Quyết định 14/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức tại tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
Số hiệu: | 14/2010/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Tiền Giang | Người ký: | Phan Văn Hà |
Ngày ban hành: | 09/09/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, hợp tác xã, Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2010/QĐ-UBND |
Mỹ Tho, ngày 09 tháng 9 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC TẠI TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh số 24/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/2000 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 10 quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính Phủ Quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức tại tỉnh Tiền Giang kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công căn cứ quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG CÁC TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH TIỀN GIANG
(Kèm theo Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định quan hệ công tác và trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Tiền Giang, các sở, ban, ngành tỉnh, Tổ công tác liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài tại tỉnh Tiền Giang (được thành lập theo Quyết định số 3192/QĐ-UBND ngày 31/8/2009 của chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân các huyện) cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh Tiền Giang.
Chương II
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 2. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Hướng dẫn những quy định về việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động và việc sử dụng giấy phép lao động; trách nhiệm của người nước ngoài, người sử dụng lao động nước ngoài và các cơ quan nhà nước liên quan trong việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh.
2. Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động.
3. Theo dõi, tổng hợp báo cáo tháng, quý và năm về tình hình lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh đến Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan theo quy định.
4. Cung cấp danh sách người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài các Khu Công nghiệp tỉnh cho Công an tỉnh (qua Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh) sau khi nhận báo cáo của các doanh nghiệp như đã nêu ở khoản 4 Điều 10 của Quy chế này để phục vụ công tác phối hợp quản lý.
5. Lập kế hoạch triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý lao động nước ngoài và phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh; và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.
6. Hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài hiểu rõ quy định: nếu làm việc trên 03 tháng phải xin giấy phép lao động. Trường hợp đã làm việc 03 tháng nhưng chưa có giấy phép lao động (không thuộc diện miễn giấy lao động) mà cơ quan chủ quản đề nghị cho tiếp tục làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn làm thủ tục xin cấp phép lao động và có trao đổi với Công an tỉnh. Nếu không đủ điều kiện cấp phép lao động, thì thông báo Công an tỉnh cấp thị thực, tạm trú 01 tháng để cơ quan chủ quản thu xếp cho người lao động xuất cảnh. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép lao động, thông báo cho Công an tỉnh xem xét, cấp thị thực, tạm trú thêm 03 tháng. Trường hợp đã làm việc trên 06 tháng mà không có giấy phép lao động (trừ trường hợp được miễn giấy phép lao động theo quy định), đề nghị Công an tỉnh không gia hạn tạm trú và yêu cầu xuất cảnh.
Điều 3. Trách nhiệm của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp
1. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn những quy định về việc tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động và việc sử dụng giấy phép lao động; trách nhiệm của người nước ngoài, người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước trong việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh.
2. Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh.
3. Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý và năm về tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp đưa vào báo cáo tổng hợp chung trình Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan theo quy định.
4. Cung cấp danh sách người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trong các Khu Công nghiệp tỉnh cho Công an tỉnh (qua Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh) sau khi nhận báo cáo của các doanh nghiệp như đã nêu ở khoản 4 Điều 10 của Quy chế này để phục vụ công tác phối hợp quản lý.
Điều 4. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan triển khai, tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về nhập cảnh, cư trú, đi lại, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam đến các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài để thực hiện tốt các quy định về xuất nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam.
2. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và tuyển dụng, quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh; phối hợp giải quyết và xử lý cũng như đề xuất xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động.
3. Xử lý các lao động nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh theo quy định tại Điều 22, Nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh trật tự.
4. Cấp, đổi thị thực, thẻ tạm trú, thẻ thường trú và gia hạn chứng nhận tạm trú cho lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nhiệp, tổ chức tại tỉnh theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Khi giải quyết các hồ sơ đăng ký kinh doanh hoặc cấp giấy phép đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần thông báo và yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nhập cảnh, cư trú, đi lại, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam; trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động và việc sử dụng giấy phép lao động; trách nhiệm của người nước ngoài, người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước trong việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh.
2. Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Bố trí kinh phí cho hoạt động quản lý lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh; kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng kinh phí theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
1. Hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp của người lao động là người nước ngoài làm việc, cư trú tại Tiền Giang.
2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện xác minh lý lịch tư pháp của người nước ngoài làm việc, cư trú trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để cấp lý lịch tư pháp theo thẩm quyền.
3. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến lao động là người nước ngoài, các quy định liên quan đến lý lịch tư pháp.
Điều 8. Trách nhiệm của Tổ công tác liên ngành tỉnh
1. Lập kế hoạch, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh.
2. Định kỳ 6 tháng và năm xây dựng báo cáo đánh giá về tình hình tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài tại các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh; những thuận lợi khó khăn và hạn chế trong công tác quản lý lao động là người nước ngoài trong tỉnh; báo cáo đề xuất xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý người nước ngoài tại tỉnh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện
1. Giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã quản lý.
2. Cử cán bộ tham gia Tổ công tác liên ngành tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã khi có yêu cầu.
3. Định kỳ 6 tháng và năm xây dựng báo cáo đánh giá về tình hình tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài tại các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, theo dõi; báo cáo đề xuất xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý người nước ngoài trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 10. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người nước ngoài
1. Các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động là người nước ngoài có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý và sử dụng lao động là người nước ngoài và các quy định liên quan đến:
- Lưu trú, tạm trú trong Khu Công nghiệp theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất;
- Thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động và gửi bản sao hợp đồng lao động đã giao kết với lao động là người nước ngoài đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang; báo cáo danh sách trích ngang của người nước ngoài về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang.
- Thủ tục đăng ký và khai báo tạm trú theo quy định hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh Tiền Giang.
3. Quản lý về mặt hành chính người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức.
4. Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài cho các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh. Cụ thể như sau:
- Các doanh nghiệp, tổ chức trong các Khu Công nghiệp tỉnh báo cáo danh sách lao động là người nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức về Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh.
- Các doanh nghiệp, tổ chức ở ngoài các Khu Công nghiệp tỉnh báo cáo danh sách lao động người nước ngoài đang làm việc về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.
Ngoài nhiệm vụ trên, các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động người nước ngoài báo cáo đột xuất về tình hình sử dụng lao động nước ngoài khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Giao trách nhiệm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 12. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh bổ sung cho phù hợp./.
Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế Ban hành: 14/03/2008 | Cập nhật: 20/03/2008
Nghị định 34/2008/NĐ-CP quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam Ban hành: 25/03/2008 | Cập nhật: 28/03/2008
Nghị định 150/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội Ban hành: 12/12/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 113/2004/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động Ban hành: 16/04/2004 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị định 21/2001/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam Ban hành: 28/05/2001 | Cập nhật: 17/04/2012
Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 Ban hành: 28/04/2000 | Cập nhật: 07/01/2010