Quyết định 1365/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030
Số hiệu: 1365/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Phạm Vũ Hồng
Ngày ban hành: 11/06/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1365/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 11 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

Căn cứ Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Căn cứ Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 797/TTr-STP ngày 18 tháng 5 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án số 751/ĐA-STP ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Sở Tư pháp về phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Tài chính và Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp);
- Cục Công tác Phía Nam - Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Sở Tư pháp (03 bản);
- LĐVP, P. NCPC;
- Lưu: VT, ntttrang.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Vũ Hồng

 

UBND TỈNH KIÊN GIANG
SỞ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 751/ĐA-STP

Kiên Giang, ngày 08 tháng 5 năm 2020

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2030

Phần I

CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. TÍNH CẤP THIẾT

1. Cơ sở thực tiễn

Kiên Giang là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, vị trí nằm ở vùng biên giới Tây Nam, cùng với Cà Mau là 02 tỉnh thuộc vùng biển và ven biển Tây - Vịnh Thái Lan. Phía Đông Bắc giáp với tỉnh An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang, phía Nam giáp với tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, phía Tây Nam giáp với vịnh Thái Lan, phía Bắc giáp với Cam-pu-chia. Tỉnh Kiên Giang với diện tích rộng 6.346,13 km2. Dân số 1,7 triệu người, gồm thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên và 13 huyện: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Phú Quốc và Kiên Hải. Tỉnh có 145 xã, phường thị trấn, mật độ dân số 265 người/km2, trong đó, dân số đô thị chiếm 26,89%. Kiên Giang là tỉnh có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thì các quan hệ xã hội ngày càng phức tạp; phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Các khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, các loại khiếu kiện và tranh chấp có yếu tố nước ngoài có chiều hướng tăng về số lượng và phức tạp, đa dạng hơn về nội dung. Việc thành lập tổ chức Thừa phát lại góp phần giữ gìn ổn định chính trị - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân đối với cơ quan Thi hành án dân sự ngày càng lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tống đạt và thi hành các bản án, quyết định của Tòa án; xác lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tạo cơ hội cho nhân dân có quyền lựa chọn việc yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án với thời gian nhanh hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo quyền và lợi ích các bên liên quan, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho hệ thống Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự.

2. Hoạt động tống đạt các loại văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án, công tác thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự

- Hoạt động tống đạt các loại văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án: Từ năm 2018 đến tháng 12 năm 2019: cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 40.601 vụ việc và phải thực hiện tống đạt 406.010 văn bản, giấy tờ như: giấy báo tự nguyện thi hành án, giấy mời, quyết định thi hành án, biên bản tống đạt quyết định thi hành án, thông báo kê biên tài sản, định giá tài sản...), trung bình mỗi năm thụ lý khoảng 13.507 vụ việc và phải thực hiện tống đạt 135.068 văn bản, giấy tờ; cơ quan Tòa án, từ năm 2018 đến tháng 12 năm 2019 đã thụ lý 27.175 vụ và giải quyết 21.985 vụ và thực hiện tống đạt hơn 395.730 văn bản tố tụng (văn bản, giấy tờ) như: thông báo thụ lý vụ kiện, giấy mời lấy lời khai, quyết định khẩn cấp tạm thời, giấy triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định, bản án của Tòa án..., trung bình một năm thụ lý khoảng 13.587 vụ, giải quyết khoảng 10.992 vụ và phải thực hiện tống đạt khoảng 197.865 văn bản, giấy tờ và cơ quan Viện Kiểm sát từ năm 2018 đến tháng 12 năm 2019 đã thụ lý 15.407 vụ và giải quyết 12.060 vụ và thực hiện tống đạt hơn 82.348 văn bản (văn bản, giấy tờ) như: lệnh tạm giam, quyết định gia hạn thời hạn truy tố, quyết định gia hạn thời hạn tạm giam truy tố cho các bị can, tống đạt cáo trạng cho bị can, tống đạt thông báo về việc truy tố cho các bị hại trong vụ án yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ...., trung bình một năm thụ lý khoảng 7.703 vụ, giải quyết khoảng 6.030 vụ và phải thực hiện tống đạt khoảng 41.174 văn bản, giấy tờ.

- Về công tác thi hành các bản án, quyết định của Tòa án: Từ số liệu trên, có thể nhận thấy số lượng án của ngành Tòa án thụ lý hàng năm đều cao (khoảng 13.587 vụ), tính chất các vụ án ngày càng phức tạp (nhất là các tranh chấp có liên quan đến đất đai, dân sự, kinh tế, từ đó phát sinh nhiều vấn đề khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương) và các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh cũng trong tình trạng quá tải công việc do số lượng vụ việc thụ lý ngày càng nhiều, trong khi đó toàn tỉnh chỉ có 78 chấp hành viên (bình quân một chấp hành viên phải thụ lý khoảng 174 vụ việc/01 năm và phải thực hiện tống đạt khoảng 1.740 văn bản, giấy tờ, chưa kể phải thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án theo quy định).

- Về hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự: khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định “Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự”. Nhưng thực tế thì việc xác định điều kiện thi hành án gặp nhiều khó khăn như việc phải cung cấp thông tin về tài sản, đặc biệt là tài sản ở địa phương khác nơi cư trú và nguồn thu nhập của người phải thi hành án; khó khăn trong việc tiếp cận thông tin tài sản do hành vi tẩu tán tài sản, che dấu nguồn thu nhập, thay đổi chỗ ở, tránh nghĩa vụ phải thi hành án và độ tin cậy, chính xác của thông tin cung cấp thấp...

Nhìn chung, việc tống đạt các văn bản của cơ quan Tòa án, việc tống đạt văn bản thủ tục thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do số lượng giải quyết cũng như thụ lý vụ án mới ngày càng nhiều mà thủ tục đòi hỏi chặt chẽ đúng quy định; việc tống đạt qua bưu điện hay thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế do đương sự vắng mặt tại địa phương hay cố tình lẩn tránh, nhân viên bưu điện không xác định được quan hệ của người nhận và đương sự dẫn đến trường hợp người được tống đạt và đương sự không thừa nhận đã nhận văn bản tống đạt... Mặt khác, số lượng cán bộ, công chức tại hai cơ quan này lại ít và không tăng, điều này dẫn đến quá tải trong việc thi hành bản án, quyết định của cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, là một trong nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng, gây áp lực công việc đối với công chức khi thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc, dẫn đến phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Từ thực tế đó, việc cho phép thành lập các tổ chức Thừa phát lại để thực hiện công việc của cơ quan Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự là cần thiết.

3. Sự cần thiết phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh

Hoạt động thừa phát lại là việc thực hiện nhiệm vụ trong công tác tống đạt và thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, tạo thuận lợi cho dân trong quá trình xác lập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; bên cạnh đó người dân có quyền lựa chọn yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án với thời gian nhanh hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo quyền và lợi ích các bên liên quan, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho cơ quan thi hành án dân sự, giảm chi ngân sách, hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về tố tụng và thi hành án dân sự. Bên cạnh việc hỗ trợ hoạt động của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thì việc Thừa phát lại tống đạt giấy tờ còn giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại là cần thiết, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, nhằm giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự, tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành và các điều kiện đảm bảo phát triển Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh như tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện về kinh tế - xã hội điều kiện, số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân, về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất... ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án), trong đó, xác định mục tiêu, định hướng phát triển các Văn phòng Thừa phát lại với những bước đi, giải pháp khả thi, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự năm 2014;

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020;

- Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;

- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

- Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại.

Phần II

QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển Văn phòng Thừa phát lại phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính ổn định và bền vững; đảm bảo quyền là lợi ích hợp pháp của công dân; gắn với đổi mới công tác cải cách tư pháp và cải cách hành chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của tỉnh.

2. Vận động và phát huy tích cực mọi nguồn lực của toàn xã hội trong quá trình thực hiện, tạo môi trường thuận lợi cho việc xã hội hóa hoạt động thừa phát lại trong khuân khổ Hiến pháp và pháp luật, có sự quản lý, định hướng và điều tiết của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động thừa phát lại.

3. Việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại phải đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch phát triển với những bước đi và giải pháp phù hợp theo định nướng chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thi hành án dân sự, góp phần trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thừa phát lại được tổ chức và thực hiện với lộ trình và những bước đi phù hợp theo quy hoạch nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng và phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp của Đảng, tăng cường năng lực, hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức hoạt động thừa phát lại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của tỉnh.

c) Huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trực tiếp là cơ quan Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự. Đảm bảo việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; quy hoạch phát triển và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

d) Tăng cường công tác quản lý và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Việc xây dựng và thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải theo quy hoạch của tỉnh; điều kiện về kinh tế - xã hội; trên cơ sở địa giới hành chính cấp huyện (các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh); điều kiện về kinh tế - xã hội; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự; mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại và dự báo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng kịp thời nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án (2020 - 2025) xây dựng và phát triển mạng lưới Văn phòng Thừa phát lại tại các địa phương có sự phát triển kinh tế - xã hội và số lượng án được giải quyết của Tòa án, số lượng vụ việc thụ lý của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; đáp ứng điều kiện thuận lợi để thực hiện thừa phát lại; đồng thời tính đến nhu cầu thi hành án dân sự của tỉnh, nhằm giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của tổ chức, cá nhân.

Trong những giai đoạn tiếp theo, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong giai đoạn 2020 - 2025; tiến tới thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống Văn phòng Thừa phát lại trong giai đoạn 2026 - 2030 theo định hướng của Chính phủ và Bộ Tư pháp để đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

II. LOẠI HÌNH VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Văn phòng Thừa phát lại tổ chức và hoạt động theo 02 loại hình:

- Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

- Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại.

III. LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Lộ trình phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trên cơ sở địa giới hành chính cấp huyện (các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh); điều kiện về kinh tế - xã hội; số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự; mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại và dự báo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc phát triển các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo lộ trình như sau:

1. Giai đoạn 1 (từ năm 2020 đến năm 2025)

- Giai đoạn này tập trung xây dựng quy hoạch và thành lập các Văn phòng Thừa phát lại; bước đầu đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

- Số lượng các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh bảo đảm phân bố đồng đều trên các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội; phương hướng, nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp tại địa phương và số lượng án được giải quyết của Tòa án, số lượng vụ việc thụ lý của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh; đáp ứng điều kiện thuận lợi để phát triển Văn phòng Thừa phát lại; đồng thời tính đến nhu cầu thi hành án dân sự của từng đơn vị cấp huyện. Cụ thể, giai đoạn này cho phép thành lập 05 Văn phòng Thừa phát lại được phân bố trên 05 đơn vị hành chính cấp huyện, cụ thể: thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên và các huyện: Phú Quốc, Châu Thành và huyện Hòn Đất.

2. Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030)

Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại; duy trì, củng cố và kiện toàn các Văn phòng Thừa phát lại đang hành nghề thừa phát hoạt động ổn định; phát triển thêm các Văn phòng Thừa phát lại phù hợp với tình hình thực tế địa phương và phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ và Bộ Tư pháp. Giai đoạn này cho phép thành lập thêm 12 Văn phòng Thừa phát được phân bố trên 12 đơn vị hành chính cấp huyện, cụ thể: thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên và các huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Lương, Giang Thành và huyện Kiên Hải.

Trường hợp khi đến năm kết thúc giai đoạn nhưng chưa phát triển đủ số lượng Văn phòng Thừa phát lại theo lộ trình tại khoản 1 và khoản 2 của mục III phần này thì vẫn tiếp tục cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại trong những năm tiếp theo.

IV. THÀNH LẬP VÀ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

1. Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại

a) Văn phòng Thừa phát lại phải có trụ sở riêng, địa chỉ cụ thể và thuận tiện cho khách hàng; bảo đảm diện tích làm việc cho Thừa phát lại và nhân viên; đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho khách hàng; kho lưu trữ hồ sơ theo quy định; đảm bảo yêu cầu về công tác phòng cháy, chữa cháy và trật tự an toàn giao thông.

b) Văn phòng thừa phát lại phải đảm bảo việc lưu trữ hồ sơ thừa phát lại được bảo quản chặt chẽ, an toàn do người có chuyên môn về công tác lưu trữ thực hiện.

2. Thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Thừa phát lại thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại Sở Tư pháp. Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại gồm có:

a) Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

- Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Văn phòng Thừa phát lại khác trong phạm vi toàn quốc, không được vi phạm truyền thông lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

3. Đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép thành lập.

Nội dung đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; họ tên Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; danh sách Thừa phát lại hợp danh và danh sách Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (nếu có) của Văn phòng Thừa phát lại.

- Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu; giấy tờ chứng minh đủ điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 17 của Nghị định này và hồ sơ đăng ký hành nghề của Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do. Văn phòng Thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động.

4. Lệ phí đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

Thừa phát lại đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải nộp phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

5. Lĩnh vực hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại

Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự, lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/02/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và các quy định khác có liên quan.

6. Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại

Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại thực hiện theo quy định tại Điều 61 đến Điều 65 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định có liên quan.

7. Chế độ tài chính Văn phòng Thừa phát lại

Văn phòng Thừa phát lại có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Chế độ tài chính của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án này sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh đôn đốc thực hiện Đề án, định kỳ tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Đề án, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

c) Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang; Báo Kiên Giang và các cơ quan thông tin, báo chí khác thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về Thừa phát lại, theo dõi và đưa tin thường xuyên về hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh để các tổ chức, cá nhân nắm bắt và sử dụng hoạt động của Thừa phát lại như công cụ mới trong thi hành án dân sự.

d) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Thừa phát lại và Đề án này.

đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trên cơ sở Tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và Đề án này, Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định.

e) Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại tại địa phương, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Xác minh thông tin trong hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại theo yêu cầu của Bộ Tư pháp; đăng ký hành nghề, cấp, cấp lại và thu hồi Thẻ Thừa phát lại; quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

- Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại;

- Cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; quyết định tạm ngừng hoạt động Văn phòng Thừa phát lại;

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về vi bằng theo quy định tại khoản 4 Điều 39 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ;

e) Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật;

g) Báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Nghị định này, pháp luật có liên quan và yêu cầu của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

Hàng năm cùng thời điểm lập dự toán, trên cơ sở Đề án được phê duyệt Sở Tư pháp xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.

3. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện Đề án; rà soát các công việc có liên quan đến chức năng, quyền hạn của từng ngành, cụ thể:

a) Tuyên truyền các văn bản của pháp luật về Thừa phát lại.

b) Phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin cho Thừa phát lại thực hiện công việc về thi hành án dân sự; tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh trong việc xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp thi hành bản án, quyết định; lập vi bằng; tống đạt văn bản của Tòa án và của cơ quan Thi hành án dân sự và các công việc khác theo quy định về Thừa phát lại và các quy định của pháp luật có liên quan.

c) Thực hiện kiểm soát hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về Thừa phát lại và các quy định của pháp luật có liên quan.

d) Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài liệu, hồ sơ và tài sản (bao gồm cả thông tin về tài sản đã đăng ký giao dịch bản đảm) có liên quan đến hoạt động thừa phát lại cho các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về Thừa phát lại và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Trách nhiệm của các Văn phòng Thừa phát lại

- Thực hiện việc đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại và chịu trách nhiệm đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hồ sơ đề nghị thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại; đăng ký mã số thuế, làm thủ tục khắc dấu, lập các loại sổ sách, hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật và Đề án này.

Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương gửi văn bản phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp);
- Cục Công tác phía Nam-Bộ Tư pháp;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Ban Giám đốc;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh;
- Lưu: VT, HC&BTTP.

GIÁM ĐỐC




Lâm Minh Công