Quyết định 1358/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
Số hiệu: 1358/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Nguyễn Văn Thanh
Ngày ban hành: 13/08/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1358/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 13 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH, GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 18/2010/TT-BKHCN ngày 24/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen;

Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 456/TTr-SKHCN, ngày 01/8/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020 (kèm theo đề án).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thanh

 

ĐỀ ÁN KHUNG

CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1358/QĐ-UBND, ngày 13/8/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Tên Đề án: Bảo tồn nguồn gen (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…) tại tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2014 - 2020.

I. NHU CẦU BẢO TỒN NGUỒN GEN VÀ TÍNH CẤP THIẾT:

Đa dạng sinh học là sự phong phú của các sinh vật và các phức hợp sinh thái mà sinh vật đó là một thành phần, bao gồm sự đa dạng trong nội bộ loài (đa dạng gen), đa dạng giữa các loài và các hệ sinh thái. Đa dạng sinh học có vai trò rất quan trọng để duy trì các chu trình tự nhiên và cân bằng sinh thái. Đó là cơ sở của sự sống còn, sự thịnh vượng của loài người và sự bền vững của thiên nhiên trên trái đất. Theo ước tính, giá trị của tài nguyên đa dạng sinh học toàn cầu cung cấp cho con người khoảng 33 ngàn tỷ đôla mỗi năm, đối với Việt Nam, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng năm cung cấp cho đất nước khoảng 2 tỷ đôla.

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có điều kiện địa lý, địa hình đặc biệt tạo nên hệ động thực vật, vi sinh vật rất phong phú và đa dạng, là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới. Sự đa đạng, phong phú được thể hiện không chỉ ở sự có mặt của những loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm với nguồn gen đặc hữu, cá biệt chỉ có thể tồn tại ở một hoặc một số khu vực địa lý xác định ở nước ta, mà còn ở nguồn gen vật nuôi, cây trồng quý hiếm có giá trị kinh tế cao, có tính dược liệu vô cùng quý, ngày càng được phổ biến và sử dụng rộng rãi. Khu vực nông nghiệp ở Việt Nam (trong đó có đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Vĩnh Long) được hình thành từ nhiều hệ sinh thái đa dạng khác nhau, góp phần hình thành nên nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của đất nước và của các địa phương. Đa dạng sinh học với những nguồn gen quý không những cung cấp cho con người lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh,…mà còn có giá trị đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, công nghệ thực phẩm, y tế, du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên,…

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy: Tài nguyên sinh vật của tỉnh Vĩnh Long gồm 218 loài thực vật bậc cao; có 103 loài động vật có xương sống trên cạn; 163 loài thực vật phiêu sinh; 59 loài động vật phiêu sinh; 35 loài động vật đáy; một số loài thuỷ sản như tôm càng xanh, cá tra, bông lau, tai tượng, trê, lóc, cá cóc, rô đồng, ngát,...). (Đề tài điều tra cơ bản, đánh giá tổng hợp tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Long. Lê Trình, 2002).

Ngày nay, khi hệ sinh thái đang bị khai thác quá mức để cung cấp lương thực, thực phẩm và các sản phẩm dịch vụ khác cho con người do sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và công nghiệp. Sự suy giảm về đa dạng sinh học sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, mất dần các nguồn gen quý, hiếm của động thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người và sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tự nhiên, xã hội và những tác động trực tiếp tới cuộc sống của con người. Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể là: Một số loài sẽ bị biến mất, một số loài chỉ còn sống sót ở một vài địa điểm nhất định; các hệ sinh thái, các sinh cảnh cần thiết cho các loài di cư hoặc các loài nguy cấp có phân bố hẹp, các loài đặc hữu sẽ bị biến mất hoặc thu hẹp; các hệ sinh thái bị biến đổi do mực nước biển dâng cao; một số khu bảo tồn cảnh quan có tầm quan trọng về kinh tế-xã hội, văn hoá và khoa học sẽ bị mất hoặc bị thu hẹp; các loài động, thực vật ngoại lai sẽ xâm nhập và phát triển do môi trường sống thay đổi,…

Hiện nay, các quy định pháp luật hiện hành của nước ta về bảo tồn nguồn gen còn khá mới và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong thực tiễn còn nhiều bất cập.

Từ những lý do trên, đồng thời thực hiện Thông tư số 18/2010/TT-BKHCN ngày 24/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen thì việc xây dựng Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, nhất là bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật,…để khai thác, phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường đã trở nên quan trọng và cấp thiết.

II. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN:

1. Mục tiêu tổng quát:

Nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen (cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…) tại tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2014 - 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật, cụ thể:

+ Giống cây trồng: Giống lúa: Cửu Long 8, Long Hồ 8 (LH8), Xuân Hiệp 5; giống cây ăn trái: Xoài tượng, xoài thơm, xoài hòn, xoài thanh ca, mít tố nữ, mít ướt, vú sữa tím, cam dây, cam xoàn, cam sành, quýt tiều son, chanh giấy, nhãn supper, quýt đường không hạt SAVEBI, bưởi Năm Roi, sầu riêng Ri6, xoài xanh, mận An Phước…; cây thuốc quý: Phát triển 100 cây thuốc quý có tiềm năng phát triển tại địa phương; hoa lan giống Denbrobium đặc hữu (cánh khít, hoa to, tròn,..); giống rau màu: Xalach-xoong, khoai lang tím Nhật, khoai lang trắng sữa; giống nấm bào ngư nâu, nấm linh chi chịu nhiệt.

+ Giống vật nuôi: Vịt xiêm, vịt cổ lùn, vịt ta, gà nòi, heo rừng lai, heo tộc,...

+ Giống thuỷ sản: Cá ngát, bông lau, chạch lấu, cá cóc, cá leo, thát lát cườm, cá bống,

(Gọi tắt là: Cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật).

- Tăng cường năng lực nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen bảo tồn.

- Phục tráng, thuần chủng gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…

- Đánh giá nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật theo các chỉ tiêu sinh học phù hợp với từng đối tượng bảo tồn.

- Trao đổi thông tin phục vụ nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

- Hình thành 02 tổ chức thành viên mạng lưới quỹ gen theo quy định.

III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN:

- Lưu giữ, bảo quản nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,… (trong phòng thí nghiệm; tại khu vực nuôi, trồng).

- Đầu tư, bổ sung trang thiết bị cần thiết để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…

- Điều tra, khảo sát và thu thập bổ sung nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Bảo tồn an toàn nguồn gen theo đặc điểm sinh học phù hợp với từng đối tượng (bảo tồn trong phòng thí nghiệm; tại khu vực nuôi, trồng chuyên canh) và đánh giá kết quả bảo tồn.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen bảo tồn: Bản đồ phân bố, tiêu bản, hình ảnh, bảng mô tả, dữ liệu thông tin, số hoá,…

- Xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phục tráng, thuần chủng nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…

- Tổng hợp, phân tích, đánh giá chung hiện trạng bảo tồn quỹ gen của tỉnh Vĩnh Long; đánh giá sơ bộ, chi tiết nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…theo các chỉ tiêu sinh học phù hợp với từng đối tượng được bảo tồn.

- Giới thiệu, thực hiện việc cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng khu trưng bày, giới thiệu nguồn gen giống nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long (240m2).

- Hướng dẫn hình thành 02 tổ chức thành viên mạng lưới quỹ gen để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh theo quy định.

IV. DỰ KIẾN KẾT QUẢ:

Kết quả thực hiện nhiệm vụ quỹ gen đến năm 2020:

- Lưu giữ, bảo quản nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,… (trong phòng thí nghiệm; tại khu vực nuôi, trồng).

- Kết quả điều tra, khảo sát và thu thập bổ sung nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (cơ sở dữ liệu).

- Tài liệu báo cáo kết quả sơ bộ, chi tiết nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản, vi sinh vật,…theo các chỉ tiêu sinh học phù hợp với từng đối tượng bảo tồn. Tài liệu báo cáo về hiện trạng bảo tồn quỹ gen của tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2014 - 2020).

- Các trang thiết bị bổ sung cho phòng nuôi cấy mô; phòng thí nghiệm sinh học phân tử; phòng kiểm định, kiểm nghiệm giống; nhà lưới (quản lý cây đầu dòng),… của các đơn vị trong tỉnh.

- Khu trưng bày, giới thiệu nguồn gen giống nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long (240m2).

- Có 02 tổ chức thành viên mạng lưới quỹ gen để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh được thành lập.

V. NĂNG LỰC BẢO TỒN CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRONG TỈNH:

1. Trung tâm Giống nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gồm các trại giống thực hiện chức năng nghiên cứu, chọn tạo, lưu giữ nguồn gen, bao gồm:

- Trại lúa giống (xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), quy mô 5,2ha.

- Trại giống cây ăn trái (Tân Hội, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long), quy mô 3,8 ha.

- Trại giống vật nuôi (Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), quy mô 12 ha.

- Trại giống thuỷ sản Cồn Giông (Tân Hội, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long), quy mô 6,8 ha.

2. Trung tâm kiểm nghiệm dược, Trường Trung cấp Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền, Hội Đông y tỉnh,…(thuộc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long): Có năng lực nghiên cứu, bảo tồn, phát triển các cây thuốc quý tại địa phương.

3. Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ): Có Phòng phân tích kiểm nghiệm; Phòng cấy mô; Phòng thí nghiệm sinh học phân tử,… và lực lượng cán bộ chuyên ngành để thực hiện chức năng nghiên cứu, chọn tạo, lưu giữ nguồn gen,…

VI. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN: Giai đoạn 2014 - 2020

Tổng số: 14.400 triệu đồng (từ ngân sách nhà nước: 100%).

Trong đó:

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen cấp tỉnh: 11.200 triệu đồng (chi tiết tại Phụ lục I).

- Kinh phí đầu tư bổ sung trang thiết bị cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh: 3.200 triệu đồng (chi tiết tại Phụ lục II).

Nguồn kinh phí: Được chi từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học, công nghệ và được cân đối trong kế hoạch khoa học, công nghệ hàng năm của tỉnh từ năm 2014.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Căn cứ Danh mục các nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen cấp tỉnh, hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh để tuyển chọn/xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì, chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen theo đúng quy định, tổ chức thực hiện, đánh giá nghiệm thu, xử lý và sử dụng kết quả nhiệm vụ quỹ gen được hướng dẫn tại Thông tư số 18/2010/TT-BKHCN ngày 24/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quỹ gen, nếu có khó khăn phát sinh, đề nghị các thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kịp thời về Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN QUỸ GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

TT

Tên nhiệm vụ

Tên tổ chức dự kiến chủ trì

Đối tượng và số lượng nguồn gen bảo tồn

Dự kiến kinh phí (triệu đồng)

Ghi chú

1

Bảo tồn các loại nấm ăn và dược liệu quý của tỉnh.

Trung tâm ƯD TBKHCN tỉnh Vĩnh Long.

Giống nấm bào ngư nâu; giống nấm linh chi chịu nhiệt.

600

Kinh phí chi tiết sẽ được thẩm định, phê duyệt theo các quy định hiện hành trong quá trình xét duyệt đề cương chi tiết.

2

Bảo tồn một số loại hoa lan.

Trung tâm ƯD TBKHCN tỉnh Vĩnh Long.

Giống Denbrobium đặc hữu (cánh khít, hoa to, tròn,..).

600

3

Nghiên cứu, bảo tồn các giống cây trồng quý hiếm và có giá trị kinh tế của tỉnh.

 

Trại giống cây ăn trái; trại lúa giống (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp).

Giống lúa: Cửu Long 8, Long Hồ 8 (LH8), Xuân Hiệp 5; giống cây ăn trái: Xoài tượng, xoài thơm, xoài hòn, xoài thanh ca, mít tố nữ, mít ướt, vú sữa tím, cam dây, cam xoàn, cam sành, quýt tiều son, chanh giấy, nhãn supper, quýt đường không hạt SAVEBI, bưởi Năm Roi, sầu riêng Ri6, xoài xanh, mận An Phước,…; giống rau màu: Xalach-xoong, khoai lang tím Nhựt, khoai lang trắng sữa,..

3.300

4

Bảo tồn, phát triển các cây thuốc quý có tiềm năng phát triển tại địa phương.

Trung tâm kiểm nghiệm; Bệnh viện Y học cổ truyền, Hội Đông y tỉnh,…

100 cây thuốc quý có tiềm năng phát triển tại địa phương,…

1.500

5

Nghiên cứu, bảo tồn các giống vật nuôi quý hiếm và có giá trị kinh tế của tỉnh.

Trại giống vật nuôi (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp).

Giống vịt xiêm, vịt cổ lùn, vịt ta, gà nòi, heo rừng lai, heo tộc,...

2.700

6

Nghiên cứu, bảo tồn các giống thuỷ sản quý hiếm và có giá trị kinh tế của tỉnh.

Trại giống thuỷ sản Cồn Giông (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp).

Giống cá ngát, bông lau, chạch lấu, cá cóc, cá leo, thát lát cườm, cá bống,…

2.500

Tổng cộng

11.200

 

 

PHỤ LỤC II

TRANG THIẾT BỊ BỔ SUNG ĐỂ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN

TT

Tên/loại thiết bị

Dự kiến kinh phí

(triệu đồng)

Ghi chú

1

Trang thiết bị Phòng cấy mô (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh).

500

Lập dự án và trình phê duyệt theo quy định.

2

Khu trưng bày, giới thiệu nguồn gen giống nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long (240m2).

1.200

Lập dự án và trình phê duyệt theo quy định.

3

Trang thiết bị Phòng nuôi cấy mô và Phòng thí nghiệm sinh học phân tử (thuộc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ).

1.500

Lập dự án và trình phê duyệt theo quy định.

Tổng cộng

3.200