Quyết định 14/2004/QĐ-UB về bản Quy định cụ thể thẩm định giá, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, đấu thầu mua sắm hàng hoá trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Số hiệu: 14/2004/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Hoàng Văn Thịnh
Ngày ban hành: 30/03/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2004/QĐ-UB

Hưng Yên, ngày 30 tháng 03 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ, CHÀO HÀNG CẠNH TRANH, CHỈ ĐỊNH THẦU, ĐẤU THẦU MUA SẮM HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 02/1998/PL-UBTVQH10 ngày 26/2/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26/4/2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá;

Căn cứ Thông tư số 15/2004/TT-BTC ngày 9/3/2004, Thông tư 121/2000/TT-BTC ngày 29/2/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá và hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc đối với các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước sử dụng nguồn ngân sách nhà nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 313/TT-TC ngày 23/3/2004.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định một số điểm cụ thể về thẩm định giá, chào hàng cạnh tranh, chỉ định đấu thầu mua sắm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2004 và thay thế Quyết định số 649/QĐ-UB ngày 10/6/1997.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Thịnh

 

QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ

VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ, CHÀO HÀNG CẠNH TRANH, CHỈ ĐỊNH THẦU VÀ ĐẤU THẦU MUA SẮM ĐỒ DÙNG, VẬT TƯ, TRANG THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN LÀM VIỆC ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, ĐOÀN THỂ VÀ CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1- Các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (gọi chung là nguồn ngân sách nhà nước) khi thực hiện mua sắm các loại hàng hóa, theo Điều 2 của quy định này có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên đối với hàng hóa đơn chiếc hoặc mua một lần với số lượng lớn có tổng giá trị từ 30 triệu đồng trở lên đều phải thực hiện việc mua sắm theo trình tự quy định này.

2- Đối với việc mua sắm hàng hóa có giá trị dưới 30 triệu đồng thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được mua sắm tự lựa chọn hình thức mua sắm cho phù hợp, có hiệu quả và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Khuyến khích các cơ quan đơn vị (không phân biệt nguồn vốn) thực hiện mua sắm áp dụng theo trình tự của Điều 4 hoặc Điều 9 của quy định này.

3- Thiết bị, vật tư, phương tiện và các tài sản khác được trang bị trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp nhà nước phải theo đúng tiêu chuẩn và phải là hàng sản xuất trong nước, trừ trường hợp hàng sản xuất trong nước có cùng chất lượng với hàng sản xuất nước ngoài nhưng giá cao hơn hoặc có cùng mức giá nhưng chất lượng thấp hơn.

Điều 2. Phạm vi mua sắm

1- Văn phòng phẩm, đồ gỗ, đồ nhựa, đồ vải trang bị cho bệnh viện, trang phục, đồng phục của ngành không thuộc mặt hàng đặc chủng.

2- Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng và vật liệu dùng trong các lĩnh vực sản xuất khác, phụ tùng thay thế; sinh phẩm, thuốc chữa bệnh cho người, hóa chất, các loại nguyên liệu, vật tư khác.

3- Máy móc, thiết bị toàn bộ, đồng hồ hoặc thiết bị lẻ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thiết bị tin học, thiết bị văn phòng (bao gồm cả chương trình ứng dụng, hướng dẫn sử dụng, lắp đặt, chạy thử, bảo hành).

4- Phương tiện vận chuyển như: Ôtô con, ôtô tải, ô tô chuyên dùng, canô, xe máy, phương tiện vận tải thủy.

5- Hoạt động in ấn, phát hành các ấn phẩm, văn hóa phẩm, sách, báo, tài liệu, phim ảnh (trong công tác tuyên truyền, thông tin, truyền thông, giáo dục).

6- Bản quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền sở hữu công nghệ.

7- Hoạt động mua, bán, kinh doanh bất động sản.

8- Các loại tài sản khác phục vụ cho công tác chuyên môn.

Tất cả các loại đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc trong phạm vi trên đây gọi tắt là hàng hóa.

Điều 3. Thành lập tổ chuyên gia, tư vấn mua sắm

1- Trước khi thực hiện việc mua sắm, thủ trưởng cơ quan đơn vị được mua sắm thành lập tổ chuyên gia, tư vấn mua sắm. Thành phần tổ chuyên gia, tư vấn gồm: Một lãnh đạo cơ quan đơn vị được mua sắm là tổ trưởng, đại diện công đoàn, bộ phận kỹ thuật (nếu có), bộ phận hành chính, bộ phận tài chính kế hoạch, bộ phận sử dụng tài sản được mua sắm của cơ quan, đơn vị đó. (Nếu thấy cần thiết thủ trưởng cơ quan đươn vị được mua sắm mời thêm các chuyên gia, tư vấn của các ngành và đơn vị khác có nhiều kinh nghiệm am hiểu lĩnh vực kỹ thuật, tài chính của loại hàng hóa dự định mua sắm)

2- Tổ chuyên gia tư vấn có nhiệm vụ:

+ Lựa chọn các tiêu chuẩn kỹ thuật của chủng loại hàng hóa dự định mua sắm (phù hợp với năng lực sử dụng và nhu cầu sử dụng của cơ quan đơn vị).

+ Tổ chức khảo sát giá các loại hàng hóa dự định mua sắm.

+ Lập và xét hồ sơ: Mời chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, đấu thầu đồng thời tổng hợp kết quả báo cáo thủ trưởng cơ quan đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Tổ chức kiểm tra, nghiệm thu hàng hóa được mua sắm (Nếu thấy cần thiết thì đề nghị thủ trưởng cơ quan đơn vị trưng cầu giám định về chất lượng các loại hàng hóa do đơn vị cung ứng bàn giao).

Chương 2

THẨM ĐỊNH GIÁ

Điều 4. Tài sản nhà nước phải thẩm định giá

1- Tài sản nhà nước phải thẩm định bao gồm:

a) Tài sản được mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước.

b) Tài sản Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn và các hình thức chuyển quyền khác.

c) Tài sản của Doanh nghiệp Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán góp vốn, cổ phần hóa, giải thể và các hình thức chuyển đổi khác.

d) Tài sản của Nhà nước theo quy định của Pháp luật, máy móc thiết bị trong các công trình xây dựng cơ bản.

2- Tài sản của Nhà nước tại khoản 1 điều này có giá trị dưới đây phải thẩm định giá.

a) Thẩm định giá mua sắm tài sản, hàng hóa có giá trị đơn chiếc (hoặc mua một lần với số lượng lớn) có tổng giá trị từ 30 triệu đồng trở lên đối với tài sản được mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước.

b) Thẩm định giá thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn đối với tài sản Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

c) Máy móc, thiết bị trong các công trình xây dựng cơ bản.

3- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước mua sắm tài sản quy định tại khoản 1 điều này (nguồn ngân sách Nhà nước bao gồm: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, công sự nghiệp, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và vốn khác thuộc nguồn ngân sách) nếu không qua đấu thầu và qua Hội đồng xác định giá thì phải thực hiện thẩm định giá.

4- Việc thẩm định các tài sản hình thành từ nguồn vốn khác như thực hiện theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá.

Điều 5. Trình tự và thời gian thẩm định giá

1- Hồ sơ đề nghị thẩm định giá: Thủ trưởng cơ quan đơn vị được mua sắm các loại hàng hóa theo quy định tại Điều 2, gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá, hồ sơ đề nghị thẩm định giá bao gồm:

- Công văn hoặc bản hợp đồng đề nghị thẩm định giá.

- Bản giải trình chi tiết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, chủng loại hàng hóa, model, ký mã hiệu, qui cách, tình trạng chất lượng, nước sản xuất, năm sản xuất.

- Bản Catllog của các loại hàng hóa (nếu có).

- Các tài liệu khác liên quan đến hàng hóa dự định mua sắm.

- Nộp tiền dịch vụ thẩm định giá theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng và Điều 8 của quy định này.

2- Thời gian thẩm định giá: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước không quá 5 ngày kể từ ngày nhận được đủ bộ hồ sơ và công văn đề nghị thẩm định giá. Đối với hàng hóa phải nhập khẩu không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và công văn đề nghị thẩm định giá, cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá phải thông báo kết quả thẩm định giá cho cơ quan, đơn vị đã đề nghị. Trường hợp phải kéo dài thời gian thẩm định giá, cơ quan thẩm định giá phải thông báo cho cơ quan, đơn vị đã đề nghị biết và nêu rõ lý do.

Điều 6. Kết quả thẩm định giá

1- Kết quả thẩm định giá được lập thành văn bản và chỉ được sử dụng vào mục đích đã ghi trong công văn đề nghị hoặc được ghi trong hợp đồng.

2- Kết quả thẩm định giá là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt giá gói thầu khi thực hiện: Chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, đấu thầu mua sắm hàng hóa.

3- Kết quả thẩm định giá được cấp có thẩm quyền sử dụng là một trong những căn cứ để xem xét phê duyệt, thanh toán, quyết toán chi từ ngân sách Nhà nước, tính thuế, xác định giá trị tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm, cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn đối với các doanh nghiệp và sử dụng vào các mục đích khác đã được ghi trong hợp đồng thẩm định giá.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan thẩm định giá

Cơ quan thẩm định giá có quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá cung cấp tài liệu, số liệu có liên quan đến thẩm định giá.

+ Cơ quan thẩm định giá phải tự tổ chức khảo sát, thu nhập các nguồn thông tin để xác định giá cả các loại hàng hóa cần thẩm định, phù hợp với giá trị thị trường của hàng hóa cần thẩm định, phù hợp với giá thị trường của hàng hóa đó tại thời điểm thẩm định.

+ Chịu trách nhiệm trước Pháp luật về kết quả thẩm định giá của mình. Trong trường hợp kết quả thẩm định giá không đúng, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại do thẩm định giá không đúng gây ra, được thực hiện theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng hoặc theo quy định của Pháp luật.

+ Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Pháp luật.

Điều 8. Mức giá thu dịch vụ thẩm định giá

1- Mức giá thu dịch vụ thẩm định giá được thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá và cơ quan, đơn vị, cá nhân (khách hàng) đề nghị thẩm định giá trên nguyên tắc:

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Pháp luật.

- Đảm bảo bù đắp các chi phí để thẩm định giá, bao gồm cả chi phí hoạt động của cơ quan thẩm giá.

- Đảm bảo trang trải các chi phí bồi thường, bảo hiểm (nếu có).

- Mức giá thu cho mỗi hợp đồng tối đa không vượt quá 1% giá trị thẩm định.

2- Mức thu giá dịch vụ cụ thể cho mỗi hợp đồng được quy định như sau:

a) Dịch vụ thẩm định giá trị quyền sử dụng đất: Mức thu tối đa không quá 50 triệu đồng.

b) Dịch vụ thẩm định giá trị máy móc thiết bị: Mức thu tối đa không quá 100 triệu đồng.

c) Dịch vụ thẩm định giá trị tài sản Doanh nghiệp: Mức thu tối đa không quá 150 triệu đồng.

d) Dịch vụ tư vấn thị trường, giá cả trong đầu tư, thương mại: Mức thu tối đa không quá 30 triệu đồng.

Chương 3

CHÀO HÀNG CẠNH TRANH, CHỈ ĐỊNH THẦU, ĐẤU THẦU MUA SẮM HÀNG HÓA

Điều 9. Chào hàng cạnh tranh

Điều kiện thực hiện: Có kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1- Điều kiện áp dụng: Các trường hợp mua sắm hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

2- Căn cứ vào kết quả thẩm định giá thủ trưởng cơ quan đơn vị được mua sắm lập công văn gửi cơ quan tài chính đề nghị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá gói thầu.

3- Hồ sơ mời chào hàng cạnh tranh: Thủ trưởng cơ quan đơn vị được mua sắm gửi thư mời chào hàng cạnh tranh đến các đơn vị cung ứng trên địa bàn và trong khu vực kèm theo các yêu cầu về kỹ thuật liên quan đến hàng hóa dự định mua sắm và các điều kiện về thời gian giao hàng, thời gian bảo hành; khả năng ứng vốn, các yêu cầu về chất lượng hàng hóa và giá gói thầu lô hàng dự định mua sắm.

4- Mỗi gói thầu phải có ít nhất 3 hồ sơ chào hàng của 3 đơn vị cung ứng khác nhau, hồ sơ chào hàng cạnh tranh gồm:

- Đơn xin dự chào hàng cạnh tranh (ghi rõ giá trị chào hàng, thời gian giao hàng, thời gian bảo hành, cam kết ứng vốn).

- Giấy phép đăng ký kinh doanh (Bản photocopy có công chứng).

- Bản giới thiệu về năng lực cung ứng của đơn vị (Các hợp đồng tương tự đã cung ứng trong năm của đơn vị, đội ngũ chuyên gia, đội ngũ công nhân kỹ thuật, báo cáo kết quả tài chính của năm gần nhât).

- Đối với hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất.

- Bản chào giá ghi đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật, số lượng hàng hóa, đơn giá, thành tiền và hồ sơ tài liệu liên quan đến xuất xứ, chất lượng hàng hóa dự định cung ứng (gửi bản catalog kèm theo).

Hồ sơ dự chào hàng cạnh tranh được lập thành 3 bộ (Một bộ gốc và hai bộ photocopy) và gửi cho cơ quan đơn vị được mua sắm theo kế hoạch ghi trong thư mời chào hàng cạnh tranh.

Điều 10. Chỉ định thầu, mua sắm hàng hóa

1- Thủ trưởng cơ quan đơn vị được mua sắm nếu thấy cần thiết áp dụng phương thức chỉ định thầu phải có công văn đề nghị cấp có thẩm quyền, nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về nội dung đề nghị của mình. Điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu:

Các gói hàng có giá trị dưới 1 tỷ đồng và thỏa mãn một trong các điều kiện dưới đây.

+ Các loại hàng hóa đặc chủng, chỉ có một nơi sản xuất, không lưu thông rộng rãi trên thị trường thì có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu.

+ Trường hợp mua sắm khẩn cấp do thiên tai, dịch họa, sự cố, dịch bệnh cần khắc phục ngay và các trường hợp mua sắm đặc biệt khác (mua thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch và thanh toán một số bệnh xã hội, bênh nguy hiểm. Mua gạo, sách vở, bàn ghế cho... vùng lũ lụt).

+ Gói thầu theo yêu cầu của cơ quan tài trợ do người có thẩm quyền quyết định chỉ định thầu trên cơ sở có ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài trợ và các cơ quan có liên quan khác.

+ Hàng hóa do doanh nghiệp trong nước độc quyền sản xuất và có giá bán thống nhất trong cả nước.

+ Hàng hóa do hãng (Công ty) nước ngoài độc quyền sản xuất và đồng thời có độc quyền phân phối tiêu thụ ở Việt Nam.

Riêng các loại hàng hóa dự trữ quôc sgia được Chính phủ cho phép, ô tô, mô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, thiết bị sản xuất trong nước có đăng ký bản quyền và có giá bán thống nhất trong cả nước thì chỉ định thầu không khống chế về giá trị gói thầu.

2- Hồ sơ xin được chỉ định thầu của các đơn vị cung ứng bao gồm các tài liệu như khoản 4 Điều 9 của quy định này.

Điều 11. Đấu thầu mua sắm hàng hóa

Các loại hàng hóa được được mua sắm không đủ các điều kiện áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh hoặc chỉ định thầu thì thực hiện đấu thầu theo quy định hiện hành của Nhà nước và của UBND tỉnh.

Điều 12. Thẩm định kết quả chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, đấu thầu mua sắm hàng hóa.

Thủ trưởng cơ quan đơn vị được mua sắm, chỉ đạo tổ chuyên gia tư vấn xét chọn đơn vị cung ứng và tổng hợp kết quả lập hồ sơ gửi cơ quan Tài chính thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hồ sơ thẩm định gồm:

- Kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hồ sơ mời chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, đấu thầu và các tài liệu khác của tổ chuyên gia, tư vấn lập theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của quy định này.

- Hồ sơ dự chào hàng cạnh tranh (của đơn vị được đề nghị trúng thầu).

- Biên bản mở hồ sơ chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, đấu thầu.

- Biên bản xét chọn nhà thầu của tổ chuyên gia tư vấn.

- Tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đơn vị trúng thầu.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến vi phạm các quy định có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, đấu thầu mua sắm hàng hóa thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý theo quy định của Nhà nước.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2004. Các quy định trước đây trái vơi quy định này đều bị bãi bỏ.

Giao cho Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn kiểm tra, thực hiện quy định này.

 





Nghị định 170/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Giá Ban hành: 25/12/2003 | Cập nhật: 07/12/2012

Pháp lệnh Giá năm 2002 Ban hành: 26/04/2002 | Cập nhật: 06/07/2012