì UBND cấp huyện phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị việc sử dụng đào hè, lòng đường phố được biết.
5. Khi có bản cam kết sử dụng đào hè, lòng đường phố thì UBND cấp huyện có trách nhiệm gửi 01 bản cho Thanh tra Sở Xây Dựng; 01 bản cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải; 01 bản UBND cấp huyện; 01 bản cho UBND cấp phường (địa bàn nơi đào bới sử dụng hè, lòng đường) và 01 bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng đào hè lòng đường.
6. Việc đào hè đường phố được giải quyết liên tục theo tiến độ của dự án và nhất thiết phải phân đoạn tiến độ để đảm bảo thời hạn cho mỗi lần đào hè đường phố không quá 21 ngày. Khi UBND cấp huyện giải quyết việc đào hè, lòng đường phải kiểm tra việc thực hiện trước đó (nếu có); nếu đơn vị xin đào hè, lòng đường phố để vi phạm và bị xử lý ở đoạn trước thì kiên quyết không giải quyết tiếp cho đoạn sau. Thời gian thi công được gia hạn theo bản cam kết và không được vượt quá 1/4 thời gian đã ghi trong cam kết.
7. Đối với các dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến công tác đào hè, lòng đường phố trong quá trình lập dự án, đơn vị tư vấn nhất thiết phải tiến hành khảo sát tất cả các vị trí công trình ngầm hiện hữu trên tuyến. Công tác khảo sát công trình ngầm phải được thực hiện bằng thiết bị dò tìm để có thể xác định vị trí chính xác.
Điều 19. Thu tiền đặt cọc đối tượng phải ký cam kết sử dụng đào hè, lòng đường phố
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời gian sử dụng đào hè, lòng đường phố phải đặt cọc một khoản tiền gấp 05 (năm) lần giá trị dự toán tái lập mặt đường, hè phố. Tiền đặt cọc được thu một lần tại UBND cấp huyện và vào thời điểm UBND cấp huyện đồng ý cho sử dụng đào hè, lòng đường phố ký bản cam kết. Tiền đặt cọc được hoàn trả lại cơ quan, tổ chức, cá nhân sau 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn sử dụng và đồng thời tái lập xong hoàn trả lại hiện trạng hè lòng đường phố được nghiệm thu đạt yêu cầu, thành phần nghiệm thu gồm: Chủ đầu tư, cơ quan ký bản cam kết, tư vấn, thi công. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng làm hư hỏng hè, lòng đường không hoàn trả lại hiện trạng theo đúng thời gian quy định, tiền đặt cọc được phép sử dụng trừ vào chi phí tái lập lại mặt đường, hè phố theo hợp đồng thực tế và nộp tiền phạt hành chính trong xây dựng theo quy định. Khi trừ tiền tái lập mặt đường hè, phố và tiền bị xử phạt, tiền đặt cọc còn thừa thì trả lại cho người nộp, nếu còn thiếu thì người sử dụng hè, lòng đường phố phải nộp bù cho đủ.
Riêng đối với những công việc sử dụng đào hè, lòng đường phố liên quan đến nguồn vốn ngân sách trong tỉnh, không phải đặt cọc tiền nhưng phải có cam kết về thời gian hoàn trả mặt hè lòng đường theo nguyên trạng.
Điều 20. Quy định về việc cấm và hạn chế việc đào hè, lòng đường
1. Cấm đào hè, lòng đường vào thời gian từ 05 giờ sáng đến 22 giờ cùng ngày trên các tuyến đường tập trung đông người và thực tiễn quản lý về an toàn giao thông, mỹ quan đô thị tại địa phương.
2. Hạn chế đào hè, lòng đường đã rải thảm mặt đường và lát mặt hè (kể cả các tuyến đường đưa vào sử dụng còn trong thời hạn bảo hành công trình).
3. Đối với trường hợp thi công đào hè, lòng đường bằng máy khoan ngang (robot) sẽ được xem xét cụ thể từng trường hợp để cho phép thi công vào ban ngày (nhằm tránh tiếng ồn vào ban đêm).
Điều 21. Đảm bảo tiến độ khi thi công đào và tái lập mặt hè, lòng đường
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép đào hè, lòng đường phố phải thi công đúng thời gian đã cam kết và chỉ được xin phép gia hạn, bổ sung khối lượng đào hè, lòng đường do các nguyên nhân thiên tai, bão lụt, vướng mặt bằng chưa giải tỏa xong, các sự cố cần xử lý kỹ thuật (khi đào đường vướng phải công trình ngầm khác) đồng thời phải lập lại tiến độ các công việc còn lại để xin điều chỉnh cho phù hợp. Đơn vị thi công phải tái lập tạm mặt hè, đường phố để đảm bảo giao thông, đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công và các công trình lân cận.
2. Khi đào hè, lòng đường, các đơn vị thi công phải thực hiện đúng kích thước, kết cấu mặt hè, lòng đường tái lập được ghi trong bản cam kết.
a) Nếu có sự thay đổi mở rộng rãnh đào hơn 1/2 bề rộng qua mỗi bên hoặc vượt quá 30% diện tích đào so với thiết kế thì phải làm thủ tục điều chỉnh lại bản cam kết và nộp bổ sung tiền đặt cọc sử dụng đào hè, lòng đường phố.
b) Đối với các thay đổi nhỏ hơn điểm a khỏan 2 Điều này, cho phép đơn vị đào hè, lòng đường tự giải quyết trong quá trình thi công nhưng phải báo cáo bằng văn bản đến cơ quan cho phép trong vòng 03 ngày sau khi thực hiện, đồng thời nộp bổ sung tiền đặt cọc sử dụng hè, lòng đường phố.
Điều 22. Cơ chế phối hợp trong việc cho phép đào hè, lòng đường
1. Phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện là cơ quan đầu mối tiếp nhận các kế hoạch và nhu cầu đào hè, lòng đường của các tổ chức, cá nhân.
2. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào hè, lòng đường, trước ngày 10 tháng 3 hàng năm phải gửi đăng ký về nhu cầu đào hè, lòng đường năm đó đến phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện (trong đăng ký nêu rõ yêu cầu về vị trí đào, kỹ thuật đối với rãnh đào, thời gian đào). Phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện tổng hợp và lập kế hoạch năm việc đào hè, lòng đường báo cáo UBND cấp Huyện phê duyệt; thông báo cho các tổ chức, cá nhân đã đăng ký và UBND cấp Phường biết để cùng phối hợp theo dõi kiểm tra, tổ chức quản lý. Báo cáo kế hoạch được duyệt gửi về sở Xây dựng trước ngày 20 tháng 3 hàng năm để chỉ đạo theo dõi quản lý thực hiện.
Điều 23. Các yêu cầu khi thực hiện công tác đào hè, lòng đường
1. Trong suốt quá trình thi công công trình chủ đầu tư và đơn vị thi công chịu hoàn toàn trách nhiệm về quản lý, xử lý sự cố trên hè lòng đường trong phạm vi thi công. Yêu cầu đơn vị thi công đất đá đào lên phải đổ gọn gàng, thu dọn ngay và phải tái lập tạm thời hoặc hoàn chỉnh rãnh đào ngay trong ngày.
2. Đối với đường có kết cấu mặt đường đã hoàn chỉnh thì đơn vị thi công phải sử dụng thiết bị cắt mặt đường để thực hiện công tác cắt mép rãnh hố đào, tái lập mặt đường, thi công tránh gây sạt lở chung quanh vách rãnh hố đào. Khi thi công phát hiện rạn nứt vách đào, phải ngừng thi công ngay và tìm biện pháp xử lý thích hợp, bảo đảm chống sạt lở rãnh đào.
3. Phải đào hè, lòng đường bằng thủ công các trường hợp sau :
a) Rãnh hố đào nằm trong hành lang bảo vệ các công trình ngầm khác;
b) Hè, lòng đường rộng bằng hoặc dưới 6m;
c) Lòng đường rộng trên 06m nhưng thuộc tuyến đường thường tập trung đông người vào những giờ cao điểm;
d) Rãnh hố đào có chiều rộng < 40cm.
4. Việc thi công làm cho mặt đường kế cận rãnh đào bị rạn nứt, biến dạng thì chủ đầu tư và đơn vị thi công phải sửa chữa lại toàn bộ phần đường bị biến dạng này ngay sau khi phát hiện hư hỏng để trả lại hiện trạng như mặt đường ban đầu.
Điều 24. Biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường
1. Dọc theo tuyến công trường đang thi công phải lắp dựng rào chắn và lắp dựng biển báo, đèn báo hiệu (vào ban đêm) hoặc cờ báo hiệu (vào ban ngày), phải bố trí người thường xuyên hướng dẫn giao thông, không để xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông trong phạm vi công trường. Tại hai đầu đường dẫn vào công trường, phải lắp dựng biển kích thước (50x35)cm ghi tên đơn vị thi công trên rào chắn và phải đặt ở vị trí theo hướng dễ nhìn thấy.
2. Tại những vị trí đường hẹp vừa làm, vừa đảm bảo giao thông thì phải bố trí người hướng dẫn, điều khiển đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt. Trường hợp không thể vừa thi công, vừa đảm bảo giao thông nhất thiết phải xây dựng tuyến tránh để đảm bảo giao thông và an toàn cho thi công.
3. Trong khi chưa thi công hoặc trong quá trình thi công:
a) Cấm việc tập kết vật tư, thiết bị, vật liệu xây dựng, máy móc, xe máy chuyên dùng tại công trường khi chưa cần đến;
b) Cấm để vật liệu rời như cát, đá, xi măng, gạch... rơi vãi trên mặt đường;
c) Phải dự trù tập kết vật tư, vật liệu đủ sử dụng theo tiến độ thi công, khi vật liệu còn thừa phải vận chuyển đi nơi khác để trả lại sự thông thoáng cho đường.
4. Những công nhân tham gia thi công trên đường nhất thiết phải mặc quần áo bảo hộ lao động, ban đêm áo bảo hộ lao động phải có phản quang.
5. Khi đào rãnh ngang đường mà chưa kịp lắp đặt phần kỹ thuật chuyên ngành xong thì rãnh đào phải được tái lập tạm mặt đường, bằng cách lấp đầy cát để bù cao độ và 20cm đá (2x4) phía trên bằng cao độ mặt đường hiện có. Đơn vị thi công phải cử người có mặt tại rãnh đào để giải quyết sự cố lún sụt, bong bật (nếu có), quét dọn đá văng ra khỏi rãnh đào, thường xuyên tưới nước rãnh đào để giảm bớt bụi, cho đến khi hoàn tất phần tái lập nhựa (hoặc cấp phối) mặt rãnh đào.
Trường hợp sửa chữa khắc phục sự cố kỹ thuật hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đấu nối ống nước nhánh vào ống nước đang khai thác thì cho phép thực hiện ngay trên tất cả các tuyến đường (kể cả đường cấm thi công đào đường ban ngày), phải tổ chức việc phân luồng và bố trí người hướng dẫn giao thông.
6. Tất cả khối lượng đất đá đào lên phải được chuyển ngay lên phương tiện vận tải chuyển ra khỏi công trường, thu dọn sạch sẽ lòng lề đường trong phạm vi công trường. Phương tiện vận tải phục vụ thi công các bánh xe phải sạch trước khi ra khỏi công trường. Khi thi công để vật tư rơi, trôi vào hệ thống thoát nước đơn vị đào hè đường phải nạo vét trả lại nguyên trạng ban đầu và thông báo trước cho đơn vị quản lý hệ thống thoát nước biết để kiểm tra, theo dõi; Nếu không tự thực hiện được thì phải thuê đơn vị quản lý hệ thống thoát nước nạo vét.
7. Đơn vị thi công không được trộn vữa hồ, bê tông xi măng trong phạm vi mặt đường; được trộn vữa trên hè, lề đường bắt buộc phải có tấm lót hoặc thùng trộn. Sau khi trộn vữa bê tông xong 10 phút phải tiến hành vệ sinh, tẩy rửa mặt, lề, hè đường phố. Nghiêm cấm để vật liệu lỏng như nhựa đường, bê tông, .v.v...chảy hoặc văng ra mặt đường gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Cấm đốt, nấu nhựa trực tiếp trên mặt, lề, hè đường phố.
Điều 25. Trách nhiệm của đơn vị cấp nước
1. Cung cấp nước sạch phù hợp với tiêu chuẩn về chất lượng do Nhà nước quy định, đảm bảo liên tục đủ áp lực tối thiểu là 0,5 kg/cm2 (cột nước cao 5 mét), trừ trường hợp bị sự cố kỹ thuật phải đóng van cô lập đường ống, hoặc nhà máy ngưng bơm để sửa chữa, khắc phục sự cố.
Đơn vị cấp nước phải tổ chức lực lượng giám sát, thường xuyên theo dõi, ghi nhận thông tin tình hình chất lượng, áp lực nước trên toàn hệ thống cấp nước thuộc đơn vị quản lý để kịp thời phát hiện sự cố và tổ chức lực lượng xử lý, bảo đảm yêu cầu sử dụng nước của khách hàng.
2. Quản lý khai thác, nâng cấp cải tạo sửa chữa và duy tu bảo dưỡng toàn bộ mạng lưới cấp nước.
3. Chủ động phối hợp với UBND các cấp và các cơ quan chức năng để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho các công trình cấp nước kể cả các khu vực và hành lang an toàn công trình cấp nước do đơn vị quản lý; có biện pháp phát hiện và sửa chữa kịp thời các sự cố trên hệ thống cấp nước. Định kỳ hàng năm trước tết âm lịch 20 ngày phải có báo cáo Sở Xây dựng và UBND Tỉnh biết về phương án cấp nước phục vụ Tết.
4. Thu tiền sử dụng nước theo giá nước do UBND tỉnh ban hành hoặc theo thỏa thuận giữa đơn vị cấp nước và khách hàng nhưng không vượt quá khung giá của nhà nước quy định.
Điều 26. Trách nhiệm của khách hàng sử dụng nước
1. Sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp và sử dụng nước.
2. Thông báo kịp thời cho đơn vị cấp nước khi phát hiện các trường hợp bất thường xảy ra như tình trạng hoạt động của đồng hồ nước, tình hình nước cung cấp và sử dụng nước (về chất lượng, áp lực, lượng nước tiêu thụ) để yêu cầu xử lý, giải quyết.
3. Bảo vệ các công trình cấp nước, hành lang và khu vực an toàn công trình cấp nước (khu vực giếng khai thác, công trình thu nước và trạm bơm nước, khu xử lý, hệ thống đường ống chuyển tải và phân phối, các trụ chữa cháy, các hố bảo vệ van xả khí, xả cặn,...); chấp hành chủ trương, chính sách di dời, giải phóng mặt bằng để xây dựng, phát triển công trình cấp nước.
4. Thanh toán kịp thời và đầy đủ các chi phí cung cấp nước theo hóa đơn tiền nước của đơn vị cấp nước.
Điều 27. Cung cấp nước cho các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ
Công ty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Lào Cai có trách nhiệm xây dựng phương án lắp đặt hệ thống cấp nước để phát triển việc lắp đặt đồng hồ nước phục vụ nhu cầu cấp nước của khu dân cư, khu đô thị mới, các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ và thông báo để khách hàng có nhu cầu sử dụng nước biết.
Điều 28. Cung cấp nước phòng cháy chữa cháy
1. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đề nghị đơn vị cấp nước lắp đặt trụ nước chữa cháy được sơn màu đỏ, lắp trong hệ thống mạng lưới cấp nước quy hoạch được duyệt và chỉ được sử dụng vào mục đích chữa cháy.
2. Chi phí lắp đặt, duy tu, bảo dưỡng trụ nước chữa cháy, sử dụng nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy do ngân sách Tỉnh đầu tư.
3. Nghiêm cấm hành vi mở trụ nước chữa cháy lấy nước sử dụng vào mục đích khác; đục phá, di dời, nâng, hạ, thay đổi hoặc gây hư hại trụ nước chữa cháy.
Điều 29. Đơn vị cấp nước được tạm ngừng cung cấp nước trong các trường hợp sau
1. Do hỏa hoạn, thiên tai hoặc do hệ thống cấp nước bị sự cố, hư hỏng đột xuất.
2. Theo kế hoạch sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước hàng năm, đơn vị cấp nước phải có trách nhiệm thông báo cho khách hàng trước 24 giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Do khách hàng vi phạm các quy định về sử dụng, thanh toán tiền nước sau khi đã có văn bản thông báo của đơn vị cấp nước.
4. Thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 30. Hành lang bảo vệ an toàn đối với các nguồn nước và các công trình cấp nước
Khu vực bảo vệ an toàn là khoảng cách có bán kính được xác định theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14 tháng 12 năm 1996, Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam 33/2006 ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BXD , ngày 17 tháng 3 năm 2006 của Bộ Xây dựng và các quy định khác hiện hành.
1. Xây dựng bất cứ công trình nào trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước (trừ các công trình phục vụ cho việc bảo vệ, khai thác, sản xuất nước).
2. Xả nước bẩn công nghiệp, sinh hoạt mặc dù đã qua quá trình xử lý hay xả mương thoát nước nông nghiệp chảy vào sông.
3. Neo đậu thuyền bè, xây dựng bến đò ngang, bến phà.
4. Sửa chữa, làm vệ sinh thiết bị, xe máy; đào hố rác, hố phân, hố vôi, đào bới lấy đất đá…
5. Người và gia súc tắm, giặt; phóng uế, đổ phân rác, chăn nuôi súc vật, trồng rau, hoa màu.
6. Các loại xe, phương tiện cơ giới có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép (theo biển báo giao thông) băng ngang, đỗ, dừng lại trong khu vực bảo vệ hành lang an toàn các đường ống cấp nước.
Trường hợp phương tiện vận chuyển cơ giới có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép (theo biển báo giao thông) đột xuất đi qua hành lang an toàn bảo vệ tuyến ống cấp nước thì tổ chức, cá nhân phải lắp đặt cầu vượt tạm thời phù hợp với tải trọng cho phép của các phương tiện sử dụng và phải được đơn vị cấp nước chấp thuận trước khi cho các phương tiện vượt qua.
Trường hợp phương tiện vận chuyển cơ giới có tải trọng vượt quá tải trọng cho phép (theo biển báo giao thông) thường xuyên đi qua hành lang an toàn bảo vệ tuyến ống cấp nước thì tổ chức, cá nhân phải đầu tư xây dụng cầu vượt ngầm chịu tải trọng phù hợp (được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế), làm cơ sở mở lối ra vào cho các phương tiện cơ giới.
1. Dựng biển thông báo phạm vi giới hạn khu vực bảo vệ an toàn nguồn nước sông theo quy định, đủ để mọi người nhận biết phạm vi và các yêu cầu bảo vệ.
2. Cắm các cột mốc giới hạn khu vực bảo vệ với khoảng cách đủ để xác định chính xác phạm vi bảo vệ an toàn nguồn nước; xây dựng tường rào xung quanh khu vực bảo vệ giếng nước ngầm.
3. Tổ chức giám sát, phối hợp với Chính quyền địa phương, Lực lượng Thanh tra xây dựng, Thanh tra Giao thông, Cảnh sát Giao thông phát hiện kịp thời để xử lý các trường hợp vi phạm các nội dung tại Điều 31 quy định này.
Điều 33. Quản lý hệ thống thoát nước
1. Quản lý các công trình từ cửa thu nước, các điểm đấu nối, các tuyến cống thu gom dẫn nước khu vực, các kênh mương thoát nước truyền dẫn đến trạm xử lý, các van ngăn triều ra nguồn tiếp nhận.
2. Nạo vét, duy tu, bảo dưỡng định kỳ các tuyến cống, mương, hố ga đảm bảo dòng chảy theo thiết kế; kiểm tra bảo dưỡng nắp hố ga, điểm đấu nối, cửa thu nước độ kín lắng cặn. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng tuyến cống, công trình trên mạng lưới đề xuất phương án thay thế hoặc sửa chữa.
3. Đơn vị quản lý thoát nước phải thiết lập quy trình quản lý hệ thống thoát nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quản lý vận hành và đề xuất các phương án phát triển mạng lưới theo lưu vực.
Điều 34. Quản lý hệ thống hồ điều hoà
1. Hồ điều hoà trong hệ thống thoát nước mưa, nước thải đồng thời tạo cảnh quan môi trường sinh thái kết hợp làm nơi vui chơi giải trí và các dịch vụ khác theo quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt.
2. Nước thải sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được xả trực tiếp vào hồ điều hoà.
3. Hồ có chức năng điều hoà nằm trong khu công viên hoặc các khu chức năng khác của đô thị do các cơ quan chủ quản quản lý phải phối hợp đồng bộ với đơn vị thoát nước để đảm bảo khả năng điều hoà của hệ thống thoát nước.
4. Đơn vị thoát nước có trách nhiệm duy trì mực nước ổn định của hồ điều hoà, đảm bảo tốt nhiệm vụ điều hoà nước mưa, nước thải và các yêu cầu khác.
5. Định kỳ nạo vét đáy hồ, vệ sinh lòng hồ và bờ hồ.
6. Lập quy trình quản lý hồ điều hoà đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quản lý vận hành.
Điều 35. Quản lý các công trình đầu mối thoát nước
1. Vị trí điểm đấu nối phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và các yêu cầu kỹ thuật xây dựng.
2. Vận hành các trạm bơm, trạm xử lý, các điểm xả ra nguồn tiếp nhận phải tuân thủ các quy trình vận hành đã được duyệt.
3. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đầu mối đảm bảo khả năng hoạt động liên tục của hệ thống, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa và kế hoạch phát triển.
4. Đơn vị thoát nước phải thiết lập các điểm đấu nối cho hộ thoát nước vào mạng lưới thu gom nước thải của hệ thống thoát nước và công bố công khai để mọi người được biết và phục vụ cho công tác kiểm tra, thụ lý hồ sơ cấp phép xây dựng của cơ quan quản lý xây dựng.
5. Đơn vị thoát nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom đến điểm đấu nối. Hộ thoát nước có trách nhiệm đầu tư đường ống thoát nước và công trình xử lý sơ bộ đến điểm đấu nối.
Điều 36. Quy định về tiêu chuẩn xả nước thải
1. Nước thải từ hệ thống thoát nước, từ các công trình đơn lẻ xả ra nguồn tiếp nhận phải đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép và không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thoát nước.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn xả nước thải.
Điều 37. Nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước phải đảm bảo các nguyên tắc sau
1. Thực hiện đặt tín hiệu, biển báo... để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông;
2. Chất thải nạo vét phải để vào thùng kín, không rò rỉ ra ngoài và vận chuyển đưa ra bãi thải trong ngày. Nghiêm cấm để chất thải qua đêm trên đường phố.
3. Vận chuyển chất thải bằng phương tiện chuyên dùng, không được để chất thải rơi vãi khi vận chuyển.
4. Nạo vét đến đâu, phải tiến hành đậy đan đến đó, không được để miệng cống, hố ga hở qua đêm.
5. Trước khi tiến hành nạo vét phải lập kế hoạch cụ thể về thời gian thi công, biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường gửi đến Phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp Huyện để kiểm tra và theo dõi.
Điều 38. Đối tượng thu phí thoát nước
1. Tất cả các tổ chức, hộ gia đình xả nước thải vào hệ thống thoát nước có nghĩa vụ trả phí thoát nước theo Thông tư 09/2009/TT-BXD ngày 21/5/2009 của Bộ Xây Dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp và quy định của UBND tỉnh Lào Cai.
2. Tất cả các tổ chức, hộ gia đình xả nước thải trực tiếp ra môi trường có nghĩa vụ trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP , Nghị định số 26/2010/NĐ-CP ngày 22 tháng 03 năm 2010 về sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 8 của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP .
Điều 39. Nhận bàn giao quản lý công trình thoát nước
1. Công trình thoát nước đô thị trước khi đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng phải được sở Xây Dựng, phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Lào Cai (nếu đơn vị được giao để quản lý khai thác vận hành sử dụng) kiểm tra, xác nhận bằng văn bản công trình đảm bảo không có vật cản gây tắc dòng chảy và được tổ chức nghiệm thu theo quy định hiện hành.
2. Khi bàn giao công trình thoát nước cho đơn vị quản lý phải bàn giao đầy đủ hồ sơ hoàn công, những tài liệu có liên quan đến công trình được bàn giao, tài liệu hướng dẫn vận hành, sử dụng, quản lý, chế độ duy tu bảo dưỡng công trình kèm theo đĩa mềm ghi nội dung hồ sơ hoàn công;
3. Việc bảo hành công trình thoát nước đô thị phải được thực hiện theo quy định về bảo hành công trình xây dựng.
QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÔNG VIÊN CÂY XANH
Điều 40. Phân cấp quản lý công viên cây xanh
1. Giao Sở Xây dựng theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống công viên cây xanh trong đô thị trên địa bàn tỉnh.
2. UBND cấp huyện quản lý hệ thống công viên cây xanh đô thị trên địa bàn mình quản lý; tổ chức thực hiện việc đốn hạ, di dời cây xanh trong đô thị.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Lào Cai trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống công viên, cây xanh đô thị trên địa bàn toàn tỉnh;
4. UBND cấp phường thực hiện việc giám sát, bảo vệ hệ thống cây xanh trồng trên các tuyến đường đô thị theo chỉ đạo của UBND cấp huyện.
Điều 41. Nguyên tắc quản lý công viên cây xanh
1. Tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu do tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý;
2. Việc trồng cây xanh đô thị phải thực hiện theo quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch chuyên ngành cây xanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
3. Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải mang bản sắc địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, đồng thời phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về sử dụng, mỹ quan, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; hạn chế làm hư hỏng các công trình, cơ sở hạ tầng trên mặt đất, dưới mặt đất cũng như trên không;
4. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên, trước mặt nhà, đồng thời thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng quản lý để giải quyết khi phát hiện cây xanh có dấu hiệu khác thường, nguy cơ gãy đổ, nguy hiểm hay các hành vi gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh đô thị.
Điều 42. Nghiêm cấm người có hành vi xâm hại công viên cây xanh đô thị
1. Đốn hạ, di dời cây xanh đô thị trái phép.
2. Khắc, lột vỏ thân cây, chặt, bẻ cành nhánh cây xanh; hái lá, hoa, quả; tự ý leo trèo cây xanh (trừ trường hợp tổ chức, đơn vị và cá nhân đang làm nhiệm vụ).
3. Giăng dây, đóng đinh, treo bảng quảng cáo trái phép trên thân cây.
4. Đổ rác và các chất thải khác vào gốc cây xanh làm hư bó vỉa, bồn cỏ gốc cây.
5. Đổ chất độc hại vào gốc cây và các hành vi khác gây chết hoặc ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh.
6. Cản trở việc trồng cây theo quy định.
7. Tự ý trồng cây trên đường phố.
8. Lấn chiếm đất, chiếm dụng đất xây dựng, cư trú trái phép trong công viên.
9. Gây rối trật tự và thô lỗ làm mất tính mỹ quan trong công viên.
10. Vi phạm pháp luật và nội quy bảo vệ công viên.
11. Các hành vi khác làm hư hại hoặc ảnh hưởng xấu đến công viên cây xanh.
Điều 43. Tiêu chuẩn cây xanh trồng trên đường phố, công viên, khuôn viên đất cơ quan
1. Cây thẳng, dáng cân đối, không sâu bệnh; cây không thuộc danh mục cây cấm trồng (Phụ lục đính kèm).
2. Cây đưa ra trồng có chiều cao tối thiểu 1,5m, đường kính gốc rễ từ 02 cm trở lên; cây mới trồng phải được chống giữ chắc chắn, ngay thẳng.
Tất cả các cây ăn quả và cây bóng mát (trừ cây trồng rừng lâm nghiệp lấy gỗ) có chiều cao từ 05 mét trở lên, cây bảo tồn, cây cổ thụ có mang tính chất lịch sử, cây quý đều phải được bảo quản, chăm sóc; việc đốn hạ, di dời đều phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân (kể cả chủ sở hữu) tự ý chặt phá cây xanh, trường hợp vi phạm đều bị xử phạt theo quy định.
Điều 45. Tổ chức hoạt động trong công viên
1. Kinh doanh thương mại, dịch vụ trong công viên để phục vụ khách tham quan phải phù hợp với chức năng của công viên, quy hoạch thiết kế xây dựng công viên và thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước đối với từng loại hình hoạt động.
2. Tổ chức phục vụ văn hóa nghệ thuật, hội chợ, triển lãm, lễ hội trong công viên phải được sự chấp thuận của UBND cấp huyện và thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BTM-BTC ngày 06/7/2007 của liên Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) - Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04/5/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Điều 46. Đốn hạ, di dời cây xanh đô thị
Việc đốn hạ, di dời các loại cây xanh đô thị được thực hiện theo Nghị định 64/2010/NĐ.CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, Thông tư số 20/2005/TT.BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị.
Chủ sở hữu cây xanh cùng với đơn vị trực tiếp thực hiện việc chăm sóc, bảo quản công viên cây xanh phải có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện ngay việc đốn hạ, di dời cây xanh và đồng thời lập hồ sơ báo cáo cơ quan được phân cấp quản lý công viên cây xanh, hồ sơ gồm:
a) Ảnh chụp hiện trạng cây xanh trước khi đốn hạ (nếu có).
b) Biên bản hiện trạng cây xanh trước khi đốn hạ.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục nguy hiểm, bảo vệ an toàn cho cây xanh và phải đảm bảo an toàn tính mạng con người.
Điều 48. Trách nhiệm của Sở Xây dựng quản lý công viên cây xanh
1. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ và phát triển hệ thống công viên cây xanh tại các đô thị trong toàn tỉnh.
2. Kiểm tra việc thực hiện đúng tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư, khu đô thị mới đảm bảo đất dành cho cây xanh đạt tiêu chuẩn quy định.
Điều 49. Trách nhiệm của UBND cấp huyện quản lý công viên cây xanh
1. Thực hiện việc thống kê, phân loại, đánh số, treo biển tên (cây cổ thụ, cây cần được bảo tồn) và lập hồ sơ cho từng cây để phục vụ công tác quản lý.
2. Kiểm tra định kỳ việc chăm sóc, bảo quản, đốn hạ di dời cây thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần được bảo tồn.
3. Kiểm tra định kỳ cắt mé cành, nhánh nặng, lấy nhánh khô; khống chế chiều cao; chống, sửa cây nghiêng, tạo dáng; bón phân, xử lý sâu bệnh đối với cây xanh.
3. Hướng dẫn hỗ trợ chủng loài, quy cách, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây xanh và cung cấp, hỗ trợ giống cây trồng cho các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội khi tổ chức các phong trào trồng cây xanh; hướng dẫn hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trồng cây xanh trên các khu đất trống thuộc địa bàn mình quản lý.
4. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc lập, thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng công viên cây xanh trên địa bàn.
5. Quản lý địa bàn không để tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất quy hoạch xây dựng công viên cây xanh.
6. Chỉ đạo UBND cấp phường trong công tác bảo vệ hệ thống công viên cây xanh trên địa bàn quản lý.
7. Hàng năm trước ngày 10 tháng 12 thống kê tổng hợp, báo cáo sở Xây Dựng Lào Cai tình hình quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn mình quản lý.
Điều 50. Trách nhiệm của cơ quan quản lý công viên cây xanh
1. Tổ chức trồng mới cây xanh đô thị theo dự án quy hoạch được duyệt.
2. Bảo quản, chăm sóc vườn hoa, thảm cỏ, dây leo, cây cổ thụ, cây cần được bảo tồn, cây xanh; kiểm tra xử lý cây bị sâu bệnh đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Thiết lập chăm sóc đặc biệt đối với cây cần được bảo tồn, cây mang tính đặc trưng của địa phương vùng, miền, cây có chiều cao từ 15m trở lên.
3. Trồng thay thế cây xanh bị đốn hạ do sâu bệnh không có khả năng điều trị, cây xanh bị chết, cây xanh có nguy cơ ngã đổ.
4. Cắt mé cành, nhánh nặng tàn, lấy nhánh khô, khống chế chiều cao, chống sửa cây nghiêng, tạo tán cho cây, bảo đảm mỹ thuật và mỹ quan đô thị.
5. Lập kế hoạch thực hiện việc đốn hạ, thay thế cây xanh lâu năm, già cỗi không còn phát huy tác dụng và không bảo đảm an toàn cho sinh hoạt đô thị.
6. Kiểm tra quản lý công viên cây xanh nhằm tạo cảnh quan, môi trường tốt nhất phục vụ các tầng lớp nhân dân khi đến vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi trong công viên.
7. Bảo trì, sửa chữa thường xuyên các công trình kiến trúc, công trình kỹ thuật hạ tầng, thu dọn vệ sinh trong công viên bảo đảm môi trường luôn trong sạch và không để công trình hư hỏng xuống cấp.
8. Tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ công viên cây xanh bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện thông thoáng thuận lợi cho mục đích công cộng.
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG
Điều 51. Nội dung quản lý chất thải rắn thông thường
1. Quản lý chất thải hướng tới xem chất thải như một nguồn tài nguyên và không làm ảnh hưởng tới môi trường chung quanh, khuyến khích tái chế chất thải và thực hiện các biện pháp nhằm từng bước giảm các hoạt động tạo ra chất thải.
2. Quản lý chất thải rắn thông thường là quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
3. Hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường phải thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.
4. Quản lý chất thải rắn thông thường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị trong từng giai đoạn.
5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do vi phạm các quy định về quản lý chất thải rắn thông thường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 52. Trách nhiệm của chủ nguồn rác thải
1. Tất cả các cơ quan đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh, trường học và hộ dân phải có dụng cụ đựng rác hợp vệ sinh, phân loại rác thành nhóm theo quy định và giao rác cho người thu gom đúng địa điểm, thời gian qui định tại từng địa phương. Thời gian giao rác tại các đô thị do UBND cấp huyện quy định và được phổ biến đến các chủ nguồn rác thải.
2. Toàn bộ rác thải phát sinh hàng ngày phải được thu gom, vận chuyển đến nơi qui định và xử lý hợp vệ sinh. Đối với rác thải Y tế, các loại rác thải có chất độc hại hoặc có vi trùng gây bệnh phải được tập trung xử lý riêng theo qui định của pháp luật, không được thu gom và xử lý chung với rác thải sinh hoạt của đô thị.
3. Không được đổ rác, vứt rác bừa bãi trước mặt nhà, trên lòng lề đường, miệng hố ga, ao hồ, sông rạch hoặc đổ vào các nơi công cộng khác.
4. Đối với những đường ngõ không có công nhân vệ sinh quét dọn thì phải có trách nhiệm tự quét dọn và giữ gìn vệ sinh ở phần hè phố đường ngõ đó.
5. Hàng tháng, hàng quý các tổ chức, hộ gia đình phải nộp phí vệ sinh theo quy định của UBND Tỉnh.
6. Đối với rác thải xây dựng, Chủ nguồn thải phải nhanh chóng thu dọn trả lại mặt bằng hè đường phố như hiện trạng ban đầu và tự vận chuyển toàn bộ vật liệu phế thải đỗ đúng nơi quy định (theo hướng dẫn của phòng quản lý đô thị hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp Huyện).
7. Các xe chở phân, rác thải, vôi vữa, đất, đá, gạch, cát, sỏi, than,…khi lưu thông trên đường phải dùng bạt che phủ kín, không được để rơi vãi trên đường. Nếu để rơi vãi thì người điều khiển xe phải có trách nhiệm thu dọn, xử lý hậu quả kịp thời và phải xử lý vi phạm hành chính cho hành vi để rơi vãi vật liệu, đồng thời phải chịu chi phí tại bãi đổ rác thải theo quy định.
1. Phải có phương tiện, thiết bị chuyên dùng, bảo đảm thu gom hết rác thải.
2. Việc vận chuyển rác thải trong đô thị, khu dân cư chỉ được thực hiện trên những tuyến đường được cơ quan có thẩm quyền phân luồng giao thông quy định.
3. Tuân thủ nghiêm túc về thời gian thực hiện thu gom rác theo quy định.
4. Phối hợp với Chính quyền địa phương chọn địa điểm thích hợp làm điểm hẹn giao rác, điểm đặt các thùng rác công cộng, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.
5. Thông báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan có chức năng kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi gây mất vệ sinh đô thị.
6. Thông báo địa điểm tập trung rác và các bãi xử lý rác của đô thị.
Điều 54. Trách nhiệm của UBND cấp phường quản lý chất thải rắn
1. Tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rác thải theo quy định của pháp luật; Thường xuyên tuyên truyền vận động, kiểm tra và nhắc nhở tất cả các hộ dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan, đơn vị thu gom rác.
2. Giao hè phố trước mặt tiền nhà cho cơ quan, tổ chức, hộ dân đảm nhiệm giữ gìn vệ sinh chung theo quy định.
3. Phối hợp với đơn vị thu gom vận chuyển rác đề xuất từng vị trí giao rác, đặt và quản lý các thùng rác công cộng.
4. Tổ chức phát động các đợt tổng vệ sinh nhà ở, đường phố, các nơi công cộng tại các khu phố, thôn, phường, xã theo định kỳ.
5. Chỉ đạo các khu phố, thôn tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng và tổ chức xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ môi trường cho từng thôn, khu phố.
6. Đề xuất với UBND cấp huyện về những cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm làm cho công tác quản lý chất thải đạt hiệu quả.
Điều 55. Trách nhiệm của UBND cấp huyện quản lý chất thải rắn
1. Chỉ đạo UBND cấp phường thực hiện tốt nhiệm vụ đã được giao tại Điều 54 của quy định này.
2. Phối hợp với các sở Tài nguyên Môi trường, Xây dựng và các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện quản lý chất thải rắn thông thường.
3. Lập quy hoạch, bố trí mặt bằng cho việc tập kết chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng khu chôn lấp chất thải và không để tình trạng lấn chiếm đất quy hoạch bãi rác.
4. Lập kế hoạch đầu tư xây dựng, vận hành các công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn thông thường thuộc địa bàn mình quản lý.
5. Kiểm tra, giám định các công trình quản lý chất thải rắn thông thường của tổ chức, cá nhân trước khi đưa vào sử dụng.
6. Tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu kiến nghị về quản lý chất thải rắn trong phạm vi quyền hạn mình hoặc chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.
7. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;
8. Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường và sở Xây dựng lựa chọn vị trí địa điểm quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ công tác xử lý rác và các điểm thu gom rác.
9. Hàng năm báo cáo định kỳ 6 tháng trước ngày 10 tháng 6 và báo cáo năm trước ngày 10 tháng 12 về Sở Xây dựng và sở Tài nguyên và Môi trường tình hình quản lý chất thải rắn trên địa bàn mình quản lý.
Điều 56. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường quản lý chất thải rắn
1. Chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung quản lý chất thải rắn thông thường để các đơn vị, tổ chức, cá nhân biết và tự giác chấp hành.
2. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất thải rắn thông thường cho UBND cấp huyện, UBND cấp phường, các cơ quan, tổ chức liên quan về bảo vệ môi trường trong công tác quản lý chất thải rắn thông thường.
3. Kiểm tra và chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn thông thường.
4. Chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện lập kế hoạch và tổ chức thực hiện quy trình quản lý chất thải rắn thông thường.
5. Hướng dẫn UBND cấp huyện trong việc lập quy trình xử lý các trạm ép rác kín, các khu xử lý, các bãi chôn lấp phù hợp quy trình quy phạm và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
6. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các vi phạm về quản lý chất thải rắn thông thường.
7. Kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Tỉnh về tình hình chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn Tỉnh.
8. Thống kê, tổng hợp tình hình quản lý và xử lý chất thải rắn thông thường báo cáo hội đồng nhân dân và UBND Tỉnh theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.
Điều 57. Trách nhiệm của Sở Xây dựng quản lý chất thải rắn
1. Thẩm định quy hoạch xây dựng và thiết kế cơ sở các dự án xử lý chất thải rắn thông thường.
2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổ chức thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất thải rắn thông thường báo cáo bộ Xây Dựng và Ủy ban nhân dân Tỉnh.
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGHĨA TRANG
1. Tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn, trung tâm cụm xã, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn đều phải có quy hoạch địa điểm xây dựng nghĩa trang. Tất cả các nghĩa trang đều phải quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, tôn giáo và văn minh hiện đại của từng địa phương.
3. Tiết kiệm đất và đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan, bảo vệ môi trường.
4. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành.
5. Tổ chức xây dựng mộ phần và các công trình trong nghĩa trang phải tuân thủ các quy định về sử dụng đất, hình thức kiến trúc và thiết kế được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
6. Định kỳ chăm sóc mộ, duy tu bảo dưỡng các công trình trong nghĩa trang.
7. Lập hồ sơ quản lý nghĩa trang bao gồm sổ theo dõi số người an táng và sơ đồ quản lý mộ.
8. Xây dựng biển báo, biển chỉ dẫn đến từng khu mộ, lô mộ, hàng mộ và mộ.
9. Đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nghĩa trang.
Điều 59. Chính sách xã hội đối với các trường hợp sau
1. Người vô gia cư, người không có thân nhân hoặc người có thân nhân nhưng không biết việc táng khi chết ở địa phương nào thì chính quyền địa phương đó (xã, phường, thị trấn) phải có trách nhiệm tổ chức táng tại nghĩa trang địa phương đó với chi phí được lấy từ tài sản của người chết (nếu có) hoặc từ ngân sách địa phương theo quy định.
2. Đối với trường hợp chết do thiên tai, dịch bệnh chính quyền địa phương có trách nhiệm hỗ trợ việc tổ chức mai táng cho người chết, đảm bảo yêu cầu về an toàn, vệ sinh phòng dịch, không gây ô nhiễm môi trường theo quy định của bộ Y Tế.
3. Đối với các mộ vô chủ hoặc không còn thân nhân chăm sóc, đơn vị quản lý nghĩa trang được phép di chuyển mộ tới vị trí khác trong nghĩa trang hoặc tới các nghĩa trang khác theo quy hoạch.
Điều 60. Các khu chức năng và các hạng mục công trình chủ yếu trong nghĩa trang
1. Các khu chức năng chủ yếu: Khu quản trang; khu dành cho các hoạt động tưởng niệm, thờ cúng; khu kỹ thuật và các hạng mục phụ trợ khác.
2. Các hạng mục công trình chủ yếu: Nhà tang lễ; Nhà làm việc của Ban quản lý, bảo vệ, nhà kỹ thuật; Nhà tưởng niệm; Đài hóa thân; Các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật.
Điều 61. Quy định về diện tích, kích thước mộ
1. Các mộ trong cùng một nghĩa trang và phục vụ cùng một đối tượng cần phải thống nhất về diện tích đất sử dụng trên cơ sở các điều kiện cụ thể về đất đai, phong tục tập quán, tình hình kinh tế của từng địa phương và do UBND cấp huyện quy định. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng tối đa không quá 3 m2.
2. Các mộ cùng loại hình táng và phục vụ cho cùng một đối tượng phải thống nhất về kích thước sử dụng với chiều cao không quá 1m.
Điều 62. Quy định về kiến trúc công trình trong nghĩa trang
1. Các mộ trong cùng một nghĩa trang và phục vụ cùng một đối tượng cần phải thống nhất về kiến trúc bia mộ cũng như hình thức và nội dung thể hiện trên bia mộ.
2. Các công trình kiến trúc khác như: Nhà tưởng niệm, đài tưởng niệm, phù điêu, tranh tượng trong nghĩa trang phải thiết kế phù hợp với tín ngưỡng, kiến trúc truyền thống, lịch sử và bản sắc địa phương.
Điều 63. Quy định về bảo vệ cảnh quan môi trường
1. Các nghĩa trang xây dựng mới phải đảm bảo các tiêu chuẩn về khoảng cách ly đối với khu dân cư và các khu chức năng khác của đô thị.
2. Các nghĩa trang phải có tường rào hoặc hàng rào cây xanh bao quanh với chiều cao tối thiểu là 2m.
Điều 64. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có đóng góp công sức của cải trong hoạt động quản lý khai thác, sử dụng và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; có công phát hiện, tố giác và ngăn chặn hành vi xâm phạm, phá hoại công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được khen thưởng theo quy định của pháp luật về khen thưởng.
2. Mọi hành vi vi phạm quy định này đều bị xử lý theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính theo từng lĩnh vực: Xây dựng, Đất đai; Giao thông đường bộ, sắt, thủy; Điện lực; Bưu chính, Viễn thông; Bảo vệ môi trường; Trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giám đốc các Sở Ban Ngành, Chủ tịch UBND Thành phố Lào Cai, chủ tịch UBND các huyện theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung.
DANH MỤC CÂY KHÔNG TRỒNG TRÊN HÈ PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 14/2012/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai)
Mười bốn (14) loài cây sau đây hạn chế trồng trên vỉa hè và dãy phân cách đường phố. Đây là các loài cây ăn quả, cây tạo ra mùi gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường hạn chế trồng nơi công cộng, chỉ được phép trồng theo quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành cây xanh hoặc dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Stt |
Loài cây |
Họ thực vật |
|
Ghi chú |
||
Tên VN |
Tên khoa học |
Vỉa hè |
Dãy phân cách |
|||
01 |
Bạch đàn (các loại) |
Eucalyptus spp |
Myrtaceae |
x |
x |
Cây cao, tán thưa, nhỏ… ít phát huy tác dụng tạo bóng mát. |
02 |
Dừa |
Cocos nucifera L. |
Arecaceae |
x |
x |
Cây có trái to có thể rụng gây nguy hiểm. |
03 |
Gáo trắng |
Neolamarkia cadamba (Roxb.) Bosser. |
Rubiaceae |
x |
x |
Nhánh giòn, dễ gãy, quả mọng rơi làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường. |
04 |
Gáo tròn |
Haldina cordifolia (Roxb.) Ridd.c a |
Rubiaceae |
x |
x |
Nhánh giòn, dễ gãy, quả mọng rơi làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường. |
05 |
Keo lá tràm |
Acacia auriculaeformis A. Cunn. Ex. Benthe. |
Minosaceae |
x |
x |
Nhánh giòn, dễ tét. |
06 |
Keo tai tượng |
Acacia mangium Willd. |
Minosaceae |
x |
x |
Nhánh giòn, dễ tét. |
07 |
Keo lai |
Acacia mangium x Acacia auriculaeformis |
Minosaceae |
x |
x |
Nhánh giòn, dễ tét. |
08 |
Lọ nồi, Đại phong tử |
Hydnocarpus anthelmintica Pierre Ex. Laness |
Flacourtiaceae |
x |
x |
Trái to rơi gây nguy hiêm. Hạt có chất trị bệnh phong. |
09 |
Lòng mức lông |
Wrightia pubescen R. Br. Spp lanati (BC.) Ngan. |
Apocynaceate |
x |
x |
Nhánh giòn, dễ gãy, trái chín phát tán hạt có lông gây ô nhiễm môi trường. |
10 |
Lòng mức, Thùng mức |
Wrightia annamensis Eb. Et Dub. |
Apocynaceate |
x |
x |
Nhánh giòn, dễ gãy, trái chín phát tán hạt có lông gây ô nhiễm môi trường. |
11 |
Mò cua, Sữa |
Alstonia scholaris (L.) R. Br. |
Apocynaceate |
x |
x |
Nhánh giòn, rất dễ gãy. Hoa có mùi hắc, gây khó chịu cho người. |
12 |
Trôm hôi |
Sterculia foetida L. |
Sterculiaceae |
x |
x |
Quả to, hoa có mùi hôi. |
13 |
Trứng cá |
Muntingia calabura L. |
Elaeocarpaceae |
x |
x |
Quả khuyến khích trẻ em leo trèo, rụng làm ảnh hưởng vệ sinh đường phố. |
14 |
Các loài cây ăn trái |
|
|
x |
x |
Cây có trái khuyến khích trẻ em leo trèo, trái rụng gây ô nhiệm môi trường. |
Ghi chú: x: vị trí hạn chế trồng.
Thông tư 24/2010/TT-BXD hướng dẫn việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh do Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 24/12/2010 | Cập nhật: 04/01/2011
Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị Ban hành: 11/06/2010 | Cập nhật: 15/06/2010
Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị Ban hành: 07/04/2010 | Cập nhật: 13/04/2010
Nghị định 26/2010/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 8 Nghị định 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải Ban hành: 22/03/2010 | Cập nhật: 27/03/2010
Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Ban hành: 24/02/2010 | Cập nhật: 27/02/2010
Thông tư 09/2009/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp do Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 21/05/2009 | Cập nhật: 30/05/2009
Thông tư 03/2009/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 26/03/2009 | Cập nhật: 03/04/2009
Nghị định 35/2008/NĐ-CP về việc xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang Ban hành: 25/03/2008 | Cập nhật: 28/03/2008
Thông tư 04/2008/TT-BXD hướng dẫn quản lý đường đô thị do Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 20/02/2008 | Cập nhật: 22/02/2008
Thông tư liên tịch 07/2007/TTLT-BTM-BTC hướng dẫn về khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại Nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại Ban hành: 06/07/2007 | Cập nhật: 30/08/2007
Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch Ban hành: 11/07/2007 | Cập nhật: 26/07/2007
Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp Ban hành: 28/05/2007 | Cập nhật: 18/06/2007
Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn Ban hành: 09/04/2007 | Cập nhật: 14/04/2007
Nghị định 04/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải Ban hành: 08/01/2007 | Cập nhật: 19/01/2007
Quyết định 06/2006/QĐ-BXD ban hành TCXD VN 33 : 2006 cấp nước - mạng lưới đường ống và công trình - tiêu chuẩn thiết kế do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 17/03/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Thông tư 36/2006/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP Ban hành: 20/03/2006 | Cập nhật: 20/05/2006
Thông tư 20/2005/TT-BXD hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị do Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 20/12/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 91/2005/NĐ-CP về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng Ban hành: 11/07/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải Ban hành: 13/06/2003 | Cập nhật: 02/04/2013
Quyết định 682/BXD-CSXD về Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Ban hành: 14/12/1996 | Cập nhật: 23/02/2011