Quyết định 134/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030
Số hiệu: 134/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Hà Hòa Bình
Ngày ban hành: 15/01/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN NHÓM NGUYÊN LIỆU KAOLIN, FELSPAT, SÉT KAOLIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2014 - 2020 TẦM NHÌN 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006;

Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-HĐND , ngày 20/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc V/v thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 481/TTr-SCT ngày 23/12/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030 với các nội dung chính như sau:

I. TÊN DỰ ÁN: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014 - 2020 tầm nhìn 2030.

II- BỐ CỤC QUY HOẠCH (gồm 8 chương)

Chương I: Đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế, nhân văn của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương II: Khái quát đặc điểm địa chất, khoáng sản tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương III: Tổng quan tiềm năng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương IV. Vị trí, vai trò của khai thác và sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu Kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương V. Thực trạng khai thác và sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu Kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương VI. Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu Kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030.

Chương VII. Vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác và sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu Kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030.

Chương VIII. Tổ chức thực hiện

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH

1. Quan điểm

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin tỉnh Vĩnh Phúc phải phù hợp với quy hoạch phát triển khoáng sản chung của cả nước và của ngành công nghiệp Việt Nam; đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác của tỉnh.

- Đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả kinh tế cao; đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội và môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Mục tiêu của quy hoạch

- Phản ánh tổng thể về nguồn lực khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin hiện có của tỉnh; định hướng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của chính quyền địa phương các cấp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn cụ thể.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các cấp theo quy hoạch, kế hoạch; chủ động kiểm soát, phát triển hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm; bảo vệ môi trường sinh thái.

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, sử dụng khoáng sản; đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với mục tiêu chung của cả nước.

3. Nội dung chủ yếu của Quy hoạch

3.1. Quy hoạch các diện tích cấm hoạt động khoáng sản

Khu vực cấm hoạt động khoáng sản kaolin, felspat, sét kaolin là phần diện tích khu mỏ bị các đối tượng khác (thuộc các danh mục cấm hoạt động khoáng sản) phân bố chồng lấn lên, đó là: di tích lịch sử, văn hoá, các khu vực an ninh quốc phòng, diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, hành lang giao thông, tuyến năng lượng quốc gia, các tuyến kênh thuỷ lợi, vùng nuôi trồng thuỷ sản và khu du lịch, khu đô thị.

Các mỏ nằm trong phạm vi quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, đề nghị cấm hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản phục vụ quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh, với tổng diện tích 471 ha, cụ thể như sau:

1- Mỏ Kaolin Định Trung, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên: Số hiệu: K03, diện tích 152ha, tài nguyên dự báo: 8.730.727 tấn.

2- Mỏ Kaolin Đồng Khâu, một phần diện tích thuộc xóm Mới, xã Thanh Vân huyện Tam Dương: Số hiệu: K04, diện tích 116ha, tài nguyên dự báo: 6.183.544 tấn.

3- Mỏ Kaolin Xóm Mới xã Thanh Vân, huyện Tam Dương: Số hiệu: K02; diện tích 203ha, chiều dày trung bình 3m; trữ lượng (tài nguyên dự báo): 8.773.948 tấn.

3.2. Quy hoạch các khu vực tạm thời cấm

Các khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản là các điểm mỏ nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch, có nguy cơ ảnh hưởng tới các khu di tích lịch sử và thắng cảnh, đề nghị đưa vào khu vực tạm cấm khai thác:

- Mỏ Kaolin xã Tam Quan ( thuộc 3 thôn: Quẵng, Nhân Lý, Yên Chung) huyện Tam Đảo: Số hiệu: K01; diện tích 120 ha, chiều dày trung bình 4m,2; trữ lượng (Tài nguyên dự báo): 7.261.199 tấn.

3.3. Quy hoạch thăm dò, khai thác:

Giai đoạn đến 2020:

*Felspat

Bao gồm 08 mỏ trên diện tích 466,8 ha, tài nguyên dự báo 33.690.784 tấn, trong đó:

1. Mỏ Khu Khán, Đồng Khèn, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, số hiệu F03, diện tích 44ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 2.630.744 tấn.

2. Mỏ Felspat Đồi Chùa Mụ, thôn Cầu Gạo, xã Tân Lập, Huyện Sông Lô, diện tích 22,4 ha, trữ lượng 2.469.135 tấn.

3. Mỏ felspat Hình Nhân xã Tân Lập, huyện Sông Lô: Số hiệu F04; diện tích 40 ha; trữ lượng tài nguyên dự báo: 2.400.899 tấn.

4. Mỏ felspat Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, số hiệu F05, diện tích 70ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 4.131.679 tấn.

5. Mỏ felspat thôn Nghĩa Lý xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo: Số hiệu: F09; Diện tích 115 ha, chiều dày trung bình 5m; trữ lượng tài nguyên dự báo: 8.356.141 tấn.

6. Mỏ felspat Gò Gai thôn Quan Nội, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo: Số hiệu: F08; Diện tích 14,4 ha; trữ lượng tài nguyên dự báo: 4.689.800 tấn.

7. Mỏ Felspat Núi Ngang huyện Tam Đảo; Số hiệu: F10; Vị trí, đặc điểm phân bố: thuộc thôn Sơn Thanh, xã Đại Đình và thôn ngọc Thụ xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo; Diện tích 120ha, chiều dày trung bình 4m; Trữ lượng (Tài nguyên dự báo): 6.915.427 tấn.

8. Mỏ felspat Khe Dọc xã Đồng Quế huyện Sông Lô: Số hiệu F01, diện tích 41 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 2.096.959 tấn.

Tầm nhìn đến năm 2030:

Bao gồm 5 mỏ trên diện tích 171,2 ha, tài nguyên dự báo 14.438.294 tấn, trong đó:

1. Mỏ Khu Khán, Đồng Khèn, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, số hiệu F03, diện tích 44ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 2.630.744 tấn.

2. Mỏ felspat Hình Nhân xã Tân Lập, huyện Sông Lô: Số hiệu F04; diện tích 20 ha; trữ lượng tài nguyên dự báo: 2.028.000 tấn.

3. Mỏ felspat Gò Gai thôn Quan Nội, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo: Số hiệu: F08; Diện tích 7,2ha; trữ lượng tài nguyên dự báo: 2.869.800 tấn.

4. Mỏ felspat thôn Nghĩa Lý xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo: Số hiệu: F09; Diện tích 58 ha, chiều dày trung bình 5m; trữ lượng tài nguyên dự báo: 4.178.071 tấn.

5. Mỏ felspat Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, số hiệu F05, diện tích 42ha, trữ lượng tài nguyên dự báo 2.731.679 tấn.

3.4. Quy hoạch dự trữ khoáng sản

Quy hoạch các điểm mỏ đã được khảo sát địa chất song điều kiện thăm dò, khai thác hiện nay không thuận lợi: Bao gồm 02 mỏ thuộc khu Rừng Chành xã Tam Quan, huyện Tam Đảo; mỏ felspat Ma Hen, Hành Sơn, xã Lãng Công, huyện Sông Lô với tổng diện tích là 62,78 ha, tài nguyên dự báo 2,61 triệu tấn.

STT

Loại hình KS, tên khu vực quy hoạch

Đơn vị tính

Số hiệu khu quy hoạch dự trữ

Diện tích quy hoạch dự trữ (ha)

Trữ lượng

TNDB

(dự trữ)

 

FELSPAT

Tr.tấn

 

62,78

2,61

I

Tam Đảo

 

 

48,78

1,90

1

Rừng Chành xã Tam Quan

Tr. Tấn

F07

48,78

1,90

II

Sông Lô

 

 

14,00

0,71

1

Ma Hen, Hành Sơn xã Lãng Công

Tr. tấn

F06

14,00

0,71

4. Các giải pháp chủ yếu

4.1. Giải pháp về quản lý

- Thực hiện nghiêm túc quản lý, cấp phép theo quy hoạch được phê duyệt và giám sát hoạt động sau khi dự án được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành Luật khoáng sản của các địa phương, các ngành và liên ngành. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và kiên quyết xử lý những vi phạm về khai thác khoáng sản của các đối tượng hoạt động trái phép trong khai thác khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản theo hướng tập trung một đầu mối, thông thoáng, thuận tiện hơn.

4.2. Giải pháp về truyền thông

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cho các cấp, các ngành, các đối tượng khai thác khoáng sản và nhân dân để nâng cao nhận thức và có biện pháp thực hiện bảo đảm đúng quy định, có hiệu quả.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, về khai thác khoáng sản; cập nhật văn bản về khoáng sản cho các đối tượng có liên quan.

4.3. Giải pháp về vốn

- Nguồn vốn cho thăm dò, khai thác khoáng sản kaolin, felspat, sét kaolin chủ yếu huy động vốn của các chủ đầu tư, vốn vay của các ngân hàng thương mại. Khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán (phát hành trái phiếu, cổ phiếu công trình).

- Có cơ chế đầu tư hợp lý, khuyến khích các chủ đầu tư có nhu cầu khai thác khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin tự nguyện ứng nguồn kinh phí cho công tác thăm dò khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin trên địa bàn tỉnh.

4.5. Giải pháp bảo vệ môi trường và khoa học công nghệ

- Việc thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư hoạt động khoáng sản phải gắn liền với phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Nâng cao trách nhiệm của ngành chức năng về quản lý: Tài nguyên, môi trường, công nghệ khai thác, sử dụng khoáng sản, an toàn lao động trong khai thác, sử dụng khoáng sản:

+ Thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các doanh nghiệp không chấp hành đúng pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như không thực hiện đúng nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường trong thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.

+ Các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc đóng phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trước khai thác và thực hiện việc phục hồi môi trường, hoàn thổ sau khi hoạt động khai thác khoáng sản kết thúc.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng nhằm sử dụng các công nghệ khai thác khoáng sản hợp lý nhất, các công nghệ sạch trong sàng tuyển và sử dụng khoáng sản. Khuyến khích các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến về khai thác, sử dụng sâu khoáng sản. Không cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho các nhà đầu tư không có năng lực, kinh nghiệm.

- Áp dụng các tiêu chuẩn cho phép của nhà nước về chất lượng phế thải đưa vào bãi thải, chất lượng nước thải, nồng độ khí độc, nồng độ bụi được phép thải vào không khí, các tiêu chuẩn về nổ mìn,...

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Công Thương: Có trách nhiệm công bố quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin đến các ngành, địa phương và đơn vị liên quan; theo dõi và giám sát việc thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt. Định kỳ hàng năm theo dõi, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh. Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển ổn định và bền vững trong hoạt động khoáng sản của tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện việc điều tra cơ bản, quản lý và lưu trữ số liệu địa chất nguồn khoáng sản kaolin, felspat, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương có khoáng sản này để khảo sát, xác định vị trí ngoài thực địa phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, tham mưu cấp phép thăm dò, khai thác, bảo vệ khoáng sản theo quy định;

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các đơn vị vi phạm các nội dung quy định về thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản kao lin, felspat, sét kao lin trên địa bàn tỉnh và các quy định khác có liên quan;

Chủ động lập kế hoạch phối hợp với các ngành, các huyện trong tỉnh để tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản theo quy định.

3. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các ngành liên quan triển khai cụ thể các nội dung, giải pháp của quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin.

4. Sở giao thông vận tải: chủ trì lập quy hoạch đầu tư các tuyến đường vận chuyển phục vụ yêu cầu giao thông vận tải cho phát công nghiệp khai thác, sử dụng kaolin, felspat của tỉnh, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về vận tải đối với các chủ phương tiện vận tải tham gia khai thác, vận chuyển khoáng sản

5. Công an tỉnh: chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất trong khai thác, vận chuyển khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, tổ chức kiểm tra ngay các trường hợp khai thác trái phép, khai thác gây ô nhiễm môi trường khi nhân dân phát hiện báo tin để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

6. Các Sở Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính và các Sở, ngành liên quan: Chủ động phối hợp với Sở Công Thương, trong việc triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch, xây dựng, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn:

- Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản kể cả tài nguyên khoáng sản đang khai thác và chưa khai thác; đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn quản lý. Hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu xin hoạt động khoáng sản theo đúng quy hoạch này.

- Phối hợp với các Sở, ngành chức năng trong công tác kiểm tra, hậu kiểm; tăng cường công tác giám sát các cơ sở khai thác, sử dụng khoáng sản nhóm nguyên liệu kaolin, felspat, sét kaolin về việc chấp hành quy trình công nghệ khai thác, sử dụng, về bảo vệ môi trường đã được thẩm định và nghĩa vụ đối với nhà nước, địa phương. Hàng năm đăng ký, bổ sung các điểm khoáng sản mới phát hiện với Sở Công Thương để tổng hợp đưa vào quy hoạch chung của tỉnh để thực hiện.

8. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đang nghiên cứu thăm dò, quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản:

- Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có liên quan;

- Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động và trật tự xã hội trong quá trình hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật;

- Hoạt động khai thác phải đúng với quyết định phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế mỏ; bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và cảnh quan trong và sau khi khai thác; phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

- Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác gây ra theo quy định của pháp luật; thực hiện các quy định về quản lý hành chính, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;

- Chỉ được phép tiến hành khai thác trong phạm vi được cấp phép; thực hiện nghiêm túc việc đóng phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trước khai thác và thực hiện việc phục hồi môi trường, hoàn thổ sau khi hoạt động khai thác khoáng sản kết thúc.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký,

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân liên quan căn cứ quyết định thi hành ./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Hòa Bình

 





Nghị định 15/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản Ban hành: 09/03/2012 | Cập nhật: 13/03/2012