Quyết định 1393/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Số hiệu: 1393/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Mai Tiến Dũng
Ngày ban hành: 22/10/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1393/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 22 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phê duyệt Đề cương Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 85/TTr- SVHTTDL ngày 26 tháng 9 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch:

- Giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

Tổ chức công bố, phổ biến nội dung quy hoạch tới các cơ quan, ban, ngành và nhân dân trong tỉnh để các tổ chức và người dân tham gia thực hiện quy hoạch.

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển du lịch trong quy hoạch được phê duyệt phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nội dung quy hoạch.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giám sát, kiếm tra thực hiện quy hoạch; tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn, báo cáo

Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh các mục tiêu của từng giai đoạn cho phù hợp với thực tế.

- Giao các Sở, ngành: Công Thương, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dụng, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức xây dựng chương trình hành động và phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để cụ thể hoá việc thực hiện các nội dung quy hoạch.

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tốt các nội dung quy hoạch, chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch trên địa bàn, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch ở cơ sở.

- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng theo chức năng, nhiệm vụ được giao và căn cứ nội dung quy hoạch, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các Sở, ban, ngành, cấp chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông - Vận tải, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

QUY HOẠCH

TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1393/QĐ-UBND ngày 22/10/2012 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TIỂM NĂNG TÀI NGUYÊN DU LỊCH HÀ NAM

1. Điểm mạnh:

- Hà Nam có vị trí địa kinh tế - chính trị thuận lợi, nằm kề thủ đô Hà Nội trên trục hành lang Bắc Nam, lại là cửa ngõ quan trọng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam vào Hà Nội. Thành phố Phủ Lý vừa nằm trên trục Bắc Nam, vừa nằm trên đường vành đai của vùng Hà Nội,… Đó là lợi thế so sánh rất quan trọng tạo cơ hội cho Hà Nam thu hút mạnh mẽ thị trường khách du lịch xuyên Việt và thị trường khách du lịch cuối tuần của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận để tạo ra những bước phát triển đột phá trong du lịch.

- Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hà Nam khá phong phú, đa dạng và tương đối đặc thù. Địa hình Hà Nam đa dạng tạo ra những cảnh quan đặc sắc với những thắng cảnh nổi tiếng trong nước như: Hồ Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, hang Luồn, Bát cảnh tiên,. Đặc biệt hệ thống sông hồ dày đặc với vẻ đẹp thơ mộng của sông Hồng, sông Đáy, Núi Đọi - Sông Châu,…cùng với hệ sinh thái nông nghiệp vùng chiêm trũng điển hình là những nét độc đáo, có khả năng cuốn hút cao trong xu thế đô thị hóa hiện nay.

- Tài nguyên du lịch nhân văn: Các di tích lịch sử tuy không nhiều, nhưng có giá trị khá nổi bật như: Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Trúc... và hệ thống lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Tịch Điền, Lễ phát lương Đền Trần Thương..., Làng nghề truyền thống tiêu biểu như; văn hóa dân gian, văn hoá ẩm thực đặc sắc. Đặc biệt, Hà Nam là đất khoa bảng với những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn liệt sỹ Nam Cao.

- Nguồn tài nguyên du lịch Hà Nam phân bố khá tập trung và dễ tiếp cận, gần thủ đô Hà Nội, nằm trên các trục hoạt động du lịch chính của quốc gia, liên kết thuận lợi với các điểm du lịch nổi tiếng của cả nước như: Chùa Hương, Chùa Bái Đính, Hoa Lư, Đền Trần...rất thuận tiện cho việc liên kết phát triển du lịch.

- Hà Nam có hệ thống kết cấu hạ tầng gắn liền với hệ thống hạ tầng quốc gia, đặc biệt hệ thống giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt) được đầu tư tương đối đồng bộ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy đầu tư du lịch.

- So với nhiều tỉnh khác, Hà Nam là tỉnh đi sau trong phát triển du lịch nhưng lại có cơ hội để rút kinh nghiệm từ những tỉnh khác để có được một chiến lược quy hoạch hoàn chỉnh và các phương án đầu tư hợp lý đảm bảo mục tiêu bền vững.

2. Điểm hạn chế:

- Các nguồn tài nguyên du lịch Hà Nam chưa được quan tâm đầu tư khai thác đúng mức. Các giá trị của tài nguyên chưa được khảo sát và đánh giá một cách toàn diện và hệ thống nên việc phát triển sản phẩm du lịch còn hạn chế. Mặc dù những năm gần đây, một số di tích lịch sử được đầu tư tôn tạo, một số lễ hội, làng nghề được khôi phục, song chưa tạo được sức hấp dẫn và doanh thu lớn cho ngành du lịch. Nhiều nguồn tài nguyên còn ở dạng tiềm năng. Một số nguồn tài nguyên bị xuống cấp, môi trường sinh thái bị ô nhiễm...

- Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng sẽ tạo ra sức ép lớn cho môi trường du lịch.

- Các cơ sở thương mại còn nhỏ lẻ, chưa hình thành trung tâm thương mại lớn có đủ sức hút để làm động lực cho thương mại và dịch vụ phát triển.

- Các ngành kinh tế - xã hội khác trong tỉnh như: công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, thể thao… chưa được liên kết nhịp nhàng để tạo ra sức mạnh liên ngành trong phát triển du lịch.

- Trong xu thế toàn cầu của nền kinh tế trí thức, khoa học và công nghệ chưa được coi trọng đúng mức để làm đòn bẩy, tạo ra bước đột phá trong phát triển du lịch.

- Tỉnh có địa hình thấp trũng nên hay bị ngập lụt, vùng phía Tây sông Đáy nằm trong vùng phân lũ của thủ đô Hà Nội ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như hoạt động du lịch.

II. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ NAM

1. Những thành công:

- Trong giai đoạn từ 1998 - 2010 (giai đoạn thực hiện quy hoạch năm 1998), Du lịch Hà Nam đã có bước phát triển tốt. Chỉ tiêu về đón khách đã vượt nhiều, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, do du lịch Hà Nam có mức xuất phát điểm thấp, nên tốc độ tăng trưởng đạt rất cao. Mặc dù số lượng tuyệt đối còn nhỏ bé.

- Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành trong giai đoạn 1998 - 2010 đều vượt. Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Tam Chúc đã tạo ra bước đột phá mới cho du lịch Hà Nam trong giai đoạn tiếp theo.

2. Những yếu kém:

- Số lượng khách du lịch đến Hà Nam còn ít, chủ yếu là khách nội địa, khách du lịch quốc tế còn rất hạn chế, ngày lưu trú ngắn.

- Các chỉ tiêu về ngày khách và lưu trú bình quân cũng như chỉ tiêu về doanh thu không đạt được theo kế hoạch (có lẽ vì nguyên nhân chất lượng khách).

- Các đầu tư về cơ sở vật chất như khách sạn, nhà nghỉ hoặc tôn tạo di tích có đạt kế hoạch, song chất lượng chưa cao, sức thu hút yếu.

- Các sản phẩm du lịch đơn điệu, chất lượng còn thấp, cũng chính vì vậy mà công tác xúc tiến quảng bá cũng chưa được hiệu quả.

- Có những thời điểm các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của du lịch.

- Lực lượng lao động đã qua đào tạo trong ngành còn hạn chế.

Điều đó cho thấy du lịch Hà Nam vẫn ở trong tình trạng thụ động, manh mún, phát triển chưa bền vững.

3. Nguyên nhân:

- Kinh tế Hà Nam đang ở giai đoạn đầu của nhịp phát triển, vẫn đang tập trung vào các nhiệm vụ dân sinh, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng. Vì vậy việc đầu tư cho du lịch còn hạn chế.

- Việc khai thác tài nguyên du lịch còn chưa gắn với nghiên cứu đánh giá thị trường, vì vậy chưa xây dựng được chiến lược khai thác tài nguyên du lịch hợp lý, dẫn đến hệ thống sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa có sức thu hút mạnh. Chính vì vậy chưa khai thác được các thị trường khách chất lượng cao, khách lưu trú dài ngày.

- Chưa tập trung đầu tư, đầu tư chưa bài bản. Các dự án đầu tư mang tính đột phá như khu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng Tam Chúc, các dự án ở các khu, điểm du lịch có tài nguyên nổi trội, các dự án môi trường như nạo vét sông Đáy, sông Châu triển khai còn chậm đã ảnh hưởng đến phát triển du lịch.

Bảng 3.11: Đánh giá tổng hợp các yếu tố tiềm năng, hiện trạng của du lịch Hà Nam (SWOT)

ĐIỂM MẠNH

- Có vị trí chiến lược quan trọng, kề cận thủ đô Hà Nội; có quan hệ hữu cơ với các điểm du lịch quan trọng trong vùng.

- Có tài nguyên du lịch đa dạng về chủng loại, đặc biệt tài nguyên du lịch nhân văn có nhiều nét đặc trưng riêng biệt để tạo dựng thương hiệu.

- Nằm trên trục phát triển du lịch quốc gia, kết nối dễ dàng với các tỉnh lân cận.

- Trình độ dân trí tương đối cao.

ĐIỂM YẾU

- Quy mô ngành du lịch còn nhỏ bé. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành còn hạn chế, manh mún, chất lượng còn hạn chế.

- Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa có chiến lược khai thác toàn diện các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch.

- Tài nguyên du lịch đa số là ở dạng tiềm ẩn, mang giá trị tinh thần lớn hơn vật chất, khó chuyển tải thành các dịch vụ sản phẩm du lịch.

- Chất lượng lao động còn thấp.

- Đầu tư du lịch còn hạn chế, chưa tập trung.

CƠ HỘI

- Được hưởng lợi từ các chủ trương chính sách phát triển vùng Hà Nội và các quy hoạch phát triển hạ tầng và môi trường chung.

- Các chính sách quốc gia về cải thiện môi trường đầu tư cũng là cơ hội thuận lợi cho du lịch Hà Nam.

- Xu hướng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa đang trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trên thế giới.

- Các quy hoạch cơ bản của tỉnh về kinh tế xã hội, về giao thông, về môi trường đã được xây dựng, tạo cơ hội tốt cho du lịch.

THÁCH THỨC

- Khủng hoảng tài chính thế giới, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,... ảnh hưởng đến tình hình đầu tư trong nước nói chung cũng là thách thức lớn đối với Hà Nam trong đầu tư phát triển du lịch.

- Sức ép của các ngành công nghiệp khai thác đá ảnh hưởng lớn đến môi trường du lịch.

- Phân bố cận kề các điểm du lịch quan trọng của các tỉnh vùng đồng bằng sông

Hồng vừa là lợi thế, vừa là thách thức cạnh tranh lớn đối với du lịch Hà Nam.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

1. Định hướng tổng quát, quan điểm, mục tiêu phát triển

a) Định hướng tổng quát:

- Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 tập trung đầu tư phát triển Hà Nam thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử, danh nhân. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc sớm trở thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia, phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón khách du lịch đến tham quan. Đây là điểm đột phá để thúc đẩy du lịch Hà Nam phát triển mạnh trong những năm tiếp theo.

- Khai thác triệt để lợi thế vị trí chiến lược của tỉnh, lấy thành phố Phủ Lý làm trung tâm, phát triển du lịch Hà Nam theo thế chân vạc với 3 cụm du lịch vệ tinh là Kim Bảng, Lý Nhân và Duy Tiên. Đến năm 2020, đầu tư nâng tầm Phủ Lý thành trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng, điểm trung chuyển phân phối khách đến các điểm du lịch quan trọng trong tỉnh và kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng như Bái Đính, Hoa Lư, chùa Hương, Đền Trần.

b) Quan điểm phát triển:

- Hà Nam là vùng công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tuy nhiên các nguồn tài nguyên cho nền công nghiệp này không phải là vô tận và không thể tái tạo. Để tạo ra bước phát triển đột phá cho du lịch trong giai đoạn tới tỉnh Hà Nam cần đi đầu ứng dụng khoa học công nghệ vào du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch có hàm lượng chất xám cao. Thay thế dần nền “kinh tế đào mỏ” (khai thác tài nguyên thô) hiện nay thành nền kinh tế trí thức với mục tiêu phát triển bền vững, không phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên.

- Phát triển du lịch Hà Nam cần dựa trên những giá trị đặc thù nội trội về tài nguyên là văn hóa, tâm linh và sinh thái nông nghiệp.

- Phát triển du lịch Hà Nam cần dựa trên việc khai thác tốt lợi thế về vị trí chiến lược là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội với các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy.

- Phát triển du lịch Hà Nam phải đặt trong mối liên hệ vùng, tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng sông Hồng và với cả nước.

- Phát triển du lịch phải gắn kết với các mục tiêu kinh tế xã hội chung, phát triển dựa vào cộng đồng và vì cộng đồng, đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ khai thác các nguồn đầu tư xã hội vào phát triển du lịch.

c) Mục tiêu phát triển:

- Tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, xây dựng Hà Nam trở thành trung tâm du lịch trộng điểm về văn hóa tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần quan trọng trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

- Đưa du lịch Hà Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tăng tỷ trọng đóng góp của du lịch trong GDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Hà Nam.

- Tạo nhiều công ăn việc làm, gắn phát triển du lịch với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Dự báo các chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2010 - 2020 tầm nhìn 2030:

- Giai đoạn 2012 - 2013 mức tăng về khách thấp, ngày khách nội địa trung bình giảm nhẹ so với năm 2011 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

- Các năm 2014, 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, khủng hoảng kết thúc, một phần các cơ sở phục vụ khách được đầu tư đi vào hoạt động, hoạt động tuyên truyền thu hút khách bước đầu có hiệu quả nên tốc độ tăng trưởng về khách quốc tế trung bình đạt 28-30% và tăng trưởng khách nội địa trung bình đạt 30%.

- Các năm 2015, 2018, 2019, 2020 hoạt động đầu tư hoàn thành cơ bản, hoạt động tuyên truyền có tác dụng, dẫn đến lượng khách có tốc độ tăng trưởng cao nhất, có thể đạt 40-50%. Đến giai đoạn 2020 - 2030 tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng sẽ chững lại, khách quốc tế và nội địa lần lượt là 10-11%.

Nằm trên tuyến du lịch Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long, Hà Nam sẽ nhận khách đến hoặc trung chuyển từ các địa phương đã là trung tâm du lịch: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình. Theo phương án này, số khách đến Hà Nam năm 2015 là 510.000 lượt, trong đó 19.000 lượt khách quốc tế (bằng 0,008% khách đến thủ đô hiện nay), 491.000 lượt khách nội địa, tương đương với khách đến Ninh Bình năm 2000. Số khách năm 2020 sẽ đạt 1,838 triệu lượt, trong đó 63.000 lượt khách quốc tế và 1,775 triệu lượt khách nội địa, tương đương với khách đến Ninh Bình năm 2007. Đến năm 2030, Hà Nam sẽ có số khách 5,2 triệu lượt, trong đó 164.000 lượt khách quốc tế, bằng 10% khách đến Hà Nội năm 2010 và 5,036 triệu lượt khách nội địa tương đương với khách nội địa của Hà Nội năm 2006.

Tổng doanh thu từ du lịch năm 2011 - 2015 là: 448 tỉ đồng, năm 2016 - 2020 là: 3.073 tỉ đồng. Tổng nhu cầu phòng khách sạn đến năm 2015 là: 1.120 phòng; đến 2020 là: 4.200 phòng.

3. Các định hướng chủ yếu:

3.1. Định hướng thị trường khách du lịch:

Thị trường du lịch của Hà Nam hiện nay chủ yếu là khách nội địa (chiếm xấp xỉ 95%); cơ bản vẫn là từ Hà Nội và các tỉnh phụ cận vùng đồng bằng sông Hồng, chỉ có một bộ phận nhỏ đến từ các tỉnh phía Nam theo các tour du lịch xuyên Việt hoặc đi lẻ. Các định hướng chính cho thị trường khách nội địa là:

- Cần tập trung khai thác thành phần khách du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, khách du lịch tâm linh, hành hương đến các chùa chiền, dự lễ hội; khách du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần.

- Khách du lịch quốc tế đều đến Hà Nam từ thủ đô Hà Nội, phần lớn là khách từ các nước lân cận như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc... chủ yếu là khách đi lẻ, khách công vụ, doanh nhân. Ưu tiên khai thác nhóm du khách là khách du lịch thông thường, nhất là khách du lịch văn hóa, sinh thái; khách du lịch công vụ và khách du lịch MICE. Hướng vào các thị trường gần, như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và các nước ĐNA; các thị trường có khả năng chi trả cao như Hàn Quốc, Nhật Bản; tận dụng khả năng khai thác các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ; Ưu tiên khai thác thị trường khách tự do, đồng thời chú trọng phát triển nhóm thị trường khách tour trọn gói, đặc biệt là nhóm khách Việt kiều (là những người có khả năng chi trả cao, thích thăm thú, hành hương).

3.2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch:

a) Nhóm sản phẩm chính:

- Nhóm sản phẩm du lịch tự nhiên: Nghỉ dưỡng sinh thái, nghỉ cuối tuần, homestay, du lịch làng quê, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao (golf) chủ yếu phát triển ở các cụm du lịch Kim Bảng, Lý Nhân, Duy Tiên và lưu vực các sông Đáy và Châu Giang.

- Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa: Du lịch tâm linh, hành hương về cõi Phật, du lịch thiền; Du lịch tham quan di tích, lễ hội, du lịch Danh nhân văn hóa. Đây có thể được coi là loại hình sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nam. Chủ yếu tập trung ở cụm Lý Nhân và điểm di tích Từ đường Nguyễn Khuyến.

- Nhóm sản phẩm du lịch đô thị: Chủ yếu khai thác cụm du lịch trung tâm TP. Phủ Lý với các sản phẩm dịch vụ chủ yếu như: du lịch quá cảnh, du lịch thương mại, du lịch sự kiện, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch giáo dục (tham quan, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm), du lịch y tế (nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh),...

b) Nhóm sản phẩm liên kết:

- Nhóm sản phẩm liên kết quốc gia, vùng:

+ Tour du lịch tâm linh: kết nối các điểm du lịch tâm linh giữa Hà Nội (chùa Hương) - Hà Nam (Long Đọi Sơn, Đền Lảnh Giang, Đền Trần Thương, Ngũ Động Sơn, Chùa Bà Đanh, Tam Chúc) - Nam Định (đền Trần, Phủ Dầy), Thái Bình (đền Trần) - Ninh Bình (Hoa Lư, Bái Đính).

+ Tour du lịch sông Hồng: kết nối Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định với các điểm tham quan trên tuyến gồm Cổ Loa, Đa Hòa, Đền Lảnh, Đền Trần Thương, khu di tích Nam Cao, đền Trần Nam Định.

- Nhóm sản phẩm tổng hợp:

+ Nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp tâm linh, tham quan di tích.

+ Nghỉ dưỡng kết hợp thể thao chơi Golf.

+ Hội thảo, hội nghị kết hợp tham quan, vui chơi giải trí.

- Nhóm sản phẩm chuyên đề:

+ Tour du lịch sự kiện.

+ Tour du lịch Du khảo đồng quê vùng đồng bằng sông Hồng liên kết giữa Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.

+ Tour du lịch tín ngưỡng thờ mẫu, liên kết giữa Hưng Yên, Nam Định và Hà Nam.

3.3. Định hướng tổ chức không gian và tuyến điểm du lịch:

a) Các trục phát triển không gian du lịch:

Dựa trên các hướng phát triển không gian chính của kinh tế - xã hội Hà Nam, có thể xác định các trục phát triển chính của Du lịch Hà Nam theo hai hướng cơ bản:

- Trục Bắc - Nam: Dọc theo tuyến du lịch xuyên Việt dọc quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam và đường sắt Bắc Nam. Đây cũng có thể coi là trục tâm linh quan trọng của du lịch Hà Nam, bởi lẽ nó kết nối tới các trung tâm du lịch tâm linh lớn trong vùng như Bái Đính, Chùa Hương, Tam Chúc.

Chức năng chính của trục này là nhận luồng khách từ Hà Nội và phân phối khách đến các điểm du lịch trọng yếu của Hà Nam thông qua Trung tâm Phủ Lý.

- Trục Đông - Tây: Dọc theo đường quốc lộ 21A, 21B cũng như khai thác các tuyến du lịch sông Đáy, sông Châu, kết nối các điểm du lịch quan trọng Chùa Hương, Tam Chúc, Khu du lịch Nam Cao, Đền Trần Thương, Đền Trần Nam Định...

b) Các tuyến, điểm du lịch chủ yếu:

* Tuyến du lịch liên tỉnh:

- Tuyến du lịch đường bộ:

+ Tuyến du lịch xuyên Việt (theo quốc lộ 1A): Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình. Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Hà Nội, Phủ Lý, Tam Chúc, Kẽm Trống (Hà Nam), Hoa Lư, Bái Đính (Ninh Bình).

+ Tuyến Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình (theo đường liên tỉnh Bái Đính - Tam Chúc - Chùa Hương): Tổng chiều dài tuyến khoảng 100km. Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Chùa Hương (Hà Nội), Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh (Hà Nam), Bái Đính, Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)...

+ Tuyến Quảng Ninh - Hải Dương - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình (theo quốc lộ 38): Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Yên Tử (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Đa Hoà, Phố Hiến (Hưng Yên), Đền Lảnh Giang, làng nghề trống Đọi Tam, Tam Chúc (Hà Nam), Bái Đính (Ninh Bình).

+ Tuyến Hà Nội - Hà Nam - Nam Định - Thái Bình (theo quốc lộ 21): Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 150km. Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Chùa Hương (Hà Nội), Phủ Lý, Tam Chúc, điểm du lịch nhân văn Nam Cao (Hà Nam), đền Trần, đền Bảo Lộc, Phủ Dầy (Nam Định), khu du lịch Đồng Châu (Thái Bình).

+ Tuyến Tây Bắc: Các tỉnh Tây Bắc - Hoà Bình - Hà Nam - Hà Nội - Ninh Bình (về Hà Nam theo quốc lộ 21): Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Chùa Tiên (Hoà Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình).

- Tuyến du lịch liên tỉnh đường sông:

+ Tuyến du lịch sông Hồng kết nối Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam - Thái Bình

- Nam Định: Khởi đầu từ Hà Nội bằng tàu du lịch du khách được tham quan các điểm du lịch thuộc địa phận Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. Trên địa phận Hà Nam có các điểm tham quan như: Đền Lảnh Giang, đền Bà Vũ, đền Trần Thương, Khu du lịch tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao, làng Vũ Đại.

+ Tuyến du lịch sông Đáy kết nối Chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính: Xuất phát từ chùa Hương, theo sông Đáy xuống Tam Chúc rồi đến Bái Đính và ngược lại. Các điểm tham quan gồm: Phủ Lý, Tam Chúc, Bái Đính, Chùa Hương.

* Tuyến du lịch nội tỉnh:

- Tuyến du lịch đường bộ:

+ Tuyến Phủ Lý - Kim Bảng : Theo đường quốc lộ 21A. Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Các điểm du lịch của Phủ Lý, Ngũ Động Sơn, đền Trúc, chùa Thi, Chùa Bà Đanh, làng nghề gốm Quyết Thành, Khu Tam Chúc, Hồ Ba Hang.

+ Tuyến Phủ Lý - Bình Lục - Lý Nhân: Theo đường quốc lộ 21A hoặc đường tỉnh lộ. Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Các điểm du lịch của Phủ Lý, Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Ngọc Lũ, khu di tích Nam Cao, đình Văn Xá, đền Bà Vũ, đền Trần Thương.

+ Tuyến Phủ Lý - Duy Tiên: Theo đường tỉnh lộ 492. Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Các điểm du lịch của Phủ Lý đến chùa Long Đọi Sơn, làng trống Đọi Tam, đình Lũng Xuyên, đền Lảnh Giang, làng dệt lụa Nha Xá.

+ Tuyến Phủ Lý - Thanh Liêm: Theo tuyến quốc lộ 1A. Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Các điểm du lịch của Phủ Lý, Chùa Châu, Chùa Tiên, núi và chùa Trinh Tiết, khu di tích Đinh Lê, đền Lăng, Khu văn hoá Liễu Đôi, đình An Hòa, Làng nghề thêu ren An Hoà, Hoà Ngãi, Khu Núi Chùa....

- Tuyến du lịch đường sông:

+ Tuyến Sông Châu kết nối Phủ Lý - Duy Tiên - Lý Nhân (chỉ thực hiện khi sông Châu được khai thông): Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Các điểm du lịch của Phủ Lý; Các điểm du lịch của Duy Tiên như Long Đọi Sơn, Làng nghề Trống Đọi Tam; Các điểm du lịch của Lý Nhân, Bình Lục như: Đền Trần Thương, Khu du lịch tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao, Đình Ngọc Lũ...

+ Tuyến Sông Đáy kết nối Phủ Lý - Kim Bảng: Các điểm du lịch chính trên tuyến gồm: Các điểm du lịch của Phủ Lý, chùa Bà Đanh, Đền Trúc, chùa Thi, đền Bà Lê Chân, Ngũ Động Sơn, Tam Chúc.

+ Tuyến Sông Đáy kết nối Phủ Lý - Thanh Liêm: Các điểm du lịch trên tuyến gồm: Các điểm du lịch của Phủ Lý, chùa Trinh Tiết, đình An Hòa, Làng nghề thêu ren Hoà Ngãi, Hang Gióng Lở, Kẽm Trống.

3.4. Định hướng phát triển các cụm du lịch:

Dựa trên các đặc điểm tài nguyên, đặc điểm hạ tầng, giao thông và khả năng kết nối, có thể xác định 4 cụm du lịch chính sau:

a) Cụm du lịch Trung tâm TP. Phủ Lý và phụ cận:

- Ranh giới cụm: bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP. Phủ Lý và các vùng ngoại thành, lấy Phủ Lý là trung tâm hạt nhân của cụm.

- Chức năng: Là cụm du lịch trung tâm của Hà Nam, có chức năng điều phối chung các hoạt động du lịch của Hà Nam. Từ nay đến năm 2020, TP. Phủ Lý sẽ có cơ hội để phát triển thành trung tâm du lịch cấp vùng và có vị trí quan trọng trong hệ thống du lịch quốc gia.

- Các hoạt động du lịch chính:

+ Du lịch MICE - tổ chức hội nghị sự kiện: Đầu tư xây dựng đồng bộ khu hội nghị hội thảo ở qui mô quốc gia liên kết với hệ thống khách sạn, bể bơi, sân thể thao và trung tâm mua sắm thành không gian liên thông vừa hiện đại vừa bản sắc.

+ Vui chơi giải trí, thể thao: với hệ thống sân vận động, sân tennis, bể bơi có mái ở qui mô quốc gia.

+ Các trung tâm dừng chân với bãi đỗ lớn kết hợp với các dịch vụ bán đồ mỹ nghệ truyền thống.

+ Cung cấp các tiện nghi - dịch vụ trung chuyển.

+ Du lịch giáo dục: dịch vụ đào tạo ngắn hạn về kỹ năng mềm cho doanh nghiệp và Sinh viên đại học (kỹ năng sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thương lượng đàm phán, kỹ năng vượt thử thách,… Dịch vụ tổ chức hội thảo, tập huấn ngắn hạn. Kết hợp tham quan các mô hình kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công nghệ sinh học,…).

+ Du lịch y tế : Kết hợp nghỉ dưỡng với chữa bệnh.

+ Dịch vụ mua sắm: Các đồ thủ công truyền thống đặc thù chỉ Hà Nam mới có (Lụa, trống Đọi Tam, đồ lưu niệm bằng tre - trúc, cá kho Vũ Đại).

+ Dịch vụ tổ chức đám cưới (dịch vụ tổ chức tiệc cưới), spa chăm sóc sức khỏe trước và sau khi cưới, dịch vụ đào tạo kỹ năng làm vợ - chồng, bố - mẹ.

- Đối tượng khách thu hút: Thị trường từ bình dân đến cao cấp đi du lịch cuối tuần (từ Hà Nội và các địa phương lân cận).

Trong thời gian tới, cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật, hệ thống dịch vụ và các điều kiện kinh tế - xã hội chung của thành phố để nhanh chóng đưa Phủ Lý trở thành đô thị loại II. Tăng cường đầu tư các cơ sở dịch vụ, các thiết chế văn hóa, du lịch để nhanh chóng đưa Phủ Lý trở thành trung tâm dich vụ cấp vùng.

b) Cụm du lịch huyện Kim Bảng:

- Ranh giới cụm: Với hạt nhân là khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, Khu vui chơi giải trí Hồ Ba Hang, các điểm du lịch trong vùng như Ngũ Động Thi Sơn, Đền Trúc, chùa Bà Đanh, Hang Luồn, cảnh quan đôi bờ sông Đáy.

- Chức năng cụm: Trung tâm Du lịch văn hóa - Tâm linh cấp quốc gia, Khu sinh thái, nghỉ dưỡng của nhân dân vùng thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

- Các loại hình du lịch chính:

+ Du lịch tham quan, tìm hiểu văn hóa: Ngũ động Thi Sơn, chùa Bà Đanh.

+ Du lịch tâm linh, thiền định, văn hoá, thể thao tại hồ Tam Chúc (Lục Nhạc) và núi Thất tinh.

+ Du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại Hồ Tam Chúc.

+ Du lịch sinh thái kết hợp chơi golf Hồ Tam Chúc.

+ Du lịch sinh thái núi đá Hồ Ba Hang.

+ Du thuyền sông Đáy, nghe trình diễn ca nhạc dân gian.

- Đối tượng khách thu hút: Khách nước ngoài và khách thương gia có khả năng chi trả cao từ Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận khác.

Trong giai đọan từ nay đến 2015, Khu du lịch Tam Chúc sẽ được đầu tư xây dựng trở thành một trung tâm du lịch cấp quốc gia, điểm du lịch tâm linh quan trọng hàng đầu trong khu vực, có khả năng kết nối thuận lợi với các điểm du lịch quan trọng của vùng như chùa Hương, Bái Đính... cũng như với đền Trần Nam Định, Thái Bình qua quốc lộ 21.

c) Cụm du lịch huyện Lý Nhân:

- Ranh giới cụm: Với hạt nhân là trung tâm văn hóa tâm linh Đền Trần Thương và các điểm du lịch tiềm năng như: khu du lịch tưởng niệm nhà văn Liệt sỹ Nam Cao, Đền Bà Vũ và các điểm du lịch khác trong vùng như: Đình Văn Xá, khu tưởng niệm 32 cụ già Đức Bản hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

- Chức năng: Du lịch văn hóa tâm linh gắn với hệ sinh thái đồng bằng chiêm trũng.

- Các loại hình du lịch chính:

+ Du lịch tâm linh tại Đền Trần Thương.

+ Du lịch danh nhân (về với nhà văn và tác phẩm Nam Cao). Trải nghiệm không gian làng Vũ Đại như: Resort Lò gạch Chí Phèo, Camping vườn chuối, đêm trăng Thị Nở, café Lò gạch, rượu Chí Phèo,...

+ Du lịch ẩm thực: các món ăn đa dạng từ lúa, gạo và gia cầm.

+ Du lịch mua sắm: các sản phẩm nông nghiệp sạch: rau sạch, hoa quả sạch, trứng sạch, sữa sạch.

+ Du lịch sinh thái cuối tuần: camping vườn chuối, tham quan làng nghề dệt và nghề kho cá Hòa Hậu.

+ Du thuyền sông Châu và sông Hồng.

- Đối tượng khách thu hút: Khách nội địa từ Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận khác (thị trường từ bình dân đến cao cấp).

Ngoài sức hút tâm linh của Đền Trần Thương đang được đầu tư toàn diện ở qui mô lớn thì khu tưởng niệm nhà văn Liệt sỹ Nam Cao - với các giá trị sinh thái nông thôn điển hình của “làng Vũ Đại ngày ấy” và các nhân vật văn học nổi tiếng như: Chí Phèo - Thị Nở, nếu được ưu tiên đầu tư sớm sẽ tạo ra sức hút rất riêng biệt và mạnh mẽ cho cụm du lịch này...

Với kế hoạch xây dựng, phát triển đô thị Nhân Hậu, cùng với các đô thị Vĩnh Trụ đang phát triển, cụm du lịch Lý Nhân có các điều kiện thuận lợi về giao thông cũng như dễ kết nối tới các điểm du lịch quanh vùng như Đền Trần (Nam Định).

d) Cụm du lịch huyện Duy Tiên:

- Ranh giới: Với hạt nhân là điểm du lịch núi, chùa Long Đọi và toàn bộ khu vực bao quanh.

- Chức năng: Khu du lịch tâm linh, lễ hội, sinh thái nông nghiệp và làng nghề.

- Các loại hình du lịch chính:

+ Du lịch lễ hội chùa Long Đọi Sơn, lễ hội Tịch điền.

+ Du lịch làng nghề trống Đọi Tam.

+ Du lịch sinh thái nông nghiệp: tham quan bảo tàng nông nghiệp, trải nghiệm mô hình sinh thái vườn - ao - chuồng.

+ Du lịch ẩm thực : các món ăn đa dạng từ lúa, gạo và gia cầm.

+ Du lịch mua sắm: các sản phẩm nông nghiệp sạch: rau sạch, hoa quả sạch, trứng sạch, sữa sạch.

- Đối tượng khách thu hút: Khách nội địa từ Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận khác (thị trường từ bình dân đến cao cấp).

Cụm du lịch có thể tiếp cận dễ dàng và có thể kết nối với các điểm du lịch khác như Đền Lảnh, đền Trần Thương, cụm du lịch Nam Cao (bằng đường bộ và đường sông Châu), hoặc qua cầu Yên Lệnh kết nối với Hưng Yên (Đa Hòa, Phố Hiến)...

Trong quy hoạch vùng Hà Nam, cụm du lịch này tiếp cận với vùng quy hoạch phát triển giáo dục đại học của Hà Nam. Tương lai đây sẽ là cụm du lịch hấp dẫn của Hà Nam.

3.5. Định hướng đầu tư: (Các dự án ưu tiên đầu tư)

a) Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch:

* Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Tam Chúc:

Theo quy hoạch Phát triển khu du lịch Tam Chúc đã được phê duyệt đã xác định Phát triển khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao trở thành khu du trọng điểm quốc gia. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Nam đã có Nghị quyết và Chương trình Phát triển khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, phấn đấu đến năm 2015 đưa một số công trình dịch vụ vào hoạt động. Do vậy, Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Tam Chúc cần phải được ưu tiên đầu tư.

- Mục đích:

Chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà đầu tư tiếp tục đầu tư các công trình dịch vụ phục vụ kinh doanh du lịch, nhằm sớm đưa Khu du lịch Tam Chúc trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.

- Nội dung dự án:

Đầu tư toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm: Toàn bộ hệ thống đường giao thông nội, ngoại tuyến gắn kết khu du lịch Tam Chúc với các khu điểm du lịch trong vùng phụ cận như khu du lịch chùa Hương (Hà Nội), khu du lịch Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình); Toàn bộ hệ thống cầu, đập giữ nước, bến thuyền du lịch và chỉnh trang lòng, kè hồ; Hệ thống điện, cấp thoát nước và bảo vệ môi trường.

- Phân kỳ đầu tư:

Giai đoạn 2010 - 2015: Cần tập trung đầu tư để hoàn thành toàn bộ các công trình hạ tầng để tạo điều kiện cho việc đầu tư xây dựng các khu chức năng.

- Vốn đầu tư:

Nguồn vốn Ngân sách Nhà Nước và các nguồn khác.

* Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch bao gồm: Ngũ Động Sơn, Đền Lảnh Giang, Đền Trần Thương, Đền Bà Vũ, Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao, Điểm Du lịch chùa Long Đọi Sơn, Làng nghề An Hoà và một số điểm có tài nguyên du lịch nổi trội khác.

- Mục đích:

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ du lịch tạo ra nhiều sản phẩm du lịch.

- Nội dung:

Đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông thuỷ, bộ và các bến thuyền du lịch đối với các điểm du lịch gần các tuyến đường sông, hệ thống điện nước bảo vệ môi trường tại điểm có tài nguyên du lịch.

- Phân kỳ đầu tư:

Giai đoạn 2011 - 2015: cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm như: Điểm Ngũ Động Sơn; Đền Lảnh Giang; đền Trần Thương; Đền Bà Vũ; Từ đường Nguyễn Khuyến; Khu di tích Cát Tường.

Giai đoạn 2016 - 2020: tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm như: Chùa Long đọi Sơn; Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao; khu Văn hoá lịch sử Đức Bản, một số điểm du lịch làng nghề.

- Nguồn vốn:

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ và các nguồn khác.

b) Các dự án xây dựng các khu, điểm du lịch và các dịch vụ du lịch:

* Dự án đầu tư xây dựng phát triển Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao.

- Mục đích:

+ Tập trung đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao với qui mô là một khu du lịch trọng điểm quốc gia theo hướng bền vững, hiện đại, các sản phẩm du lịch đảm bảo chất lượng cao, mang tính độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.

+ Phát triển khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao gắn liền với sự phát triển du lịch của cả vùng Bắc Bộ, đặc biệt có sự liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch lớn như Chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tiên (Hòa Bình) và một số khu du lịch khác trong vùng để làm tăng thêm khả năng thu hút khách đến với Hà Nam. Tạo ra sự đột phá cho du lịch Hà Nam phát triển.

- Nội dung dự án:

Đầu tư xây dựng các hạng mục công trình dịch vụ theo quy hoạch đã được phê duyệt, bao gồm các khu chức năng như: khu du lịch văn hoá tâm linh, khu dịch vụ lưu trú đón tiếp khách, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ du lịch sinh thái, khu dịch vụ các loại hình thể thao, sân golf và khu nghỉ dưỡng cuối tuần...

- Giai đoạn đầu tư: (Theo chương trình phát triểnKhu du lịch Tam Chúc)

+ Giai đoạn 2011 - 2015: Hoàn thành xong một số công trình chủ yếu như khu văn hoá tâm linh, khu dịch vụ đón tiếp khách, khu du lịch lòng hồ và khu thể thao sân golf để đến 2015 bắt đầu đón khách.

+ Giai đoạn 2015 - 2020: Về cơ bản hoàn thành xong toàn bộ các công trình dịch vụ chính trong các khu chức năng.

- Nguồn vốn:

+ Nguồn vốn của các nhà đầu tư;

+ Các nguồn vốn khác.

* Các dự án đầu tư vào các khu điểm du lịch trên địa bàn gồm: Điểm du lịch Ngũ động Thi Sơn, Chùa Bà Đanh, Đền Lảnh Giang, Đền Trần Thương, Khu chùa Long Đọi Sơn, điểm Đền Bà Vũ, Khu tưởng niệm Nhà văn Nam Cao.

- Mục đích:

Bên cạnh việc tập trung đầu tư phát triển khu du lịch trọng điểm Tam Chúc - Ba Sao, cần quan tâm tạo điều kiện cho các Nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào các điểm du lịch có quy mô nhỏ để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm khai thác một cách có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh đồng thời phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

- Nội dung:

Đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ như dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, cơ sở lưu trú và các công trình khác phục vụ khách du lịch nhưng yêu cầu phải phù hợp tính chất và điều kiện thực tế ở từng điểm để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo riêng.

- Giai đoạn đầu tư: Việc đầu tư xây dựng phụ thuộc vào các nhà đầu tư song cũng cần định hướng cụ thể:

+ Giai đoạn 2011 - 2015:

Cần tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch Ngũ Động Sơn; Chùa Bà Đanh; Điểm Du lịch văn hoá tâm linh Đền Lảnh Giang, Đền Trần Thương, khu du lịch bến thuyền Sông Đáy và một số điểm khác.

+ Giai đoạn 2015 - 2020:

Đầu tư vào các điểm: Long Đọi Sơn, Điểm du lịch nhân văn Nam Cao, Khu sinh thái Phù Vân, các điểm du lịch làng nghề: Trống Đọi Tam, Thêu An Hòa, lụa Nha Xá và các điểm khác.

- Nguồn vốn: Vốn của nhà đầu tư và các nguồn khác.

c) Các dự án đầu tư tôn tạo di tích và xây dựng các công trình văn hóa:

- Mục đích: Ngoài các khu, điểm du lịch chính thì các di tích lịch sử văn hóa đều là các nơi thu hút khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu nên cần được bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích nhằm phục vụ du lịch văn hóa.

- Nội dung: Tôn tạo các hạng mục công trình di tích bị xuống cấp; Xây dựng các công trình dịch vụ văn hóa, thể thao, một số làng nghề truyền thống tiêu biểu xây dựng các thiết chế văn hoá thư viện, bảo tàng, tượng đài, nhằm tôn vinh và giới thiệu các giá trị văn hoá lịch sử…

- Phân kỳ đầu tư:

+ Giai đoạn 2011 - 2015: Tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng quốc gia như: Đền Lảnh Giang, đền Bà Vũ, đền Trúc, đình Văn Xá, đình Đồng Du, đình An Hòa; Xây dựng trung tâm thi đấu thể thao, làng nghề du lịch An hoà, làng nghề trống Đọi Tam, làng nghề Mây giang đan Ngọc Động...

+ Giai đoạn 2015 - 2020: Tiếp tục đầu tư và tôn tạo các di tích đang xuống cấp, nghiên cứu xây dựng một số tượng đài danh nhân Hà Nam; Đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh.

- Nguồn vốn: Vốn ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa.

d) Các dự án nghiên cứu sản phẩm thương hiệu, xây dựng kế hoạch marketing du lịch.

- Mục đích:

+ Nhằm khai thác các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch Hà Nam vào phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch Hà Nam, xây dựng thương hiệu và hình ảnh cho du lịch Hà Nam trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường khách du lịch, làm cơ sở cho việc phát triển bền vững và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên.

+ Nhằm xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch một cách nhanh chóng và hiệu quả đến các thị trường khách du lịch trọng điểm của Hà Nam.

- Nội dung:

+ Tổng điều tra đánh giá toàn bộ nguồn tài nguyên du lịch Hà Nam bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

+ Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo nguồn tài nguyên du lịch.

+ Nghiên cứu sáng tạo và đề xuất bộ sản phẩm du lịch thương hiệu.

+ Đánh giá nhu cầu thị trường: xác định các thị trường du lịch trọng điểm và xác định nhu cầu của họ đối với sản phẩm du lịch.

+ Xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá hình ảnh và các sản phẩm du lịch đặc thù của Hà Nam.

- Phân kỳ đầu tư:

+ Giai đoạn 2011 - 2015: Tiến hành đánh giá nguồn tài nguyên du lịch và tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch tập trung vào thị trường nội địa.

+ Giai đoạn 2015 - 2020: Tiếp tục tăng cường công tác quảng bá xúc tiến đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nam, tập trung mở rộng thị trường quốc tế.

3.6. Định hướng tổ chức kinh doanh du lịch. a) Định hướng tổ chức hoạt động lữ hành

Cần thiết phải nâng cao năng lực hoạt động lữ hành theo hướng chuyên nghiệp, cụ thể: Khẩn trương thành lập đơn vị kinh doanh lữ hành độc lập. Chỉ đạo xây dựng chiến lược Marketing cho du lịch Hà Nam. Nghiên cứu xây dựng bộ sản phẩm du lịch ổn định mang tính đặc thù của du lịch Hà Nam.

b) Định hướng tổ chức hoạt động lưu trú

Nâng cao chất lượng hoạt động lưu trú, nâng cấp các khách sạn hiện có và khẩn trương tập trung đầu tư xây dựng khách sạn cao sao tại Trung tâm Phủ Lý; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại Phù Vân. Đầu tư phát triển hệ thống khách sạn nhỏ, nhà nghỉ theo hướng sinh thái tại các cụm du lịch Kim Bảng, Lý Nhân, Duy Tiên. Có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú trong tỉnh. Hướng dẫn, khuyến khích các nguồn đầu tư trong cộng đồng để xây dựng phát triển hệ thống các khách sạn mini, nhà nghỉ theo tiêu chuẩn quy định tại các trung tâm du lịch.

c) Định hướng hoạt động vui chơi giải trí

Tập trung đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí cao cấp tại Trung tâm Phủ Lý nhằm thu hút khách doanh nhân, thương gia, khách nghỉ cuối tuần, khách du lịch MICE. Đầu tư xây dựng sân golf 36 lỗ tại Kim Bảng.

d) Định hướng hoạt động dịch vụ nhà hàng

Đẩy mạnh nghiên cứu khai thác các đặc sản của Hà Nam nhằm khai thác phục vụ du lịch.

Cần tiến hành Quy hoạch xây dựng tuyến phố Ẩm thực Hà Nam để khai thác hiệu quả hơn các đặc sản Hà Nam.

e) Định hướng hoạt động xúc tiến quảng bá

Cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá về tài nguyên du lịch Hà Nam cả trong nước và quốc tế.

Các họat động quảng bá xúc tiến cần gắn với chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Hà Nam.

Đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến.

IV. TỔNG HỢP NHU CẦU NGUỒN VỐN VÀ ĐẤT ĐAI

1. Nhu cầu nguồn vốn và phân bổ nguồn vốn đầu tư cho du lịch:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Tổng nhu cầu vốn đầu tư cả giai đoạn là 1.740 tỷ đồng, tương đưong 79 triệu USD. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho năm cuối kỳ là 640 tỷ đồng, tương đương 29 triệu USD. Nhu cầu vốn đầu tư cho khách sạn là trong cả giai đoạn là 290 tỷ đồng, tương đương 13,2 triệu USD. Tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách là 1.000 tỷ đồng, tương đương 45,5 triệu USD. Tổng nhu cầu vốn xã hội hóa là 740 tỷ đồng, tương đương 34 triệu USD.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng nhu cầu vốn đầu tư là 6.240 tỷ đồng, tương đương 260 triệu USD. Tổng nhu cầu vốn cho năm cuối kỳ là 2.000 tỷ đồng, tương đương 83 triệu USD. Nhu cầu vốn đầu tư cho khách sạn là 3.130 tỷ đồng, tương đương 130,4 triệu USD. Tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách là 2.000 tỷ đồng, tương đương 90,9 triệu USD. Tổng nhu cầu vốn xã hội hóa là 4.240 tỷ đồng, tương đương 169,1 triệu USD.

2. Nhu cầu sử dụng đất du lịch đến năm 2020:

TT

TÊN DỰ ÁN

QUY MÔ (ha)

1

Khu du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng sinh thái Tam Chúc

5100

2

Khu du lịch sinh thái Hồ Ba Hang

650,0

3

Điểm du lịch Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn

5,1

4

Điểm du lịch đền Lảnh Giang

18,0

5

Điểm du lịch đền Trần Thương

20,0

6

Điểm du lịch Từ đường Nguyễn Khuyến

1,5

7

Điểm du lịch văn hóa Đức Bản

1,5

8

Điểm du lịch nhân văn Nam Cao

60

9

Điểm du lịch văn hóa - sinh thái Long Đọi Sơn

110

10

Điểm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Phù Vân

80

11

Khu vui chơi giải trí cao cấp Phủ Lý

30

12

Khu khách sạn cao sao

15

Tổng

6.091,1

 

Ngoài ra còn có quỹ đất của các ngành khác phục vụ gián tiếp cho du lịch như bưu chính viễn thông, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, giao thông, xây dựng... và đất xây dựng công trình trong các đô thị.

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về cơ chế chính sách:

Nhằm đảm bảo những điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý trong quá trình tổ chức triển khai quy hoạch. Xây dựng và ban hành cơ chế chính sách về đầu tư nhằm khuyến khích các nhà đầu tư và thu hút vốn đầu tư. Cụ thể:

- Các quy định cụ thể về thủ tục hành chính trong quá trình lập dự án đầu tư. Trong đó yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch về các quy định pháp lý hiện hành về quy trình lập, xét thầu các dự án; tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư về thủ tục.

- Có cơ chế chính sách rõ ràng về sử dụng đất, giải phóng mặt bằng. Ngoài các quy định chung của Nhà Nước, cần có những quy định riêng của địa phương nhằm khuyến khích các nhà đầu tư.

- Có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống lâu dài cho nhân dân đối với những dự án cần thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng.

- Xây dựng cơ chế chính sách về nguồn nhân lực. Có chính sách cụ thể thu hút, khuyến khích người lao động có tay nghề vào làm việc trong ngành. Có chính sách cụ thể đối với các nghệ nhân để khai thác họ trong việc truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Đồng thời nhanh chóng xây dựng kế hoạch đào tạo lại và đào tạo mới đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

2. Giải pháp đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch:

Nhằm khai thác hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn, tạo những sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của Hà Nam, làm tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cho du lịch Hà Nam. Gồm:

- Tổ chức điều tra đánh giá tổng thể nguồn tài nguyên du lịch Hà Nam, nhằm xác định các giá trị, tình trạng cụ thể của các tài nguyên; ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý tài nguyên, giúp các nhà quản lý nắm vững và quản lý bền vững nguồn

tài nguyên du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị các tài nguyên một cách bền vững và hiệu quả.

- Tổ chức nghiên cứu thị trường nhằm nắm rõ yếu tố cung cầu, trên cơ sở đó sáng tạo các sản phẩm có giá trị đặc thù nhằm tăng sức hấp dẫn của điểm đến, tạo thương hiệu du lịch cho Hà Nam.

3. Giải pháp xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch:

Nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Hà Nam trong nước và trên thị trường quốc tế. Gồm:

- Xây dựng chiến lược marketing du lịch Hà Nam gắn với chiến lược phát triển sản phẩm du lịch.

- Xây dựng kế hoạch quảng bá bao gồm: Quảng bá hình ảnh, tài nguyên du lịch Hà Nam; quảng bá các sản phẩm du lịch Hà Nam. Cần xây dựng nội dung hết sức chi tiết đối với từng hạng mục, lựa chọn cụ thể các giá trị tài nguyên, sản phẩm, yêu cầu về hình thức thể hiện, số lượng, quy mô... Đối với trong nước, đối với quốc tế phải có yêu cầu riêng về hình thức và chất lượng. Cần đa dạng hóa các hình thức quảng bá như sử dụng các phương tiện truyền thông, tổ chức và tham dự các sự kiện, xuất bản ấn phẩm, tờ rơi... Tăng cường liên kết trong và ngoài nước để quảng bá cho du lịch Hà Nam. Nhanh chóng kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch Hà Nam.

4. Giải pháp bảo vệ môi trường:

Nhằm tạo môi trường bền vững cho du lịch Hà Nam phát triển. Cần:

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, nhằm bảo vệ tôn tạo các nguồn tài nguyên du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, nhà trường để giáo dục nâng cao nhận thức người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, thái độ thân thiện với du khách.

- Có cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng, tranh thủ sự đồng thuận của cộng đồng trong việc góp sức bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch.

- Liên kết với các ban ngành tổ chức xử lý tốt các nguồn ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí tại các khu điểm du lịch. Đặc biệt là tại các làng nghề, nhất là tại các khu vực lưu vực sông Đáy, sông Châu. Tổ chức ngăn chặn việc phá đá, chặt cây tại các điểm du lịch.

- Có cơ chế chính sách và biện pháp tổ chức cụ thể tại các điểm du lịch để tổ chức các hoạt động dịch vụ tại các khu điểm du lịch, nhất là tại các điểm du lịch quan trọng như Tam Chúc, Ngũ Động Sơn, Long Đọi Sơn, Khu du lịch Nam Cao, Đền Trần Thương, đền Lảnh...

- Thực hiện nghiêm ngặt quy định bắt buộc có nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đối với tất cả các dự án đầu tư du lịch. Kiểm tra giám sát chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật xử lý nước thải, chất thải rắn tại các công trình du lịch.

- Liên kết với các ngành xây dựng các cơ chế, biện pháp, hình thức chế tài cụ thể xử lý các hành vi xâm hại di tích, xâm hại môi trường tại các điểm du lịch.

5. Giải pháp liên kết phối hợp giữa các thành phần kinh tế:

Nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của các thành phần kinh tế để tạo nguồn lực và những tác động tương hỗ trong phát triển. Cần:

- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong du lịch. Đây là biện pháp khai thác thế mạnh tổng hợp trong xã hội, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động du lịch, không chỉ góp vốn đầu tư, mà còn tự bỏ vốn đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ đa dạng.

- Khai thác tiềm năng và đặc tính và thế mạnh của các ngành, các thành phần kinh tế phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt cần liên kết với ngành văn hóa, thể thao để phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt như du lịch tham quan di tích, lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch thể thao mạo hiểm như leo núi, du lịch khám phá tự nhiên...;

Gắn kết với cộng đồng dân cư nông thôn trong phát triển du lịch sinh thái nông thôn, tiêu biểu như ở Phù Vân, vùng Lý Nhân, Duy Tiên, phát triển du lịch làng nghề các khu vực như Đọi Sơn, An Hòa, Ngọc Động...

- Liên kết trong quy hoạch, đảm bảo sự hài hòa giữa các mục tiêu đa ngành. Phối hợp với các ngành trong quy hoạch để sáng tạo các sản phẩm, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ như: liên kết với giao thông quy hoạch phát triển các tuyến vận chuyển khách, các điểm dừng, bến đỗ, phát triển các loại hình, phương tiện vận chuyển, đào tạo đội ngũ lái xe, phương tiện vận tải thủy chuyên nghiệp...; liên kết với ngành y tế trong quy hoạch phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch như du lịch chữa bệnh, các dịch vụ vật lý trị liệu; liên kết với các ngành văn hóa, thể thao để quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị di tích, quy hoạch phát triển các loại hình và thiết chế thể thao Hà Nam...

- Liên kết trong quảng bá xúc tiến, nghiên cứu mở rộng thị trường. Đây là việc làm hết sức quan trọng nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả quảng bá. Các hình thức triển khai có thể đa dạng như phối hợp tổ chức sự kiện, cùng phối hợp giới thiệu sản phẩm, tham gia các diễn đàn chung...

6. Giải pháp tạo vốn:

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn ngân sách, đồng thời huy động tối đa các nguồn vốn xã hội cho việc triển khai thực hiện nội dung quy hoạch. Cần:

- Lập kế hoạch vốn đầu tư cụ thể. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho việc hỗ trợ xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và nghiên cứu xây dựng các dự án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch.

- Tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội bằng các hình thức cổ phần hoặc cho vay thông qua ngân hàng.

- Xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, các nguồn vốn ODA, hoặc liên danh liên kết đầu tư.

- Công khai hóa và minh bạch hóa các nguồn vốn đầu tư là điều kiện quan trọng đảm bảo sự đầu tư hiệu quả.

7. Giải pháp nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, cung cấp thông tin về du lịch và các định hướng về phát triển du lịch để làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong vùng có tài nguyên du lịch.

- Khẩn trương lập kế hoạch chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch Hà Nam.

- Có chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút lao động có chất lượng về Hà Nam, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ.

- Nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhân lực, từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên nghiệp hóa.

8. Giải pháp về tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch:

Nhằm triển khai tốt qui hoạch vào thực tế, nhanh chóng tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển du lịch Hà Nam. Cần:

- Thành lập Ban quản lý thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam thời kỳ 2011 - 2020, thuộc Ban chỉ đạo phát triển du lịch Hà Nam. Ban quản lý bao gồm đại diện của các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Hà Nam do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Giám đốc Sở VHTTDL làm Phó Ban thường trực.

Ban Quản lý có nhiệm vụ: Tổ chức công bố quy hoạch; Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; Tổ chức triển khai xây dựng các Dự án Quy hoạch chi tiết; Triển khai xúc tiến quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư; Quản lý chặt chẽ tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các dự án, kiến nghị đề xuất điều chỉnh nếu thấy cần thiết./.